Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tham dự và trực tiếp chủ trì Diễn đàn cùng đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cùng sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế và hơn 400 lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế, Doanh nghiệp khu vực duyên hải miền Trung và cả nước. ..
Với sự quan tâm và chủ trì của Lãnh đạo Chính phủ, sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, sự tham gia đầy đủ của lãnh đạo 9 tỉnh DHMT, mục tiêu của Diễn đàn lần này nhằm đưa ra những giải pháp có tính thực tiễn cao góp phần thúc đẩy tạo đột phá phát triển kinh tế miền trung thông qua việc phân tích tính phù hợp, hiệu quả và tác động của các chính sách hiện hành đối với khu vực kinh tế miền Trung.
Tiếp nối thành công của Diễn đàn Kinh tế miền Trung (Lần thứ nhất) vào năm 2014, Diễn đàn Kinh tế miền Trung năm 2017 (Lần thứ 2) chọn chủ đề “Con đường phát triển kinh tế miền trung bền vững” đề cập và bàn thảo 3 chuyên đề chính gồm: 1) Giải pháp tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển vùng DHMT; 2) Giải pháp tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế địa phương và liên kết phát triển vùng DHMT bền vững; 3) Phát triển kinh tế tư nhân – động lực phát triển kinh tế miền trung bền vững.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần thứ 2 năm 2017 Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, phát triển kinh tế vùng và tăng cường liên kết vùng có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thay mặt Chính phủ, tôi đánh giá cao và biểu dương nỗ lực và những kết quả đạt được khá toàn diện của Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân miền Trung, đặc biệt 9 tỉnh, thành phố vùng Duyên hải miền Trung trong thời gian qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước”.
Diễn đàn kinh tế miền Trung lần thứ 2 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh ngày càng gay gắt; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động ngày càng sâu rộng đến tất cả các quốc gia; mang đến cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra những vấn đề mới, phức tạp hơn đối với cả nước nói chung và miền Trung nói riêng trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển cũng như bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Miền Trung có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế nước ta; trong đó Vùng duyên hải miền Trung gồm 9 tỉnh, thành phố (TP Đà Nẵng và 8 tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên,Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận), là “mặt tiền biển” của đất nước với chiều dài bờ biển gần 1.500 km, chiếm gần 50% chiều dài bờ biển của cả nước.
Trong những năm qua, mặc dù còn những tồn tại, hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức, thường xuyên chịu thiên tai hạn hán, lũ lụt, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong vùng và sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành Trung ương, tình hình kinh tế - xã hội miền Trung đã có những chuyển biến mạnh mẽ; trong đó tốc độ tăng trưởng của Vùng duyên hải bình quân giai đoạn 2011-2016 đạt 8,4%/năm, cao hơn bình quân cả nước (5,9%/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm trên 72%.
Năng lực cạnh tranh xếp hạng khá, riêng thành phố Đà Nẵng xếp thứ nhất liên tiếp trong 2 năm 2015-2016. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm….
Giáo sư Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam chia sẻ: Đã có nhiều nỗ lực hướng về miền Trung! Nhiều hội thảo, diễn đàn đã bàn thảo và tìm giải pháp cho kinh tế miền Trung, nhưng vẫn chưa hóa giải được những xung đột lợi ích cục bộ, vẫn mạnh tỉnh nào tỉnh đó khai thác tiềm năng, thế mạnh, liên kết vùng chưa thực sự hiệu quả.
Đây vẫn là những câu hỏi thường trực và đau đáu với bất cứ ai quan tâm đến kinh tế miền trung và người dân miền Trung. Tôi tin tưởng rằng Diễn đàn lần này với sự chủ trì của chính phủ, sự tham dự của hơn 10 bộ ngành, đủ cả 9 tỉnh duyên hải miền Trung, và nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế… Diễn đàn sẽ đưa ra được những giải pháp thực sự phù hợp, hiệu quả và thiết thực với các tỉnh miền Trung.
Mục tiêu của Diễn đàn Kinh tế miền Trung 2017 lần này là nhằm đưa ra những giải pháp có tính thực tiễn cao góp phần thúc đẩy tạo đột phá phát triển kinh tế miền trung thông qua việc phân tích tính phù hợp, hiệu quả và tác động của các chính sách hiện hành đối với khu vực kinh tế miền Trung.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng:Mở cửa – hội nhập được coi là năng lực phát triển “tự thân” và phát triển nhu cầu tự nhiên của Vùng, nhưng để Duyên hải Miền Trung phát triển thực sự thì năng lực đó cần có thêm hàng loạt điều kiện và năng lực khác, đủ để chuyển hóa thành thực lực phát triển.
Đánh giá về liên kết vùng giữa các tỉnh duyên hải miền Trung, Ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế thẳng thắn bày tỏ: Một trong những nguyên nhân hạn chế liên kết vùng là do tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong vùng tương đối tương đồng như biển, cảng biển, sân bay, khu kinh tế, khu công nghiệp… Phần lớn các địa phương đều có xu hướng phát triển dựa trên tiềm năng, thế mạnh hiện có của mình; vì vậy, cơ cấu ngành, sản phẩm của các địa phương trong vùng khá trùng lắp, thiếu các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ.
Cũng trong khuôn khổ của Diễn đàn CREF 2017 đã diễn ra Lễ ký kết Hợp tác truyền thông thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế vùng DHMT giữa Thời báo Kinh tế Việt Nam và 9 tỉnh DHMT trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng, các bộ, ban ngành trung ương và địa phương cùng gần 500 đại biểu tham dự Diễn đàn.
Với mục tiêu thúc đẩy liên kết phát triển vùng DHMT, Thời báo Kinh tế Việt Nam sẽ đồng hành truyền thông về các hoạt động kinh tế của các tỉnh cũng như làm cầu nối tăng cường sự kết nối giữa các tỉnh vùng DHMT thông qua các chuyên đề trên các ấn phẩm báo chí của Thời báo Kinh tế Việt Nam và các diễn đàn, hội thảo.