Những ngôi chùa mang đậm dấu ấn Bồ tát Thích Quảng Đức

Bài 1: Ngôi nhà thờ Tổ phụ Bồ tát Thích Quảng Đức và chùa Tổ đình Sắc tứ Long Sơn

Thứ Tư, 07/06/2023 11:42

|

(CATP) Đã 60 năm qua, trong ký ức những người Việt Nam yêu hòa bình luôn in đậm ngọn lửa và trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức.

Năm 2023, Đại lễ tưởng niệm 60 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963-2023) được tổ chức tại nhiều địa phương trên đất nước Việt Nam. Hoạt động Phật sự phong phú, hạnh nguyện lớn của Bồ tát Thích Quảng Đức trong quá trình hành đạo tại vùng đất Khánh Hòa đã để lại dấu ấn về tinh thần cống hiến cao cả, phụng sự chúng sanh không mệt mỏi, ý chí tinh thần bất diệt của Ngài đối với Phật giáo và dân tộc. Đạo hạnh giản dị, lạc quan, yêu thương con người của Ngài gắn liền với tình cảm của người dân trong quá trình phát triển phong trào Phật giáo tại tỉnh Khánh Hòa.

Những đóng góp Phật sự của Bồ tát Thích Quảng Đức tại tỉnh Khánh Hòa đã trở thành di sản lịch sử - văn hóa đang được tiếp tục lưu giữ và phát huy giá trị cho muôn đời sau. Chuyên đề Công an TPHCM trân trọng giới thiệu loạt bài về những địa điểm như: ngôi nhà thờ Tổ phụ nơi Ngài chào đời, ngôi chùa Long Sơn nơi Ngài xuất gia tu học và những ngôi chùa tiêu biểu nơi Ngài đã tu học, trụ trì, kiến tạo, chứng minh, trùng tu, khai sơn... trên bước đường hoằng đạo tại tỉnh Khánh Hòa.

Ngôi nhà thờ Tổ phụ Bồ tát Thích Quảng Đức nơi Ngài chào đời, cùng ngôi chùa Tổ đình Sắc tứ Long Sơn tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa là di tích lưu niệm Bồ tát Thích Quảng Đức xuất gia nhập đạo, nơi đây đang lưu giữ nhiều kỷ vật thiêng liêng của Ngài và Tổ Hoằng Thâm - Bổn sư của Bồ tát Thích Quảng Đức.

Nhà thờ Tổ phụ Bồ tát Thích Quảng Đức

Hòa thượng Thích Quảng Đức thế danh Lâm Văn Tuất, SN 1898 tại ngôi làng nhỏ ở Khánh Hòa, nay thuộc thôn Hội Khánh Đông, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh. Ngài là con út trong gia đình có 7 anh chị em, thân sinh là cụ Lâm Hữu Ứng và bà Nguyễn Thị Nương. Năm lên 7 tuổi, Ngài được song thân gửi vào chùa Long Sơn tại Thôn Phú Cang, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh cho xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Như Đạt - Giải Nghĩa tự Hoằng Thâm trụ trì chùa Long Sơn thuộc dòng Thiền Chúc Thánh, là cậu ruột - người anh thứ ba của mẹ, được Hòa thượng nhận làm con nuôi và đặt tên là Nguyễn Văn Khiết. Năm 15 tuổi, Ngài thọ giới Sa Di, năm 20 tuổi thọ giới Tỳ Kheo, được ban Pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hạnh Pháp, pháp Hiệu Quảng Đức.

"Nhà thờ Tổ phụ Quảng Đức" tọa lạc tại thôn Hội Khánh Đông, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, nơi Bồ tát Thích Quảng Đức chào đời. Nhà thờ Tổ phụ do cố Hòa thượng Thích Thông Bửu, kế thế Bồ tát Thích Quảng Đức, trụ trì tổ đình Quán Thế Âm, TPHCM xây dựng trên nền ngôi nhà cũ vào năm 1998. Nhà thờ Tổ phụ được xây theo kiến trúc 3 gian 2 chái truyền thống, có dáng vẻ mộc mạc như những ngôi nhà ở làng quê Việt Nam với không gian thoáng đãng, trang nghiêm, ấm cúng và yên bình. Bên trong cùng thờ gia tộc của Bồ Tát, bên ngoài thờ Đức Phật Thích Ca và ngoài cùng là di ảnh Bồ Tát Thích Quảng Đức. Gian giữa trước ngôi nhà có ghi dòng chữ "Đền thờ Tổ phụ Bồ tát Quảng Đức". Hiện nay, gia đình ông Lâm Văn Đà - cháu nội của người anh thứ 5 của Bồ tát Thích Quảng Đức thờ cúng và chăm sóc ngôi nhà.

Tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức tại chùa Long Sơn

Chùa Tổ đình Sắc tứ Long Sơn

Chùa Tổ đình Sắc tứ Long Sơn tọa lạc trên núi Một tại thôn Phú Cang 1, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, là ngôi chùa đầu tiên Bồ tát Thích Quảng Đức xuất gia nhập đạo tu học. Ngôi chùa có diện tích 6.950m2, cách nhà thờ Tổ phụ Bồ tát khoảng 15 km về phía Nam huyện Vạn Ninh.

Theo các tư liệu lịch sử, xưa kia chùa có tên Thánh Kinh, được khởi dựng trước năm Thành Thái thứ 10 (1898). Niên hiệu Thành Thái thứ 13 (1902) Nguyễn Như Đạt, Tự Giải Nghĩa, hiệu Hoằng Thâm nối truyền dòng Lâm tế chánh tông, đời thứ 41; Ngài họ Nguyễn, được gọi là Nguyễn Văn Giá, SN Đinh Tỵ (1857), cùng bổn xã và cựu phẩm Võ Trung, Ngô Hữu Lộc góp công, của dựng lại chùa. Sau khi xây dựng xong giao cho hòa thượng Hoằng Thâm trụ trì.

Niên hiệu Duy Tân thứ 2 (1907) trụ trì Hoằng Thâm sáp nhập chùa Thánh Kinh vào chùa Long Sơn, đúc đại hồng chung. Từ khi khởi dựng đến nay, chùa trải qua 7 đời trụ trì. Tương truyền khi xuất gia trụ trì Hoằng Thâm đã luyện tập các pháp môn huyền học. Công đức khai sáng và tôn tạo chùa Long Sơn và hoằng truyền đạo pháp của trụ trì Hoằng Thâm là tấm gương soi sáng, Ngài đã mở ra một trang sử mới cho chùa Long Sơn. Vua chúa cảm phục ban phong Sắc tứ cho chùa vào năm bảo Đại thứ 14 (1938).

Chùa Long Sơn là nơi Bồ tát Thích Quảng Đức xuất gia và nhận được sự giáo hóa của trụ trì Hoằng Thâm, giúp sự hiểu biết về kinh, luật, luận của Ngài được nâng cao. Trụ trì Hoằng Thâm vừa là bổn sư, vừa là cậu ruột, là cha nuôi. Trong hành trình tu đức tại chùa Long Sơn, Ngài được chỉ dạy về các phương pháp tu luyện theo mật giáo; bên cạnh việc học tập kinh điển những bản Ngữ lục thiền tông, tư tưởng của các bậc thiền sư nổi tiếng trong dòng phái, như: Tổ Pháp Thân Minh Đạo, Tổ Quang Nhật - Minh Đài... và các phương pháp tu đức, võ nghệ, nghề đông y do tổ Hoàng Thâm chỉ dạy. Năm 20 tuổi, Ngài thọ giới Tỳ Kheo, thời kỳ ngài vô vi trụ trì, Ngài phụ trách trị sự chùa. Song thân của Ngài cũng quy y tại chùa Long Sơn, anh của Bồ tát là Thị Cảnh - Hành Phước - Viên Minh cũng xuất gia tại ngôi chùa này.

Nhà thờ Tổ phụ Bồ tát Thích Quảng Đức

Chùa Long Sơn được tôn tạo, trùng tu nhiều lần, trong các năm 1964, 1972, 2001, 2004, năm 2010 chùa kiến tạo tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức theo nguyên mẫu lấy từ tượng đài nơi ngã tư đường Cách mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu, TPHCM; trong khuôn viên chùa có phòng thờ Bồ tát Thích Quảng Đức, phòng lưu giữ hiện vật quý.

Chùa Long Sơn hiện nay đang lưu giữ hơn 40 hiện vật quý giá, thiêng liêng qua các đời trụ trì, là những di sản lịch sử - văn hóa đã và đang được các đời trụ trì trân trọng gìn giữ, như: sắc phong, tượng phật cổ bằng đá, bản mộc Phái quy y tam bảo, bản mộc Thế độ phú pháp, chuông đại hồng chung năm thứ 2 vua Duy Tân, chuông gia trì vua Bảo Đại đời thứ 14, bản mộc quang minh, ấn Chú vãn sanh, bản dập phái quy y, long vị 33 Tổ sư, tượng phật gỗ, tượng ngài Quan thánh bằng gỗ... Đặc biệt, nơi đây lưu giữ nhiều hiện vật của Bồ tát Thích Quảng Đức, như: áo cà sa, mão tỳ lư, ấn ngà khắc tên Quảng Đức... Đây cũng là một trong rất ít nơi lưu giữ xá lợi của Bồ tát Thích Quảng Đức. Ngoài ra, chùa lưu giữ bộ sưu tập vỏ ốc tai tượng được đưa về từ quần đảo Trường Sa, điêu khắc tượng Phật, Bồ tát, Thánh Tăng và bộ Kinh bổn môn pháp hoa có số lượng nhiều nhất Việt Nam.

Xá lợi của Bồ tát Thích Quảng Đức lưu giữ tại chùa Long Sơn

Với những giá trị lịch sử - văn hoá của chùa Long Sơn, ngày 30/9/2015, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định xếp hạng chùa Long Sơn là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Bia di tích chùa Long Sơn ghi: "Chùa Long Sơn, còn gọi là chùa Thánh Kinh, được khởi dựng vào cuối thế kỷ XIX để thờ Phật, Quan Thánh Đế Quân, năm vị trụ trì và Bồ tát Thích Quảng Đức... Đây là nơi Bồ tát Thích Quảng Đức (1897 - 1963) xuất gia và tu học từ năm 1903 đến năm 1921.

Ngày 11/6/1963 (ngày 20/4 năm Quý Mão), Ngài đã vị pháp thiêu thân để phản đối chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Bồ Tát Thích Quảng Đức là tấm gương sáng về đấu tranh bất bạo động cho hòa bình, tự do, bình đẳng, hạnh phúc của nhân dân trước nạn cường quyền, áp bức. Trái tim bất diệt của Ngài đã trở thành biểu tượng tinh thần của Phật giáo Việt Nam và muôn đời được nhân dân tôn kính".

Chùa Long Sơn hiện nay là địa điểm tổ chức lớp sơ cấp Phật học của Giáo hội Phật giáo huyện Vạn Ninh. Hơn 10 năm qua, hàng tháng, chùa tổ chức khóa tu cho người mù trong huyện với số lượng khoảng 60 phật tử. Hàng năm, vào tháng 7 âm lịch, chùa tổ chức khóa tu cho người mù toàn tỉnh với số lượng khoảng 300 phật tử.

Ngoài các ngày đại lễ của Phật giáo, lễ kỵ tổ khai sơn, chùa tổ chức lễ kỵ Bồ tát Thích Quảng Đức vào ngày 19/4 âm lịch hàng năm. Hiện nay, Thượng tọa Thích Thường Tín trụ trì chùa, đã tiếp nối các đời trụ trì cùng sự hỗ trợ của các ban, ngành tại địa phương và phật tử đã phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của ngôi chùa, giữ gìn, tôn tạo cảnh quan và lưu giữ các hiện vật quý.

Nhà thờ Tổ phụ Bồ tát và chùa Tổ đình Sắc tứ Long Sơn huyện Vạn Ninh ấm áp và linh thiêng, nơi tăng ni, phật tử và nhân dân trong và ngoài tỉnh thường xuyên đến thăm viếng, chiêm bái.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang