(CAO) Hôm 22/4, CNN đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Ả Rập Saudi - Hoàng tử Khalid bin Salman Al Saud đã đến Iran vào tuần trước, trong chuyến thăm hiếm hoi nhằm “phá băng” quan hệ giữa hai nước vốn là hai thế lực đối địch nhau ở khu vực Trung Đông.
Hoàng tử Khalid đã gặp Thiếu tướng Mohammad Bagheri - tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Iran. Tại cuộc gặp, ông Khalid nhấn mạnh mong muốn "phát triển quan hệ quốc phòng và hợp tác khu vực để củng cố hòa bình và ổn định trong khu vực, cũng như chống khủng bố, là một trong những chủ đề thảo luận giữa hai quan chức quốc phòng cấp cao".
Đã nhiều thập kỷ trôi qua kể từ lần cuối cùng một nhân vật hoàng gia cấp cao của Saudi đến thăm Iran: đó là vua Abdullah bin Abdulaziz đã đến thăm Iran vào năm 1997 khi Tổng thống theo chủ nghĩa cải cách Mohammad Khatami đang tại vị.
Hoàng tử Khalid là con trai của Vua Salman bin Abdulaziz của Saudi.
Cuộc gặp giữa quan chức Saudi và Iran diễn ra trong bối cảnh Tehran đang đàm phán với Mỹ để đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới, đồng thời Mỹ và Israel đe dọa sẽ tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran nếu các cuộc đàm phán thất bại.

Thiếu tướng Mohammad Bagheri (trái) và Hoàng tử Khalid bin Salman Al Saud - Ảnh: Getty
Iran đã cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào lãnh thổ của nước này đều có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn. Mỹ đã duy trì sự hiện diện quân sự tại Saudi và các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh khác láng giềng với Iran.
Saudi đã cắt đứt quan hệ với Iran vào năm 2016 sau khi những người biểu tình Iran xông vào đại sứ quán Saudi tại thủ đô Iran sau vụ hành quyết một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite ở Saudi.
Sau đó, họ đã dành nhiều năm để chiến đấu trong một cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại nhau đã lôi kéo một số quốc gia láng giềng, đặc biệt là Yemen tham gia.
Tại Yemen, hai quốc gia đã ủng hộ các phe đối lập của một cuộc nội chiến, dẫn đến việc phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn bắn tên lửa vào cả Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nhắm vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ quan trọng đối với nền kinh tế của họ.
Mối quan hệ bắt đầu tan băng cách đây hai năm và cả hai quốc gia cuối cùng đã ký một thỏa thuận bình thường hóa mang tính bước ngoặt do Trung Quốc làm trung gian.