Hòa thượng Thích Thanh Điều: Từ tướng quân khởi nghĩa đến thiền sư yêu nước
Câu chuyện về Hòa thượng Thích Thanh Điều khiến nhiều người kính phục. Như Tiến sĩ Dược chia sẻ, ông được nghe Ni trưởng Thích Đàm Định - đương vị trụ trì chùa Vua - kể lại, đồng thời tham khảo thêm tư liệu từ bài viết của tác giả Nguyễn Xuân Cần.
Hòa thượng Thích Thanh Điều, thế danh Hoàng Đình Điều, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Ông là con thứ 3 của thủ lĩnh Hoàng Đình Kinh (tức Cai Kinh), người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Căn cứ Đồng Nai cuối thế kỷ XIX. Quê ở xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Bắc Giang (nay thuộc tỉnh Lạng Sơn), từ thời niên thiếu, ông đã được cha dạy dỗ chu đáo nên sớm giác ngộ lòng yêu nước thương dân, ham học hỏi, rèn luyện võ nghệ, bắn súng rất giỏi.
Ban đầu, Hoàng Đình Điều tham gia phong trào khởi nghĩa của cha mình (1882-1888), được giao chỉ huy một đội quân, sát cánh cùng chủ tướng Hoàng Đình Kinh trong nhiều trận đánh nổi tiếng ở Kép, Phủ Lạng Thương, tiêu diệt các đồn Than Muội (tháng 5/1885), Mai Sao (tháng 4/1886). Đến giữa năm 1888, khởi nghĩa tan rã, Hoàng Đình Điều đã đưa các tướng lĩnh và nghĩa quân tham gia Khởi nghĩa Yên Thế do Lương Văn Nắm, sau đó là Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) làm thủ lĩnh (theo lời Ni trưởng Thích Đàm Định, cụ Hoàng Đình Điều là em trai cụ Đề Thám), trực tiếp chiến đấu dưới quyền chỉ huy của Đề Thám, suốt hai năm từ 1891-1892 chống lại cuộc càn quét của thực dân Pháp vào căn cứ của nghĩa quân Yên Thế, Hoàng Đình Điều luôn chiến đấu bên cạnh Đề Thám. Sau đó, ông được Hoàng Hoa Thám giao nhiệm vụ xây dựng căn cứ mới ở vùng Tam Đảo - Vĩnh Yên và chỉ huy toán quân Tam Đảo cho tới những ngày cuối cùng của Khởi nghĩa Yên Thế.

Tam quan chùa Vua trên phố Thịnh Yên
Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại và cụ Đề Thám hy sinh năm 1913, Hoàng Đình Điều về Hà Nội ẩn danh là nhà sư tu hành tại chùa Vua từ năm 1917, lấy pháp danh Thích Thanh Điều. Chùa Vua được xây dựng từ thời Lê, nay thuộc phố Thịnh Yên, P.Phố Huế, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tuy khoác áo tu hành nhưng Hòa thượng Thích Thanh Điều vẫn bền lòng nuôi chí đánh giặc, cứu nước. Tâm nguyện của ông là "nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí để giành độc lập cho dân tộc, canh tân đất nước".
Trở thành căn cứ hoạt động Cách mạng, chùa Vua là địa điểm cất giấu tài liệu bí mật trong những năm đầu thời kỳ mới thành lập Đảng. Ngôi chùa trở thành nơi đi về hoạt động của các nhà Cách mạng tiền bối, trong đó có đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, chùa Vua là trụ sở của Ủy ban Cách mạng lâm thời Tiểu khu 7, là nơi chứa lương thực, vũ khí của Mặt trận phía Nam Hà Nội. Lúc này Thiền sư Thích Thanh Điều còn mở lớp dạy võ, hun đúc thêm lòng yêu nước cho thanh niên phố Thịnh Yên.
Công lao của Hòa thượng Thích Thanh Điều đã được ghi nhận. Ngày 10/4/1956, Hồ Chủ tịch đã đến thăm chùa Vua. Cuốn Lịch sử Đảng bộ nhân dân phường Phố Huế ghi rõ: "Là một nhà tu hành, ngoài Phật sự, hòa thượng còn tham gia hoạt động bí mật ngay trong lòng địch dưới hình thức hoạt động tôn giáo từ bi bác ái, nhưng thực tế hòa thượng lấy cửa chùa làm hậu phương cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Thiền sư Thích Thanh Điều là một trong những người góp công lập nên kỳ tích lịch sử hào hùng của dân tộc".
Hòa thượng Thích Thanh Điều là một minh chứng hùng hồn cho tinh thần nhập thế, phụng sự đất nước của Phật giáo Việt Nam. Mặc dù vậy, bên cạnh những người được vinh danh như ông, vẫn còn đó những tấm gương hy sinh thầm lặng mà câu chuyện của họ chỉ còn trong ký ức qua những hoài niệm.
Sư Kiều: Du kích áo vàng hy sinh vì Tổ quốc
Theo Tiến sĩ Bùi Hữu Dược, một trường hợp khiến ông day dứt là câu chuyện về Sư Kiều tại chùa Phúc Khánh, thôn Đại Tảo, xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, mà năm 2013 trong chuyến công tác về Sóc Sơn, ông được nghe bác Vũ Văn Mỹ - Đại tá quân đội đã nghỉ hưu - cùng một số người lớn tuổi ở xã Xuân Giang kể lại.

Chùa Vua
Khoảng năm 1948-1949, Sư Cán trụ trì chùa Phúc Khánh, còn Sư Kiều là đệ tử của thầy. Với tuổi trẻ của mình, Sư Kiều theo nhà Phật nhưng cũng tham gia hoạt động thanh niên và đội du kích trong thời gian thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội.
Theo giấy xác nhận của bác Vũ Văn Mỹ năm 2014 mà Tiến sĩ Dược còn lưu giữ, từ tháng 4/1945 đến tháng 7/1949 chùa Phúc Khánh là nơi cán bộ Việt minh đi lại, tuyên truyền vận động Cách mạng, là nơi hội họp và làm việc của Chi bộ Đảng, chính quyền cùng các ban ngành, đoàn thể xã Đại Cát (nay là Xuân Giang). Sư Kiều đã nhiệt tình giúp đỡ các hoạt động này bằng cách mở cửa chùa, quét dọn, đun nước và cảnh giới. Từ đó, sư bắt đầu giác ngộ Cách mạng, hăng hái tham gia các hoạt động ở địa phương, trực tiếp tham gia lực lượng thanh niên, du kích.
Bước ngoặt bi thương xảy ra vào năm 1949, thực dân Pháp càn quét vùng Sóc Sơn; ngày 13/7/1949 giặc Pháp tấn công Đa Phúc, trong đó có xã Đại Cát, Sư Kiều trực tiếp tham gia tổ du kích 3 người chiến đấu chốt chặn địch tại "Ụ chiến đấu Văn Miếu" (trước cửa chùa Phúc Khánh hiện nay). Cuộc chiến diễn ra cam go, quân Pháp đông với vũ khí mạnh, trong khi phía du kích súng đạn ít ỏi; hết đạn, anh em buộc phải rút về ven sông Cà Lồ để bảo toàn lực lượng, bị địch phát hiện, truy đuổi đến Bến đò Đại Tảo.
Tại đây, chúng bắt được 3 người, trong đó có Sư Kiều, và sát hại cả ba. Riêng với Sư Kiều, chúng thực hiện hành vi vô cùng dã man: cắt tiết tại đình làng để răn đe những người dám chống quân Pháp. Đêm 13/7/1949, du kích Đại Tảo đã phải cạy sân đình lấy gỗ ghép quan tài để mai táng sư và đem chôn ở ven sông gần gốc cây si. Tuy nhiên, do địch chiếm đóng lâu dài (từ 1949-1954) cùng sự tàn phá của thời gian, ngôi mộ của Sư Kiều không còn nữa.
Vì không nắm được họ tên, quê quán của Sư Kiều nên từ đó tới nay sư vẫn chưa được công nhận liệt sĩ, dù đầu năm 2014 bác Vũ Văn Mỹ và những đồng đội từng tham gia du kích xưa đã viết đơn gửi các cấp có thẩm quyền đề nghị công nhận liệt sĩ cho Sư Kiều, gửi tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau đó chuyển về TP. Hà Nội và huyện Sóc Sơn ghi lại chi tiết sự hy sinh của ông và nguyện vọng của người dân thôn Đại Tảo.
Do tuổi cao sức yếu, sau đó bác Vũ Văn Mỹ đã qua đời. Tiến sĩ Dược vẫn còn lưu giữ văn bản đề nghị quý giá ấy, như lời nhắc nhở về món nợ tinh thần mà chúng ta phải tri ân.
Lịch sử dân tộc Việt Nam được viết bằng máu xương và sự cống hiến của biết bao thế hệ. Trong dòng chảy hào hùng đó, những người con Phật đã hòa mình cùng dân tộc, chiến đấu, hy sinh. Nhưng cũng có không ít những tấm gương mà sự hy sinh thầm lặng của họ chỉ còn lại trong ký ức người dân, qua những câu chuyện kể.
Tiến sĩ Bùi Hữu Dược và những người tâm huyết đang nỗ lực thực hiện dự án sưu tầm, viết sách về công đức của các tu sĩ Phật giáo trong kháng chiến. Dự kiến tập đầu tiên, tập trung vào khoảng 20 vị ở miền Bắc từ thời chống Pháp đến thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa, sẽ xong vào năm 2025, tiến tới hoàn thành tiểu sử, hành trạng của các vị sư trên khắp ba miền đất nước. Như Tiến sĩ Dược khẳng định, đất nước và nhân dân không quên công ơn và sự hy sinh cao cả ấy, đó không chỉ là sự tri ân xứng đáng với những người đã ngã xuống, mà còn là bài học lịch sử quý báu cho các thế hệ mai sau về tinh thần yêu nước, về sự gắn bó máu thịt giữa Đạo pháp và Dân tộc.
Những câu chuyện về bóng áo vàng kiên trung như Hòa thượng Thích Thanh Điều và Sư Kiều nhắc nhở chúng ta rằng, lòng yêu nước và ý chí quật cường của dân tộc được hun đúc từ nhiều nguồn mạch, trong đó có sự cống hiến không ngừng nghỉ của những người con Phật. Họ đã sống trọn vẹn lý tưởng từ bi, cứu khổ, không chỉ bằng lời kinh tiếng kệ mà bằng cả xương máu, tính mạng mình trên chiến trường vì độc lập, tự do và hòa bình của Tổ quốc. Chúng ta, những người được sống trong hòa bình hôm nay, có trách nhiệm ghi nhớ và lan tỏa những câu chuyện cảm động và tự hào ấy. Rất mong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, quý thiện hữu cung cấp thêm thông tin, tư liệu, kết nối với các nhân chứng sống để những dấu ấn đáng tự nào này ngày càng lan tỏa...
(CATP) Trong không khí cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chào đón Đại lễ Phật đản - Vesak 2025 tại TPHCM, với sự kiện chiêm bái xá lợi trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức tại Việt Nam Quốc Tự, Quận 10, bắt đầu từ hôm nay, Chuyên đề Công an TPHCM trân trọng giới thiệu loạt bài "
Dấu ấn Phật giáo đồng hành cùng dân tộc" phản ánh những đóng góp to lớn của Phật giáo trong dòng chảy đấu tranh chung của dân tộc vì độc lập, tự do, hòa bình và công lý, khi tinh thần yêu nước của các tăng ni, phật tử đã trở thành biểu tượng bất diệt.
Tiến sĩ - Thượng tọa Thích Thanh Phương (trụ trì chùa Sủi - Giám đốc Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi - Chủ nhiệm CLB Di sản và Văn hóa Á Đông)