(CATP) Thời gian gần đây, thông tin về việc mua bán, thậm chí cho thuê chứng chỉ hành nghề (CCHN) trong lĩnh vực y, dược diễn ra công khai trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng. Để làm rõ thực trạng này, nhóm phóng viên (PV) đã vào cuộc điều tra. Ghi nhận ban đầu cho thấy, việc tiếp cận và giao dịch các loại giấy tờ này dễ dàng đến khó tin.
Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội không chỉ là nơi kết nối, chia sẻ thông tin mà còn trở thành một "khu chợ" đa dạng, nơi nhiều loại hàng hóa, dịch vụ được quảng bá, giao dịch, bao gồm cả những dịch vụ bất hợp pháp.
"Chợ" chứng chỉ náo nhiệt trên mạng
Chỉ cần sử dụng các từ khóa tìm kiếm đơn giản như "thuê chứng chỉ dược sĩ”, "làm CCHN y khoa", "mua chứng chỉ điều dưỡng", "cần bằng y học cổ truyền - YHCT"... trên các nền tảng phổ biến như Facebook, Zalo, Telegram, kết quả trả về là hàng loạt các trang, nhóm (group), tài khoản cá nhân đăng tải thông tin liên quan.
Các bài đăng được viết với ngôn ngữ mời chào công khai: "Em có CCHN dược sĩ đại học chính chủ, cần hợp tác dài hạn, giá thỏa thuận", "Nhận làm nhanh các loại CCHN Y - Dược - Nha khoa - YHCT, phôi thật, bao soi chiếu toàn quốc, liên hệ Zalo...", "Cung cấp CCHN điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm, không cần bằng cấp, chỉ cần thông tin, 5 ngày có”... xuất hiện với tần suất dày đặc và liên tục được cập nhật.
Để tìm hiểu sâu hơn, trong vai một người vừa tốt nghiệp đại học ngành dược, đang cần CCHN để hoàn thiện hồ sơ mở quầy thuốc tại TPHCM, PV đã thử tham gia vào một số hội nhóm trên Facebook có tên gọi khá công khai như "Cho thuê Chứng chỉ hành nghề dược sĩ TPHCM", "Hội Dược sĩ Việt Nam - Chia sẻ kinh nghiệm", "Việc làm ngành y, dược"... Bên trong các nhóm này, có nhóm công khai, nhóm kín yêu cầu xét duyệt thành viên, nhưng điểm chung là không khí "giao dịch" diễn ra hết sức sôi động. Hàng ngày có hàng chục bài đăng mới từ cả phía "cung" (người có CCHN muốn cho thuê hoặc các đầu mối làm giả) và phía "cầu" (người cần thuê hoặc mua).

Con dấu, giấy tờ trong đường dây làm giả văn bằng, chứng chỉ bị lực lượng chức năng phát hiện, triệt xóa
Thông tin về giá cả cũng khá đa dạng. Đối với việc thuê CCHN, giá cho CCHN dược sĩ đại học tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội thường dao động từ 5 - 8 triệu đồng/tháng, có nơi lên đến 10 triệu đồng/tháng nếu yêu cầu "bao" luôn việc đứng tên chịu trách nhiệm pháp lý hoàn toàn cho cơ sở. CCHN dược sĩ cao đẳng, trung cấp hoặc CCHN điều dưỡng, kỹ thuật viên có giá thuê thấp hơn, thường từ 2 - 5 triệu đồng/tháng. Các giao dịch thường yêu cầu ký hợp đồng thuê dài hạn (ít nhất 6 tháng hoặc 1 năm) và đặt cọc trước từ 1 đến 3 tháng tiền thuê.
PV chủ động nhắn tin qua Zalo cho một tài khoản có tên "Dược sĩ H." đăng tin cho thuê CCHN dược sĩ đại học tại quận Bình Thạnh (TPHCM). Người này nhanh chóng phản hồi và báo giá 7 triệu đồng/tháng, hợp đồng tối thiểu 1 năm, cọc 2 tháng. Khi PV hỏi về tính pháp lý và rủi ro, người đàn ông tên H. khẳng định, CCHN là "thật 100%", do chính ông đứng tên, có đầy đủ hồ sơ gốc tại Sở Y tế. Ông này giải thích do đang làm việc khác, không có nhu cầu mở nhà thuốc nên cho thuê lại để kiếm thêm thu nhập. Về việc đối phó kiểm tra, ông H. tỏ ra rất kinh nghiệm: "Anh cứ yên tâm treo bằng ở nhà thuốc. Lúc nào có đoàn kiểm tra đột xuất thì báo tôi chạy qua là được, hoặc không thì tôi làm giấy ủy quyền cho anh đứng tên quản lý trực tiếp. Luật giờ họ cũng thoáng hơn rồi, miễn có dược sĩ chịu trách nhiệm là được".
Khi PV tỏ ý băn khoăn về mức giá thuê, ông H. tiếp tục thuyết phục về rủi ro khi mua CCHN giả: "Giá làm giả có thể lên đến 20 - 30 triệu đồng. Nhiều người đã mua phải loại này, dù người bán cam kết "bao soi chiếu" nhưng sau khi nhận tiền thường biến mất, để lại CCHN kém chất lượng, dễ bị phát hiện nên mất tiền oan". Lời mời chào đầy tự tin của ông H. cho thấy hoạt động này dường như đã trở nên quá quen thuộc và bình thường đối với những người trong cuộc.
Thủ đoạn tinh vi, giao dịch dễ dàng
Không chỉ dừng lại ở việc cho thuê CCHN thật, thị trường làm giả CCHN cũng hoạt động vô cùng sôi động và ngày càng tinh vi. PV tiếp tục vào vai một người có nhu cầu mua CCHN YHCT để mở phòng khám tư nhân. Liên hệ với một tài khoản Zalo quảng cáo "Làm chứng chỉ các ngành", PV được một người phụ nữ báo giá 25 triệu đồng cho một CCHN y sĩ YHCT. Người này yêu cầu PV cung cấp ảnh thẻ 4x6, ảnh chụp CCCD hai mặt và thông tin cá nhân cơ bản (họ tên, ngày sinh, nơi sinh).
Sau khi nhận đủ thông tin, PV được yêu cầu chuyển khoản trước 50% tiền cọc. Số tiền còn lại sẽ thanh toán khi nhận hàng qua dịch vụ chuyển phát nhanh hoặc giao dịch trực tiếp nếu ở cùng thành phố. Để tăng độ tin cậy, người phụ nữ này không ngần ngại gửi cho PV xem hàng loạt hình ảnh các CCHN giả của nhiều chuyên ngành khác nhau (Y đa khoa, Răng hàm mặt, dược, điều dưỡng...) mà đường dây của họ đã làm cho khách hàng trước đó. Các hình ảnh cho thấy CCHN giả được làm khá giống thật về bố cục, màu sắc, phông chữ.

CCHN giả rao bán tràn lan trên mạng với giá 20-30 triệu đồng
Người này cam kết chắc nịch: "Bên em làm bằng phôi chuẩn của Bộ Y tế, dấu má chuẩn chỉnh, tem chống giả bảy màu đầy đủ. Anh cứ mang đi soi chiếu thoải mái, bảo đảm không phát hiện được. Làm xong em gửi ảnh cho anh xem trước, ok mới gửi hàng". Khi PV tỏ ý lo ngại về việc thông tin cá nhân có thể bị lộ hoặc sử dụng vào mục đích khác, người này trấn an: "Bên em làm ăn uy tín, bảo mật tuyệt đối thông tin khách hàng. Làm xong là xóa hết dữ liệu, anh yên tâm".
Toàn bộ quá trình trao đổi, thỏa thuận giá cả, gửi thông tin và đặt cọc đều diễn ra nhanh chóng qua Zalo và ứng dụng ngân hàng/ví điện tử, cho thấy sự dễ dàng đáng báo động của việc mua bán giấy tờ giả trong thời đại công nghệ.

Nhóm đối tượng làm giả giấy tờ bị Công an TP.Đà Nẵng bắt giữ
Theo ghi nhận thực tế, các đối tượng làm giả, mua bán CCHN thường sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng và người mua. Chúng lập ra nhiều tài khoản ảo, fanpage, hội nhóm trên mạng xã hội, liên tục thay đổi số điện thoại, tài khoản ngân hàng. Các giao dịch thường được thực hiện trực tuyến, sử dụng dịch vụ giao hàng ẩn danh hoặc hẹn gặp ở những địa điểm công cộng. Cá biệt, một số đường dây còn xây dựng cả website riêng với giao diện chuyên nghiệp để quảng cáo và nhận đơn hàng. Sự tinh vi không chỉ ở khâu giao dịch mà còn ở kỹ thuật làm giả. Chúng đầu tư máy móc hiện đại, nghiên cứu kỹ các đặc điểm bảo mật của CCHN thật như hoa văn chìm, mực đổi màu, tem hologram... để tạo ra sản phẩm giả ngày càng khó phân biệt.
Vậy tại sao thị trường này lại có đất sống? Ngoài lòng tham và sự bất chấp pháp luật của các đối tượng làm giả, không thể không nhắc đến nhu cầu từ một bộ phận không nhỏ những người muốn có CCHN để mở nhà thuốc, phòng khám... Việc một cá nhân không đủ trình độ, thông qua CCHN giả hoặc đi thuê không chỉ vi phạm pháp luật mà còn trực tiếp đe dọa sức khỏe cộng đồng. Thực trạng nhức nhối này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các cơ quan quản lý và sự thay đổi nhận thức từ chính những người đang có ý định sử dụng các "dịch vụ” phi pháp này.
CCHN y, dược: Là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Bộ Y tế hoặc Sở Y tế) cấp cho người có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để được hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) hoặc hành nghề dược. Đây là điều kiện pháp lý bắt buộc để hành nghề độc lập.
Theo quy định tại Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, các hành vi vi phạm liên quan đến việc cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề KBCB sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cụ thể như sau:
Với mức phạt tiền: Theo Khoản 7 Điều 38, mức phạt tiền đối với hành vi cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề KBCB là từ 30 - 40 triệu đồng. Điều quan trọng cần lưu ý là mức phạt tiền này áp dụng cho cá nhân vi phạm. Đối với tổ chức, mức phạt sẽ gấp đôi so với mức phạt đối với cá nhân có hành vi vi phạm tương tự.
Về hình thức xử phạt bổ sung: Theo Khoản 8 Điều 38, người vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề KBCB trong các khoảng thời gian khác nhau, tùy vào mức độ vi phạm. Trong đó, tước quyền sử dụng chứng chỉ từ 22 đến 24 tháng đối với các hành vi cho thuê hoặc mượn chứng chỉ hành nghề, cùng các hành vi vi phạm nghiêm trọng khác. Đặc biệt, nếu là người nước ngoài tái phạm hành vi cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề, sẽ bị trục xuất khỏi Việt Nam.
(Còn tiếp...)