(CATP) Nhà điều tra Karsten von Hoesslin, nổi tiếng với series "Đại dương vô pháp" (Lawless Oceans, chiếu trên National Geographic), đã dành nhiều năm điều tra về cướp biển Châu Phi và Đông Nam Á. Ông nhấn mạnh, điều mà các bộ phim Hollywood chưa đề cập là cỗ máy và động lực kiếm tiền của các băng nhóm hải tặc thời hiện đại. Khi quyết định thâm nhập mạng lưới cướp biển ở Đông Nam Á hơn 1 thập niên trước, Karsten von Hoesslin đã tạo cho mình lớp vở bọc, lúc là nhiếp ảnh gia, khi là nhà nghiên cứu hay học giả. Suốt vài năm, nhà điều tra người Canada này đã tạo được sự tin tưởng của thế giới ngầm trên vùng biển Indonesia, Malaysia.
Người còn, nhiên liệu "bốc hơi"!
Hai tiếng trước khi mặt trời lặn vào chiều 28/5/2014, nhóm 10 người đàn ông trang bị súng và dao rựa leo từ tàu cao tốc lên boong tàu chở dầu Orapin 4 của Thái Lan, đang trên đường từ Singapore đến Pontianak - một cảng ở phía Tây bờ biển Borneo của Indonesia. Những kẻ tấn công nhốt các thủy thủ xuống khoang dưới, cắt đứt hệ thống liên lạc, xóa chữ cái đầu tiên và cuối cùng trên thân tàu. Bắt đầu từ đây, con tàu có tên mới là Rapi.
Không liên lạc được với thủy thủ đoàn, tối hôm đó hãng tàu biển Thái Lan sở hữu Orapin 4 đành ra thông báo tàu đã mất tích. Cảnh báo vô tuyến được gửi đi, yêu cầu các tàu khác lưu ý đến Orapin 4, nhưng vẫn bặt vô âm tín! Trong 10 tiếng đồng hồ tiếp theo, những kẻ tấn công đã bơm 3.700m3 nhiên liệu sang tàu khác. Bốn ngày sau cuộc tấn công, Orapin 4 được kéo về cảng Sri Racha ở Thái Lan. Thủy thủ đoàn 14 người vẫn lành lặn, nhưng số nhiên liệu trị giá 1,9 triệu USD đã "bốc hơi"!
Vì nhiều lý do khác nhau, như chủ hãng tàu lo các công ty bảo hiểm tăng phí, chính quyền quan ngại địa phương sẽ trở thành "điểm đen" của hoạt động cướp biển, ảnh hưởng đến sự an toàn và lợi ích của những người trong cuộc, nên tin tức về những vụ cướp dầu diesel hay dầu cọ (CPO) trong vùng không được thông báo rộng rãi.
"Một đêm đi cướp bằng ba năm làm"
Một vụ cướp sà lan chở khoảng 4.000 tấn CPO có thể mang lại cho nhóm cướp biển cả triệu USD chiến lợi phẩm. Nhưng muốn thành công cần phải có "tay trong", thông tin tình báo và cả sự hỗ trợ tài chính cho đám cướp ô hợp không thích chia sẻ cùng nhau.
Để hoàn thành phi vụ tấn công tàu chở dầu cọ hay diesel, nhóm hải tặc cần có thiết bị và tay nghề bơm dầu đồng thời cần ít nhất 1 chiếc tàu cao tốc có thể đuổi kịp sà lan và thêm chiếc thuyền khác, còn gọi là "tàu chở dầu ma", để vận chuyển số hàng cướp được. Và cũng rất cần thời gian, có khi lên đến vài ngày, để bơm trọn vẹn số hàng cướp được vào "tàu chở dầu ma" đồng thời thoát khỏi hiện trường.
Nhà điều tra người Canada Karsten von Hoesslin đã dành hơn 10 năm nghiên cứu về cướp biển Châu Phi và Đông Nam Á. Ảnh: National Geographic
Năm 2007, giá dầu cọ và diesel bắt đầu tăng. Các sà lan địa phương có thể mang lại doanh thu đến 2 triệu USD. Những nhóm hải tặc chuẩn bị lên kế hoạch, tập hợp các đội để diễn tập. Điều phối viên của các nhóm bắt đầu tìm kiếm "nhà đầu tư” đồng ý tài trợ tiền bạc trong thời gian nhóm "nằm vùng" gồm: sinh hoạt phí, trang bị cho tàu chở dầu và tàu cao tốc hoặc thợ máy, kẻ làm hồ sơ giả cho "tàu chở dầu ma" và tàu cao tốc không được cấp phép. Các thủ lĩnh băng cướp lần lượt tuyển dụng thành viên theo ý mình.
"Từ những đội tàu mang tính cơ hội, cướp biển vùng Đông Nam Á đã trở thành những tập đoàn tội phạm phức tạp. Vào thời điểm các băng cướp hoành hành, chúng tôi xác định có tới 18 tập đoàn cướp biển", Karsten von Hoesslin viết trong báo cáo.
Những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, giá dầu cọ khoảng 1.000 USD/tấn. Các tập đoàn hải tặc đã kiếm được rất nhiều tiền, với các tay cướp biển sống trên tàu có thể thu về 500 USD/giờ cho 1 phi vụ kéo dài 72 tiếng. Tính ra trong 3 ngày trên biển, mỗi tên cướp kiếm được 36.000 USD - số tiền khủng ở những nước nghèo. Chính vì thế, để kiếm tiền, nhiều đối tượng thà trở thành cướp biển ở Đông Nam Á hơn bất kỳ nơi nào khác, vì khả năng bị bắt thấp hơn, trong khi hậu quả cũng không phải lớn. Tuy vậy, một phi vụ thất bại cũng có nghĩa số tiền khủng đã "bốc hơi", khoảng 500.000 USD, nếu kế hoạch cướp bị hủy hay cảnh sát biển ngăn chặn.
Khi giá dầu cọ bắt đầu giảm năm 2012, các nhóm hải tặc tiếp tục đa dạng hóa nguồn doanh thu bằng cách chuyển sang tấn công tàu chở dầu diesel vốn đang tăng giá. Các tập đoàn tội phạm đã điều chỉnh kế hoạch hành động theo biến động thị trường, trong khi các phi vụ cướp tàu vẫn tiếp diễn. Chỉ đến khi giá dầu diesel bắt đầu giảm mạnh, các tập đoàn hải tặc phải chấp nhận rủi ro là đánh cướp các con tàu có tổng doanh thu dưới 500.000 USD để gỡ gạc phần nào chi phí bỏ ra.
Để bù đắp cho số tiền hao hụt, các thủ lĩnh bắt đầu sử dụng những đội kế hoạch B - tức các tên cướp chưa qua huấn luyện hay có kinh nghiệm trận mạc. Năm 2015, hải tặc Indonesia đã thất bại trong vụ đánh cướp tàu chở dầu MT Orkim Harmony của Malaysia đang chạy qua biển Đông. Tất cả những tên cướp trong đội B đã bị bắt ngay khi vừa lên boong tàu.
(CATP) Trong tác phẩm "Cướp biển bên bờ Hoa Nam 1790-1810", nhà sử học người Anh Stanford Dian H. Murray đã viết: "Trong gần một thập niên, Trịnh Thị hoặc chia sẻ quyền lực với triều đình nhà Thanh, hoặc kiểm soát hoàn toàn vùng biển ngoài khơi Trung Quốc đại lục và phía Nam, bất chấp mọi nỗ lực hay mong muốn của các hoàng đế Thanh triều. Ở đỉnh cao quyền lực, Trịnh Thị chỉ huy 400 tàu với quân số ước tính từ 40.000 - 80.000 người, có khả năng đối đầu với bất kỳ lực lượng hàng hải nào trong khu vực".
SONG HẢO (Theo Time, Southeast Asia Globe)