Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022 diễn ra vào ngày 18/9

Thứ Năm, 15/09/2022 12:45

|

(CAO) Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022 sẽ đưa ra các đề xuất, kiến nghị và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh; làm rõ các ưu tiên vào một số trọng tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Được tổ chức bởi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022 diễn ra vào ngày 18/9 sẽ gồm 1 phiên toàn thể và 2 phiên hội thảo chuyên đề.

Theo đó, sau phiên khai mạc, các đại biểu sẽ tham gia 2 hội thảo chuyên đề về “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” và “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”.

Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi họp báo

Phiên toàn thể và Toạ đàm cấp cao với chủ đề “Củng cố nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” diễn ra vào chiều cùng ngày.

Thông tin tới báo chí tại buổi họp báo sáng nay (15/9), Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tạo tiền đề để “bứt phá” thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Tuy nhiên, dẫn dự báo của các tổ chức trong nước và quốc tế, ông Hùng cho biết, giai đoạn sắp tới, kinh tế - xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định vĩ mô, các cân đối lớn, nhất là về điện, xăng dầu; áp lực lạm phát tăng cao cộng hưởng với sự gia tăng giá cả nhập khẩu đầu vào, chi phí vận tải, logistics, ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine…

"Những yếu tố này này tác động đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp; làm giảm sức chống chịu và phục hồi của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các chính sách hỗ trợ đã ban hành" - ông Hùng cho biết.

Toàn cảnh buổi họp báo

Do đó, theo ông Hùng, để đạt các mục tiêu, nhiệm vụ theo các nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết khác của Quốc hội, tiếp nối thành công của Diễn đàn năm 2021, Diễn đàn năm 2022 dự kiến sẽ bổ sung thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh-xã hội....

Cùng với đó, diễn đàn sẽ có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.

Với mục tiêu trên, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 sẽ làm rõ bối cảnh quốc tế; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa – kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi và phát triển kinh tế bền vững…

Diễn đàn cũng đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 và dự báo cả năm 2022. Trao đổi, tham vấn ý kiến về các vấn đề nóng của kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế; các vấn đề về thể chế phát triển trong bối cảnh mới; nhận diện rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính, tài khóa, tiền tệ; các vấn đề về khoa học công nghệ, giáo dục, lao động, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp ứng phó.

Rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh; làm rõ các ưu tiên vào một số trọng tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam diễn ra năm ngoái, Ban tổ chức đã tập hợp, bổ sung các luận cứ khoa học, thực tiễn giúp Chính phủ, Quốc hội đưa ra các quyết sách quan trọng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung trong 02 năm 2022 và 2023.

Cho đến nay, ông Hùng đánh giá, các chính sách đã từng bước đi vào cuộc sống, vừa có tác động trước mắt, vừa có tác động lâu dài và nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của dư luận trong nước cũng như quốc tế.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trao đổi tại buổi họp báo

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhìn nhận, với các đề xuất cụ thể, Diễn đàn kinh tế 2021 đã cung cấp thông tin đầu vào cho các cơ quan của Quốc hội để xây dựng và hoàn thiện chính sách.

“Tại kỳ họp bất thường vừa qua, Quốc hội đã đồng thuận rất cao khi ban hành chính sách tài chính – tiền tệ phục hồi kinh tế, phù hợp với bối cảnh Việt Nam thời điểm đó” - ông Thanh đánh giá.

Qua 8 tháng triển khai các chính sách, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện ở tính ổn định của kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát. “Đến giờ đã có nhiều điểm sáng mà một phần nhờ vào các gói hỗ trợ của Nghị quyết 43” - ông Thanh nói.

Dù có nhiều kỳ vọng với những dự báo lạc quan cho cả năm 2022, song theo ông Thanh, tuyệt đối không được nóng vội, chủ quan.

“Cần nhìn nhận những khó khăn, thách thức, kể cả những tác động tiêu cực từ bên ngoài tới nền kinh tế” - ông Thanh nói, nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng chưa phục hồi hoàn toàn.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh lưu ý nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ các biến động bên ngoài, bao gồm cả ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang