Sáng tạo trong việc tiêu diệt đàn chó trận của quân Mỹ
Để thực hiện mục tiêu "tìm diệt" và "bình định", trong hai mùa khô 1965-1966, 1966-1967, Mỹ đã đưa sang miền Nam Việt Nam khoảng 5.000 con chó trận và 10.000 người để điều khiển chúng. Phần lớn chó và người điều khiển chó được đào tạo tại căn cứ lục quân Fort Benning (bang Georgia). Chó trận cũng có cấp bậc và lương bỗng. Chúng được tổ chức thành tiểu đội và trung đội, hoạt động theo toán 5 binh sĩ với hai con chó.
Ban đầu, chó trận của Mỹ cũng gây cho ta một số khó khăn. Vì vậy việc vô hiệu hóa và tiêu diệt chúng là nhiệm vụ tác chiến cấp thiết. Phong trào hiến kế vô hiệu hóa chó và tiêu diệt chó trận đã được phát động và nhân rộng - đặc biệt là trong hai cuộc "phản công chiến lược mùa khô của Mỹ” (1965-1966 và 1966-1967). Quân du kích Củ Chi đã có sáng kiến sử dụng những biện pháp hữu hiệu sau:
Một là, Mỹ thường dùng chó nghiệp vụ để tìm kiếm, phát hiện những lỗ thông hơi và các cửa ra vào địa đạo. Để đánh lừa và vô hiệu hóa sự đánh hơi của chó, các chiến sĩ du kích hay dùng quần áo lính Mỹ đang mặc - thường là áo khoác M65 (dân ta hay gọi là áo Mỹ). Đây là những thứ quân Mỹ vứt bỏ trên chiến trường sau khi bị thương. Mùi Mỹ quen thuộc trong quần áo lính Mỹ có tác dụng vô hiệu hóa khứu giác của bọn chó nghiệp vụ. Du kích Củ Chi còn dùng nước xà phòng thơm Camay (loại xà phòng quân Mỹ hay sử dụng) bí mật đổ ra xung quanh khu vực trú ẩn, hoặc dùng ớt bột trộn với hạt tiêu xay và đất rắc trên đường đi. Khi lũ chó Mỹ ngửi phải những thứ này thì khả năng đánh hơi của chúng sẽ vô hiệu.
Hai là, khi bị lũ chó trận của Mỹ truy đuổi, quân ta phải lập tức xóa sạch mồ hôi bằng cách lội qua sông, suối hoặc ngâm mình trong bùn lầy để tẩy sạch hơi người.
Ba là, trước khi đột nhập vào căn cứ Mỹ, các chiến sĩ du kích hoặc đặc công chỉ mặc chiếc quần đùi, nằm phơi sương vài đêm cho hết hơi người rồi mới thực hiện nhiệm vụ.
Sau cuộc chiến tranh, có khoảng 350 con chó trận của Mỹ và 263 người huấn luyện chó đã bị thiệt mạng trên chiến trường Việt Nam.

Hội Mẹ chiến sĩ An Phú, Củ Chi tiếp tế cho du kích bám vành đai diệt Mỹ
Sáng tạo trong tác chiến để diệt trừ "quân chuột địa đạo" của Mỹ
Với ưu thế tuyệt đối về vũ khí, khí tài quân sự và binh lực, bọn tướng tá Mỹ lầm tưởng rằng có thể dễ dàng đè bẹp các chiến sĩ du kích Củ Chi trong lòng đất, nhanh chóng "bóc vỏ trái đất" và "bới tung địa đạo". Thế nhưng, ngay trong đợt đầu của cuộc phản công chiến lược mùa khô thứ nhất (1965-1966) cho thấy rõ: Dựa vào "pháo đài bay", xe tăng, xe thiết giáp, máy ủi đất, máy bơm nước, bơm hơi ngạt, súng phun lửa, phun khí độc, sử dụng bộc phá, bom tấn, bom na-pan, chó nghiệp vụ... đều không thể thực hiện được mưu ma chước quỷ của tướng Mỹ Westmoreland.
Sự thất bại ấy buộc Mỹ phải tìm thêm cách làm mới, dẫn tới việc thành lập các biệt đội để chuyên đi phát hiện và triệt phá địa đạo. Chúng được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như: "quân chuột cống", "quân chuột chủi", "quân chuột đường hầm", "quân chuột địa đạo" (tunnel rat). Biệt đội này được giao thực hiện hai nhiệm vụ: Tìm kiếm tài liệu, đồ quân nhu, vũ khí hoặc tất cả những thứ gì có liên quan đến lĩnh vực hoạt động tình báo và nghiên cứu cách thức hữu hiệu để phá hủy địa đạo.
"Quân chuột cống" được chọn thường là những người vóc dáng nhỏ, nhẹ cân, nhanh nhẹn để có thể thuận tiện trong việc chui vào địa đạo. Trang bị của chúng gọn nhẹ, chỉ có khẩu súng lục, chiếc đèn và mặt nạ phòng độc.
Để vô hiệu hóa hoạt động và nhằm triệt tiêu đội "quân chuột cống" của Mỹ, quân dân Củ Chi đã phát kiến ra những cách đánh giặc sau đây:
Một là, dùng chông bẫy, sử dụng chông bẫy là cách đánh "quân chuột cống" hữu hiệu. Trên chiến trường Củ Chi đã có tới hàng chục loại chông bẫy do quân du kích và bộ đội địa phương sáng chế như: bẫy cọp, chông thò, chông hom, chông trục xoay, chông bổ, chông cánh, chông cần cối, chông nách, chông bồ cào...
Xung quanh các cửa lên xuống địa đạo, thường được quân ta bố trí hầm chông, hố đinh, gài mìn chống bộ binh, có cả mìn lớn chống xe tăng và mìn định hướng chống trực thăng đổ bộ. Thậm chí, quân dân Củ Chi còn bố trí nhiều lỗ bên thành hầm địa đạo để chọc dao và đâm lao vào khi phát hiện có "quân chuột cống" xâm nhập. Chông bẫy và mìn bố trí dưới địa đạo được thay đổi vị trí từng ngày. Đây chính là trận đồ bát quái để gài bẫy đám "quân chuột cống" chọn lối đi vào cửa tử thần. Mọi người đều biết, trong "trận càn bóc vỏ trái đất" của Mỹ (Cedar Falls), 900 "quân chuột cống" và 3.000 con chó trận của Mỹ trên chiến trường Củ Chi chẳng làm nên trò trống gì.
Hai là, đánh "quân chuột cống" bằng chất nổ. Nguồn chất nổ của quân du kích Củ Chi đánh giặc, phần lớn được lấy từ các loại bom đạn của Mỹ chưa phát nổ trên chiến trường. Tại các cửa sập dưới địa đạo, thường được gắn chất nổ. Du kích Củ Chi chẳng những dùng chất nổ để đánh "chuột địa đạo" dưới hầm ngầm, mà còn đánh cả chúng cả trên mặt địa đạo.
Ở những lối đi dẫn tới địa đạo, hầm ngầm, du kích đều gài mìn và đặt bẫy đón "quân chuột cống". Tại những cánh rừng thấp, phán đoán có thể là nơi địch làm bãi để đỗ máy bay trực thăng hoặc treo trực thăng trên không để "quân chuột cống" tụt xuống đất bằng dây thừng. Du kích Củ Chi đã phát kiến ra việc chế tạo bẫy mìn có thể phát nổ khi trực thăng bay ở độ cao 10-15m. Họ cài một quả mìn trên mặt đất rồi đặt một cây nhỏ lên trên kíp nổ. Khi máy bay vờn phía trên, gió từ cánh quạt sẽ thổi cây kích hoạt quả mìn. Loại mìn này sử dụng kíp nổ đặc biệt do nông dân thiết kế và chế tạo.
Ba là, dùng rắn độc để đánh "quân chuột cống".
Sáng tạo trong lĩnh vực đấu tranh chính trị
Thực hiện Cương lĩnh và Chương trình hành động 10 điểm thực hiện tuyên ngôn cứu nước và Chương trình chính trị, phối hợp đồng bộ với hoạt động của các lực lượng vũ trang, quân và dân Củ Chi đã tiến hành đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị trên cả 3 vùng chiến lược với những hình thức đấu tranh rất đa dạng.
Phong trào đấu tranh chính trị trên chiến trường Củ Chi đã tập hợp được hàng chục vạn lượt quần chúng tham gia chống chính sách càn quét, lấn chiếm, bình định của địch, phá tan tổ chức ngụy quyền ở thôn, xã và vận động hàng vạn binh sĩ, nhân viên ngụy quyền trở về với nhân dân.
Việc tổ chức các "đội quân tóc dài" làm hạt nhân nòng cốt trong những cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng để bịt họng súng đại bác, ngăn xích sắt xe tăng, xe thiết giáp Mỹ; việc tiến hành những hình thức đấu tranh độc đáo như: tản cư ngược, đi chợ nhồi, nhập thị... là những hoạt động rất sáng tạo trong lĩnh vực đấu tranh chính trị.
Sáng tạo trong hoạt động binh vận
Củ Chi là địa phương thực hiện rất năng động Chính sách binh vận 10 điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ngành binh vận và Hội Phụ nữ Giải phóng đã ra sức xây dựng các "tổ binh vận thường trực" và những "tổ binh vận cơ động" đã vận dụng những hình thức binh vận đa dạng như: Dùng nội tuyến tiêu diệt ác ôn, dùng lực lượng gia đình kêu gọi binh lính đầu hàng... Tại các đồn bót địch, ta đều có bố trí tổ vị trí, tổ binh vận vũ trang, lực lượng binh vận thường trực, bao vây tuyên truyền, phát động gia đình binh sĩ và binh sĩ. Trên cơ sở có phong trào quần chúng vận động binh sĩ tốt, ta bắt mối quan hệ xây dựng nhiều cơ sở trong lòng địch tạo thành mũi xung kích đánh địch, không có vũ khí mà thành công lớn.
Trải qua 30 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ và vô cùng oanh liệt, trên quê hương "Đất thép thành đồng" Củ Chi không có mảnh đất nào không bị kẻ thù tàn phá tiêu điều xơ xác, không có khu rừng nào không bị chất độc hóa học, B52, bom na-pan hủy diệt, không có gia đình nào không có người hy sinh mất mát. Mức độ ác liệt của chiến tranh tưởng chừng như không chịu nổi. Nhưng đồng chí và đồng bào Củ Chi muôn vạn người như một, người trước ngã người sau xốc tới, kiên cường kháng chiến, chịu đựng mọi hy sinh gian khổ, ác liệt, dốc sức người, sức của cho cuộc kháng chiến toàn thắng không từ một hy sinh tổn thất nào. Nhân tố chính trị và tinh thần cao như núi, sức mạnh tư tưởng và ý chí vững như sông của nhân dân Củ Chi, đã tạc nên dáng đứng trên tượng đài chiến thắng.
Năm tháng đi qua, Củ Chi ngày nay vẫn là vùng đất thép "chưa ra ngõ đã gặp anh hùng". Tự hào biết bao, mảnh đất thiêng này đã hai lần vinh dự được phong tặng danh hiệu anh hùng. Anh hùng đánh giặc giữ nước trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ. Anh hùng trong công cuộc lao động sáng tạo để xây dựng quê hương Củ Chi giàu đẹp, nghĩa tình.
Từ một vùng đất mang trên mình đầy vết tích chiến tranh sau khi kết thúc Chiến dịch mùa Xuân đại thắng tháng Tư năm 1975, đến nay đã qua 50 năm tiếp tục được trui trong lò luyện thép, Củ Chi đã trở thành huyện ngoại thành đầu tiên của TPHCM được công nhận là huyện nông thôn mới. Từ quang cảnh nhà tranh vách đất ở hương thôn xưa, nay diện mạo Củ Chi đã được hoàn toàn đổi mới: nhà cửa khang trang, vườn tược xanh tươi, ruộng đồng trù phú. Từ những con đường lầy lội, chật hẹp ngày trước, Củ Chi giờ đây đã xây dựng được một hệ thống giao thông như mạng nhện nối liền liên thôn, liên xã, được trải nhựa và bê tông hóa. Củ Chi tự hào có được con đường cao tốc Xuyên Á rộng 6 làn xe nối trung tâm TPHCM với trung tâm huyện Củ Chi. Ngày nay Củ Chi còn có hàng trăm đồ án quy hoạch khu dân cư đô thị, khu dân cư nông thôn và khu dân cư công nghiệp cùng với 2.000 héc-ta vườn cây ăn trái ở ven sông Sài Gòn; 100 héc-ta hoa lan, cây cảnh; trên 3.000 héc-ta rau an toàn và hơn 70.000 con bò sữa... Quả là trên vùng "Đất thép thành đồng" Củ Chi: Truyền thống kế thừa truyền thống, chiến công nối tiếp chiến công.
(CATP) Dũng cảm trong chiến đấu, kiên cường trong bom đạn, lập nhiều chiến công hiển hách, ngày 17/9/1967 miền Nam mở Đại hội quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, quân dân Củ Chi được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vinh danh là "Đất thép thành đồng" và được tặng "Huân chương thành đồng". Qua 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân dân Củ Chi đã tạo nên "dáng đứng" bất diệt của mình trong vô vàn phương thức đánh giặc rất sáng tạo, xuất phát từ tư tưởng tiến công cách mạng: "Nắm chặt thắt lưng Mỹ mà đánh".
TRẦN HỮU PHƯỚC (nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam)