TPHCM: Phối hợp đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án còn vướng

Thứ Năm, 15/09/2022 22:19

|

(CAO) Chiều 15/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP tuần qua. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Huyền Mai

Tham dự có Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng; Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hồ Tấn Minh; Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như; Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Lê Hồng Nga; Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Nguyên Hiền; Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn - môi trường, Sở Công thương Ngô Hồng Y; Phó trưởng phòng tham mưu, Công An TP Lê Mạnh Hà; cùng lãnh đạo, đại diện các Sở, Ban, ngành, đơn vị, các phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.

Gần 1.637.000 lượt người được hỗ trợ tiền thuê nhà

Thông tin về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, Sở Lao động – Thương binh và xã hội cho biết, tính đến ngày 31/8/2022, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đã thực hiện phê duyệt danh sách người lao động và kinh phí hỗ trợ cho 68.747 lượt doanh nghiệp, với 1.677.358 lượt người, số tiền hỗ trợ là 976,184 tỷ đồng.

Ảnh minh họa: NLĐO

Đến nay, đã thực hiện chuyển kinh phí đến 63.792 lượt doanh nghiệp, với 1.636.964 lượt người được hỗ trợ tiền thuê nhà, số tiền hỗ trợ là 951,719 tỷ đồng, chiếm 97,49% so với phê duyệt; còn 2,51% kinh phí còn lại do nhiều nguyên nhân khách quan, trong đó có trường hợp doanh nghiệp cung cấp thông tin không chính xác (số tài khoản sai, thông tin chủ tài khoản không đúng với tên đơn vị thụ hưởng), không liên hệ được với doanh nghiệp để cập nhật, điều chỉnh thông tin dẫn đến việc giải ngân chưa hoàn thành.

Hiện nay, Phòng Lao động - TBXH đang phối hợp với Ủy ban nhân dân phường, xã tiếp tục liên hệ với doanh nghiệp để đề nghị cung cấp thông tin chính xác phục vụ công tác giải ngân.

Phối hợp đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án còn vướng mắc

Liên quan đến các công trình giao thông chậm tiến độ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng cho biết, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP cùng các quận huyện đang phối hợp đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án vướng mắc thời gian qua của TP như cầu Nam Lý, cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu…

Trước đó, Sở Giao thông và UBND huyện Nhà Bè đã tổ chức lễ bàn giao – tiếp nhận mặt bằng để tiếp tục triển khai Dự án Xây dựng Cầu Long Kiểng, đến quý 4 năm 2023 sẽ đưa vào khai thác, cạnh đó là bố trí nguồn vốn và đẩy nhanh giải phóng mặt bằng đề tiếp tục triển khai các dự án như cầu Phước Long nối Nhà Bè và quận 7.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng cho biết TP đang đẩy nhanh giải phóng mặt bằng đề tiếp tục triển khai các dự án. Ảnh: Huyền Mai

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cũng thông tin, so với 1 năm về trước, lưu lượng xe đã tăng nhiều hơn, cạnh đó do học sinh đã đi học trở lại nên tầm sáng sớm và chiều tối, lượng phương tiện ra vào trung tâm tăng cao dẫn đến kẹt xe. Tuy nhiên, lực lượng CSGT và các đơn vị cũng đã nỗ lực, tăng cường điều phối, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Đảm bảo cho học sinh tiếp cận được nền giáo dục tốt nhất

Liên quan đến việc trang bị sách giáo khoa (SGK) cho học sinh trên địa bàn, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) TP cho biết, vừa qua Sở đã làm việc với các đơn vị trường thiếu sách, nhà xuất bản và cung ứng sách, ở bậc THPT chỉ còn 2 đơn vị trường do đăng ký nhầm số lượng nên dẫn đến việc cung ứng chưa đủ SGK cho học sinh và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên thiếu sách do chưa đăng ký số lượng với bên cung ứng. Hiện Sở GD-ĐT đã yêu cầu đơn vị cung ứng giao toàn bộ sách cho các đơn vị trường học chưa nhận đủ SGK.

Cũng theo ông Hồ Tấn Minh, trong năm học này bắt đầu thực hiện nhiều nội dung mới như tiếng Anh và Tin học là môn bắt buộc ở lớp 3; chương trình phổ thông lớp 10 có 2 bộ môn mới là Âm nhạc và Mỹ thuật. Hiện tại lực lượng giáo viên ở các trường trên địa bàn TP vẫn còn thiếu, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh và Tin học.

Chánh văn phòng Sở Giáo dục – Đào tạo Hồ Tấn Minh cho biết, ngành giáo dục TP sẽ nỗ lực để đảm bảo cho học sinh tiếp cận được nền giáo dục tốt nhất. Ảnh: Huyền Mai

Sở GD – ĐT đã chỉ đạo các đơn vị công khai nhu cầu số lượng giáo viên, tới đây tháng 10 sẽ tiếp tục tuyển đợt 2 để đảm bảo số lượng giáo viên cho cấp THPT. Trong thời gian chưa tuyển dụng, Sở có hướng dẫn các đơn vị trường học thực hiện theo quyết định 102 về hợp đồng ngắn hạn tại các trường tiểu học đối với các giáo viên tin học cấp THCS.

Bên cạnh đó, Sở cũng khuyến khích các trường nội thành chia sẻ giáo viên với các trường ngoại thành bằng hình thức dạy trực tuyến để tăng cường năng lực tiếng anh, năng lực tin học, đảm bảo cho học sinh tiếp cận được nền giáo dục tốt nhất.

Đây là hoạt động Sở muốn nhân rộng, chia sẻ và cũng là giải pháp trong lúc chờ lực lượng giáo viên được tuyển dụng thêm. Sở GD-ĐT cũng đã đặt hàng với trường Đại học Sài Gòn và Đại học Sư phạm TPHCM về số lượng giáo viên đáp ứng cho ngành giáo dục trong những năm tới.

2/550 cửa hàng đã bị ngưng hoạt động, xăng dầu vẫn đảm bảo cung ứng

Thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh mặt hàng xăng dầu, ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn - môi trường, Sở Công thương cho biết, trên địa bàn TPHCM có 550 cửa hàng xăng dầu. Hiện có 548/550 cửa hàng hoạt động và đảm bảo cung ứng xăng, dầu cho người tiêu dùng; TP có 2/550 cửa hàng đã bị ngưng hoạt động với lý do sửa chữa cửa hàng, thời gian tạm ngưng trong khoảng 15-30 ngày.

Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn - môi trường, Sở Công thương Ngô Hồng Y cho biết, TP vẫn đảm bảo cung ứng xăng, dầu cho người tiêu dùng. Ảnh: Huyền Mai.

Từ đầu 2022 đến nay Liên bộ Công thương – Tài chính đã có 24 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần điểm chỉnh giá giảm. Riêng giá dầu diesel tăng 37,5% và dầu hỏa 47,8 % dầu hỏa so với đầu năm 2022.

Sẵn sàng kích hoạt Bệnh viện Dã chiến 3 tầng số 13 khi cần thiết

Liên quan đến tình trạng thiếu thuốc giải độc, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, qua việc theo dõi báo cáo thiếu thuốc của các đơn vị gửi về Sở Y tế vào hàng tuần, hiện nay Sở Y tế ghi nhận báo cáo từ Bệnh viện Nhân dân 115 về việc thiếu thuốc Pralidoxim 500mg (sử dụng trong điều trị ngộ độc hóa chất hoặc thuốc trừ sâu phosphat hữu cơ) do công ty trúng thầu gián đoạn cung ứng vì số đăng ký hết hạn, chưa gia hạn được số đăng ký.

Hiện nay, Bệnh viện nhân dân 115 cũng đã tìm được nhà cung ứng khác (với số lượng đang có sẵn là 36.000 ống, hạn sử dụng đến tháng 4/2024) và sẵn sàng cung ứng khi có nhu cầu điều trị.

Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực đang gia tăng, Việt Nam cũng không ngoài ngoại lệ. Ảnh: Huyền Mai.

Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP cũng cho biết, tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực đang gia tăng, Việt Nam cũng không ngoài ngoại lệ. Trên địa bàn TPHCM, trong 4 tuần gần đây BA.5 đang là biến chủng chiếm ưu thế.

Để ứng phó với tình hình hiện nay, tại tất cả các bệnh viện đều có khoa/đơn vị điều trị COVID-19, đồng thời, theo dõi sát diễn tiến tình hình, sẵn sàng kích hoạt Bệnh viện Dã chiến 3 tầng số 13 khi cần thiết.

Ngoài ra, TP tiếp tục tăng cường tiêm vắc-xin để tăng độ bao phủ miễn dịch. Đặc biệt tiếp tục kế hoạch bảo vệ nhóm người nguy cơ, tuyên truyền 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + Vắc xin.

“Diễn tiến số ca mắc mới trong thời gian qua vẫn còn biến động khó lường, có tuần có giảm nhẹ, rồi sau đó tăng lên... Như vậy vẫn cần phải cảnh giác, không được chủ quan với COVID-19, cần tiếp tục đẩy mạnh tỷ lệ tiêm nhắc vắc xin” – bà Như nói.

Tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi còn thấp

Thông tin về kết quả tiêm chủng cho đối tượng 5 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn TP, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Lê Hồng Nga cho biết, đã có 256.301 trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm mũi 3, chiếm tỷ lệ 34,2% (thấp hơn 21,8% so với trung bình cả nước) và 290.765 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm đủ 2 mũi, chiếm tỷ lệ 34,7% (thấp hơn cả nước 24,3% so với trung bình cả nước).

Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Lê Hồng Nga thông tin về kết quả tiêm chủng cho đối tượng 5 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn TP. Ảnh: Huyền Mai.

Đến hết 30/9, TP đặt mục tiêu thấp nhất là đạt được mức trung bình chung của cả nước. Để đạt được mục tiêu đó, Ngành y tế TP luôn sẵn sàng để đảm bảo tổ chức công tác tiêm chủng, đáp ứng nhu cầu về mức độ tiêm theo yêu cầu của các địa phương trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền đến từng phụ huynh học sinh.

Trên cơ sở rà soát nhu cầu tiêm chủng của các cơ sở giáo dục, Sở Y tế TP cũng sẵn sàng tổ chức tiêm chủng bằng nhiều hình thức để đáp ứng nhu cầu bao phủ vắc xin mà ngành giáo dục yêu cầu.

Vi phạm PCCC: 22/415 cơ sở karaoke bị đình chỉ hoạt động

Thông tin về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn TPHCM hiện nay, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP - Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, từ ngày 14/6 Công an TP đã có văn bản chỉ đạo công an các đơn vị địa phương tăng cường phối hợp kiểm tra tình hình trật tự xã hội, phòng tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn cháy nổ ở các quán bar, vũ trường, karaoke.

Sau vụ việc cháy cơ sở karaoke tại tỉnh Bình Dương, Công an TP cũng chỉ đạo tập trung rà soát lại. Qua kết quả kiểm tra, Công an TP đã đình chỉ hoạt động 22/415 cơ sở karaoke không đủ điều kiện hoạt động, xử lý vi phạm hành chính 136 cơ sở với số tiền 737.000.000 đồng.

Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP - Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, qua kết quả kiểm tra, Công an TP đã đình chỉ hoạt động 22/415 cơ sở karaoke không đủ điều kiện hoạt động. Ảnh: Huyền Mai

Quy định về PCCC là rất nghiêm ngặt, tuy nhiên trong quá trình thực hiện có những trường hợp vi phạm xảy ra dẫn đến các nguy cơ mất an toàn.

Trong đó, điển hình là các cơ sở lách quy định về đăng ký dịch vụ karaoke bằng việc đăng ký kinh doanh nhà hàng để không thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, các trang thiết bị của các cơ sở qua kiểm tra không đảm bảo đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy.

Thượng tá Hà cũng cho biết, có những cơ sở ngắt tín hiệu báo cháy trong các phòng vì sợ ảnh hưởng hoạt động kinh doanh. Một số cơ sở vi phạm quy định về lối thoát nạn, bố trí nhiều vật dụng làm cản trở. Bên cạnh đó, do nhu cầu kinh doanh, hệ thống điện thường câu mắc và nối các dây dẫn điện không an toàn, để gần với các vật dễ gây cháy, nên nguy cơ chạm, cháy nổ rất cao.

Qua đó, Công an TP đã có chấn chỉnh và yêu cầu khắc phục. Đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần về công tác PCCC, tùy theo tính chất, hành vi và mức độ vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Liên quan vụ việc ông N.V.T xưng là 'chánh thanh tra' lái ô tô đi ngược chiều trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Quận 7), đại diện lãnh đạo Công an TP cho biết, Công an Q.7 đã tiến hành xác minh, mời đối tượng làm việc và xử phạt hành chính với số tiền 5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng.

Tỷ lệ giảm khai thác nước dưới đất đạt hơn 73%

Liên quan việc triển khai giảm khai thác nước dưới đất trên địa bàn TPHCM, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Nguyên Hiền cho biết, sau hơn 4 năm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, Thành phố đã thực hiện giảm từ 716.581 m3/ngày xuống còn hơn 264.000 m3/ngày đạt tỷ lệ 73,3%.

Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Nguyên Hiền thông tin về công tác triển khai giảm khai thác nước dưới đất trên địa bàn TPHCM

Trong đó, lượng khai thác nước dưới đất hộ gia đình ước giảm 235.703 m3/ngày (đạt tỷ lệ 71,9%); nước dưới đất trong KCX-KCN giảm 28.805 m3/ngày (đạt tỷ lệ 57,4%); nước dưới đất bên ngoài KCX-KCN giảm 145.220 m3/ngày (đạt tỷ lệ 104,8%); nước dưới đất của Sawaco giảm 42.272 m3/ngày đêm (đạt tỷ lệ 42,3%).

Bình luận (0)

Lên đầu trang