Công an TPHCM: Chặt đứt hàng loạt "vòi bạch tuộc tín dụng đen”

Thứ Hai, 29/05/2023 14:34

|

(CATP) Trong tháng 5/2023, Công an TPHCM (CATP) đã liên tục phát hiện và triệt xoá nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm chuyên sống bằng nghề cho vay nặng lãi. Các vụ việc được phát hiện phần lớn thông qua công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát hình sự (CSHS); truy xét thông tin từ quảng cáo “bẩn”, được các đối tượng dán ở những cột điện, vách tường trên đường.

Không chỉ triệt xoá, bóc gỡ các đường dây cho vay nặng lãi hoạt động theo kiểu đơn lẻ, rời rạc, CATP mới đây còn lôi hàng loạt công ty, doanh nghiệp “núp bóng”, thực hiện hành vi cho vay với lãi suất “cắt cổ” ra chịu tội trước pháp luật. Những tổ chức, đường dây “tín dụng đen” được lực lượng chức năng cắt đứt trong những ngày vừa qua đã thể hiện quyết tâm của lực lượng chức năng trong việc đẩy mạnh đấu tranh, xử lý tội phạm liên quan đến tín dụng đen, đòi nợ thuê trái phép núp bóng các công ty tư vấn tài chính, công ty tư vấn luật…

“Ngân hàng cột điện” hết đất sống

Cơ quan CSĐT CAQ.Tân Bình cho biết, đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tam giam đối với Trịnh Xuân Tuấn (SN 1982, quê Thái Nguyên). Theo tài liệu điều tra của CAQ.Tân Bình, Tuấn là đối tượng chuyên sống bằng nghề cho vay tiền góp với mức lãi suất trên 300%/năm.

Cán bộ điều tra CAQ.Tân Bình lấy lời khai đối với Trịnh Xuân Tuấn

Trước đó, hồi 17 giờ ngày 06/5, tổ tuần tra của Đội CSHS, CAQ.Tân Bình trong quá trình làm nhiệm vụ trên địa bàn đã tiến hành kiểm tra hành chính đối với đối tượng nghi vấn là Trịnh Xuân Tuấn, đang điều khiển môtô BKS 95F1-025.23, di chuyển trên các tuyến đường thuộc P.10, Q.Tân Bình.

Đấu tranh nhanh với Tuấn, đối tượng thừa nhận đang đi thu tiền góp. Các trinh sát hình sự cũng phát hiện trong điện thoại của Tuấn có nhiều tin nhắn với nội dung liên quan đến hoạt động cho vay tiền lấy lãi suất cao. Được đưa về trụ sở CAP.10 làm việc, Tuấn cho biết đang cùng 2 đối tượng khác là Vũ Tùng Lâm (SN 1993, quê Lào Cai) và Vũ Đình Hùng (SN 1995, quê Hải Phòng) cùng làm nghề “quăng” tiền góp. Cả 3 cùng thuê nhà trên đường Tỉnh lộ 10 (P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân).

Từ lời khai của Tuấn, CAQ.Tân Bình tiếp tục kiểm tra và đưa thêm Kiều Quốc Mạnh (SN 2001, quê Hà Nội), Đặng Mạnh Thắng (SN 1995, quê Hải Phòng) và Vũ Tùng Lâm về CQĐT làm việc. Trước những chứng cứ đã thu thập được, bên cạnh lời khai do các đối tượng cung cấp, bước đầu xác định, Trịnh Xuân Tuấn bắt đầu “Nam tiến” từ đầu năm 2023 và được một đối tượng tên Nguyễn Đắc Hiếu (SN 1982, quê Hải Phòng) thuê, trả công mỗi tháng 8 triệu đồng.

Nhiệm vụ của Tuấn là tìm khách và cho vay lấy lãi, rồi phải trực tiếp đi dán giấy quảng cảo với nội dung “cho vay tiền không giữ giấy tờ, không thế chấp” tại các Q.Tân Bình, Q.Bình Tân và Q.6. Khách hàng có nhu cầu sẽ trực tiếp gọi vào số điện thoại 0906807664 gặp Hiếu. Hiếu sau đó sẽ chỉ định cho Tuấn xuống hiện trường xác minh và “giải ngân”.

Chân dung của Trịnh Xuân Tuấn

Để “bành trướng” quy mô cho vay, Hiếu yêu cầu Tuấn kết nạp thêm “cộng sự” là Vũ Tùng Lâm và Vũ Đình Hùng. Nhiệm vụ của Lâm, Hùng là cùng với Tuấn tham gia cho khách vay tiền và hàng ngày đi thu tiền trả góp cho Tuấn với tiền công 8 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, cả nhóm Tuấn, Hùng và Lâm sẽ nhận thêm tờ rơi do Hiếu chuyển qua mạng xã hội rồi in và đi dán tại các cột điện, tường nhà dân ở các quận, huyện thuộc địa bàn TPHCM để quảng cáo việc cho vay.

Cứ như vậy, nhóm “ngân hàng cột điện” này đã cho tổng cộng 23 khách vay với số tiền 469 triệu đồng, thu lợi bất chính hơn 104 triệu đồng. Trong số này, Lâm cho 8 khách vay và thu tiền góp hàng ngày với số tiền 162 triệu đồng, thu lời bất chính hơn 39 triệu đồng.

Hùng cho 1 khách vay 10 triệu đồng và thu lợi bất chính hơn 1,5 triệu đồng. Ngoài 23 khách hàng này, đường dây cho vay lãi nặng của Tuấn và đồng bọn còn cho vay thêm một số khách khác song thông tin của người vay vẫn đang trong quá trình xác minh.

Tang vật cơ quan Công an thu giữ từ băng nhóm của Trịnh Xuân Tuấn

Hiện tại, Hiếu và Hùng đã bỏ trốn, CQĐT đang tích cực truy tìm thông tin của 2 đối tượng này. Căn cứ vào tài liệu chứng cứ thu thập được, CQĐT xác định, Tuấn đã cho vay với lãi suất trên 304%/năm và thu lợi bất chính trên 100 triệu đồng.

Với Lâm, xác định y đã cho với lãi suất 304%/năm thu lời bất chính số tiền hơn 39 triệu đồng. CQ CSĐT CAQ.Tân Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trịnh Xuân Tuấn. Đối với Vũ Tùng Lâm, đối tượng được gia đình cho bảo lãnh tại ngoại, tiếp tục thu thập tài liệu chứng chứ phục vụ công tác điều tra.

Đối với Kiều Quốc Mạnh và Đặng Mạnh Thắng do chưa đủ căn cứ khởi tố hình sự nên được đề xuất cho gia đình bảo lãnh, cam kết có mặt khi được triệu tập làm việc, quá trình điều tra sẽ tiếp tục làm rõ để xử lý.

Khởi tố 9 bị can về hành vi cho vay lãi nặng

Ngày 28/5/2023, Cơ quan CSĐT CAQ.10 (Đội Cảnh sát kinh tế) cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố 9 bị can là các Giám đốc, Trưởng phòng, Trưởng bộ phận, Trưởng nhóm tại Công ty TNHH MTV TMDV Digital Credit; Công ty TNHH Fincap VN và Công ty TNHH Sofi Solutions về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Việc thi hành lệnh được thực hiện vào chiều ngày 27/5. Tất cả các Quyết định đều đã được Viện kiểm sát nhân dân Q.10 phê chuẩn.

Các đối tượng bị khởi tố gồm: Nguyễn Thị Tuyết Sương (SN 1968, ngụ Q.10) - Giám đốc Cty Digital Credit; Trương Tuấn Tài (SN 1991, ngụ Q.6) - Giám đốc Cty Fincap VN; Đinh Thị Hồng Loan (SN 1980; thường trú TP. Thủ Đức) - Trưởng phòng Hành chính, nhân sự Cty Sofi Solutions; Cao Thị Xuân Hương (SN 1978, nơi ở Q.3) - Kế toán trưởng Cty Sofi Solutions; Lưu Tuấn Bình (SN 1982, ngụ Q.4)- Trưởng bộ phận Marketing Cty Sofi Solutions; Trần Dũng (SN 1986, cư ngụ Q. Gò Vấp)- Trưởng phòng vận hành Cty Sofi Solutions; Đặng Hùng Tuấn (SN 1987, sinh cư Q.12)- Trưởng bộ phận nhắc nợ trước hạn Cty Sofi Solutions; Nguyễn Thị Bé Năm (ngụ Q.12) - Trưởng nhóm nhắc nợ G1; Hồ Thị Bích Chi (SN 1990, ngụ Q.5)- Trưởng nhóm thu hồi nợ G2.

Cơ quan Công an thực hiện việc khám xét tại nhà và nơi làm việc của đối tượng Trần Dũng (SN 1986, ngụ P14, Q.Gò Vấp), Trưởng phòng Vận hành Công ty TNHH Sofi Solutions

Quá trình điều tra xác định, Công ty Digital Credit và Công ty Fincap VN đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ cầm đồ; Công ty Sofi Solutions đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý, tư vấn tài chính nhưng thực tế các ngành nghề kinh doanh chỉ là vỏ bọc cho các công ty này hoạt động cho vay lãi nặng thông qua trang web tamo.vn và findo.vn.

Đây là các trang web cho vay tiêu dùng trực tuyến trái pháp luật, đã được cài đặt lập trình sẵn, đặt máy chủ chứa dữ liệu tại nước ngoài và vận hành từ nước ngoài; Các công ty Sofi Solutions, Digital Credit, Fincap triển khai hoạt động cho vay tại Việt Nam.

Khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng chỉ cần đăng nhập vào trang web hoặc ứng dụng trên điện thoại, điền đầy đủ thông tin cá nhân và nhu cầu vay sẽ được hệ thống tự động giải quyết cho vay mà không cần tiếp xúc trực tiếp với bất cứ nhân viên nào của bên cho vay.

Khách hàng được nhận tiền vay qua chuyển khoản và được nhận 3 hợp đồng điện tử gồm Hợp đồng cho vay cầm đồ và Hợp đồng cầm cố tài sản với Công ty Digital Credit/ Công ty Fincap, hợp đồng dịch vụ tư vấn với Công ty Sofi Solutions. Tất cả các hợp đồng này được lưu giữ trên hệ thống mạng, các bên không cần ký kết gì trên hợp đồng.

Thực tế của việc gửi hợp đồng là nhằm hợp thức hóa, chia nhỏ lãi suất thành các loại phí, che giấu bản chất cho vay lãi nặng, trốn tránh sự phát hiện của cơ quan CA. Hợp đồng thể hiện khách hàng cầm cố điện thoại di động, công ty cho khách hàng thuê lại tài sản cầm cố và phải đóng phí nhưng thực tế không có bất cứ hoạt động cầm cố tài sản nào.

Cơ quan Công an thực hiện việc khám xét tại nhà đối tượng Cao Thị Xuân Hương (SN 1978, ngụ Phường 13, Quận 3), Kế toán trưởng Công ty Công ty TNHH Sofi Solutions

Số tiền mỗi lần cho vay thấp nhất là 500.000 đồng, cao nhất là 20.000.000 đồng, trong đó khách vay lần đầu chỉ được vay tối đa 2.000.000 đồng, thời hạn tối đa 7 ngày; phải trả dứt điểm lần trước mới được vay lần sau hoặc đến khi hạn khách hàng không thanh toán được có thể gia hạn nợ thêm 5 ngày, 10 ngày, 15 ngày… tối đa không quá 30 ngày nhưng phải trả phí gia hạn.

Từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2023, qua 2 trang web trên, 3 công ty đã giải ngân cho vay hơn 2 triệu lượt vay, tổng cộng hơn 6.072 tỷ đồng; thu lợi bất chính hơn 4.123,4 tỷ đồng, với lãi suất thấp nhất là 153,2%; cao nhất là 1.289,67%, gấp từ 7 lần đến 64 lần mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ luật dân sự.

Công ty Digital Credit, Công ty Fincap VN và Công ty Sofi Solutions đăng ký trụ sở kinh doanh tại Q.3, Q.10 nhưng không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, đây chỉ là các địa chỉ đặt biển hiệu công ty. Thực tế cả 3 công ty cùng hoạt động chung tại Tòa nhà Viễn Đông, số 14 Phan Tôn, P.Đa Kao, Q.1 nhằm trốn tránh sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng nơi đăng ký kinh doanh.

Cả 3 công ty đều là các pháp nhân độc lập nhưng thực tế không hoạt động tách rời, có chung bộ máy nhân sự, các nhân viên làm việc chung với nhau và cùng thực hiện các hoạt động cho vay tiêu dùng trái pháp luật (núp bóng hoạt động cầm đồ) trên nền tảng trực tuyến tại các trang web tamo.vn và findo.vn.

Cơ cấu tổ chức nhân sự hoạt động cho vay gồm 8 bộ phận, có phân công cụ thể vai trò của từng giám đốc, trưởng phòng, trưởng bộ phận, trưởng nhóm và nhân viên để thực hiện nhiệm vụ cụ thể từ tuyển dụng, đào tạo nhân sự; quảng cáo, tìm kiếm người vay; tư vấn, hướng dẫn người vay thao tác trên trang web, ứng dụng; thẩm định, kiểm tra xác minh thông tin người vay; mời gọi khách hàng cũ tiếp tục vay vốn; nhắc nợ khi sắp đến hạn; thu nợ quá hạn; hạch toán kế toán, hợp thức hóa nguồn tiền thu lợi bất chính…

Công an khám xét nơi ở của Trương Tuấn Tài (SN 1991, ngụ Q.6) - Giám đốc Cty Fincap VN

Toàn bộ hoạt động của nhân viên (trên 120 người) đều thực hiện trên không gian mạng, được công ty cấp cho mỗi nhân viên 1 máy tính đã cài đặt sẵn các phần mềm, ứng dụng, có nhiều tầng nấc bảo mật.

Toàn bộ dữ liệu khách hàng và hoạt động tài chính, kế toán… đều được lưu trữ trên điện toán đám mây để khi nhân viên nghỉ việc không trả lại máy hoặc khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý sẽ cho reset lại máy từ xa, xóa toàn bộ dữ liệu trên máy.

Các đối tượng nắm bắt được nhu cầu vay tiêu dùng lớn trong xã hội, nhất là các trường hợp gặp khó khăn về tài chính, cần tiền ngay, thủ tục giản đơn, không phải cầm cố, thế chấp tài sản để triển khai hoạt động cho vay trực tuyến.

Do số tiền mỗi lần cho vay không lớn, chỉ từ 500.000 đồng đến tối đa 20.000.000 đồng; thời hạn vay ngắn chỉ từ 7 ngày đến 30 ngày; số tiền lãi phải trả sẽ không lớn nên khách hàng vẫn chấp nhận vay vốn dù lãi suất rất cao và hiếm có trường hợp tố giác tội phạm.

Với các phương thức, thủ đoạn trên, các đối tượng đã gây rất nhiều khó khăn cho Cơ quan điều tra trong quá trình phát hiện, xác minh, điều tra làm rõ đường dây hoạt động tội phạm; nhất là việc xác định nơi hoạt động thực tế của các công ty và từng nhân viên; xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ do đều là dữ liệu điện tử, lưu trữ trên không gian mạng có bảo mật.

Đặc biệt, khi CA các tỉnh, thành phố tập trung kiểm tra, xử lý mạnh với hoạt động “tín dụng đen” núp bóng công ty luật, công ty tài chính, cưỡng đoạt tài sản vào đầu năm 2023, cả 3 công ty đã cho nhân viên mang máy tính về hoạt động tại nhà, không hoạt động tập trung tại trụ sở nhằm đối phó, xóa dữ liệu khi có nhân viên bị triệu tập làm việc.

Từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2023, qua 02 trang web tamo.vn và findo.vn, 3 công ty đã giải ngân cho vay hơn 2 triệu lượt vay, tổng cộng hơn 6.072 tỷ đồng; thu lợi bất chính hơn 4.123,4 tỷ đồng, với lãi suất thấp nhất là 153,2%; cao nhất là 1.289,67%, gấp từ 7 lần đến 64 lần mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ luật dân sự.

Thống kê bước đầu có đến 90% hồ sơ vay có lãi suất trên 500%. Hiện vụ án đang được điều tra mở rộng.

Cứ đụng là ra “tín dụng đen”

CAQ.Tân Phú đang tạm giữ Trần Ngọc Tùng (SN 1994, quê Hải Phòng) và Nguyễn Văn Thắng (SN 1994, quê Hải Phòng) - 2 đối tượng chuyên sống bằng nghề cho vay nặng lãi. Hoạt động cho vay nặng lãi của Trần Ngọc Tùng bắt đầu từ đầu tháng 02/2023.

Từ Hải Phòng, Tùng lưu lạc ở Tân Phú, thuê nhà trên đường Trịnh Đình Thảo (P.Hoà Thạnh, Q.Tân Phú) và đặt đại bản doanh cho vay lãi nặng tại đây. Tùng thuê Nguyễn Văn Thắng, là bạn “thời nối khố” của y ở Hải Phòng làm “cộng sự”. Mỗi tháng, Thắng nhận 9 triệu đồng từ Tùng.

Công việc của Tùng sẽ là tìm khách để cho vay, thu tiền góp mỗi ngày, ban đêm chúng cùng nhau đi gián quảng cáo bẩn khắp các quận, huyện của TPHCM.

Trần Ngọc Tùng (SN 1994, quê Hải Phòng)

Từ những tài liệu đấu tranh do trinh sát thu thập được, bước đầu xác định đến tháng 05/2023, đường dây “tín dụng đen” của Trần Ngọc Tùng cầm đầu đã cho hơn 30 khách vay nợ với mức lãi suất ghi nhận từ 25% đến 36%/tháng tương ứng từ 300% đến trên 400%/năm. Bước đầu, Cơ quan CSĐT CAQ.Tân Phú đã mời gọi được 11 bị hại của Tùng và Thắng trong hoạt động “tín dụng đen” để làm việc.

Đối tượng Nguyễn Văn Thắng làm việc với điều tra tại CAQ.Tân Phú

Nguyễn Văn Thắng, trợ thủ của đối tượng Trần Ngọc Tùng khai, trung bình mỗi tối, Thắng sẽ thực hiện dán hơn 1.000 tờ quảng cáo trên các cột điện, bờ tường nơi có lượng dân cư đông đúc, gần các công ty, xí nghiệp. Khung thời gian thường được các đối tượng lựa chọn bắt đầu từ 2 giờ đến 4 giờ mỗi ngày.

Tuy nhiên, Thắng sẽ không không trực tiếp thực hiện mà thuê các đối tượng khác với giá từ 1,2 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Lộ trình dán giấy sẽ được chúng đưa trước và theo dõi thông qua điện thoại. Nếu quá trình dán giấy bị bại lộ, bị CA bắt giữ, các đối tượng sẽ thực hiện quy luật im lặng, quyết không khai ra tên, tuổi người thuê.

CAQ.Tân Phú thu giữ được hàng loạt tài liệu chứng minh cho hoạt động cho vay lãi nặng của Trần Ngọc Tùng và Nguyễn Văn Thắng

Từ những chứng cư đã thu thập được, lực lượng điều tra đã xác định số tiền thu lợi bất chính mà Tùng kiếm được từ hoạt động cho vay lên đến hơn 116 triệu đồng. Cơ quan CSĐT CAQ.Tân Phú đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Ngọc Tùng.

Bên cạnh đó, trong quá trình đấu tranh với kẻ “đầu sỏ”, y còn thừa nhận, từ đầu tháng 5/2023, do nhận thấy chính quyền đẩy mạnh truy quét hoạt động “tín dụng đen”, Tùng đã liên tục tiêu huỷ các tài liệu, chứng cứ chứng minh hoạt động cho vay nặng lãi của mình. Điều này minh chứng cho hoạt động chuyên nghiệp của Tuấn trong lĩnh vực “đen”…

Cột điện được phủ kín bởi các quảng cáo bẩn của Trần Ngọc Tùng và Nguyễn Văn Thắng
Nguyễn Văn Thắn phải đi gỡ, xóa các quảng cáo bẩn do mình dán

Ngay sau khi làm sáng tỏ đường dây cho vay lãi nặng do Trần Ngọc Tùng (SN 1994, quê Hải Phòng) cầm đầu, Cơ quan CSĐT CAQ.Tân Phú đã tiếp tục đấu tranh, tạm giữ 2 đối tượng khác với cùng tội danh “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Trước đó, vào lúc 22 giờ 30 ngày 23/05, Tổ tuần tra 363 của CAQ.Tân Phú thực hiện nhiệm vụ trên tuyến Khuông Việt (P.Phú Trung) thì phát hiện 2 đối tượng nghi vấn nên tiến hành kiểm tra. 2 đối tượng là Nguyễn Minh Tuấn (SN 1989, ngụ Hà Nội, tạm trú Q.Tân Bình) và Nguyễn Thế Hiếu (SN 1969, ngụ Hà Nội, tạm trú Q.Tân Bình).

