Là một tăng sĩ trẻ yêu nước, mến đạo, không thể ngồi yên nhìn cảnh đàn áp bắn phá, phong tỏa chùa chiền, bắt bớ hàng ngàn tăng ni, phật tử của chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, với chí nguyện đem thân làm đuốc soi sáng u minh, tình người thức tỉnh, Đại đức Thích Quảng Hương đã lặng lẽ từ giã tăng ni và phật tử ở Đắk Lắk, bỏ lại sau lưng những Phật sự còn dang dở cùng lòng tôn kính đợi chờ của phật tử ở các vùng dinh điền ngày đêm bị chèn ép, kỳ thị trong vòng rào ấp chiến lược, tìm cách về Sài Gòn trình sở nguyện của mình lên chư tôn giáo phẩm trong Ủy ban tranh đấu Phật giáo. Sau khi nhận được sự cho phép, lúc 12 giờ 25 phút ngày 05/10/1963 (nhằm 18/8 năm Quý Mão), ngọn lửa Thích Quảng Hương đã bùng cháy tại Công trường Diên Hồng, bùng binh Chợ Lớn - Sài Gòn (nay là vòng xoay Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành), thêm lời cảnh báo cho chế độ Ngô Đình Diệm tàn bạo và thêm sức mạnh cho Phật giáo đồ quyết tâm hy sinh bảo vệ đạo pháp, chủ quyền dân tộc.
KHÍ TIẾT OANH LIỆT CỦA VỊ CHÂN TU
Đại đức Thích Quảng Hương tục danh là Nguyễn Ngọc Kỳ, đạo hiệu Bảo Châu, sinh ngày 28/7/1926 tại xã An Ninh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Năm 1940, người anh xuất gia theo nhà Phật nên thầy cũng thường xuyên lui tới chùa để tụng kinh sám hối và học kinh. Năm 1943, nhận thấy cơ duyên hộ pháp, thực thi công hạnh qua giai đoạn của một cư sĩ phật tử đạt nhiều thành tựu và đã có các đạo hữu khác kế thừa, ngày 26/5 ngài quyết định đến cầu xuất gia với Hòa thượng Minh Lý - trụ trì chùa Quang Sơn ở thôn Phong Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An - được hòa thượng ban pháp danh là Nguyên Diệu.

Ngày 5 tháng 10 năm 1963, Đại đức Thích Quảng Hương tự thiêu trước chợ Bến Thành
Năm 1947, ngài hiệp lực cùng năm đại đức khác thành lập Chi hội Phật học tại thôn An Đức, xã An Thành, huyện Tuy An. Đây là một địa phương Phật học phát triển chậm nhất trong tỉnh Phú Yên thời bấy giờ và nhờ tài tổ chức khéo léo cùng uy tín vang rộng của ngài, nhiều chư tăng, phật tử tại đây đã tìm đến. Hai năm sau, lúc 23 tuổi, ngài cầu pháp và thọ cụ túc giới với Hòa thượng Liên Tôn - kế vị trụ trì chùa Quang Sơn, được ban pháp tự là Quảng Hương, hiệu Bảo Châu. Cùng năm ấy, ngài lại được nhận chức Thư ký Chi hội Phật học xã An Hiệp.
Năm 1950, do phải nhận cùng lúc nhiều nhiệm vụ và di chuyển liên tục để điều hành tổ chức, sức khỏe có chiều hướng suy kiệt trầm trọng, được các phật tử khuyên nên dành thời gian tịnh dưỡng để sớm phục hồi, có điều kiện tiếp tục đạo pháp lâu dài, sau khi sắp đặt bàn giao các chức trách, ngài đến Phan Thiết chữa bệnh. Tháng 8/1950, tuy chưa bình phục hoàn toàn nhưng vì lo tri thức Phật pháp chưa cao để có thể đảm đương các trọng trách mai sau, ngài xin nhập học tại Phật học viện Hải Đức, Nha Trang. Từ cơ duyên này, sở học Phật pháp của ngài càng được nâng cao một cách nhanh chóng.
Từ đó, ngài lại chuyên tâm học tập, trở thành giảng sư và đạt nhiều thành tựu đáng kể, được khắp nơi biết đến. Đó là khoảng thời gian sau chấn hưng, Phật giáo phát triển nên rất cần nhiều pháp sư tài giỏi cả về đức lẫn trí, có tinh thần phóng khoáng, phù hợp và ngài đã đáp ứng được các tiêu chí trên một cách xuất sắc.
Năm 1959, ngài được Hòa thượng Thích Trí Thủ - Giám viện Phật học Viện Nha Trang - tin tưởng tiến cử làm giảng sư chuyên trách cho Tỉnh hội Phật giáo Đà Lạt. Như vậy, thuận duyên hoằng pháp của ngài đã mở ra chân trời thành tựu to lớn. Hai năm sau, ngài được Hòa thượng Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam cử trụ trì Chùa sắc tứ Khải Đoan. Đây là ngôi chùa lớn nhất TP. Buôn Ma Thuột và cả tỉnh Đắk Lắk. Vào thời ấy, tại tỉnh này chỉ có 5 ngôi chùa: Sắc tứ Khải Đoan (trụ sở Tỉnh hội), Châu Phong (Quảng Nhiêu, nay là huyện Cư MGar), Nam Thiên (Đạt Lý, nay là xã Hòa Thuận), Tây Thiên (Đồn điền cao su CHPI, nay là phường Tân Lập) và Đông Độ (Meval); trong khi đó, đồng bào ta (gồm nhiều phật tử) từ các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... bị chính quyền Ngô Đình Diệm cưỡng ép đưa lên Đắk Lắk để khẩn hoang lập ấp, gọi là vùng dinh điền. Đời sống bà con ở các nơi ấy, về kinh tế nhờ thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ nên cuộc sống tạm ổn định; song về mặt tinh thần thì lúc nào cũng bị đe dọa, bức bách, nhất là các phật tử thường bị phân biệt đối xử, kỳ thị. Phật tử muốn lập chùa (dù là mái tranh vách nứa) cũng phải đấu tranh năm lần bảy lượt với chính quyền mới được, nhưng phải cất ngoài hàng rào ấp chiến lược, có nơi dễ hơn thì cho cất trong hàng rào nhưng phải ở tận sâu cùng của ấp chiến lược.

Đại đức Thích Quảng Hương
Năm 1963, trước phong trào đấu tranh đòi bình đẳng và tự do tôn giáo, chủ quyền dân tộc của Phật giáo miền Nam ngày càng quyết liệt, hình ảnh tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963 đã làm chấn động toàn thế giới, hàng triệu tăng ni phật tử từ già đến trẻ đều tình nguyện hy sinh cho đạo pháp bằng những cuộc biểu tình, tuyệt thực đình công bãi khóa, tự thiêu.
Lúc 12 giờ 30 ngày 05/10/1963, tại Công trường Diên Hồng, trước cửa Nam chợ Bến Thành, trong lúc lực lượng an ninh của chính quyền Diệm đang bố trí, canh phòng nghiêm ngặt để ngăn những cuộc biểu tình của quần chúng thì ngọn lửa sáng lòa bất ngờ bốc lên làm cháy sém cả hàng cây trong công trường. Mọi người qua đường dừng lại, các ký giả ngoại quốc ráo riết tác nghiệp, trong khi cảnh sát, mật vụ đổ xô về nơi xuất hiện ngọn lửa. Mười phút sau, quần chúng bao quanh công trường bị đẩy dạt ra, cảnh sát phủ kín mặt đường. Máy quay phim, chụp hình bị đập nát, một vài ký giả ngoại quốc bị đánh gãy tay, tét đầu nằm vật xuống. Thế rồi một thi hài cháy đen được đưa ra từ phía công trường, đẩy lên xe mang đi biệt tích.
Tất cả xảy ra chưa đầy 30 phút, vậy mà đã in hằn nỗi đau trong tâm khảm mọi người, ghi đậm dấu ấn trên trang sử tranh đấu dũng liệt của một dân tộc yêu chuộng tự do, bất khuất trước bạo lực.
Vụ tự thiêu của Đại đức Thích Quảng Hương lúc bấy giờ là sự kiện quan trọng gây tiếng vang lớn trên thế giới, Tổng thống Mỹ John Kennedy khi ấy đã chỉ trích chính quyền Ngô Đình Diệm, Ngoại trưởng Dean Rusk yêu cầu nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm phải xin lỗi Hoa Kỳ và bồi thường các ký giả bị mật vụ đánh đập.
Hành động tử vì đạo của Đại đức Thích Quảng Hương diễn ra ngay sau sự kiện nữ sinh viên Quách Thị Trang bị bắn chết trước chợ Bến Thành ngày 25/8/1963 dẫn đến làn sóng bãi thị, lãn công càng bùng phát dữ dội và sự kiện Phật giáo đấu tranh cho nguyện vọng bình đẳng, tự do lại hóa thành cuộc Cách mạng lớn, không còn của riêng ai trước sự cai trị của chính quyền Ngô Đình Diệm. Cũng chính tại nơi này, nữ sinh viên Quách Thị Trang đã ngã xuống trước viên đạn ác nghiệt bạo quyền, tự châm lên ngọn lửa đốt cháy thân mình, thành ngọn lửa thứ 6 của dũng lực, hy sinh thân mình để tựu thành tinh thần bất diệt của hạnh Bồ Tát.

Tượng đồng chân dung Đại đức Thích Quảng Hương
ĐÚC TƯỢNG THỜ Ở TỔ ĐÌNH QUANG SƠN, NƠI ĐẠI ĐỨC XUẤT GIA
Ngưỡng mộ và cảm kích trước tấm gương hy sinh anh dũng vì đạo pháp của Đại đức Thích Quảng Hương, nhà sử học Phan Ngọc Dũng đã đúc tượng đồng bằng đúng kích thước người thật của ngài vào năm 2023, tròn 60 năm ngày giỗ của ngài, tại Tổ đình Quang Sơn. Vì ngài có người em song sinh vẫn còn sống ở thời điểm dựng tượng nên tượng hoàn thành được cho là rất giống với tướng mạo thật của Đại đức Thích Quảng Hương ngoài đời.
Chính ngọn lửa thiêng đầu tiên của Bồ tát Thích Quảng Đức đã thổi bùng lên tinh thần đấu tranh bất khuất của đông đảo tăng ni, phật tử và bao lớp người yêu nước, thúc đẩy phong trào Cách mạng của miền Nam, dẫn đến nhiều thắng lợi to lớn và trong số 11 gương hy sinh cao cả của giới tăng ni Phật giáo thời kỳ này thì Đại đức Thích Quảng Hương là ngọn đuốc lớn đã thắp sáng niềm tin đấu tranh của Phật giáo ở Sài Gòn lúc bấy giờ.
Năm đó, ngài 37 tuổi đời, 20 tuổi đạo, giới lạp trải 14 mùa Hạ.
(CATP) Trên dải đất hình chữ S thân yêu, nơi Phật giáo đã gắn bó và đồng hành cùng dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử, có biết bao tấm gương tu sĩ đã xả thân vì nước, vì đạo trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Họ không chỉ là những bậc chân tu uyên thâm giáo lý, mà còn là những chiến sĩ Cách mạng kiên cường, mang lý tưởng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong số đó, Đại đức Thích Giác Lượng là một bông hoa sen nở giữa lửa đạn chiến tranh, minh chứng hùng hồn cho tinh thần nhập thế "việc đạo không rời việc đời" của Phật giáo Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Sử học PHAN NGỌC DŨNG