(CATP) Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, gắn bó với mảnh ruộng, góc vườn ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), chính vì thế với Trần Xuân Tú, cánh cửa vào đại học (ĐH) luôn trở thành ước mơ bỏng cháy, cho đến khi cô nữ sinh trường làng phát hiện mình thất bại, nhưng không phải do năng lực bản thân mà vì tên tuổi và kết quả thi của cô đã bị đánh cắp một cách tinh vi.
Sự thật sáng tỏ sau 16 năm
Năm 2004, Trần Xuân Tú (SN 1984, người huyện Quan, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc - TQ) hăm hở bước vào kỳ thi ĐH khốc liệt, mang theo ước mơ vượt khó của cả gia đình khi vì gia cảnh khó khăn, người anh đành ngậm ngùi tạm gác ước mơ đến trường để nhường suất học cho em. Thời điểm đó, nếu không nhận được thư thông báo nhập học từ ngôi trường mình đăng ký dự thi, những thí sinh ở các khu vực xa trung tâm tỉnh lỵ sẽ mặc nhiên xem như mình đã trượt và Trần Xuân Tú cũng nằm trong số này.
Biết mình thất bại do chẳng nhận được hồi âm của ĐH Công nghệ Sơn Đông, tháng 9/2004 Trần Xuân Tú khăn gói quả mướp lên thành phố tìm việc, bỏ qua lớp đào tạo trung cấp, trở thành công nhân nhà máy, thậm chí chạy bàn trong quán ăn và mong có ngày trở thành giáo viên mầm non về quê nhà phục vụ.
Ngày tháng cứ thế trôi qua trong nhọc nhằn, tháng 10/2019 Tú tham gia kỳ thi ĐH hệ đào tạo từ xa và đỗ vào khoa Giáo dục tiểu học - ĐH Sư phạm Khúc Phụ. Mãi đến tháng 5/2020 trong quá trình đăng ký tìm việc, khi nhập thông tin cá nhân lên trang web của Bộ Giáo dục, Trần Xuân Tú vô cùng ngạc nhiên thấy hệ thống thông báo mình tốt nghiệp hệ Cao đẳng của ĐH Công nghệ Sơn Đông khóa 2004 - 2007. Tên tuổi, quê quán đúng là của cô, nhưng hình ảnh trên thông tin lại là người khác, khiến sau ngần ấy năm họ Trần bị sốc vì số phận bị đánh cắp của mình.
Năm ấy Trần Xuân Tú thi đạt 546/750 điểm, thiếu 3 điểm sẽ đỗ vào hệ ĐH, nhưng lại dư 27 điểm so với hệ Cao đẳng chuyên ngành Kinh tế và thương mại quốc tế của trường; còn đối tượng mạo danh cô cũng họ Trần, tên Diễm Bình, chỉ đạt 303 điểm nhưng nghiễm nhiên vào học dưới tên của Trần Xuân Tú.
Trần Xuân Tú
Sự bất lực của những nông dân nghèo
Sau vụ việc này, câu hỏi được dư luận TQ đặt ra là: Việc ghi danh liên quan tới rất nhiều bộ phận: giáo vụ nhà trường, viện khảo thí, nơi quản lý hộ tịch của thí sinh..., vì sao vẫn có thể trót lọt? Hổng ở quá nhiều khâu nên có thể xem đây là hợp tác gian lận. Hầu hết nạn nhân đều là những người yếu thế trong xã hội, tiếng kêu oan khó thể "thấu trời xanh"!
Năm 2020, quy chế thi ĐH ở TQ được thay đổi: Trước khi nhập học, thí sinh phải nộp chứng minh thư, xác nhận cư trú và giấy chứng nhận tham dự kỳ thi cùng kết quả ĐH được công bố trực tuyến và gửi qua tin nhắn văn bản. Thông báo mới nhất cho thấy bất kỳ sinh viên nào bị phát hiện liên quan đến hành vi mạo danh sẽ không được phép vào trường ĐH đã đăng ký.
Để điều tra, văn phòng tuyển sinh cử người về huyện Quan và được xác nhận lý do Trần Xuân Tú không nhận được giấy báo là vì đã bị người khác mạo danh, thay thế.
Ngày 27/5, Trần Xuân Tú đến công an địa phương trình báo vụ việc và tới trường cấp ba mình từng theo học để tra cứu thông tin, phát hiện hồ sơ học bạ đã bị rút nhưng không được ghi chép lại. Lúc này, người thân của kẻ mạo danh đứng ra làm trung gian đề nghị gặp Trần Xuân Tú để giải thích mọi chuyện. Qua đối tượng này, Trần Xuân Tú được biết kẻ mạo danh cô là Trần Diễm Bình (SN 1986), bố là Trần Cự Bằng - quan chức thuộc Cục Thương mại thành phố. Cũng theo lời "trung gian" Hứa, bố của Bình đã chi 2.000 nhân dân tệ mua bộ hồ sơ của Trần Xuân Tú (cùng họ lẫn nguyện vọng). Sau đó, khi biết phía ĐH Công nghệ Sơn Đông đã gửi giấy báo nhập học cho Trần Xuân Tú, ông Trần lập tức đến bưu điện huyện chặn lấy được trước khi nó đến tay Trần Xuân Tú. Tiếp theo, cậu của Trần Diễm Bình giúp cháu gái ngụy tạo bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thành tên của Trần Xuân Tú nhưng dán ảnh của Trần Diễm Bình vào đồng thời làm giấy chứng nhận chuyển hộ khẩu giả dưới tên Trần Xuân Tú.
Tháng 7/2007, tốt nghiệp cao đẳng, Trần Diễm Bình tiếp tục làm giả hộ khẩu tên Trần Xuân Tú và được tuyển dụng vào phòng kiểm toán xã với danh tính giả này. Khi sự thật được đưa ra ánh sáng, 46 người liên quan phải chịu sự trừng phạt của pháp luật; riêng Trần Diễm Bình bị hủy tất cả bằng cấp và cơ quan công an lập hồ sơ...
Sau hàng loạt vụ việc tương tự, hành vi "mạo danh, thay thế người khác" được đưa vào Bộ luật Hình sự TQ năm 2020. Theo đó, người có hành vi ăn cắp hoặc mạo nhận danh tính, thay thế người khác để được vào ĐH hoặc tuyển dụng làm công chức, viên chức hay được đơn vị phân công nhiệm vụ sẽ bị phạt tù hoặc quản chế đồng thời bị phạt tiền.
Dư luận cho rằng dù kỳ thi ĐH được xem là phương thức công bằng nhất để sàng lọc chất lượng thí sinh trên quy mô lớn ở quốc gia đông dân thứ 2 thế giới như TQ, nhưng trên thực tế việc mạo danh với sự bắt tay vi phạm có hệ thống của các quan chức nắm giữ sinh mệnh người dân trong tay như các trường hợp đã nêu vẫn khiến ngành Giáo dục nước này bị ảnh hưởng không nhỏ, cần nghiêm trị để lấy lại công bằng cho những thí sinh luôn nỗ lực vượt lên nghịch cảnh.
(CATP) Câu chuyện buồn của một cựu thí sinh ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đăng lên mạng xã hội nói rõ cách đây nhiều năm, cô từng bị con gái của một giáo viên chủ nhiệm lớp 12 mạo danh để được nhận vào một trường đại học không chỉ 1 lần khiến dư luận địa phương "dậy sóng".
NGUYỄN XUÂN (Theo Toutiao, Sohu)