Nguyễn Thế Hiếu (SN 1969, ngụ Hà Nội, tạm trú Q.Tân Bình) cầm đầu đường dây cho vay lãi nặng làm việc với điều tra viên Đội CSHS, CAQ.Tân Phú

Kiểm tra điện thoại của Tuấn và Hiếu, các CBCS phát hiện có chứa nhiều đoạn tin nhắn nghi vấn hoạt động cho vay lãi nặng nên đưa về trụ sở CAP.Phú Trung làm việc. Ban đầu, 2 đối tượng quanh co chối tội. Song với các biện pháp nghiệp vụ và chứng cứ rõ ràng, Tuấn và Hiếu phải thừa nhận hành vi cho vay nặng lãi của mình.

Dựa vào những gì các đối tượng khai nhận, một bảng danh sách các con nợ của bộ đôi này nhanh chóng được lực lượng chức năng thông kê, làm việc. Qua thống kê, xác định số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động cho vay của Hiếu và Tuấn trên 100 triệu đồng.

Tại trụ sở của Đội CSHS CAQ.Tân Phú, Nguyễn Thế Hiếu, đối tượng cầm đầu đường dây khai nhận, ủ mộng “Nam Tiến” vào TPHCM để kiếm tiền từ việc cho vay nặng lãi. Theo Hiếu, các tỉnh thành phía Nam đang được xem là địa bàn ưa thích để các đối tượng “tín dụng đen” nhắm đến để hành nghề. 

Nguyễn Minh Tuấn (SN 1989, ngụ Hà Nội, tạm trú Q.Tân Bình)

Song song đó, đối tượng cũng thừa nhận, trong quá trình hoạt động, nếu con nợ manh nha ý đồ “bùng kèo” sẽ bị chúng áp dụng nhiều chiêu trò hăm doạ, xử lý. Các chiều thức này đa phần là sử dụng các cuộc gọi hăm doạ, thường xuyên xuất hiện tại nơi ở của con nợ nhằm gây áp lực về tâm lý, tinh thần con nợ.

Mặt khác, chúng cũng tìm cách tác động tới thân nhân, người nhà của khách hàng vay tiền. Chỉ cần lấy được tiền về, Hiếu và Tuấn không từ mọi thủ đoạn, thậm chí có là vi phạm pháp luật.

Thời gian qua, Kế hoạch ra quân tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bóc, xoá sản phẩm quảng cáo sai quy định đã được cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm, tổ chức nhiều lễ ra quân với sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội (Đoàn thành niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh…), hàng trăm ngàn đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân. Sau khi tiến hành bóc gỡ, xóa các quảng cáo trái phép, khôi phục lại mỹ quan đô thị, lực lượng chức năng và các tổ chức chính trị xã hội tại cơ sở đã tăng cường quản lý, giám sát không để tái diễn hành vi dán, vẽ quảng cáo sai quy định.
 
Từ cao điểm tẩy xóa “quảng cáo bẩn”, hàng loạt đối tượng cho vay nặng lãi đã bị Cơ quan Công an đưa ra chịu tội trước pháp luật
Trường hợp phát hiện, cơ quan CA đã kiên quyết yêu cầu các đối tượng phải tự bóc gỡ và khôi phục lại tình trạng ban đầu tại các vị trí đã dán, vẽ; đồng thời, tuỳ theo tính chất, mức độ sai phạm để xử lý. Trong thời gian tới, CATP tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo 138 các cấp tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về quảng cáo để người dân tại các Tổ dân phố, khu dân cư và các cơ quan, doanh nghiệp nâng cao nhận thức; chủ động bóc gỡ, phát hiện ngăn chặn các hành vi quảng cáo sai quy định nêu trên. Đồng thời, tiếp tục truy xét nhóm các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” từ thông tin các tờ quảng cáo để xử lý triệt để, nghiêm theo quy định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang