Số lượt người đến cơ quan hành chính khiếu nại, tố cáo giảm so với năm trước

Thứ Ba, 13/09/2022 19:56

|

(CAO) Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong năm 2022, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 14,1% so với năm trước. Số lượt đoàn đông người giảm 32,7%; tổng số đơn các loại giảm 4%.

Tại phiên họp chiều 13/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2022.

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong năm 2022, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 14,1% so với năm trước. Số lượt đoàn đông người giảm 32,7%; tổng số đơn các loại giảm 4%.

Thống kê của Chính phủ ghi nhận số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước tăng 3,9%. Nhưng nhìn chung, tình trạng công dân khiếu kiện tập trung tại trung tâm thành phố, trụ sở các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương không nhiều và không phát sinh “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo tại phiên họp

Phân tích các vụ việc đông người, phức tạp, Tổng Thanh tra Chính phủ thông tin, phần lớn là các vụ việc khiếu nại thuộc lĩnh vực đất đai, phát sinh từ những năm trước, chưa được giải quyết dứt điểm, trong đó có những vụ việc đã được cơ quan nhà nước giải quyết hết thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ ban hành kế hoạch hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, các địa phương đã tiến hành rà soát, đối thoại, thông báo chấm dứt thụ lý nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo, được ông Đoàn Hồng Phong chỉ ra, là do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, văn bản pháp luật và quản lý chưa theo kịp thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực đất đai.

Dẫn chứng, ông Phong nêu, một số chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai còn bất cập, như chủ trương về bảo đảm đất đai cho người sản xuất nông nghiệp đi liền với vấn đề giao đất ổn định lâu dài, chủ trương có hạn mức và yêu cầu tăng quy mô canh tác, phát triển kinh tế trang trại, giữa tích tụ, tập trung ruộng đất giải quyết việc làm cho người lao động.

Một số trường hợp thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hạ tầng nhưng chưa giải quyết được hài hoà mối quan hệ giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất. Một số vụ việc khiếu nại về nhà đất do lịch sử để lại khó giải quyết dứt điểm khi chính sách, pháp luật đã thay đổi không còn phù hợp hoặc không có hồi tố. Trong khi đó, hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính qua nhiều thời kỳ không được bảo quản, lưu giữ, cập nhật, chỉnh lý biến động một cách thường xuyên, kịp thời, bài bản, có hệ thống cũng gây nhiều khó khăn trong việc ra quyết định quản lý về đất đai.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày quan điểm của cơ quan thẩm tra

Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Thường trực Uỷ ban Pháp luật đánh giá, cơ cấu lĩnh vực khiếu nại cơ bản không có nhiều thay đổi so với các năm trước, vẫn tập trung chủ yếu liên quan đến đất đai (chiếm tỷ lệ 64,6%, không giảm so với năm 2021). Điều này, theo cơ quan thẩm tra, cho thấy việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật có liên quan thời gian qua chưa hiệu quả, chưa tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập dẫn đến phát sinh khiếu nại trong lĩnh vực đất đai.

Dù Bộ Tài nguyên - Môi trường đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi 6 nghị định về đất đai để tháo gỡ vướng mắc, thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, giải pháp căn cơ là cần khẩn trương, tập trung hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết trung ương 5 (khóa XIII) sớm trình Quốc hội xem xét.

“Trong quá trình sửa đổi cần tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân, doanh nghiệp, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để các quy định của Luật sau khi được Quốc hội ban hành thực sự phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhưng đồng thời phải bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân liên quan đến đất đai” - Thường trực Uỷ ban Pháp luật nêu quan điểm.

Uỷ ban này khẳng định, có như vậy mới khắc phục được các nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện phức tạp trong lĩnh vực đất đai.

Khiếu nại vượt cấp gia tăng

Thẩm tra các báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP), bà Lê Thị Nga, nhận định khái quát, các báo cáo của Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC đã phản ánh cơ bản đầy đủ tình hình khiếu nại, tố cáo trong năm 2022; kết quả đạt được và những hạn chế, khó khăn; dự báo tình hình và đề ra các giải pháp trong thời gian tới. Tuy nhiên, qua theo dõi, UBTP nhận thấy, hiện tượng công dân khiếu nại vượt cấp có chiều hướng gia tăng.

Đáng lưu ý, xuất hiện phổ biến hơn việc tố cáo về hành vi của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng ngay sau khi khiếu nại, tố cáo, đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm không được chấp nhận; nhiều vụ việc đã được xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật nhưng đương sự không chấp nhận và tiếp tục khiếu nại kéo dài.

Ngoài ra, số đơn không thuộc thẩm quyền của VKSND tiếp tục chiếm tỷ lệ lớn (44,4%), gây áp lực về khối lượng công việc và ảnh hưởng đến kết quả, tiến độ giải quyết của VKSND các cấp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang