Tháng 5 yêu thương lại về trên khắp mọi miền đất nước, trong không khí hân hoan chào đón Đại lễ Phật đản - Vesak 2025 tại TPHCM, đặc biệt trong dịp trọng đại này, người dân và phật tử khắp nơi sẽ có cơ duyên được chiêm bái xá lợi trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức tại Việt Nam Quốc Tự, Quận 10. Đây là sự kiện vô cùng ý nghĩa, không chỉ là niềm vinh hạnh lớn lao đối với cộng đồng Phật giáo mà còn là dịp để mỗi người con đất Việt cùng nhìn lại một giai đoạn lịch sử hào hùng - nơi ngọn lửa từ bi và tinh thần yêu nước của Phật giáo đã trở thành biểu tượng bất diệt, góp phần vào dòng chảy đấu tranh chung của dân tộc vì hòa bình và công lý.
VIỆT NAM QUỐC TỰ - BIỂU TƯỢNG TỪ CUỘC ĐẤU TRANH LỊCH SỬ
Việt Nam Quốc Tự nằm trên đường 3/2, Quận 10, không chỉ là trụ sở của Giáo hội Phật giáo TPHCM mà còn là một chứng tích lịch sử quan trọng. Ngôi chùa này được xây dựng từ năm 1963, sau cuộc đấu tranh bất bạo động phản đối chính sách bất bình đẳng tôn giáo tại miền Nam. Tòa tháp Đa Bảo uy nghiêm 13 tầng trong khuôn viên chùa cao 63m là nơi sẽ tôn thờ xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức. Tháp mang ý nghĩa biểu tượng cho tinh thần phụng sự, đoàn kết và thống nhất của 13 tổ chức, hội đoàn, tông phái Phật giáo đã cùng tham gia cuộc đấu tranh lịch sử năm 1963 vì hòa bình và bình đẳng tôn giáo.
Việc xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức được đưa từ nơi bảo quản trang trọng tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM về Việt Nam Quốc Tự để người dân chiêm bái, sau đó được cung thỉnh vào tháp Đa Bảo là sự kiện gợi nhắc sâu sắc về ngọn lửa bi hùng năm xưa và vai trò không thể phủ nhận của Phật giáo trong đời sống dân tộc.
NGỌN LỬA PHẬT ĐẢN
Biến cố Phật giáo năm 1963 kéo dài nửa năm, lan rộng khắp miền Nam Việt Nam. Đây là sự bùng nổ của những mâu thuẫn chính trị - xã hội và tôn giáo tích tụ từ trước, đặc biệt gay gắt dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm. Mặc dù Phật giáo là tôn giáo truyền thống, gắn bó sâu sắc với phần lớn người dân Việt Nam, dư luận cho rằng có sự phân biệt đối xử giữa các tôn giáo.
Một trong những nguồn gốc của sự bất bình là việc duy trì Đạo dụ số 10 ban hành năm 1950, xem các tôn giáo (trừ một số tổ chức truyền giáo Công giáo và Hoa kiều Lý sự Hội được quy định chế độ đặc biệt) như những hiệp hội thông thường. Điều này đặt ra những hạn chế đối với các tổ chức tôn giáo, như việc xin phép khi hoạt động, giới hạn quyền sở hữu tài sản. Nhiều người hiểu Điều 44 của Dụ số 10 gây bất công và bức xúc cho tăng ni, phật tử.
Sự kiện châm ngòi cho biến cố năm 1963 chính là vấn đề liên quan đến việc treo cờ tôn giáo. Chính quyền Ngô Đình Diệm quy định cờ tôn giáo không được treo ngoài khuôn viên cơ sở tôn giáo. Vào dịp Đại lễ Phật đản năm 1963, khi khắp TP. Huế treo cờ Phật giáo đã xảy ra sự việc chính quyền yêu cầu hạ cờ, thậm chí cho cảnh sát đến từng nhà buộc người dân hạ cờ, gây bất bình sâu sắc.
Đêm 08/5/1963, tại Đài phát thanh Huế, nhiều phật tử tụ tập chờ nghe bài diễn văn mừng Phật đản bị từ chối phát sóng. Khi lãnh đạo Phật giáo và chính quyền đối thoại, lực lượng an ninh đã dùng vòi rồng, lựu đạn cay, thậm chí nổ súng giải tán đám đông gây ra cái chết của 8 người (chủ yếu là trẻ vị thành niên) và nhiều trường hợp bị thương.
Vụ việc đã đẩy mâu thuẫn lên đỉnh điểm. Phản ứng trước sự kiện này, Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã gửi kháng thư lên tổng thống Ngô Đình Diệm và tổ chức lễ cầu siêu cho các nạn nhân. Ngày 10/5/1963, các lãnh đạo Phật giáo đã công bố bản tuyên ngôn lịch sử, nêu ra năm nguyện vọng chính đáng, trong đó có thu hồi vĩnh viễn công điện cấm treo cờ tôn giáo nơi công cộng; Phật giáo được hưởng chế độ đặc biệt như các hội truyền giáo trong Đạo dụ số 10; Chấm dứt bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo; tăng ni, phật tử được tự do truyền đạo và hành đạo; bồi thường cho người chết oan và xét xử kẻ chủ mưu.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh là, bản tuyên ngôn cùng phụ đính công bố sau đó đã làm rõ lập trường của phong trào. Phật giáo Việt Nam chỉ muốn thay đổi chính sách bất công tôn giáo. Cuộc đấu tranh vì bình đẳng tôn giáo được đặt trong khuôn khổ lý tưởng công bằng xã hội. Đặc biệt, phong trào tuân thủ đường lối bất bạo động.
Phong trào đã nhanh chóng lan rộng khắp miền Nam, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, không phân biệt chính kiến, từ trí thức, sinh viên, công thương đến cả những người Thiên Chúa giáo tiến bộ. Ngay cả một số công chức, sĩ quan trong bộ máy chính quyền khi ấy cũng bày tỏ sự ủng hộ. Điều này cho thấy cuộc đấu tranh của Phật giáo đã khơi dậy ý thức chung về công bằng xã hội và chống lại sự bất công.
TRÁI TIM BẤT DIỆT
Trong bối cảnh cuộc đấu tranh diễn ra căng thẳng, chính quyền áp dụng nhiều biện pháp đối phó, từ bao vây chùa chiền, bắt bớ, xét hỏi, đến cả những hành động bôi nhọ, vu cáo, phật tử đã kiên cường đối phó bằng các hình thức biểu tình, tuyệt thực... được người dân ủng hộ mạnh mẽ.
Vào ngày 11 tháng 6 năm 1963, một sự kiện đã làm chấn động lương tri thế giới: Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng (nay là Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu) tại Sài Gòn. Ngài ngồi kiết già giữa biển lửa, thân thể chìm trong ngọn lửa mà không hề kêu rên hay lay động. Theo lời giải thích của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đó là hành động cảnh tỉnh, chuyển đổi tâm tư của nhà cầm quyền, kêu gọi thế giới quan tâm đến nỗi khổ của người dân Việt Nam, chứng tỏ nguyện vọng đòi công lý, bình đẳng là vô cùng quan trọng. Bồ tát Thích Quảng Đức đã nguyện thiêu thân để cúng dường chư Phật, hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo. Di nguyện của ngài bao gồm việc tổng thống Ngô Đình Diệm chấp nhận năm nguyện vọng của Phật giáo, cầu cho Phật giáo Việt Nam trường cửu bất diệt, tăng ni, phật tử tránh khỏi tai nạn và cầu cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.
Điều kỳ diệu là sau khi nhục thân của ngài hóa thành tro, trái tim vẫn còn nguyên vẹn, rắn như đá dù được đưa trở lại lò thiêu nhiều giờ. Trái tim bất diệt này đã trở thành xá lợi quý báu, biểu tượng linh thiêng cho tinh thần phụng sự đạo pháp và dân tộc của Bồ tát Thích Quảng Đức.
Ngọn lửa bi hùng của Bồ tát Thích Quảng Đức đã tạo tiếng vang lớn, làm dấy lên sự căm phẫn và quay lưng lại với chính sách bất công, kỳ thị tôn giáo của chính quyền đương thời. Dư luận quốc tế, từ Giáo hoàng Phao Lô Đệ Lục bày tỏ sự quan tâm và đau xót, đến các chính phủ các nước như Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản... đều lên tiếng quan ngại, đồng cảm và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Phật giáo Việt Nam. Phái đoàn Liên hợp quốc điều tra tình hình tôn giáo tại Việt Nam cũng ghi nhận phật tử bị kỳ thị, khủng bố. Đặc biệt, báo chí và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên tiếng phê phán hành động đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.
ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC
Cuộc đấu tranh của Phật giáo năm 1963, với đỉnh điểm là sự tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức, đã góp phần quan trọng vào việc làm suy yếu uy tín của chính quyền Ngô Đình Diệm cả trong và ngoài nước. Sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân - bao gồm cả học sinh, sinh viên bãi khóa, biểu tình - đã cho thấy đây là phong trào dân sự quy mô lớn vì công lý và bình đẳng, mang màu sắc tôn giáo nhưng thực chất là phản đối các sự kiện liên quan đến Phật giáo và ý thức chống chế độ độc tài, phi dân chủ.
Mặc dù phong trào đấu tranh của Phật giáo năm 1963 độc lập với các đảng phái chính trị và không chủ trương lật đổ chế độ, nhưng tác động rất lớn. Cuộc khủng hoảng này đã làm chính quyền Ngô Đình Diệm mất hết sự ủng hộ của đồng minh Hoa Kỳ, và cùng với sự bất mãn của các lực lượng khác đã dẫn đến cuộc đảo chính năm 1963, chấm dứt nền đệ nhất cộng hòa.
Nhìn lại lịch sử, Phật giáo Việt Nam đã trải qua biết bao thăng trầm, nhưng luôn đồng hành cùng dân tộc. Tinh thần nhập thế, từ bi và lòng yêu nước thương dân luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hành trình của Phật giáo Việt Nam. Cuộc đấu tranh năm 1963 là một minh chứng rõ nét cho tinh thần ấy - sự dấn thân, hy sinh vì đạo pháp và vì quyền được sống an lành, hạnh phúc, bình yên trong một quốc gia công bằng, bình đẳng.
TÌM LẠI VÀ GHI NHẬN CÔNG LAO TU SĨ PHẬT GIÁO TRONG KHÁNG CHIẾN CỨU NƯỚC
Trong dòng chảy lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của nhân dân Việt Nam đã có biết bao tấm gương yêu nước, dấn thân hy sinh từ mọi tầng lớp xã hội, mọi tôn giáo. Phật giáo, với truyền thống gắn bó sâu sắc với dân tộc và tinh thần từ bi, vô úy, vị tha, chắc chắn không nằm ngoài dòng chảy ấy. Từ các thiền sư, hòa thượng, ni sư đến các phật tử, nhiều người đã thầm lặng hoặc trực tiếp đóng góp vào sự nghiệp kháng chiến cứu nước.
Việc Tháp Đa Bảo tại Việt Nam Quốc Tự với 13 tầng biểu trưng cho sự thống nhất của 13 tông phái trong cuộc đấu tranh năm 1963, hay tinh thần "Đạo pháp đồng hành cùng Dân tộc", "Yêu nước thương dân, đối với các vị tu hành, chính là hình thái thiết thực nhất của lòng từ bi đại nguyện", gợi ý về một vai trò rộng lớn hơn của Phật giáo trong các giai đoạn lịch sử của đất nước, bao gồm cả thời kỳ kháng chiến. Ngọn lửa Thích Quảng Đức, được ví như "hoa sen trong biển lửa", đỉnh cao về sự tham gia của Phật giáo trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, càng củng cố niềm tin về những đóng góp to lớn ấy.
Trong bối cảnh toàn dân đang cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc tìm hiểu, sưu tầm, ghi nhận và tôn vinh những công lao, đóng góp của các tu sĩ Phật giáo và tín đồ phật tử trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước là việc làm vô cùng cần thiết và ý nghĩa. Đây không chỉ là việc làm thể hiện tinh thần "uống nước nhớ nguồn", tri ân những bậc tiền bối đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, mà còn là cách để làm rõ thêm bức tranh lịch sử hào hùng của đất nước, thấy được sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân trong những giai đoạn khó khăn nhất.
Việc ghi nhận công lao này sẽ củng cố thêm niềm tin về sự gắn bó máu thịt giữa Phật giáo và dân tộc, khẳng định vai trò quan trọng của các cộng đồng tôn giáo, trong đó có Phật giáo, trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều này góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, đồng thời làm phong phú thêm kho tàng lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Đại lễ Phật đản - Vesak 2025 và sự kiện chiêm bái xá lợi - trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức tại Việt Nam Quốc Tự là cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhau tưởng nhớ và tri ân những đóng góp to lớn của Phật giáo cho dân tộc. Ngọn lửa bi hùng năm xưa vẫn còn mãi, như lời nhắc nhở về tinh thần dấn thân, hy sinh vì công bằng, bình đẳng và hòa bình. Trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức là biểu tượng sống động cho thấy sức mạnh phi thường của lòng từ bi và ý chí kiên cường.
Tiếp nối truyền thống "Đạo pháp đồng hành cùng Dân tộc", chúng ta tin tưởng rằng Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những giá trị cao đẹp, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng một xã hội Việt Nam ngày càng văn minh, giàu đẹp và đoàn kết. Và việc tìm lại, ghi nhận xứng đáng công lao của các tu sĩ Phật giáo và tín đồ trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước sẽ là hành động thiết thực để trọn vẹn tôn vinh vai trò lịch sử của Phật giáo trong lòng dân tộc Việt Nam.
(Còn tiếp...)
Tiến sĩ - Thượng tọa Thích Thanh Phương (trụ trì chùa Sủi - Giám đốc Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi - Chủ nhiệm CLB Di sản và Văn hóa Á Đông)