Đồng bằng sông Cửu Long sau hạn mặn lịch sử - Kỳ cuối: Trồng sen trữ lũ giữa Đồng Tháp Mười

Thứ Ba, 28/06/2016 08:53

|

(CAO) Từ trung tâm xã Hòa Mỹ (Tháp Mười, Đồng Tháp) vô ấp 1 khoảng 3 km, còn phải đi ghe. Đến khu du lịch ao sen ở đây cũng phải qua sông khá nhiêu khê. Đây chính là vùng rốn Đồng Tháp Mười, hồi nào từng mênh mông rừng tràm.

Không ngừng xoay trở

Trưởng ấp 1 Lê Văn Thuận cho biết, sau giải phóng chừng chục năm, vì đói quá đã phá rừng tràm trồng lúa. Nhưng làm lúa ở nơi lũ ngập sâu 1- 2 mét, phải đắp đê bao và đào kinh thoát lũ rất vất vả. Hơn chục năm chuyên canh lúa như vậy, thoát được đói nhưng vẫn nghèo và đặc biệt, đất cũng nghèo kiệt theo.

Thấy không thể khá với cây lúa, nhiều hộ bỏ lúa để trồng sen. Chuyên canh sen có thuận lợi là mùa mưa không lo nước lũ, mà đón nước lũ chở phù sa vào nên ruộng đồng màu mỡ trở lại.

Tuy nhiên, nếu như giá lúa thấp và ít biến động thì với sen, giá cả lại biến động quá lớn, khi cao tới 70.000 đồng/kg gương sen, còn tuột xuống lại chỉ còn 6.000-10.000 đồng/kg. Cuộc sống gắn với cây sen vì thế cũng bấp bênh. Gần đây, người dân luân canh sen-lúa hoặc trồng sen nuôi cá, trồng sen nuôi cá làm du lịch.

Luân canh sen-lúa là sự thích ứng rất khéo với thiên nhiên. Ở khía cạnh kinh tế thị trường, kết hợp được giá lúa thấp nhưng ổn định với giá gương sen biến động lắm khi đột phá để có hiệu quả chung là an toàn, thêm cơ hội khá lên. Trưởng ấp Thuận kể, vào mùa khô sẽ trục sen để sạ lúa, khi thu hoạch lúa xong thì mùa mưa tới lũ về, củ sen dưới đất sâu mọc mầm lên xanh tốt. Nương vào thiên nhiên nên giảm nhiều phân bón và thuốc trừ sâu so với chuyên canh lúa. Trưởng ấp Thuận vui vẻ: “Năng suất sen 3-4 tấn/ha, còn lúa 8-10 tấn/ha, cuộc sống dễ thở hơn chuyên lúa rất nhiều”.

Ông Trần Văn Kịch có hơn 4 ha trồng sen nuôi cá cho biết nông dân ở đây trồng sen không phải giống bản địa cũ xưa mà là giống Đài Loan, kiếm được từ huyện bên. Giống sen bản địa ít hoa và gương ít hạt, còn giống sen Đài Loan nhiều hoa và gương nhiều hạt nên năng suất cao.

Luân canh sen-lúa đang được công luận quan tâm 

Thông thường, sen mọc lên sau một tháng bắt đầu có gương thu hoạch, rộ mùa kéo dài vài tháng rồi gương sen ít dần. Cá nuôi trong ao sen là cá lóc, rô… “Trồng sen nuôi cá thì không xịt thuốc trừ sâu vì nếu xịt cá sẽ chết. Về hiệu quả, cho thu nhập gấp 3 lần chuyên lúa”, ông Kịch nói. Ông Kịch có hai con, gái gả chồng còn trai, anh Trần Văn Kà Keo năm nay 32 tuổi cùng làm sen - lúa với ông. Anh Trần Văn Kà Keo vui vẻ: “Trồng sen nuôi cá cho thu hoạch lai rai quanh năm”.

Còn trồng sen nuôi cá làm du lịch ở xã Mỹ Hòa đã có một khu rộng 150 ha, thu hút nhiều khách gần xa. Một trong những người đi đầu là ông Nguyễn Ngọc Hơn 64 tuổi, kể rằng sau nhiều năm chuyên canh lúa rồi chuyên canh sen, cuộc sống vẫn bấp bênh vì vùng đất trũng. Vừa lúc có doanh nghiệp du lịch trên TP.HCM xuống thuê đất mở điểm du lịch ao sen thì ông nghĩ: “Người ta ở xa đến phải thuê đất làm được, tại sao mình tại chỗ có đất mà không làm?”.

Thế là vợ chồng cùng con cái lăn lưng vào làm. Dĩ nhiên, phải học cách trồng sen cho ra hoa quanh năm và học cả nghiệp vụ du lịch. Nay gia đình ông có khu du lịch Đồng Sen Gò Tháp với ao sen rộng gần chục héc-ta, có cầu ván đi giữa ao nối 15 túp lều cho khách dừng chân ăn nghỉ hoặc qua đêm, có chòi cao cho khách lên ngắm cảnh ao sen và có cá dưới ao cho khách câu thư giãn. Ông cười xởi lởi: “Khách nghỉ qua đêm trong chòi ao sen, chúng tôi không lấy tiền, chỉ cho mượn mùng chiếu gối và xin ít tiền công giặt”. Vui chuyện, ông cho biết thêm, cọng sen và lá sen cũng bán được nên thu nhập hơn hẳn làm lúa.

Trữ lũ để chống hạn

Tiến sỹ Dương Văn Ni, chuyên gia IUCN ở Trường Đại học Cần Thơ, nói Đồng Tháp Mười trồng sen còn có giá trị rất lớn ở việc trữ nước mùa lũ để tưới tắm ĐBSCL mùa khô. Ông tính được, luân canh sen-lúa hoặc chuyên canh sen làm du lịch, trữ lũ gấp đôi làm 3 vụ lúa, cụ thể là 15.000 m3/ha so với 7.000 m3/ha.

Vì cây sen có khả năng vượt lũ, nước lũ dâng cao bao nhiêu thì cây sen vươn lên bấy nhiêu, mà nhiều cây trồng khác không có đặc tính quý báu này. Trữ được nước lũ mùa mưa sẽ làm giảm khả năng tàn phá của mùa lũ, không cho nước lũ dâng cao và chảy xiết xuống miền dưới, tràn vào các đô thị, khu công nghiệp. Đặc biệt, trữ được nước lũ mùa mưa sẽ có nguồn nước ngọt chảy ra trong mùa khô, giảm bớt thiệt hại khi xảy ra thiên tai hạn hán.

Nghiên cứu của tiến sỹ Ni cho biết, cây sen chuyên canh trên vùng rốn Đồng Tháp Mười đã khoảng 10 năm, năng suất vẫn ổn định nên có thể khẳng định phù hợp với vùng đất. Trồng sen cho nước lũ vào ra tự nhiên còn phục hồi hệ sinh thái đa dạng gắn với nhịp lũ, mở ra nhiều sinh kế như đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ngắn ngày.

Thế nhưng, diện tích trồng sen ở vùng rốn Đồng Tháp Mười còn ít. Xã Mỹ Hòa rộng hơn 3.800 ha nhưng diện tích trồng sen chưa tới một phần mười. Nhiều hộ chuyên canh sen trong đê bao nhiều năm trước, nay đã chuyển sang làm lúa 3 vụ. Do giá sen dao động quá lớn, khi giá cao cho thu nhập rất cao nhưng khi giá thấp thì dễ lỗ. Hiện nay, giá gương sen chỉ 6.000 – 10.000 đồng/kg, theo ông Kịch, nông dân đang lỗ; để có lời phải từ 12.000 đồng/kg trở lên.

Để phát tiển cây sen nhằm trữ lũ mùa mưa và chống hạn mùa khô, cần có những nghiên cứu, hỗ trợ của chính sách nhà nước. Như cải tiến giống để nâng cao năng suất, cơ giới hóa để giảm giá thành và nghiên cứu thị trường để mở rộng đầu ra, quy hoạch để phát triển ổn định. Khi giá sen chênh lệch theo thời điểm lên đến 10 lần, gây khó khăn cho nông dân hiện nay nhưng cũng là dư địa rộng cho những tính toán hiệu quả kinh tế.

Một đám ruộng chuẩn bị vụ sen mới 

Một khó khăn khác, trồng sen hầu như chưa được cơ giới hóa, khác với làm lúa đã cơ giới hóa cao. Khâu thu hoạch, ông Kịch cho biết, cứ cách ngày bẻ gương sen một lần, phải làm thủ công mà lao động ở nông thôn đang rất khó mướn. Từ gương sen, tách hạt để chế biến các sản phẩm, cũng là một khâu còn nặng thủ công.

Hiện nay, trung bình một phụ nữ một ngày chỉ tách được 2 kg hạt sen. Tiến sỹ Ni cho biết, Khoa Cơ khí của Trường Đại học Cần Thơ vừa chế tạo được máy tách hạt sen, năng suất 10 kg hạt/giờ, gấp mấy chục lần thủ công. “Nông dân đã có nhiều kinh nghiệm với cây sen và vẫn sẽ hưởng ứng trồng sen nếu giải quyết được vấn đề thị trường và khâu kỹ thuật. Cần có chính sách cụ thể để thực hiện chủ trương đa dạng hóa cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu”, tiến sỹ Ni kết luận.

Bình luận (0)

Lên đầu trang