Số phận của di dân người Rohingya trên những con thuyền

Thứ Sáu, 08/12/2023 07:43

|

​(CAO) Khi Yasmin Fatoum lên đường tới Indonesia cùng hai đứa con nhỏ, cô hy vọng thoát khỏi điều kiện tồi tàn và bạo lực ở trại tị nạn Cox's Bazaar của Bangladesh - trại tị nạn lớn nhất thế giới và là nơi sinh sống của khoảng một triệu người Hồi giáo Rohingya.

Nhưng trước khi chiếc thuyền mỏng manh mà cô chia sẻ cùng khoảng 250 người Rohingya khác vừa cập bờ lần đầu ở tỉnh Aceh, cô Fatoum, 25 tuổi, đã chứng kiến ​​giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn của mình biến thành một cơn ác mộng khác.

Dân làng tức giận, coi những người tị nạn là gánh nặng cho nguồn tài nguyên địa phương, đã chặn con thuyền và đẩy nó ra biển hai lần.

"Khi mới đến Indonesia, tôi có hai con. Nhưng khi họ đẩy thuyền của chúng tôi đi, một đứa con của tôi đã chết vì bị bệnh và chúng tôi không có thức ăn" - cô Fatoum nói trong nước mắt.

Con thuyền cuối cùng cũng được phép cập bến sau nhiều ngày bấp bênh, những người trên tàu đã khóc. Họ nhẹ nhõm vì chuyến đi của họ đã kết thúc nhưng cũng đau buồn vì họ đã mất đi ba đứa trẻ khác trên tàu vì bệnh tật và thiếu lương thực.

Cô Fatoum nằm trong số 1.087 người Rohingya đến Aceh vào tháng 11. Theo dữ liệu từ Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), tỉnh cực đông của Indonesia hiện đang tiếp đón khoảng 1.200 người tị nạn Rohingya, gần một nửa trong số đó là trẻ em.

Người Rohingya là một dân tộc thiểu số ở Myanmar - nơi có đa số người theo đạo Phật. Nhiều người trong số họ đã trốn sang Bangladesh vào năm 2017.

Fatoum đã mất đứa con gái trong quá trình vượt biên - Ảnh: BBC

Hàng chục người tị nạn Rohingya bị phát hiện đã trả những khoản tiền khổng lồ cho những kẻ buôn người để đưa họ từ Bangladesh đến Indonesia và sau đó đến Malaysia - nơi hầu hết họ trở thành lao động bất hợp pháp.

Vào ngày 19 tháng 11, cảnh sát Aceh đã bắt giữ một tài xế xe tải vì âm mưu vận chuyển trái phép 36 người Rohingya ra khỏi tỉnh. Nhà chức trách cho biết những người tị nạn đã đi hai chiếc thuyền từ Bangladesh để đến Aceh và chuyến đi bằng xe tải này là một phần trong hành trình quá cảnh của họ đến một quốc gia khác.

Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết "thiện chí của nước này trong việc cung cấp nơi trú ẩn đã bị các mạng lưới buôn người lợi dụng".

Aceh đã chứng kiến ​​hàng chục chuyến thuyền Rohingya đến kể từ năm 2015, mặc dù các quan chức cho biết họ nhận thấy tần suất tăng đột biến kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2021 ở Myanmar. Những người đến gần đây nhất đều đến từ Bangladesh.

Hầu hết người Rohingya cố gắng đi thuyền đến Indonesia trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 5 khi gió nổi lên, cho phép những chiếc thuyền đông đúc di chuyển nhanh hơn. Nhưng hiếm khi thấy nhiều người đến như đầu tháng 11. Các chuyên gia dự đoán nhiều tàu thuyền có thể đến trong những tháng tới.

Đại diện Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn tại Indonesia, Ann Maymann, nói rằng tình trạng an ninh ngày càng xấu đi ở Cox's Bazaar đang buộc nhiều người Rohingya phải trốn thoát hơn.

Bà Maymann nói: “Họ sợ hãi. Đó là lý do tại sao chúng tôi thấy sự gia tăng”. Khoảng 500 người Rohingya chen chúc trong một tòa nhà nhập cư tạm thời. 

Những chiếc thuyền chở người Rohingya lênh đênh trên biển - Ảnh: AFP

Theo Lalu Muhammad Iqbal, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, Indonesia chấp nhận người Rohingya "chỉ vì lý do nhân đạo" ngay cả khi nước này không bắt buộc phải làm như vậy. Nước này không phải là một bên ký kết Công ước về người tị nạn năm 1951 của Liên hợp quốc.

Ông nói: “Những nơi trú ẩn này là giải pháp ngắn hạn chứ không phải lâu dài”, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tận gốc vấn đề ở Myanmar.

Bên cạnh tình trạng bạo lực băng đảng ngày càng gia tăng, người Rohingya ở Cox's Bazaar còn phải đối mặt với việc phiếu thực phẩm hàng tháng của họ bị cắt giảm từ 12 USD xuống còn 8 USD vào tháng 6 năm ngoái. Vài tuần trước đó, cơn bão Mocha cực mạnh đã phá hủy nhiều ngôi nhà của họ.

Rohima Khatoum, người đến cùng thuyền với cô Fatoum vào tháng 11, nhớ lại cuộc sống giữa các băng đảng ở Cox's Bazaar ngay trước khi cô rời đi.

"Họ đe dọa giết con của chúng tôi. Họ bắt con tôi và đòi tiền. Họ giết một trong những đứa con của tôi", bà Khatoum nói.

Bà Khatoum cho biết điều kiện ở các nơi trú ẩn ở Aceh tốt hơn nhiều so với ở Bangladesh.

“Tôi nghĩ rằng mình sẽ chết trên biển” - cô nói, nhớ lại việc người dân Aceh đã đẩy thuyền của cô ra biển như thế nào. "Nhưng bây giờ tôi đã ở đây và tôi cảm thấy tốt hơn" – cô nói với BBC.

Bình luận (0)

Lên đầu trang