Những vụ án kinh hoàng trong giới hàn lâm: Vụ án Parkman (kỳ 1)

Thứ Hai, 04/12/2023 09:53

|

(CATP) Nhắc tới các nhân vật trong giới hàn lâm, nhiều người thường hình dung đó là những người học cao, hiểu rộng, trầm tĩnh, đạo mạo, là tấm gương cho hậu thế, lẽ nào họ lại dám phạm trọng tội? Nhưng vẫn có một số người không thể giữ mình bởi những lẽ đời thường như tiền, tình, ý thức hệ, mong muốn trả thù… và đoạt mạng người khác, thậm chí trở thành đối tượng khủng bố.

Bị đòi nợ sát sạt, giáo sư (GS) Harvard kiêm con nợ đã sát hại cựu GS cùng trường đồng thời là chủ nợ, phân xác thành nhiều mảnh đem đốt, giấu trong hầm bí mật dưới nền phòng thí nghiệm. Vụ án "có một không hai" trong lịch sử pháp đình Mỹ thế kỷ XIX đã được bán vé (từng suất) cho khoảng 60.000 lượt người xem trong suốt 12 ngày xét xử!

Cựu giáo sư kiêm chủ nợ mất tích

Chỉ 1 tuần trước Lễ Tạ ơn (30/11) năm 1849, George Parkman - bác sĩ kiêm cựu GS Trường Y khoa Harvard - đã biến mất cùng túi tiền của mình. Gia đình Parkman vốn giàu có trong giới tinh hoa của TP.Boston ngay lập tức cho in hơn 28.000 tờ rơi với nội dung treo thưởng 3.000 USD cho ai tìm ra ông chủ gia đình 59 tuổi với khối tài sản tương đương 13,34 triệu USD (thời điểm năm 2022) này. Cảnh sát ngay lập tức triển khai tìm kiếm khắp nơi theo các thông tin nhận được.

Cơ quan điều tra tin rằng GS Parkman biến mất vì lý do kinh tế. Con đường khoa học không quá xuất sắc nhưng ông kinh doanh bất động sản, cho thuê nhà và cho vay nặng lãi. Giáo sư Parkman tự mình đi thu tiền nhà cùng các khoản nợ, công việc đó góp phần tạo ra thói quen thường nhật của ông. Tuy vậy, gia đình Parkman cũng là Mạnh thường quân của chính Trường Y Harvard.

Tia sáng đầu tiên dẫn cảnh sát đi đúng hướng là lời khai của 1 người hầu trong gia đình Parkman rằng, chiều hôm thứ sáu 23/11/1849, ông chủ của họ có hẹn lúc 1 giờ 30 ở Trường Y Harvard. Cảnh sát lục soát trường này ngay hôm thứ hai, dò khắp các xó xỉnh trừ phòng thí nghiệm của Webster vì ông này đang làm việc trong đó, chỉ mới hé cửa thò đầu ra rồi đóng ngay lại. Vị giáo sư Hóa và Khoáng vật học này mải mê khoa học nên tiền bạc giảm sút vì phải lo cho bà vợ và 2 cô con gái xênh xang trong "hội chợ phù hoa" ở Boston.

Giáo sư John Webster (trên bìa cuốn sách về vụ xét xử in năm 1850)

Một người dọn dẹp và làm những việc vặt ở Trường Y tên Ephraim Littlefield xác nhận với cảnh sát là cựu GS Parkman có đến trường vào 1giờ 30 chiều thứ sáu, nhưng do bận việc nên Littlefield không chú ý đến ông ta nữa. Cảnh sát rút đi nhưng Littlefield thì nhớ lại những điều "lạ” ông chứng kiến từ đầu tuần đến giờ.

Nhân viên lao công trở thành thám tử

Ngày 19/11/1849, Littlefield vô tình nghe lỏm được Parkman đòi nợ Webster. Chuyện Webster nợ Parkman bắt đầu từ năm 1842, nhưng vào năm 1848 sau khi đập lãi chưa trả hết vốn, Parkman đồng ý cho Webster vay tiếp với khoản thế chấp là toàn bộ tài sản của Webster cùng bộ sưu tập khoáng vật trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, liền sau đó Webster đem bộ sưu tập này thế chấp cho con rể của Parkman để vay tiếp 1.200 USD. Biết được chuyện này, Parkman nổi giận và đòi Webster "giải quyết" xong tất cả "vào ngày mai".

Hôm sau, Webster sai Littlefield đem thư tới cho Parkman, nhưng ông ta không muốn dính vào cuộc đối đầu nên bảo một cậu nhóc chuyển hộ.

Littlefield càng nghĩ càng nghi ngờ: Từ thứ hai (19/11/1849) đến thứ năm (22/11/1849) Webster làm như vô tình hỏi ông về cấu trúc của hầm nước thải dưới tòa nhà, nơi tử thi sẽ bị bỏ xuống đó sau khi được sinh viên và các GS mổ xẻ nghiên cứu trong các phòng giải phẫu, rằng nước triều có lọt vào đó không, có đem nến vào đó được không. Webster nhờ ông kiếm giùm nửa lít máu - việc chưa từng xảy ra, nhưng Littlefield từ chối khéo bằng cách nói dối là không tìm được.

Một tuần sắp trôi qua kể từ khi Parkman biến mất, cảnh sát vẫn chưa tìm ra ông. Littlefield cũng không bỏ cuộc, vì món tiền thưởng khủng đang chờ. Mối nghi ngờ của Littlefield ngày càng gia tăng: Hôm 28/11/1849 khi ông thấy bức tường phòng mình sát với phòng thí nghiệm của Webster nóng rực, căn phòng bị khóa từ bên trong, có tiếng chân người đi lại, tiếng nước chảy. Nhìn qua khe dưới cửa, Littlefield thấy chân người đi lại 8 lần giữa thùng đựng củi và bếp lò.

Littlefield quyết định hành động sau khi Webster tặng 1 con gà tây nhân ngày Lễ Tạ ơn - lại thêm một chuyện chưa từng có! Sau khi Webster ra về, Littlefield leo cửa sổ vào phòng thí nghiệm nơi bốc mùi axít, thấy 8 thùng củi cùng vỏ bào nhóm lò đều hết sạch. Hôm sau (29/11), nhờ vợ canh gác, ông trang bị búa rìu khoét bức tường phía dưới phòng vệ sinh của Webster. Chui qua lỗ thủng vào hầm ngầm, Littlefield lần tìm đến ngăn nơi chất thải từ phòng vệ sinh của Webster đổ xuống, nhưng do gặp bức tường 2 lớp gạch nên công việc kéo dài qua hôm sau. Khi lỗ thủng được mở, làn khí từ bên trong phụt ra làm tắt ngọn nến của Littlefield. Chờ một lát cho mắt quen với ánh sáng lờ mờ, Littlefield nhìn vào trong và thấy... khung xương chậu của người!

Nhận được tin báo từ Littlefield, ngay sau kỳ nghỉ lễ, cảnh sát đã lục soát kỹ lại từ phòng thí nghiệm cho tới hầm ngầm chất thải và tìm ra các bộ phận thi thể của Parkman, một phần bị đốt cháy, phần bị tiêu hủy bằng axít dang dở, phần bị phân nhỏ vứt xuống cống trong phòng vệ sinh.

Phần còn lại của cuộc điều tra để kết tội Webster không quá khó khăn, dù ông ta dứt khoát bác bỏ. Webster khai tại văn phòng của ông, vào chiều 23/11/1849 Parkman đã nhận 483,64USD mà Webster trả theo định kỳ, rồi quay về. Phiên tòa kéo dài 12 ngày vào cuối tháng 8/1849 thu hút công chúng tham dự, tương tự phiên tòa xét xử ngôi sao bóng chày Simpson bị xét xử và được tuyên trắng án về vụ sát hại vợ cũ trong thế kỷ XX.

Sau khi đơn xin xét lại bản án tử hình bị bác bỏ, Webster thú nhận đã sát hại Parkman trong cơn nóng giận bằng 1 cây gậy, khi Parkman dọa sẽ làm ông ta mất chức GS.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang