Thâm nhập “chợ” chứng chỉ hành nghề y, dược trên mạng:

Kỳ 2: Từ “chợ” online đến các đường dây làm giả tinh vi

Thứ Năm, 15/05/2025 12:15

|

(CATP) Sau khi ghi nhận thực trạng mua bán, cho thuê CCHN y, dược diễn ra công khai trên mạng, PV tiếp tục thâm nhập sâu hơn vào các “sàn giao dịch” ngầm và tìm hiểu quy mô, thủ đoạn của các đường dây làm giả giấy tờ, bằng cấp nói chung, trong đó có CCHN. Đồng thời, nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến sử dụng CCHN giả hoặc thuê mượn đã bị phanh phui trong thời gian qua, cho thấy tính chất phức tạp và dai dẳng của vấn đề này.

TỪ "SÀN" NGẦM ĐẾN CÁC ĐƯỜNG DÂY QUY MÔ LỚN

Không chỉ dừng lại ở các hội nhóm công khai, hoạt động mua bán, làm giả CCHN còn diễn ra trong các nhóm chat kín trên Zalo, Telegram hoặc qua các mối giới thiệu riêng. Tại đây, các đối tượng hoạt động cẩn trọng hơn, thường yêu cầu người mua phải được "người quen" giới thiệu hoặc phải chứng minh "nhu cầu thật". Giá cả làm giả CCHN tại các "sàn" này cũng cao hơn, nhưng được cam kết về độ tinh vi và khả năng "qua mặt" cơ quan chức năng.

Một đầu mối tên K. (liên hệ qua giới thiệu) cho biết có thể làm được hầu hết các loại CCHN y, dược, kể cả CCHN của các chuyên khoa sâu như phẫu thuật thẩm mỹ, tim mạch can thiệp... với giá từ 50 triệu đồng trở lên. K. khẳng định sử dụng "phôi gốc" tuồn ra từ "nguồn nội bộ", chữ ký và con dấu được làm giả bằng công nghệ cao nên "mắt thường không thể phân biệt". Đối tượng này còn khoe đã cung cấp CCHN giả cho nhiều chủ phòng khám, nhà thuốc tại các thành phố lớn.

Bị can Nguyễn Tất Thắng bị bắt vì hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức

Thực tế, vấn nạn làm giả giấy tờ, bằng cấp nói chung đã và đang bị lực lượng Công an trên cả nước đấu tranh quyết liệt. Quy mô của các đường dây này thường rất lớn, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia với công nghệ làm giả ngày càng tinh vi. Mới đây, vào sáng 29/4/2025, Phòng CSHS Công an TPHCM cho biết vừa khám phá thành công vụ án “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, xảy ra tại P.Bình Hưng Hòa B (Q.Bình Tân, TPHCM) và tỉnh Đồng Nai. Các đối tượng bị bắt giữ, gồm: Nguyễn Tất Thắng (SN 1985), Đặng Đức Thịnh (SN 1997), Đặng Anh Thư (SN 2003), Lê Văn Thọ (SN 1987), Lầm Sắm Vảy (SN 1992, cùng ngụ tỉnh Đồng Nai), Kiều Văn Nguyên (SN 1992, ngụ Bến Tre), Đỗ Thị Dịu Hiền (SN 1997, ngụ Gia Lai).

Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Tất Thắng là nhân viên của bưu cục chuyển hàng. Tháng 9/2024, trong quá trình giao hàng, Thắng biết một người tên Vũ chuyên làm giả bằng cấp, tài liệu nên đề nghị hợp tác. Từ tháng 10/2024, Vũ chỉ đạo Thắng thuê căn nhà không số tại tổ 15, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) làm nơi sản xuất tài liệu giả, đồng thời cung cấp máy móc, thiết bị. Bị can Thắng sau đó rủ thêm Thịnh, Thư và Vảy (cùng làm chung bưu cục) tham gia.

Bị cáo Ke Jin Peng, người chỉ đạo nhân viên làm giả hồ sơ giấy tờ để hợp thức hóa phòng khám có các “bác sĩ” người nước ngoài

Chiều tối 21/4/2025, theo chỉ đạo của Vũ, các đối tượng đang giao giấy tờ giả cho Kiều Văn Nguyên và Đỗ Thị Dịu Hiền thì bị lực lượng CSHS kiểm tra, bắt quả tang. Tiến hành khám xét nơi sản xuất, Công an thu giữ gần 3.000 phôi GPLX, CCCD, hàng trăm bằng cấp, giấy tờ giả, 30 con dấu các loại cùng nhiều trang thiết bị.

Trước đó, vào ngày 13/4/2025, lực lượng CSHS CATP.Đà Nẵng cũng đã bắt giữ Đinh Hồng Hải và di lý 3 đối tượng khác trong đường dây làm giả con dấu, tài liệu từ TPHCM về Đà Nẵng để điều tra. Theo thông tin ban đầu, sau khi nhận tin báo của bà H. (52 tuổi, ngụ Hà Nội) về việc bị đối tượng giả danh cán bộ điều tra lừa đảo chiếm đoạt 481 triệu đồng (qua các cuộc gọi đe dọa từ ngày 10/4/2025), CATP.Đà Nẵng đã điều tra và phát hiện đường dây làm giả giấy tờ quy mô lớn này. Đến trưa 11/4/2025, lực lượng chức năng xác định nghi phạm là Đinh Hồng Hải (29 tuổi, ngụ TP.Đà Nẵng). Hải đã thừa nhận hành vi lừa đảo. Khám xét nơi ở của Hải, Công an còn phát hiện các phương tiện, thiết bị nghi liên quan đến làm giả giấy tờ. Mở rộng điều tra, lực lượng CSHS Đà Nẵng xác định 3 đối tượng liên quan trực tiếp tại TPHCM là Trương Khánh Duy (30 tuổi), Trần Quang Tuấn (30 tuổi, quê Quảng Nam) và Huỳnh Phát Đạt (27 tuổi, quê Kiên Giang), tất cả cùng cư trú tại xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn.

HỆ LỤY KHÓ LƯỜNG

Việc sử dụng CCHN giả mạo hoặc thuê, mượn CCHN của người khác để hợp thức hóa hoạt động không chỉ dừng lại ở các giao dịch ngầm trên mạng hay trong các đường dây tội phạm. Đáng báo động hơn, nó đã len lỏi sâu vào hoạt động thực tế của không ít cơ sở y, dược tư nhân, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng và trực tiếp đe dọa đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người dân.

Chuyên đề Công an TPHCM cùng nhiều cơ quan báo chí khác đã nhiều lần đăng tải các bài viết phản ánh về việc lực lượng chức năng (Thanh tra Sở Y tế, Công an kinh tế, Quản lý thị trường...) kiểm tra, phát hiện hàng loạt cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là các thẩm mỹ viện, phòng khám nha khoa hoạt động không phép, hoặc có phép nhưng phạm vi hoạt động chuyên môn không đúng với giấy phép được cấp. Trong đó, có không ít trường hợp nhân viên tại các cơ sở này tự xưng là "y, bác sĩ, điều dưỡng" nhưng thực chất không đủ trình độ chuyên môn, không có bằng cấp hoặc thậm chí sử dụng CCHN giả mạo để qua mặt khách hàng và cơ quan quản lý.

Chứng chỉ hành nghề, giấy tờ giả

Nhiều cơ sở nha khoa thẩm mỹ mọc lên như nấm sau mưa, quảng cáo rầm rộ các dịch vụ làm răng sứ, niềng răng, cấy ghép implant... với những lời lẽ "có cánh" và hình ảnh bắt mắt. Tuy nhiên, thực tế người trực tiếp thực hiện các thủ thuật xâm lấn, đòi hỏi tay nghề cao này tại một số cơ sở lại là những người chưa từng được cấp CCHN Răng Hàm Mặt, hoặc sử dụng bằng cấp, chứng chỉ được làm giả một cách tinh vi. Hậu quả là không ít trường hợp khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ đã gặp phải những biến chứng nguy hiểm, từ nhiễm trùng, tổn thương dây thần kinh cho đến những hậu quả thẩm mỹ nặng nề, "tiền mất tật mang".

Điển hình cho việc sử dụng giấy tờ giả để hợp thức hóa hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) là vụ TAND TP.Đà Nẵng xét xử và tuyên phạt một nhóm bị cáo về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Các bị cáo gồm: Ke Jin Peng (quốc tịch Trung Quốc) bị tuyên phạt 5 năm tù, Nguyễn Thị Thúy (ngụ Đà Nẵng) 4 năm tù, Diệp Lệ Ngọc (ngụ TPHCM) 3 năm 6 tháng tù.

Theo cáo trạng, từ năm 2018 đến tháng 6/2023, Ke Jin Peng và Nguyễn Thị Thúy đã nhiều lần thông qua Diệp Lệ Ngọc để làm giả tổng cộng 21 giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch tiếng Trung Quốc trong lĩnh vực KBCB. Sau khi có được những giấy tờ giả này, Ke Jin Peng đã thuê người đứng tên thành lập Phòng khám đa khoa Hữu Thọ (sau này đổi tên thành Phòng khám đa khoa Miền Trung), từ đó tạo điều kiện cho nhiều bác sĩ người Trung Quốc không đủ điều kiện, không có CCHN hợp pháp tại Việt Nam tham gia hoạt động KBCB trong suốt nhiều năm, thu lợi bất chính và gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.

Bên cạnh đó, tình trạng các nhà thuốc, quầy thuốc bán lẻ hoạt động dựa vào CCHN dược sĩ đi thuê cũng diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là ở các vùng ven hoặc các khu vực ít bị kiểm tra. Mặc dù quy định của pháp luật yêu cầu dược sĩ phụ trách chuyên môn phải có mặt tại nhà thuốc trong suốt thời gian hoạt động để trực tiếp quản lý, tư vấn và bán thuốc theo đơn. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều nơi, dược sĩ chỉ "cho thuê tên", treo bằng để hợp thức hóa việc mở nhà thuốc, còn người trực tiếp đứng bán thuốc, tư vấn sử dụng thuốc cho bệnh nhân lại là dược tá, nhân viên bán hàng không có đủ trình độ chuyên môn, hoặc thậm chí là những người chưa từng qua đào tạo về y dược.

Một trường hợp điển hình cho tình trạng này được người dân phản ánh là Nhà thuốc Thiên Châu nằm trên đường Ba Tơ, P7Q8 (TPHCM). Theo thông tin, nhà thuốc này đã sử dụng CCHN thuê được của một người tên Nguyễn Hồ Yến Như (số CCHN 1049/ CCHN-D-SYT-HCM) để hoạt động. Đáng nói, dược sĩ này chưa từng có mặt tại nhà thuốc, để cho người không có chuyên môn trực tiếp bán thuốc, đặc biệt là các loại thuốc kê đơn, dược chất gây nghiện hay thuốc trong danh mục chất bị cấm... Điều này tiềm ẩn nguy cơ tư vấn sai lệch về liều dùng, cách dùng, tương tác thuốc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Đây là một trong vô số ví dụ về cách các nhà thuốc tư nhân nhỏ lẻ tìm cách "lách luật" để tồn tại, bất chấp những rủi ro mà họ gây ra cho cộng đồng.

Những vụ việc cụ thể nêu trên, cùng với hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức của các đường dây làm giả giấy tờ, CCHN, cho thấy tính chất phức tạp và mức độ nguy hiểm của vấn nạn này. Việc kiểm soát và ngăn chặn không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Y tế hay lực lượng Công an, mà đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ tất cả các cơ quan chức năng có liên quan, cũng như sự cảnh giác và tố giác từ chính người dân.

Theo Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau: Người nào sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 đến 5 năm: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm; Thu lợi bất chính 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 đến 7 năm: Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Như vậy, người nào làm giả con dấu, tài liệu của của cơ quan tổ chức tùy theo tính chất và mức độ phạm tội mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị truy cứu mức cao nhất là 7 năm tù, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền lên đến 50 triệu đồng.

Thâm nhập
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang