Liên tục phá án "tín dụng đen"
Mới nhất, ngày 26/5, CATP ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 9 bị can trong đó có giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Digital Credit, giám đốc Công ty TNHH Fincap và một số nhân viên Công ty TNHH Sofi Solutions, để điều tra tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Theo CATP, dù đứng tên là các pháp nhân độc lập, trụ sở đăng ký ở Q10, Q3 nhưng thực tế 3 công ty này được điều hành cùng hệ thống quản lý, cùng hoạt động tại một tòa nhà trên đường Phan Tôn (Q1).
Từ tháng 4/2019, các công ty này chủ yếu hoạt động "tín dụng đen" thông qua trang web tamo.vn và findo.vn, cho vay trái phép, đặt máy chủ tại nước ngoài. Theo Cơ quan điều tra (CQĐT), từ tháng 4/2019 đến khi bị phát hiện, bắt giữ, 3 công ty trên đã cho vay hơn 2 triệu lượt, với tổng cộng hơn 6.000 tỷ đồng, thu lợi hơn 4.100 tỷ đồng. Lãi suất cho vay rất "khủng", thấp nhất là 153%, cao nhất lên đến 1.200%/năm, gấp cả trăm lần mức lãi cho vay theo quy định pháp luật (không vượt qúa 20%).
Hơn 1 tháng qua, CATP đã phát hiện, xác minh hàng trăm số điện thoại liên quan hoạt động cho vay tài chính với 50 đối tượng nghi vấn. CQĐT đã khởi tố 3 vụ, 17 bị can về các hành vi liên quan "tín dụng đen".
Công an TPHCM bắt nhóm tín dụng đen hôm 6/5/2023 gồm: Phan Văn Tài, Phan Văn Trọng, Phùng Văn Minh (từ trái qua)
Các tổ chức "tín dụng đen" hoạt động rất tinh vi, thường núp dưới vỏ bọc là doanh nghiệp có chức năng hỗ trợ tài chính hoặc ở nhiều tiệm cầm đồ. Bằng thủ đoạn thường là cho vay không thế chấp, cho vay dưới hình thức huy động vốn, góp vốn, góp tài sản kinh doanh. Cách thức là dụ dỗ, lôi kéo người vay tiền trực tiếp hoặc qua ứng dụng, mạng xã hội với lãi suất cao bất thường. Có trường hợp lãi suất 90 - 100%/tháng, thậm chí lên tới 700 - 1.000%/tháng. Trong quá trình đó, "tín dụng đen" sử dụng nhiều thủ đoạn để đòi nợ như đe dọa, khủng bố tinh thần qua các chân rết đòi nợ thuê, chiếm đoạt tài sản tiền lương trả qua ATM...
Còn có hình thức "tín dụng đen" lưu động, trong thời gian qua có nhiều nhóm "tín dụng đen" len lỏi vào các tỉnh, thành hoạt động và nhiều nhóm đã bị CA bắt, khởi tố. Mới nhất, ngày 06/5, CQĐT CATP đã bắt giữ 5 đối tượng để điều tra về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Nhóm người này khai từ Hà Nội vào TPHCM để hoạt động "tín dụng đen" từ nhiều năm nay. Phương thức hoạt động là thuê người đi in tờ rơi có thông tin cho vay kèm số điện thoại, thủ tục vay dễ dàng, rồi dán lên cột điện, tường nhà dân... Nhóm này cho vay với lãi suất rất cao. CA thu giữ hơn 170kg tờ rơi, 35kg "card" quảng cáo trái quy định in thông tin cho vay.
Làm sao để vay tín chấp dễ dàng?
Hiện ở nước ta có khá nhiều hình thức vay tín chấp, hình thức chính thống phổ biến nhất là vay qua hệ thống ngân hàng. Khi người vay có tài khoản ngân hàng, có thẻ tín dụng hoặc được ngân hàng đánh giá điểm tín nhiệm, họ có thể nộp hồ sơ vay theo 2 hình thức: vay theo thẻ tín dụng (hình thức phổ biến và nghiêm túc) và vay tiền mặt. Cản trở trong việc vay tín chấp là hệ thống hỗ trợ an sinh xã hội ở nước ta chưa nắm rõ thông tin tài chính từng cá nhân nên rất khó được duyệt vay. Đây là bài toán không thể giải quyết được trong một sớm một chiều, cần sự phối hợp liên ngành chặt chẽ. Đầu tháng 5/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Hiện NHNN khẩn trương xem xét, quyết định và sớm ban hành thông tư hướng dẫn, để triển khai nhanh. Hy vọng những rào cản về việc vay tín chấp phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân được tháo gỡ, để người dân dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn chính thức, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen.
"Tín dụng đen" - khổ nạn với người nghèo
Làm sao để chấm dứt nạn "tín dụng đen" là câu hỏi của nhiều ngành chức năng được đặt ra từ khá lâu. Ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về việc "Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Chỉ thị yêu cầu mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc và trên không gian mạng để tấn công quyết liệt các loại tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", gắn với đấu tranh triệt xóa các đường dây đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn..., triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí quân dụng, núp bóng doanh nghiệp để hoạt động. Ngay sau chỉ thị này, các địa phương đã đồng loạt mở các đợt trấn áp tội phạm "tín dụng đen".
Tại TPHCM, từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2022, đã tiếp nhận và phát hiện 381 vụ liên quan "tín dụng đen". Trong đó, 112 vụ bị khởi tố với 268 bị can; hành vi bị khởi tố nhiều nhất, chiếm 25% là cố ý gây thương tích với 28 vụ. CA cũng ghi nhận hơn 1.300 lượt đổ chất bẩn, chất thải do mâu thuẫn từ cho vay lãi nặng.
Mới đây, CATP đã "sờ" tới Công ty CP kinh doanh F88 (Công ty F88) chi nhánh TPHCM, CQĐT đã khởi tố 10 bị can là trưởng nhóm và nhân viên để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. F88 là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, kinh doanh cho vay chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật nhưng theo các chuyên gia, lãi suất vay của F88 rất cao, nếu tính các loại phí khác, đưa mức vay lên đến 56% là có biểu hiện vi phạm pháp luật. Nhiều chi nhánh F88 ở các tỉnh, thành khác như: Thanh Hóa, Tiền Giang, Đà Nẵng, An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Hậu Giang, Long An, Bắc Giang... cũng bị cơ quan chức năng kiểm tra.
Tạo điều kiện để người dân được vay vốn dễ dàng
Dù vậy hoạt động "tín dụng đen" đến nay vẫn chưa thể đẩy lùi, vẫn hoạt động ở nhiều địa phương, đẩy dân nghèo đến những hoàn cảnh hết sức bi đát. Vì sao trên cả nước, thời gian qua rất nhiều đường dây "tín dụng đen" bị bóc gỡ, hàng ngàn bị can đã bị bắt giam, khởi tố nhưng "tín dụng đen" vẫn mọc lên như nấm, gây bức xúc dư luận xã hội, đẩy dân nghèo vào đường cùng? Đặc biệt với vấn nạn đòi nợ kiểu giang hồ từ những đường dây "tín dụng đen" làm mất ANTT, an toàn cho xã hội. Rất dễ thấy là điều kiện cho vay của các đường dây "tín dụng đen" rất đơn giản, không cần thế chấp, thủ tục rất đơn giản. Nhưng người dân cần nhớ khi vay rất dễ nhưng khi trả rất... khó, thậm chí tán gia bại sản.
Tờ rơi thu giữ của nhóm tín dụng đen
Từ tháng 6/2022, cho rằng lợi nhuận "tín dụng đen" mang lại quá lớn, trong khi mức phạt tù với tội phạm loại này chỉ từ 6 tháng đến 3 năm không đủ răn đe, UBND TPHCM gửi Bộ CA đề nghị tăng hình phạt đối với các đối tượng này, kèm kết quả ba năm đấu tranh với tội phạm "tín dụng đen".
Trong Chỉ thị số 12/CT-TTg của Chính phủ nêu trên, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên truyền, thông tin các gói vay ưu đãi đến mọi tầng lớp nhân dân, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, để người dân, doanh nghiệp (DN) vay dễ dàng. Thực tế từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy định để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân, doanh nghiệp; tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, DN; đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay.
Bên cạnh đó, phát triển mạng lưới TCTD, các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền. Đến nay, toàn hệ thống đã có 124 TCTD và gần 1.200 Quỹ tín dụng nhân dân; 16 công ty tài chính được cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc; 4 tổ chức tài chính được cấp phép hoạt động với 64 chi nhánh và 59 phòng giao dịch thuộc 24 tỉnh, TP.
Chính phủ cũng đã có chiến lược tài chính toàn diện quốc gia năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu nhằm tăng khả năng tiếp cận tài chính tới mọi người dân và DN, trong đó đặc biệt chú trọng tới nhóm đối tượng mục tiêu là những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân, DN góp phần hạn chế tín dụng đen, trong đó đặc biệt tập trung rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.
Nhưng trong thực tế để người dân tiếp cận các nguồn vốn chính thức rất khó, bởi vẫn còn nhiều thủ tục nhiêu khê, mức vay lại thấp. Vay tiêu dùng của dân hiện vẫn còn nhiều rào cản về điều kiện, dù đây là hình thức cho vay hiệu quả vì đáp ứng nhanh nhu cầu của người vay.
"Tín dụng đen" là vấn đề xã hội gây nhức nhối trong thời gian qua. Đẩy lùi "tín dụng đen" là một thách thức với các cơ quan chức năng. Để góp phần giải quyết thách thức này, việc tìm cách để người dân tiếp cận các nguồn tín dụng chính thức là rất quan trọng nhưng cũng không dễ thực hiện vì những ràng buộc, điều kiện để người dân vay tiêu dùng còn rất phức tạp.
(CATP) "Tín dụng đen" với lãi suất rất cao, có khi hơn 1.000%/năm đang đẩy dân nghèo đến đường cùng. Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Thời gian qua, từ việc rà soát, bóc gỡ tờ rơi quảng cáo cho vay tiền nhanh dán trên cột điện, tường nhà dân, Công an TPHCM (CATP) đã triệt phá, bóc gỡ nhiều đường dây cho vay lãi nặng, với lãi suất lên đến gần 700%/năm. CATP đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm hoạt động "tín dụng đen", mang lại hiệu quả rõ rệt.