Củ Chi: Xứng danh ‘Đất thép thành đồng’

Chủ Nhật, 22/10/2017 16:57  | Trung Oanh

|

(CAO) Sáng 22-10, huyện Củ Chi (TP.HCM) tổ chức chương trình Họp mặt kỷ niệm 50 năm Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng” (17/9/1967-17/9/2017) nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của quân và dân trong quá trình đấu tranh, xây dựng, trưởng thành. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để gặp gỡ, giao lưu, tri ân đối với các thế hệ đi trước của những người trẻ.

Đến tham dự chương trình có đồng chí Phan Văn Khải – Nguyên Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Trương Tấn Sang – nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Võ Thị Dung – Phó Bí thư thành ủy TP; các Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn huyện; Anh hùng lực lượng vũ trang; Anh hùng lao động; các đồng chí Tướng lĩnh quân đội và công an nhân dân cùng đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh thành.

“TOÀN DÂN DÁNH GIẶC”

Giao lưu tại chương trình, anh hùng lực lượng vũ trang Tô Văn Đực nhớ lại: “Thời đó ai cũng tham gia đánh giặc, nhân dân Củ Chi có tinh thần tự lực tự cường rất cao, già trẻ lớn bé gì miễn có sức khỏe đều tham gia chiến đấu để bảo vệ quê hương. Năm 20 tuổi tôi tham gia vào công trường sản xuất vũ khí của xã Nhuận Đức. Tại đây, tôi bắt đầu mày mò cùng anh em sản xuất ra các loại súng: súng ngựa trời, súng carbin, súng K54, colt 12ly. Sau đó, tôi thấy nhiều trái bom, mìn rải xuống làng mạc vẫn chưa kịp nổ nên tìm cách thu gom về tái sử dụng. Nhờ quá trình nỗ lực học tập, rút kinh nghiệm, tôi chế được mìn gài, bệ phóng bom bi.. và cả mìn dạt đánh xe tăng từ phế phẩm của vũ khí giặc”.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú – Chủ tịch UBND huyện phát biểu cảm ơn các khách mời đã đến tham dự chương trình

Nhờ những cống hiến thiết thực đó giúp quân dân Củ Chi thêm phần khí thế, tăng cường vũ khí diệt giặc. Trong quá trình sản xuất và chiến đấu, ông được tặng thưởng 4 huân chương các loại, danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt cơ giới, Dũng sĩ diệt xe tăng và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.

Anh hùng lực lượng vũ trang Tô Văn Đực chia sẻ

“Khi nhận nhiệm vụ về Gò Môn để chống giặc Mỹ xâm lược, lúc đó tôi khoảng 20 tuổi. Khi vừa mới về địa bàn thấy các nhiều đồng đội bị thương, tử nạn nhiều lắm. Thậm chí, các anh lâu năm, có kinh nghiệm cũng lần lượt hy sinh khiến tổ công tác của chúng tôi trở nên bơ vơ, gần như mất phương hướng. Tuy nhiên, không vì thế mà anh em chúng tôi chùn bước, sợ hãi. Do bom đạn ác liệt quá, chúng tôi phải tự nhủ cố gắng sống sót để tiếp tục chiến đấu”, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Nắng chia sẻ.

Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Nắng bồi hồi xúc động khi kể về thời kỳ chiến tranh gian khó

Bằng giọng nói trầm ấm của người từng trải qua nhiều biến cố của cuộc đời, ông Nắng bồi hồi nhớ lại: “Trong một lần đánh địch, tôi bị trúng một viên đạn sau lưng, rồi nó nổ ra thành ba mảnh vỡ, giờ vẫn còn nằm yên dưới lớp da, mỗi khi trái gió trở trời là đau ê ẩm. Viên đạn này là kỷ niệm một lần đánh tàu địch. Lần đó, chúng tôi tìm cách chế tạo ra loại bom đạn mới, tìm cách diệt địch nhưng vẫn giữ được tàu và thành công mỹ mãn. Khi ném bom lên tàu thì toàn bộ quân số địch chết hết nhưng con tàu vẫn nằm yên trên mặt nước”.

CHUYỂN MÌNH MẠNH MẼ

Củ Chi vốn là cái nôi cách mạng trong quá trình đất tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, nơi mà biết bao thế hệ đã quyết bám đất, giữ làng, chống giặc ngoại xâm. Vì vậy, nơi đây đã được hai lần phong tặng danh hiệu anh hùng: Anh hùng trong chiến đấu và anh hùng trong lao động, xây dựng quê hương đất nước.

Các khách mời tham gia giao lưu chương trình

Cách đây 50 năm, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức “Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và Dũng sĩ các Lực lượng võ trang Nhân dân Giải phóng toàn miền Nam lần thứ II”. Đại hội đã phong tặng Củ Chi danh hiệu “Đất thép thành đồng” để vinh danh lá cờ đầu nổi bật của miền Đông Nam bộ và dành tình cảm trân trọng dành cho những người con ưu tú của Khu Sài Gòn – Gia Định trung kiên bất khuất.

Tiết mục văn nghệ trong chương trình

Theo thống kê sơ bộ, giặc ngoại xâm đã rải khoảng 240.000 tấn bom đạn xuống vùng đất này. Vì vậy sau giải phóng, cơ sở hạ tầng ở Củ Chi gần như tan nát, nạn đói kém, mất mùa, hạn hán, đất đai bị hoang hóa, khắp nơi đầy rẫy bom, mìn bủa vây biến nơi đây thành một vành đai trắng. Tuy nhiên, với ý chí mạnh mẽ, con dân Củ Chi nhanh chóng xốc dậy tinh thần, dám nghĩ dám làm, bắt tay xây dựng cuộc sống mới, gây dựng kinh tế vững mạnh, góp phần phát triển đất nước. Nhờ vậy, những năm qua Củ Chi đã phát triển không ngừng, nhiều hộ tự vươn lên thoát nghèo và giúp đỡ những người khác góp phần tô thắm tình tương thân tương ái.

Sáng cùng ngày, các khách mời còn được tham gia dâng hoa, dâng hương tại Tượng đài Củ Chi “Đất thép thành đồng” để tưởng nhớ các anh hùng đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc.

Để có được sự phát triển như ngày hôm nay là sự đánh đổi của 33 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và anh hùng lao động, 1.277 mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 1.723 thương binh, 10.488 liệt sỹ, 10.000 gia đình có công với cách mạng và 19 xã được phong tặng anh hùng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang