(CATP) Sau 42 năm kể từ ngày doanh nhân (DN) Samuel Pettyjohn bị kẻ lạ mặt bắn chết tại cửa hàng của mình, 1 đại bồi thẩm đoàn ở bang Tennessee (Mỹ) được triệu tập bất thường vào năm 2021 để làm rõ nguyên nhân có phải DN này bị bắn chết do cộng tác với FBI điều tra vụ bê bối "bán lệnh ân xá” của Thống đốc bang Ray Blanton hay không?
Ngày 01/02/1979, vụ nổ súng xảy ra tại phố Chattanooga, quận Hamilton, bang Tennessee, Mỹ: Pettyjohn bị bắn nhiều phát đạn vào đầu, cổ và ngực, tử vong tại chỗ. Hai nhân chứng ở bãi đậu xe gần đó chứng kiến người đàn ông mặc áo khoác dài, đeo kính đứng cầm súng chĩa xuống Pettyjohn đang nằm trên sàn và bóp cò. Cảnh sát tìm thấy chiếc cặp của Pettyjohn, bên trong có máy ghi âm với 5 cuộn băng; tiền bạc trong người nạn nhân cũng như ở két sắt của cửa hàng với gần 100.000 USD vẫn còn nguyên.
Vụ sát hại DN Pettyjohn xảy ra chỉ ít ngày sau khi Thống đốc Ray Blanton rời nhiệm sở, ngay sau cao trào "bê bối bán lệnh ân xá” của ông: Ngày 15/01/1979, Blanton đã ân xá cho 52 tù nhân của tiểu bang, bao gồm 20 hung thủ giết người bị kết án, trong đó có Roger Humphreys - con trai của 1 người ủng hộ Blanton.
Bê bối bắt đầu lộ ra năm 1977 khi Blanton sa thải Marie Ragghianti - Chủ tịch Hội đồng Ân xá của tiểu bang - do bà từ chối thả một số tù nhân, những người sau này được xác định từng hối lộ các quan chức tiểu bang để đổi lấy lệnh ân xá. Ngày 15/12/1978, FBI đã đột kích tòa nhà Viện lập pháp tiểu bang, tịch thu các tài liệu từ Văn phòng cố vấn pháp lý của Blanton. Sau khi 3 nhân viên bị bắt, Blaton đã ra hầu tòa trước bồi thẩm đoàn liên bang ngày 23/12 và phủ nhận mọi hành vi sai trái của mình.
Lo sợ Blanton sẽ ký lệnh ân xá bừa bãi ngay trước khi hết nhiệm kỳ, Viện lập pháp tiểu bang đã tìm cách đẩy ông khỏi ghế thống đốc 3 ngày trước khi nhiệm kỳ của ông hết hạn. Sự kiện này đã đi vào lịch sử nước Mỹ với cụm từ khôi hài "luận tội kiểu Tennessee". Dù không chính thức bị truy tố do bán lệnh ân xá nhưng Blanton đã phải ngồi tù 22 tháng về các hành vi gian lận thư tín, âm mưu và tống tiền do bán giấy phép kinh doanh rượu.
Trong chiến dịch điều tra quy mô mang tên "TennPar", FBI xác định từ năm 1976, nhân vật thân cận của Blanton là Bob Rountree đã quyên góp tiền mặt và nộp khoản đó cho văn phòng thống đốc để đổi lấy việc ân xá cho Tommy Prater, Larkin Bibbs và William Cole - những phạm nhân đang thụ án tại các nhà tù do Sở Cải huấn Tennessee quản lý. Pettyjohn đã hỗ trợ Rountree trong việc bảo đảm với Bibbs rằng hắn sẽ được ân xá. Hồ sơ cho thấy Rountree - Pettyjohn sẽ đến thăm các tù nhân để thuyết phục họ rằng việc chi tiền sẽ giúp tất cả được ân xá, đồng thời Rountree - Pettyjohn sẽ trả khoản tiền tương ứng cho văn phòng thống đốc.

Ray Blanton, William Edward Alley, Samuel Pettyjohn (từ trái qua)
Quá trình thẩm vấn, Pettyjohn đã gặp riêng các đặc vụ tại căn nhà đang xây đề nghị hợp tác và cung cấp cho FBI danh sách tù nhân có thể bảo đảm trả tiền để họ được thả. Sau khi Pettyjohn bị sát hại, cuộc điều tra được tiến hành với 2 đối tượng bị tình nghi là hung thủ, cả hai đều có chứng cứ ngoại phạm nên vụ án vẫn chưa được giải quyết.
Năm 2015, cuộc điều tra được tiếp tục đã phát hiện vào năm 1993, một nhân chứng nói với Văn phòng Công tố quận Hamilton rằng William Edward Alley thừa nhận sát hại Pettyjohn với hợp đồng 25.000 - 50.000 đôla, do bên thứ ba thay mặt chính quyền Blanton trả cho Alley. Đối tượng này thừa nhận Pettyjohn bị giết vì nhiều lý do, trong đó có việc anh ta hợp tác với FBI trong các cuộc điều tra về Thống đốc Ray Blanton.
Năm 2021, các công tố viên cho rằng việc yêu cầu Đại bồi thẩm đoàn xét xử 1 vụ án mà tất cả những người có liên quan đều đã chết - vì thế sẽ chẳng có ai bị truy tố, bắt giam hay bỏ tù - là việc chưa từng có tiền lệ, nhưng cần thiết để có thể khép lại 1 hồ sơ đã kéo dài quá lâu.
(CATP) Ngày 11/6/1989, em gái của Susan Smith - người mẹ trẻ 2 con đã ly dị chồng - báo tin cho CS hạt Pike, bang Kentucky, Mỹ rằng chị cô đã mất tích 3 ngày trước đó. Cuộc tìm kiếm và điều tra được thực hiện đã rơi vào ngõ cụt trong hơn 1 năm.