Huyền thoại Củ Chi đất thép thành đồng:

Bài 2: Củ Chi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Thứ Sáu, 25/04/2025 09:33

|

(CATP) Ngay sau khi Hiệp định Genève được ký kết vào ngày 20/7/1954 để đình chỉ chiến sự, chính quyền Ngô Đình Diệm đã gây ra cuộc "chiến tranh từ một phía ở miền Nam". Đây chính là "cuộc chiến tranh đặc biệt" do đế quốc Mỹ chỉ đạo, tiến hành bằng xương máu của người Việt Nam, bằng vũ khí và đô la Mỹ.

Bạo lực phản cách mạng đã tạo ra tình thế và thời cơ cách mạng

Bằng các chiến dịch "tố cộng", "diệt cộng" tiến hành liên miên, với Luật phát xít 10/59 chủ trương "thà giết nhầm hơn bỏ sót", Mỹ - Diệm thẳng tay sử dụng bạo lực phản cách mạng trấn áp những người kháng chiến cũ. 560 cán bộ và đồng bào yêu nước của huyện Củ Chi đã bị moi gan, mổ bụng, gần 1.000 người bị bắt bớ trong thời gian này. Toàn huyện Củ Chi chỉ còn lại một tổ chức cơ sở Đảng ở xã Tân Phú Trung.

Để tồn tại trước sự khủng bố tàn bạo của kẻ thù, đồng chí và đồng bào Củ Chi buộc phải tìm mọi phương sách hữu hiệu kết hợp giữa các hình thức công khai, bí mật, hợp pháp, bán hợp pháp nhằm đấu tranh chống địch để tự bảo vệ mình.

Từ giữa năm 1956, đã xuất hiện những hình thức hoạt động vũ trang tự vệ trên vùng đất Củ Chi. Núp dưới danh nghĩa hợp pháp, quần chúng có sáng kiến tự lập ra các nhóm bán vũ trang như: đội dân canh phòng chống trộm cướp, đội giữ gìn trật tự xã hội và an ninh công cộng trên địa bàn cư trú... Các đội này tự trang bị bằng vũ khí thô sơ (gậy tầm vông, dao mác, mã tấu, dây thừng...). Khi phát hiện bọn ác ôn, chỉ điểm, thám báo thâm nhập vào thôn xóm, họ lập tức đánh trống mõ, thổi tù và, tri hô có trộm cướp rồi xông ra trừng trị.

Du kích xã An Nhơn Tây cùng bộ đội địa phương bắn cháy xe bọc thép M113 tại đường số 7 năm 1963

Dựa vào thế hợp pháp, đồng bào Củ Chi còn tổ chức ra những phường hội rất mềm dẻo về hình thức và đa dạng về sắc thái nhằm trợ lực cho việc đấu tranh chính trị với địch. Đó là các hội ái hữu tương tế; vần công đổi công; đá banh; đờn ca tài tử; hỗ trợ người nghèo trong việc tổ chức tang ma, cưới hỏi, sinh đẻ, chữa bệnh... Hoạt động của các hội này góp phần rất có ý nghĩa trong việc tập hợp đồng bào ta đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định Genève, đấu tranh chống Mỹ - Diệm đàn áp khủng bố, phá phách cơ sở cách mạng và giữ lấy những quyền lợi của nhân dân đã giành được trong 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Bạo lực cách mạng phát sinh trong hai quả đấm thép và ba mũi giáp công

Ngay trong thời gian trước cao trào Đồng Khởi, nhân dân Củ Chi đã sử dụng bạo lực chính trị bước đầu gắn kết với bạo lực vũ trang và hoạt động binh vận để quyết liệt đối đầu với địch. Sức mạnh sự "tức nước võ bờ của quần chúng" trong cuộc chiến tranh đơn phương do "Mỹ - ngụy gây ra đã tạo nên cao trào đấu tranh chính trị được khơi dậy từ tháng 8/1954 đến cuối năm 1956. Nó bắt nguồn từ rất nhiều cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng được bùng phát ở khắp các địa phương như: Đấu tranh chống phá hoại Hiệp định Genève; Đấu tranh chống "tố cộng, diệt cộng", khủng bố những người tham gia kháng chiến cũ; Đấu tranh chống việc "cải cách điền địa" nhằm tước đoạt ruộng đất của nông dân được chính quyền cách mạng chưa cấp trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; Đấu tranh đòi thực hiện dân sinh, dân chủ; Đấu tranh chống tăng tô, tăng thuế; Đấu tranh chống đuổi nhà cướp đất để lập căn cứ quân sự; Đấu tranh chống bắt lính...

Có một điều tưởng chừng nghịch lý là, năm 1959, giữa lúc Ngô Đình Diệm ban hành Luật phát xít 10/59 và lê máy chém đi khắp nơi thì trong thời điểm ấy, tiểu đội vũ trang đầu tiên của vùng đất thép ra đời (với tên gọi là "A13") để thực hiện sứ mệnh lịch sử thiêng liêng "Cách mạng phải được đẻ ra trong nòng súng".

Nhờ có lực lượng vũ trang tiến hành trừ gian, diệt ác buộc bọn ác ôn khát máu nhiều nơi không dám ngang nhiên bắt bớ và giết chóc. Tận dụng cơ hội này, các tổ chức cơ sở của ta đã được bung ra tái lập. Cuối năm 1959, sau khi Khu ủy Sài Gòn - Gia Định tổ chức hợp nhất, làm ào ạt dâng lên những đợt sóng đấu tranh chính trị gắn kết với hoạt động vũ trang và binh vận.

Thực tiễn của chiến trường Củ Chi xác minh rằng, thành tích trong lĩnh vực hoạt động vũ trang không phải chỉ được tính toán qua số liệu thống kê các trận đánh. Đó là kết quả việc tận dụng sức mạnh tổng hợp của cả 3 mũi giáp công về chính trị, quân sự và binh vận. Thực tiễn ở Củ Chi đã xác minh rằng, công tác binh vận không phải chỉ kết hợp vận dụng với hoạt động vũ trang mà còn được gắn kết chặt chẽ với đấu tranh chính trị. Chính vì vậy, trong cuộc đấu tranh chính trị lớn trên toàn huyện Củ Chi vào mùa hè năm 1961 đã có 13.000 người tham gia đòi chấm dứt khủng bố, đòi bồi thường nhân mạng, chống bắt lính, miễn quân dịch... đã tranh thủ được sự đồng tình của binh sĩ ngụy.

Phong trào Đồng Khởi - sức mạnh vĩ đại của hai quả đấm thép và ba mũi giáp công

Với khẩu hiệu "Củ Chỉ phát động phong trào toàn dân nổi dậy diệt ác, phá kìm, rạc tề giải phóng quê hương", tháng 02/1960 ngọn lửa của phong trào Đồng Khởi đã tới. Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng huyện Củ Chi được thành lập, báo hiệu thời kỳ bão táp cách mạng trên vùng tuyến đầu đất lửa.

Qua hai đợt Đồng Khởi vào mùa xuân và mùa thu, hai phần ba hệ thống đồn bót và bộ máy kìm kẹp của địch ở Củ Chi đã bị tan rã. Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã tạo ra được vùng giải phóng rộng lớn nối liền địa bàn khu Tam giác sắt với căn cứ địa của các cơ quan lãnh đạo đầu não cách mạng miền Nam ở chiến khu Bắc Tây Ninh.

Chính quyền tự quản của nhân dân đã được thành lập tạo nên hai hệ thống chính quyền của ta và địch tổ chức đan xen và cùng song song tồn tại rất độc đáo trên chiến trường. Nhiều xã, ấp có trường học, trạm y tế, tế, nhà bảo sinh, phong trào văn nghệ quần chúng phát triển.

Sức mạnh của bạo lực cách mạng quần chúng trong phong trào Đồng Khởi ở Củ Chi đã thể hiện nổi bật trong sự vận dụng có hiệu quả phương châm đánh địch bằng "3 mũi giáp công" và "hai quả đấm thép", góp phần làm phá sản chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ.

4 năm sau Đồng Khởi, khắp các địa phương đã dấy lên "Phong trào học tập Củ Chi". Các phong trào đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận và lực lượng cách mạng ở nông thôn ngày càng phát triển. Phong trào chống phá ấp chiến lược diễn ra rất quyết liệt; phong trào tổ chức lực lượng "tự vệ ngầm", "du kích mật", phong trào tuyên truyền vũ trang, tập kích đồn bót, phục kích đánh giao thông; phong trào trừng trị bọn ác ôn; phong trào du kích chống càn; bao vây đánh lấn... đã góp phần làm rực rỡ thêm những trang sử vàng của quê hương "đất thép thành đồng", "ngọn cờ đầu của phong trào chiến tranh du kích".

Tinh thần hy sinh và xã thân chiến đấu vì lý tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do"; ý chí đối đầu với khói lửa, đạn bom; lòng dân, lòng đất đối chọi với "Pháo đài bay" (B52), "Vua chiến trường" (pháo tự hành 175mm), xe tăng, tàu chiến, bom tấn, bom na-pan, súng phun lửa, máy bơm khí độc, xả hơi ngạt... Và cuối cùng là chiến tranh nhân dân thần thánh chiến thắng chiến tranh hiện đại của đế quốc Mỹ và tay sai. Tất cả tinh hoa của giá trị tinh thần truyền thống đó, đã tạo nên "chất thép" tuyệt vời của "Củ Chi đất thép thành đồng".

55 năm trước đây, tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng toàn miền Nam lần thứ hai, cùng với Long An và Quảng Nam, Củ Chi vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu: "Củ Chi đất thép thành đồng". Trong điện mừng gửi Đại hội, Bác Hồ viết: "Đại hội này là đại hội của những người sẽ đánh thắng chiến tranh cục bộ của Mỹ”.

Đất và người Củ Chi đã hóa thép

Trong những năm tháng chiến tranh, quân Mỹ đã ném 500.000 tấn bom đạn các loại xuống mảnh đất này, tiến hành hàng nghìn trận bố ráp để thực hiện "tìm diệt" và "bình định". Đây là vùng đất thánh nổi danh là nơi "chưa ra ngõ đã gặp anh hùng". Nơi đây có hàng nghìn Dũng sĩ diệt Mỹ, 33 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 2.064 Mẹ Việt Nam anh hùng. Sau chiến tranh có 11.000 liệt sĩ, 2.918 thương và bệnh binh, trên 10.000 gia đình liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng.

Một điều thật thú vị, Củ Chi được vinh danh là "Đất thép thành đồng" từ năm 1967, nhưng 4 năm trước đó báo chí nước ngoài đã nhận dạng ra chất thép của vùng đất này (Củ Chi, Bến Cát và Trảng Bàng). Nhà báo Peter Arnett - phóng viên của Hãng AP là người đầu tiên phát hiện rằng vùng này giống như vùng "Tam giác thép" trong cuộc chiến tranh ở Triều Tiên trước đây.

Hai tác giả người Mỹ là nhà văn J.Phenicat và đạo diễn điện ảnh T.Mengold trong cuốn sách "Hầm Củ Chi" cũng đã viết đây là "Khu Tam giác thép" (Iron Triangle). Hai ông viết: "Tam giác thép là một thành trì tự nhiên rừng rú và cỏ dại, rộng khoảng 100 ki-lô-mét vuông, dưới đó có một mạng lưới hầm hào và địa đạo. Đỉnh phía Nam của vùng là nơi gặp nhau giữa sông Sài Gòn và sông Thị Tính. Hai con sông này trở thành hai cạnh của tam giác. Cạnh thứ ba là con đường tưởng tượng chạy từ Bến Súc ở phía Tây đến Bến Cát".

(Còn tiếp...)

Bài 1: Chiến trường Củ Chi trong kháng chiến chống Pháp
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang