Tham dự và chỉ đạo hội thảo có Thiếu tướng Vũ Xuân Dung – Cục trưởng cục QLHC về TTXH, đại diện của công an, sở LĐTB và XH các tỉnh thành trong cả nước.
Thiếu tướng Vũ Xuân Dung phát biểu tại Hội thảo
Thực trạng đáng báo động
Đại tá Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình vi phạm pháp luật trong lứa tuổi chưa thành niên tuy có giảm về số vụ và số đối tượng, tuy nhiên vẫn diễn biến rất phức tạp. Nếu những năm trước đây người chưa thành niên thường thực hiện các hành vi trộm cắp, gây rối TTCC, cố ý gây thương tích không gây nguy hại lớn thì hiện nay, tính chất, mức độ phạm tội lại nguy hiểm hơn, vượt qua giới hạn độ tuổi như: hình thành các băng nhóm tội phạm có tổ chức, gây án ở phạm vi rộng, trên địa bàn tỉnh và liên tỉnh…. Hành vi phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng như: giết người; sử dụng vũ khí nóng cướp tài sản; hiếp dâm; ma túy. Bên cạnh đó là tình trạng bỏ nhà, sống “bầy đàn”, sử dụng chất kích thích, tụ tập thành băng ổ nhóm hoạt động manh động gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến tình hình ANTT.
Ghi nhận nửa đầu năm 2017, cả nước xảy ra 2.258 vụ vi phạm pháp luật do 3.340 TE và NCTN gây ra. Về tội danh nổi lên như giết người 36 vụ, 63 đối tượng; cướp tài sản 59 vụ, 103 đối tượng; cố ý gây thương tích 302 vụ, 574 đối tượng; trộm cắp tài sản 896 vụ, 1.200 đối tượng…; theo lứa tuổi, dưới 14 tuổi 174 đối tượng, chiếm tỷ lệ 5,2%; từ 14 đến dưới 16 tuổi 818 đối tượng, chiếm 24,5%; từ 16 đến dưới 18 tuổi 2.348 đối tượng, chiếm 70,3%; theo trình độ văn hóa, không biết chữ 121 đối tượng, tiểu học 556 đối tượng, trung học cơ sở 1.765 đối tượng, phổ thông trung học 898 đối tượng; về kết quả xử lý, hình sự 833 vụ, 1.067 đối tượng, hành chính 1.425 vụ, 2.273 đối tượng…. Thực tế đây là con số đáng báo động.
Trình bày tham luận, lãnh đạo Công an các địa phương phân tích: Địa bàn đối tượng TE và NCTN thực hiện các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật không chỉ xảy ra ở thành phố, thị xã mà còn diễn ra phổ biến ở nhiều vùng quê. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng là do sai lầm, thiếu sót từ phía gia đình như phương pháp quản lý, giáo dục trẻ em chưa tốt (quá nuông chiều, thỏa mãn và đáp ứng mọi yêu cầu vật chất của con cái khi các nhu cầu này không thiết thực).
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Một số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu thốn tình cảm của cha mẹ… thường bị rủ rê, lôi kéo vào hành vi tiêu cực, phạm tội. Nhiều gia đình thiếu trách nhiệm, không quan tâm và phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục con cái; Trao đổi thông tin giữa gia đình và nhà trường thiếu chặt chẽ. Mặt khác, do đặc điểm phát triển về tâm sinh lý của lứa tuổi chưa hoàn thiện, dễ bị kích động, khó kiềm chế, đặc biệt nhận thức xã hội của các em còn hạn chế; kiến thức pháp luật và ý thức pháp luật chưa cao dẫn đến mắc sai phạm…
Một vấn đề đáng nói ở đây đó là ảnh hưởng từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội, những luồng tư tưởng lệch lạc, độc hại xâm nhập qua các con đường khác nhau trong quá trình mở cửa hội nhập đã tác động tiêu cực đến tư tưởng, lối sống của không ít người, trong đó có TE và NCTN. Sự phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhà trường và gia đình chưa đồng bộ, chặt chẽ. Các ngành, các cấp chính quyền chưa coi trọng đúng mức và chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật của người chưa thành niên.
Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng là then chốt!
Tùy theo đặc điểm từng địa phương, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp như: Công an Tuyên Quang thì phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác phòng ngừa, quản lý và giáo dục trẻ em; Công an Bình Thuận thì đưa vấn đề phát huy vai trò của gia đình, chính quyền cơ sở trong công tác giáo dục; Công an tỉnh Nam Đình thì đóng góp kinh nghiệm trong tổ chức vận động quần chúng tham gia công tác phòng ngừa; Công an tỉnh Quảng Nam thì đóng góp kinh nghiệm trong tổ chức mô hình điểm vận động quần chúng trong công tác phòng ngừa giáo dục….
Trung tá Huỳnh Thị Thu Trang nêu giải pháp tại Hội thảo
Với vai trò là đô thị sôi động nhất cả nước, Trung tá Huỳnh Thị Thu Trang - Phó Trưởng phòng QLHC về TTXH CA TP.HCM có những đóng góp rất hiệu quả khi làm nổi bật vấn đề: “Lực lượng Công an phải thường xuyên phối hợp với các ban ngành, đoàn thể để tuyên truyền phổ biến tác hại của các chất gây nghiện đối với trẻ em; tổ chức các hội thi tìm hiểu Luật giao thông đường bộ đến trường học, hạn chế tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực. Tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, phát động phong trào “người lớn gương mẫu, trẻ em ngoan ngoãn”. Đối với TE bỏ học cần phối hợp với gia đình vận động trở lại trường;
Đại tá Lâm Dũng Nam đề nghị: Công an các địa phương cần nhân rộng các mô hình điểm về phòng ngừa, quản lý, giáo dục TE và NCTN làm trái pháp luật theo Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm. Phát huy vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy Đảng, sự điều hành, quản lý của các cấp chính quyền trong công tác phòng chống tội phạm. Thực hiện xã hội hóa công tác quản lý, giáo dục TE và NCTN làm trái pháp luật gắn với sự phát triển kinh tế, xã hội. Triển khai đồng bộ các hoạt động QLHC về TTXH gắn với quản lý giáo dục đối tượng nói chung, quản lý, giáo dục TE và NCTN làm trái pháp luật nói riêng trong các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm, Thiếu tướng Vũ Xuân Dung đã ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến đóng góp của các địa phương. Ông Dung cũng thừa nhận thực trạng đội tuổi phạm tội đang có xu hướng trẻ hóa. Đồng chí cục trưởng cũng chỉ đạo lực lượng QLHC về TTXH các địa phương tăng cường các biện pháp phối hợp hữu hiệu, cách làm hay, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an trong công tác tham mưu cho các cấp ủy và chính quyền địa phương nhằm chặn đứng và kéo giảm thực trạng TE và NCTN làm trái pháp luật. Đồng thời, động viên, khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt cũng như phê bình cá nhân, tập thể thiếu ý thức thực hiện nhiệm vụ.