Chỉ tiêu mỗi năm giảm 5% tội phạm liên tục vượt kế hoạch

Thứ Năm, 15/09/2022 15:20

|

(CAO) Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, năm 2022 công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật tốt hơn những năm trước nhiều, việc này không làm cản trở các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội, không cản trở hoạt động của người dân, mà ngược lại, đã phục vụ rất tốt cho phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội.

Tiếp tục phiên họp thứ 15, sáng nay (15/9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Khái quát chung về công tác này trong kỳ báo cáo (từ 1/1/2021 đến 31/7/2022), Chính phủ cho biết, bám sát sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các kế hoạch, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; góp phần giữ vững an ninh trật tự, phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại của đất nước.

Phân tích kết quả cụ thể, Chính phủ cho biết, trong phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội, lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 29.169 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 86,57%. Trong số này án rất nghiêm trọng đạt 94,61%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,45%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Toàn cảnh phiên họp sáng 15/9

Đáng chú ý, 631 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại đã bị triệt phá, trong đó trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tạo chuyển biến tích cực; bắt và vận động đầu thú 4.919 đối tượng truy nã, trong đó có 1.452 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm...

Số liệu từ Chính phủ cho thấy, toàn quốc xảy ra 33.693 vụ phạm tội về trật tự xã hội (giảm 9,75%), làm 895 người chết (tăng 3,71%), 7.473 người bị thương (giảm 1,53%), thiệt hại tài sản gần 1.330 tỷ đồng (giảm 18,38%).

“Về cơ bản, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; hầu hết các loại tội phạm đều giảm” – báo cáo nhận định.

Tương tự, kết quả công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cũng ghi nhận nhiều điểm sáng với việc tập trung điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xác minh, điều tra làm rõ các sai phạm có tác dụng lan tỏa, mang tính chất cảnh tỉnh trong những lĩnh vực nhạy cảm.

Cạnh đó, công tác phòng, chống tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, tội phạm ma tuý cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Nêu cụ thể về tội phạm ma tuý, Chính phủ cho biết, loại tội phạm này có dấu hiệu phức tạp trở lại sau dịch Covid-19. Nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam qua tuyến đường bộ (chủ yếu từ hướng Lào, Campuchia), đường hàng không, chuyển phát nhanh (từ một số nước châu Âu) đã bị phát hiện, triệt phá.

Chính phủ cũng cảnh báo tình trạng các đối tượng lợi dụng cơ sở đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, dịch vụ nhạy cảm, nhà chung cư... để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tình trạng trồng cây cần sa trái phép còn xảy ra tại một số địa phương.

Phát biểu tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, chỉ tiêu phấn đấu mỗi năm giảm 5% tội phạm, dù không được Quốc hội giao, chưa được các cơ quan thẩm định, nhưng trong nhiều năm chỉ tiêu này liên tục vượt kế hoạch.

“Chúng tôi cho rằng đây là chỉ số rất quan trọng vì mục tiêu của chúng ta là phải xây dựng một xã hội lành mạnh, an toàn, kỷ cương, để mọi người dân được sống trong khung khổ pháp luật, được hoà bình, ổn định, không phải lo lắng gì nhiều, có cuộc sống hạnh phúc...” - Bộ trưởng Tô Lâm nhìn nhận.

Tỷ lệ giảm 9,75% tội phạm, theo Bộ trưởng, cũng rất đáng quan tâm. “Trật tự xã hội như thế này rất đáng khuyến khích. Chúng tôi theo dõi trên toàn quốc, nhiều tỉnh cả ngày không có một vụ phạm pháp hình sự nào” – Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên họp

“Đánh giá chung, các chỉ tiêu Quốc hội giao cơ bản đều vượt, đây là những điểm rất nổi bật của năm 2022” - Bộ trưởng khái quát.

Vẫn theo lãnh đạo Bộ Công an, công tác phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng có nhiều bước tiến mới, đã góp phần cảnh tỉnh, răn đe, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội...

“Ban chỉ đạo Trung ương PCTN, tiêu cực mới đây đã họp kết luận, đánh giá về việc này. Tinh thần này phải được thể hiện trong báo cáo, nhất là báo cáo thẩm tra phải nêu được vấn đề đó” - Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị.

Phương châm “làm một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, cả một lĩnh vực” tiếp tục được Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh là yếu tố rất quan trọng.

“Trước đây chúng ta làm nhưng có thể chưa đạt được tầm, mức như vậy. Một vụ về chứng khoán thôi, điều chỉnh lại chính sách về chứng khoán, cách thức quản lý về chứng khoán, làm lành mạnh thị trường chứng khoán... Một vụ án về thị trường trái phiếu doanh nghiệp thôi, chúng ta cũng phải suy nghĩ đến chính sách về kênh huy động vốn này để tạo nguồn lực cho xã hội, không để kẽ hở cho tội phạm lợi dụng...” – Bộ trưởng phân tích và chỉ ra, những việc đó rất nổi bật trong công tác xử lý tội phạm, đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật, cần được đánh giá đầy đủ hơn trong báo cáo thẩm tra.

"Báo cáo này, nếu chỉ nhìn vào những vụ việc cụ thể sẽ thiếu toàn diện, không làm toát lên được những ý cơ bản, những việc Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo, thực hiện" - Bộ trưởng lưu ý.

Khẳng định cơ bản chúng ta đã bước đầu ngăn chặn được tham nhũng, tiêu cực, song theo Bộ trưởng Bộ Công an, tham nhũng càng tinh vi, phức tạp, khó khăn. “Mình cứ ra được cái khiên này tội phạm lại có cái mác khác” – Bộ trưởng phản ánh.

Đánh giá chung, Bộ trưởng cho rằng, năm 2022 công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật tốt hơn những năm trước nhiều. Bộ trưởng khẳng định, việc này không làm cản trở các hoạt động kinh tế, văn hoá xã hội, không cản trở hoạt động của người dân, mà ngược lại, đã phục vụ rất tốt cho phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang