(CAO) Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra những hạn chế, thách thức mà tỉnh Quảng Ngãi gặp phải trong quá trình phát triển kinh tế, thu hút đầu tư; đồng thời yêu cầu đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo sự hấp dẫn.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư “Quảng Ngãi - Hợp tác đầu tư và Phát triển” năm 2017 vào ngày 20-10 tại TP.Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương thành quả của Quảng Ngãi đạt được trong phát triển kinh tế xã hội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu
Từ một tỉnh phải dựa vào ngân sách trung ương thì trong nhiều năm qua và đến nay đã cân đối được ngân sách và có bước tăng trưởng. Lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ. An ninh quốc phòng được giữ vững, trật tự xã hội đảm bảo. Đời sống người dân được cải thiện, nâng cao. Đặc biệt nhờ sự nỗ lực, năng động và sáng tạo của đảng bộ, chính quyền và các cơ quan, cộng với lợi thế địa lý, tiềm năng, Quảng Ngãi đã thu hút nhiều các nhà đầu tư trong và người nước đến đầu tư.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng chỉ ra những thách thức, khó khăn của Quảng Ngãi, đó là kinh tế tăng trưởng khá nhưng quy mô còn nhỏ; chất lượng, sức cạnh tranh nhiều sản phẩm còn thấp so với khu vực. Môi trường kinh doanh đã được cải thiện nhiều nhưng chưa ổn định, chưa hấp dẫn nhà đầu tư.
Chỉ số năng lực cạnh tranh (CPI) ở mức khá nhưng tăng chậm. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu mới. Chất lượng lao động, đặc biệt là lao động kỹ thuật chuyên môn cao còn thiếu. Một số dự án thực hiện chậm, kéo dài, gây lãng phí, kém hiệu quả.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trao giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp
“Để thực hiện mục tiêu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại thì hệ cả thống chính trị phải vào cuộc, quyết tâm hơn nữa. Trước hết tỉnh cần chú trọng chủ động rà soát chiến lược quy hoạch phát triển chung và từng ngành, các lĩnh vực, sản phẩm trên cơ sở tái cấu trúc lại nền kinh tế của địa phương gắn với tái cấu trúc kinh tế của vùng, của đất nước.
Thứ hai là trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương và cơ sở cung cầu cầu của nền kinh tế khu vực để phân rõ sản phẩm gì có sự đột phá, cạnh tranh. Thứ ba, tăng cường phối hợp, kết nối với các địa phương để tạo sự hỗ trợ, liên kết vùng. Thứ tư, tập trung huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng. Thứ 5 là tập trung đào tạo nhân lực, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chú trọng vào lĩnh vực năng lượng, công nghệ sạch, công nghệ cao.
Thứ 6 là đẩy mạnh cải cách hành chính. Trước hết là thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo. Thứ 7 là phải tạo sự đồng thuận xã hội, được người dân ủng hộ. Đây là yếu tố quyết định. Nơi nào người dân không ủng hộ thì không làm được gì hết. Làm cái gì phải cho dân biết, bên cạnh lợi ích kinh tế của địa phương, của doanh nghiệp thì phải làm vì dân. Đặc biệt phải lưu ý trong vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng, tác động môi trường của dự án”.
Phó Thủ tướng cũng biểu dương, đánh giá cao tâm huyết của các doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại Quảng Ngãi; trân trọng cảm ơn các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, ngành tài chính, ngân hàng đã cam kết, ký kết tài trợ vốn, hỗ trợ Quảng ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung.
Phó Thủ tướng đề nghị nhà đầu tư cần có chiến lược kinh doanh lâu dài và thực hiện đúng cam kết; đầu tư các dự án, lĩnh vực ưu tiên theo quy hoạch đã được phê duyệt, nếu phát sinh vấn đề mới thì đề nghị bổ sung quy hoạch; đề cao ý thức, trách nhiệm với môi trường, với xã hội để đảm bảo phát triển bền vững; phối hợp với chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh; quan tâm đảm bảo đời sống của người lao động, ứng xử văn hóa, văn minh với người lao động; quan tâm các chính sách xã hội, nhân đạo tại địa phương.
Ký kết tài trợ tín dụng giữa Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi với các nhà đầu tư dự án
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Chính phủ tiếp tục tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư để hoàn thiện thể chế kinh doanh, có môi trường pháp lý hoàn thiện, bình đẳng, minh bạch. Tiếp tục đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nói chung được tốt hơn; hỗ trợ cho các địa phương đầu tư cho phù hợp.
Có chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu nhân lực của nhà đầu tư. Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ban ngành tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để Quảng Ngãi phát triển toàn diện, sớm trở thành tỉnh phát triển công nghiệp, góp phần quan trọng vào sự phát triển của khu vực và cả nước”.
Dịp này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trao Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án (trong đó có 5 dự án FDI): Nhà máy tách và hóa lỏng khí công nghiệp; Nhà máy sản xuất vải Xindadong TEXTILES-Dung Quất, Thành phố giáo dục quốc tế Quảng Ngãi, Chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao OFB Mộ Đức, Tổ hợp Trung tâm Thương mại Nhà phố Shophouse Quảng Ngãi, Trung tâm trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi,…