Đến dự có Mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu và đại diện nhân dân huyện Củ Chi.
Lãnh đạo TPHCM tặng hoa chúc mừng huyện Củ Chi.
Đời sống người dân ngày càng được nâng lên
Phát biểu ôn lại truyền thống, Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho biết, Củ Chi là một trong những vùng đất thấm đẫm giá trị lịch sử, truyền thống anh hùng cách mạng, nơi cháy lên hy vọng và niềm tin bất diệt về khát vọng hòa bình, thống nhất và tương lai tươi sáng của Tổ quốc. Tên gọi Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước như một huyền thoại rất đỗi tự hào.
“Ở nơi được mệnh danh là “Đất thép Thành đồng” ấy, mỗi tấc đất, mỗi nóc nhà đều thấm đẫm những câu chuyện về sự hy sinh, về tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của thế hệ cha anh đi trước.” - Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng nhấn mạnh.
Theo đồng chí Nguyễn Quyết Thắng, trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Củ Chi là vành đai ở cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn, giữ vị thế chiến lược quan trọng, nằm trong vùng oanh kích tự do Tam giác Sắt; chốt chặn các cuộc càn mang tính hủy diệt của kẻ thù vào căn cứ, chiến khu cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Nhắc đến Củ Chi là nhắc đến “vành đai đỏ”, “vùng đất lửa”, “vùng đất trắng” hay “vùng đất thép”. Củ Chi - nơi chạm khắc vào lịch sử với vị trí là một địa bàn chiến lược, là căn cứ địa vững chắc của Khu ủy và Quân khu Sài Gòn - Gia Định.
Với tinh thần đấu tranh “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, với tinh thần sáng tạo không ngừng của quân và dân Củ Chi, đánh giặc bằng trăm phương ngàn cách, với mọi thành phần không phân biệt già, trẻ, lớn, bé, mỗi người dân đều là chiến sĩ với mọi công cụ trên mọi địa bàn tác chiến, luôn kiên cường trước mọi thử thách, gian lao, dù gian khổ hy sinh, bom rơi, đạn phá vẫn kiên trì bám trụ, bám làng chiến đấu, quyết không làm nô lệ, quyết không chịu mất nước, tất cả vì độc lập tự do.
“Với tinh thần quả cảm, mưu trí, sáng tạo trong đánh giặc Mỹ, quân và dân Củ Chi đã vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu cao quý “Đất thép Thành đồng” và tặng thưởng Huân chương Thành đồng Hạng ba tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các Lực lượng võ trang Nhân dân giải phóng toàn miền Nam lần thứ hai vào 17/9/1967.”- đồng chí Nguyễn Quyết Thắng nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tặng hoa và quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông.
Tự hào về quá khứ hào hùng trong chiến đấu, người dân Củ Chi bao đời kiên cường, bất khuất, một lòng đoàn kết đứng lên đấu tranh chống lại kẻ thù bảo vệ quê hương, đất nước. Cuộc sống người dân thay đổi với việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp không ngừng phát triển, tốc độ tăng trưởng hàng năm của huyện trên 7%. Năm 2015, Củ Chi là huyện ngoại thành đầu tiên của TP được công nhận huyện nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm. Huyện sở hữu đàn bò sữa nhiều nhất so với các nơi khác của cả nước.
Đặc biệt, năm 2020 - 2021, Củ Chi vượt qua đại địch Covid-19, bảo vệ tốt sức khỏe nhân dân trước sự tàn phá khủng khiếp của dịch bệnh, giữ vững vùng xanh, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Đến nay, 35 ngàn hộ gia đình chính sách có công trên địa bàn được chăm lo về đời sống tinh thần và vật chất. 37 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đang được phụng dưỡng suốt đời, xây dựng 4.489 căn nhà tình nghĩa.
Đồng chí Nguyễn Quyết Thắng mong muốn cán bộ, viên chức và người dân Củ Chi đang công tác trên các lĩnh vực sẽ tiếp tục tham gia đóng góp, hiến kế chung sức cùng chung tay xây dựng Củ Chi ngày càng phát triển, văn minh, nghĩa tình.
Định hướng phát triển Củ Chi thành đô thị sinh thái
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và truyền thống cách mạng hào hùng đã làm nên Củ Chi rạng danh với những con người hiền hòa trong lao động, sản xuất nhưng vô cùng kiên cường, gan dạ và sáng tạo khi đối đầu với giặc ngoại xâm, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, quyết giành lại độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Trong hành trình hào hùng đó, Củ Chi đã vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam trao tặng danh hiệu cao quí “Đất thép Thành đồng” là lá cờ đầu nổi bật của phong trào Du kích chiến tranh ở miền Nam và tặng thưởng Huân chương Thành đồng hạng Ba cho quân và dân Củ Chi.
“Đây là niềm tự hào và cũng là phần thưởng xứng đáng cho chiến công của biết bao người con ưu tú của Củ Chi, biết bao chiến sĩ cách mạng khắp mọi miền đất nước đã ngã xuống trên mảnh đất này và hàng ngàn thương binh, bệnh binh đã cống hiến sức lực, một phần thân thể để giành tự do, độc lập, mang lại hòa bình, dân chủ, hạnh phúc cho dân tộc ta nói chung, cho nhân dân Sài Gòn - Gia Định nói riêng.” - đồng chí Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên trao quà cho các gia đình chính sách.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Lệ, năm 2022 là năm đánh dấu chặng đường 55 năm Củ Chi được phong tặng danh hiệu Đất thép thành đồng, cũng là mốc son đánh dấu sự nghiệp xây dựng và phát triển từng bước đã nở hoa, kết trái ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lựng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; và mới đây Đảng bộ và Nhân dân huyện Củ Chi vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng vì đạt thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Để tiếp tục phát huy những thành quả cách mạng trong 55 năm qua, đồng chí Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, Đảng bộ huyện phải thực sự là hạt nhân, là đầu tàu, phải là một “lũy thép” vững vàng, đoàn kết thống nhất cao để đưa Củ Chi bứt phá đi lên. Nguyên tắc xuyên suốt là phải đặt lợi ích của nhân dân vào vị trí trung tâm. Định hướng phát triển Củ Chi thành đô thị sinh thái, thông minh, bền vững; đô thị theo cụm, có sự liên kết với khu vực lân cận; định hướng giữ lại cơ cấu nông nghiệp để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp có giá trị cao, quan tâm đến hạ tầng sinh thái, đô thị sinh thái…
“Về phát triển du lịch, huyện Củ Chi phát triển du lịch hòa bình, để du khách yêu chuộng hòa bình khi nói đến Củ Chi là nghĩ về những truyền thống cách mạng hào hùng, ngưỡng mộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam.”- đồng chí Nguyễn Thị Lệ khẳng định.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ và đồng chí Nguyễn Hồ Hải trao học bổng cho các em học sinh.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ kêu gọi toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, cộng đồng doanh nghiệp, mỗi người dân Củ Chi, mỗi người con Củ Chi đang sống và làm việc ở mọi miền Tổ quốc hãy phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương “Đất thép Thành đồng”, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo hơn nữa, đưa Củ Chi phát triển một cách bền vững, văn minh, nghĩa tình.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ đề nghị Đảng bộ, chính quyền huyện Củ Chi tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt các chính sách cho người có công, đẩy mạnh các phong trào đền ơn đáp nghĩa ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn và tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương, có những hành động thiết thực góp phần làm cho quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với những hy sinh mất mát lớn lao của Mẹ Việt Nam anh hùng, của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự bình yên, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình có được như ngày hôm nay.
Dịp này, Bộ Tư lệnh TP và Công an TP trao tặng 300 phần quà cho các gia đình chính sách và 100 suất học bổng cho các em học sinh trên địa bàn huyện Củ Chi.
Nhân kỷ niệm 55 năm ngày Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng” (17/9/1967 - 17/9/2022), sáng 17/9, Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM làm trưởng đoàn đến viếng và dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi.
Tham gia cùng đoàn có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Thu Hà; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ; Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu và lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức và Lực lượng vũ trang trên địa bàn TP.
Đoàn đại biểu dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi.
Tại đây, các thành viên trong đoàn đã dâng lên những vòng hoa tươi thắm và những nén hương, kính cẩn nghiêng mình tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, hương hồn các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
* Cùng ngày, đoàn cũng đến đặt vòng hoa và dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược, huyện Củ Chi.
Tại đây, các đại biểu đã kính cẩn đặt vòng hoa và dành phút mặc niệm tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ, những người đã hy sinh vì độc lập tự do của đất nước.
Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược, huyện Củ Chi, nơi ghi danh 45.639 người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong đó có hơn 9.300 liệt sĩ là con em của 40 tỉnh, TP khác. Đây cũng là ngôi đền tưởng niệm liệt sĩ lớn nhất tại TPHCM, được xây dựng ngay giữa lòng “tam giác sắt” trên vùng đất nổi tiếng Địa đạo Củ Chi.