TĂNG TỐC CUỐI NĂM
Với “Đợt thi đua đặc biệt” này, chưa bao giờ ngành GTVT mang trên vai sứ mệnh nặng nề như giai đoạn hiện nay, khi phải hoàn thành 3.000km đường cao tốc đến năm 2025 (mỗi năm phải làm được 400km); trong khi 20 năm qua, cả nước chỉ làm được hơn 1.100km đường cao tốc. Chỉ tính riêng trong những tháng cuối năm 2022, mục tiêu đặt ra là hoàn thành, thông xe kỹ thuật 4 đoạn cao tốc với tổng chiều dài là 361km.
Đây là 4 dự án thuộc công trình cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, gồm các đoạn: Mai Sơn - QL45 dài 63,37km qua Ninh Bình và Thanh Hóa, Cam Lộ - La Sơn dài 98,3km qua Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km qua Bình Thuận và Đồng Nai, Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8km qua Bình Thuận.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra thực địa tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 vào ngày 08-9-2022
Theo Bộ GTVT, đến nay, mặc dù có sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương liên quan, các Ban quản lý dự án (BQLDA), nhà thầu, đơn vị thi công, nhưng trước nhiều trở ngại, khó khăn, 4 tuyến cao tốc này vẫn tiềm ẩn nguy cơ trễ hẹn. Khả thi nhất là tuyến Cam Lộ - La Sơn có sản lượng đạt hơn 94% giá trị hợp đồng, có thể khánh thành, đưa vào khai thác trong tháng 11- 2022.
Tiếp đến là tuyến Mai Sơn - QL45 đạt 69,5%, tuyến Phan Thiết - Dầu Giây đạt gần 56%, tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết đạt 50%. Nếu không có giải pháp hiệu quả, sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ thì khả năng các dự án này sẽ không về đích đúng hẹn vào cuối năm 2022.
Trong đó, điều quan trọng là thôi thúc quyết tâm, nỗ lực, ý chí của các nhà thầu, đơn vị thi công, của mỗi cán bộ, công nhân lao động trên công trường, không lùi bước trước khó khăn. Phải coi mỗi dự án như một chiến dịch, mỗi công trường như một “trận đánh lớn”, mỗi cán bộ, công nhân tham gia dự án như một chiến sĩ. Phải làm với tinh thần quyết chiến, quyết thắng mới đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Hầm Thung Thi thuộc dự án thành phần Mai Sơn - QL45 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022
Tại lễ phát động thi đua 120 ngày đêm để thông xe kỹ thuật 4 tuyến cao tốc trên, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho rằng đây không chỉ đơn thuần là việc làm ăn, kinh doanh của các nhà thầu, mà còn là trách nhiệm, danh dự lớn lao đối với Đảng, Chính phủ và Nhân dân. Việc hoàn thành các tuyến cao tốc đúng tiến độ sẽ góp phần quan trọng trong hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tạo ra động lực cho phát triển đất nước, văn minh, hiện đại, vị thế của quốc gia.
Với 3 ngày trực tiếp đi kiểm tra thực địa 4 tuyến cao tốc, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhìn nhận, trong cùng hoàn cảnh giống nhau, nhưng có nhà thầu làm tốt, làm nhanh, đã mau chóng rút quân và có đơn vị còn chậm. Có những nhà thầu còn ghé vai, làm đỡ một số phần việc của nhà thầu khác. Các nhà thầu, đơn vị thi công cần nỗ lực hoàn tất công việc vì thương hiệu của mình, vì danh dự và trọng trách với đất nước.
Nhiệm vụ đến năm 2030, cả nước phải hoàn thành 5.000km đường cao tốc, đòi hỏi có những thương hiệu tầm cỡ, uy tín, gánh vác được các công trình lớn, một nhà thầu có thể đảm trách cả tuyến cao tốc dài đến 100km, chứ không phải chia nhỏ ra cho cả chục nhà thầu.
Thi công tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn qua huyện Xuân Lộc, Đồng Nai
NỐI LIỀN HUYẾT MẠCH CAO TỐC BẮC - NAM
Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), hiện nay, có 19 dự án đẩy mạnh giải ngân để đáp ứng yêu cầu. Trong đó, nhóm đẩy nhanh giải ngân về giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà thầu, gồm các dự án, BQLDA: Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (BQLDA 2); Dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch, cầu Rạch Miễu 2 (BQLDA Mỹ Thuận); Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga đoạn Vinh - Nha Trang (BQLDA 85); Dự án cải tạo, nâng cấp QL30 (Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp).
Cạnh đó, cần đẩy nhanh về nhóm giải ngân do tiến độ thi công sớm đáp ứng yêu cầu, gồm: Dự án QL45 - Nghi Sơn (BQLDA 2), Diễn Châu - Bãi Vọt (BQLDA 6), Dự án tuyến tránh QL1A đoạn qua TP.Cà Mau (BQLDA 7), cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (BQLDA Mỹ Thuận), tuyến tránh phía đông TP.Buôn Ma Thuột (BQLDA tỉnh Đắk Lắk), Dự án cải tạo, nâng cấp QL37 (Sở GTVT tỉnh Thái Bình), Dự án nâng cấp, cải tạo QL21B (Sở GTVT tỉnh Hà Nam).
Nhóm các dự án giải ngân đẩy nhanh tiến độ hơn nữa do hồ sơ nội nghiệp, gồm: Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn (BQLDA đường Hồ Chí Minh), Dự án nâng cấp, cải tạo đường cất hạ cánh Tân Sơn Nhất (BQLDA Mỹ Thuận), Dự án tuyến đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (Sở GTVT tỉnh Hà Nam), Dự án cải tạo, nâng cấp QL57 (Sở GTVT tỉnh Bến Tre).
Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 là rất quan trọng. Các tháng cuối năm 2022, khối lượng giải ngân của Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 còn khoảng hơn 7.200 tỷ đồng. Do đang vào mùa mưa bão, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, BQLDA phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Dự kiến thông xe kỹ thuật tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cuối tháng 12-2022
Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), tính từ đầu năm đến nay, lũy kế giải ngân tại dự án cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2017 – 2020) đạt 8.945/16.216 tỷ đồng (tỉ lệ hơn 55%). Bên cạnh các dự án thành phần đang đáp ứng đúng tiến độ thì một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam vẫn cần đẩy nhanh, đáp ứng được kế hoạch giải ngân.
Trong đó, các dự án tiến độ tốt sẽ hoàn thành trong cuối năm 2022, tỉ lệ giải ngân tốt gồm: Mai Sơn - QL45 (đạt gần 61%), vượt kế hoạch 92 tỷ đồng; Vĩnh Hảo - Phan Thiết (đạt 57%), vượt kế hoạch 134 tỷ đồng; Phan Thiết - Dầu Giây (đạt hơn 74%), vượt kế hoạch 186 tỷ đồng. Riêng dự án Cam Lộ - La Sơn đang giải ngân đạt 228 tỷ đồng, đạt gần 59%.
Liên quan đến 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phải về đích trong những tháng cuối năm nay 2022, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã nhấn mạnh rằng, các dự án phải “cán đích” đúng hạn, ít nhất là phải hoàn thành thảm nhựa, thông xe kỹ thuật.
“Đây là nhiệm vụ mang tính sống còn, vì vậy các BQLDA phải vượt khó bằng mọi giá với tinh thần tiến độ phải đáp ứng, chất lượng phải đảm bảo”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói. Đối với 6 dự án thành phần còn lại, các BQLDA phải sát sao, yêu cầu nhà thầu, nhà đầu tư bám sát kế hoạch, nhất là dự án Diễn Châu - Bãi Vọt. Nếu không tìm cách tháo gỡ để giải ngân nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nhiệm vụ sẽ càng nặng nề hơn.
Còn đối với 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tiếp tục yêu cầu các BQLDA đẩy nhanh việc hoàn thiện thủ tục, đảm bảo mục tiêu cuối tháng 11, đầu tháng 12-2022 sẽ xét thầu xây lắp, để có thể khởi công toàn bộ các dự án của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 vào cuối tháng 12-2022.
Về giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn vốn thực hiện, các đơn vị liên quan phải nhanh chóng hoàn thiện thủ tục, phân bổ toàn bộ 4.985 tỷ đồng cho các tỉnh và các BQLDA để phối hợp giải phóng mặt bằng.
Trong buổi đối thoại với doanh nghiệp mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các doanh nghiệp tham gia vào công trình hạ tầng chiến lược cũng phải vào cuộc trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, chung sức, đồng lòng cùng cả nước vượt qua khó khăn chung trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, các nhà thầu, đơn vị thi công hơn lúc nào hết phải thể hiện được bản lĩnh, năng lực và quyết tâm, trách nhiệm cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Những tháng cuối năm 2022, phải làm việc cả ngày đêm, thi đua để thông xe kỹ thuật 4 tuyến cao tốc với tổng chiều dài là 361km, không chỉ là “mệnh lệnh trái tim”, còn là danh dự của mỗi đơn vị, mỗi nhà thầu.
Thực hiện tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, những nhà thầu, đơn vị có năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ, về đích đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng sẽ được ưu tiên lựa chọn, chỉ định thầu tham gia thi công giai đoạn 2 (2021-2025) và các dự án cao tốc trọng điểm khác.