"Chạy bằng cấp" - không chỉ là suy thoái về đạo đức, lối sống

Thứ Sáu, 20/10/2017 07:34

|

Bằng cấp phần nào thể hiện trình độ kiến thức, tư duy, trí tuệ, năng lực của mỗi người và đó là một trong những tiêu chí quan trọng để cơ quan có thẩm quyền có thêm căn cứ đánh giá, tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ. Tuy nhiên, cũng chính vì tiêu chí này, thời gian qua, một bộ phận cán bộ, đảng viên đã tìm mọi cách để “chạy bằng cấp” nhằm mục đích tiến thân với động cơ không lành mạnh.

Vấn nạn làm “mọt ruỗng” văn hóa công quyền

Một trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra, đó là “chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội”. Trong 6 loại “chạy” trên, “chạy bằng cấp” rất đáng lên án, bởi nó không đơn thuần chỉ là sự suy thoái về đạo đức, lối sống, mà đó cũng là một trong những biểu hiện của suy thoái về chính trị và làm “mọt ruỗng” văn hóa công quyền. Vì những người “chạy bằng cấp” ngoài mục đích có “chỗ làm tốt, vị trí tốt, bổng lộc nhiều”, còn tự tạo cho mình một uy tín giả thông qua cái vỏ bọc có tấm bằng “cử nhân này, thạc sĩ nọ, tiến sĩ kia”. Đấy là chưa kể những người không học hành hẳn hoi, không qua quá trình đào tạo chỉn chu mà vẫn sở hữu những tấm bằng “danh chính ngôn thuận” (mà dân gian vẫn gọi là “học giả, bằng thật”) rồi “chui” được vào các cơ quan công quyền ung dung làm cán bộ lãnh đạo, quản lý! Mặt khác, những người sử dụng bằng cấp giả còn vô hình trung vi phạm pháp luật do sử dụng giấy tờ giả mạo.

Mới đây, GS, NGND Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Năm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đợt thanh tra và phát hiện được hơn 10.000 trường hợp dùng bằng giả, trong đó có một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức. Sau cuộc “tổng rà soát, thanh tra” này, rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật, thuyên chuyển công tác, cho thôi việc và cách chức.

Những năm gần đây, vấn nạn “chạy bằng cấp” diễn ra tinh vi hơn, tính chất cũng trở nên phức tạp hơn, đối tượng đa dạng hơn. Số cán bộ, công chức “học giả, bằng thật”, mạo danh bằng cấp, sử dụng bằng cấp không đúng quy định không chỉ dừng lại ở cán bộ cấp xã, cấp huyện, mà còn liên quan đến cả cán bộ cấp cao hơn. Cách đây mấy năm, dư luận từng xôn xao và cơ quan chức năng Trung ương đã phải vào cuộc kiểm tra một số cán bộ tỉnh Phú Thọ và Yên Bái đã sử dụng bằng tiến sĩ ở trường đại học nước ngoài không được Bộ Giáo dục và Đào tạo nước ta công nhận. Một cán bộ từng là Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ có chứng chỉ để được tham dự khóa học tiến sĩ ở nước ngoài, nhưng về nước lại kê khai là có bằng “tiến sĩ”. Một cán bộ cấp tỉnh ở Bình Định trước khi được bổ nhiệm đã ghi trong lý lịch cá nhân là có học vị “tiến sĩ”, nhưng khi tham gia danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV lại ghi là “thạc sĩ”, cũng khiến dư luận hoài nghi về động cơ chưa minh bạch này. Mới đây, việc ông Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân là “kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực”.

Nhiều năm trở lại đây, năm nào các cơ quan chức năng cũng “khui” ra hàng chục vụ cán bộ, công chức sử dụng bằng cấp giả, bằng cấp không đúng quy định. Các cơ quan điều tra và bảo vệ pháp luật cũng đã phát hiện, khởi tố, xử lý rất nhiều vụ việc, đối tượng làm bằng cấp đại học giả. Thực tế đó cho thấy việc đăng ký, rà soát, quản lý bằng cấp ở nhiều cơ quan, tổ chức còn sơ hở và đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chạy bằng cấp” không được ngăn chặn từ gốc.

Một trong những nguyên nhân sâu xa là tâm lý xã hội vẫn còn sính bằng cấp, háo danh, nhiều người coi bằng cấp như là “mưu kế tiến thân” thuận lợi nên đã tìm mọi cách mong có được tấm bằng để làm “tấm bình phong” trong việc “chạy” vào bộ máy công quyền, thậm chí “chui sâu, leo cao” nhằm vụ lợi, vinh thân phì gia. Việc một số cơ quan, tổ chức xử lý nương nhẹ một số cán bộ, công chức sử dụng bằng cấp giả, bằng cấp không đúng quy định cũng không tạo ra sức răn đe nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm khác.

Phải bịt các kẽ hở để ngăn đường “chạy bằng cấp”

Nhằm ngăn ngừa vấn nạn “chạy bằng cấp”, đã đến lúc chúng ta phải tìm cách “trị” tận gốc tình trạng này. Trước hết cần đổi mới quan niệm, tư duy về bằng cấp. Bằng cấp chỉ có giá trị khi người sử dụng phải được học hành, đào tạo nghiêm túc với một lượng kiến thức, trình độ, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ đã được quy chuẩn và luật hóa theo quy định.

Trong quá trình tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, các tổ chức, cơ quan, đơn vị chỉ nên xác định tiêu chí bằng cấp là điều kiện cần chứ không phải là tiêu chí quan trọng nhất, duy nhất, mà đòi hỏi phải trải qua sát hạch, kiểm tra, thi tuyển một cách thực chất, khách quan, công bằng, minh bạch để tìm kiếm, lựa chọn được những cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực toàn diện nhất bố trí vào cương vị tương xứng. Các cơ quan, tổ chức-cán bộ cần sớm nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí khoa học để đánh giá thực chất trình độ, trí tuệ, năng lực thực tế của đội ngũ cán bộ, công chức, làm cơ sở để tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ một cách phù hợp, chính xác, bảo đảm đạt cả ba mục tiêu là “được người, được việc, được tổ chức”.

Bên cạnh đó, phải phòng chống, ngăn chặn cho được tình trạng một bộ phận cán bộ lạm dụng quyền lực để tranh thủ cho con em mình đi học, đi đào tạo nhằm “hợp pháp hóa” bằng cấp, sau đó lại cố tình “giữ chỗ, giữ ghế” nhằm chờ thời cơ thuận lợi thì “thế chỗ, nhường ngôi” cho người thân, người nhà của mình. Vì bấy lâu nay, vấn nạn kê khai, sử dụng bằng cấp giả, bằng cấp không đúng quy định cũng một phần bắt nguồn từ một bộ phận người thân, người nhà của cán bộ lãnh đạo, quản lý muốn “nối nghiệp cha ông” không phải do năng lực, tài cán và cống hiến của mình, mà chủ yếu xuất phát từ tấm bằng “cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ” hào nhoáng bên ngoài.

Một giải pháp có ý nghĩa căn cơ hơn là tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức. Phải làm sao để những người làm việc trong bộ máy công quyền luôn đề cao ý thức tự trọng, đức tính liêm sỉ, có động cơ phấn đấu lành mạnh, nỗ lực tiến thân bằng tinh thần cầu thị, thực hiện phương châm “5 thật”, đó là “học thật, bằng thật, năng lực thật, làm thật, kết quả thật” để cống hiến công sức, tài năng, trí tuệ, tâm huyết của mình xây dựng tổ chức, cơ quan, đơn vị ngày càng vững mạnh, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, đồng chí Trần Quang Cảnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội sau khi trích lại câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa”, đã khuyến cáo cán bộ, đảng viên nào hiện đang kê khai, sử dụng bằng cấp giả thì khẩn trương báo cáo Ban Tổ chức Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội xin rút lui, thậm chí xin từ chức.

Ý kiến đề xuất nêu trên là xác đáng. Vì khi tự giác khai báo thành thật với cơ quan chức năng, cán bộ, công chức có bằng cấp giả vừa được “rút lui trong danh dự”, vừa góp phần giữ uy tín cho tổ chức, cơ quan, đơn vị mình. Còn nếu ai đó “học giả, bằng thật” hay sử dụng bằng cấp mạo danh mà vẫn cố tình quanh co che giấu, biện minh thì nhất định phải xử lý nghiêm khắc hơn. Đã đứng trong hàng ngũ của Đảng và làm việc trong bộ máy công quyền, cán bộ, đảng viên, công chức không bao giờ được phép sử dụng bằng cấp giả, bằng cấp không đúng quy định. Vì đó không chỉ là hành vi gian dối đối với Đảng, Nhà nước, mà còn làm đảo lộn các giá trị văn hóa, đạo đức công vụ, gây xói mòn niềm tin trong nhân dân.

Bình luận (1)

Đâu có khó khăn gí việc xác minh bằng cấp giả đâu , cần làm cuộc tổng kiểm tra thì sẽ lòi ra rất nhiệu tiến sĩ dõm nằm trong bộ máy nhà nuoc

hoàng văn minh - Thứ Sáu, 20/10/2017, 08:42 Trả lời | Thích
Lên đầu trang