Đồng bằng sông Cửu Long sau đợt hạn mặn lịch sử:

Bài 1: Buồn xo nuôi tôm dưới tán rừng

Thứ Bảy, 25/06/2016 00:01

|

(CAO) Sau đợt hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử, ĐBSCL có những cơn mưa đầu mùa. Tuy nhiên, nắng vẫn gay gắt trong khi nhiều dòng sông lờ đờ, mệt mỏi như “kiệt sức” sau thời gian dài nhiễm mặn. Trung tuần 6, chúng tôi có chuyến vòng quanh ĐBSCL cùng các chuyên gia của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) ghi nhận thực tế tại vựa lúa cả nước.

Hơn 4.000ha rừng ven biển ở huyện Hòa Bình, Đông Hải và thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) được giao khoán cho 397 hộ bảo vệ để kết hợp nuôi tôm dưới tán rừng, mấy chục năm qua thắng lợi nhưng năm nay hầu hết thua lỗ.

Một hộ dân ở rừng nuôi tôm

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu, Lê Thành Lập cho biết cụ thể, khoán bảo vệ rừng kết hợp nuôi tôm chủ yếu ở huyện Hòa Bình với 231 hộ. Xuôi xuống huyện Đông Hải có 159 hộ, còn lại ngược lên thành phố Bạc Liêu. Quy định, chỉ được đào mương nuôi tôm nhiều nhất là 30% diện tích rừng khoán. Nếu diện tích nuôi tôm lớn hơn thì rừng thưa, sẽ không còn ý nghĩa nuôi tôm bảo vệ rừng. Mấy chục năm nuôi tôm dưới tán rừng luôn thắng lợi trở thành một hình thức nuôi tôm sinh thái bền vững. Nhưng năm nay…

Thất bại

Ông Trần Mạnh Tính (ở ấp 15, xã Vĩnh Hậu A, Hòa Bình, Bạc Liêu) nhận khoán bảo vệ 4ha rừng, kêu lên: “Thua lỗ hết rồi, quanh đây không ai có lời”. Dẫn khách ra bờ mương dưới tán rừng, ánh mắt ông buồn xo nhìn những vạt cây soi bóng mặt nước im lìm, không xao động bóng dáng tôm cua, giọng ông thảng thốt: “Mấy chục năm nuôi tôm chưa khi nào gặp chuyện như năm nay”.

Rừng ven biển có hai lớp. Lớp trực tiếp đối diện sóng biển là lớp xung yếu được bảo vệ nghiêm ngặt, không cho phép tác động bất kỳ hình thức nào, để phát triển hoàn toàn tự nhiên nhằm tăng sức chống chịu thiên tai. Lớp kế tiếp là rừng sản xuất, giao khoán cho người dân bảo vệ, kết hợp đào mương nuôi tôm.

Ông Tính kể, hàng chục năm trước, cứ mở cống lấy nước biển vào mương là đón luôn tôm giống tự nhiên, đóng cống lại chờ tôm lớn lên, vớt tôm bán. Vớt tôm bán chỉ lựa con lớn, còn tôm nhỏ để lại nuôi tiếp và cứ đến con nước, có thể mở cống đón thêm tôm giống tự nhiên. Nuôi tôm dưới tán rừng không phải cho tôm ăn, cũng không sử dụng thuốc kháng sinh hay hóa chất gì cả. Cứ con nước là vớt tôm lớn bán, lai rai thu hoạch thường xuyên.

Ông Tính chua chát: “Không còn tôm, cua”

Chừng vài năm nay, tôm giống tự nhiên cạn kiệt, ông Tính phải mua tôm giống thả mật độ 2 con/m2. Cũng thả nhiều đợt, xen kẽ những lần vớt tôm lớn bán, kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 6 năm sau. Rồi ông có sử dụng vôi làm sạch mương và thêm vi sinh để dưỡng sức cho tôm. Bên cạnh, ông nuôi xen cua cho thu hoạch có năm không thua tôm. Những tháng không nuôi tôm thì nuôi cá biển. Nhờ vậy, ông làm được nhà cửa, nuôi hai con ăn học đầy đủ.

“Thế nhưng năm nay nắng hạn, nước dưới tán rừng bị bốc hơi nên mặn hơn nước biển, độ mặn đến 45-50 g/lít, tôm không lớn được, cua không thể lột vỏ. Lại chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm quá lớn, thường nửa đêm về sáng nước tĩnh lặng thiếu ôxy, tôm và cua thở không được, tức tưởi chết”, ông Tính buồn bã. Chi phí năm nay lại lớn vì phải thả giống nhiều lần hơn năm trước để hy vọng bù vào lượng hao hụt. Hơn thế, ông Tính còn bơm nước biển để đảo nước và pha loãng cho bớt mặn nước mương dưới tán rừng nhưng vẫn không có kết quả.

Hoang mang

Láng giềng của ông Tính là ông Nguyễn Xuân Hướng, nuôi tôm dưới tán rừng 2,2ha cũng thất bại. Qua một mùa hạn hán và mặn chát, rừng ven biển nuôi tôm thất bát, ông Hướng gầy đen hơn cái tuổi 53, giọng buồn xo thốt lên: “Không ngờ, không ngờ được vì hàng chục năm chúng tôi nuôi tôm không lỗ”.

Ông Hướng mệt mỏi kể thêm, bà con nuôi tôm kế cận nhau quanh đây có 12 hộ với 40ha lập Tổ hợp tác Thành Đạt để hỗ trợ nhau trong sản xuất, trao đổi kinh nghiệm và cả giữ gìn an ninh trật tự. Bởi nuôi tôm dưới tán rừng, người dân ở thưa thớt dài theo bờ biển nhiều nơi cả trăm mét mới có một nhà nên hợp tác bảo vệ an ninh rất quan trọng. Tổ hợp tác ra đời từ nhiều năm trước, càng giúp cho từng hộ cùng nuôi tôm thắng lợi. Vợ chồng ông Hướng nuôi được 3 con lớn khôn, có công ăn việc làm.

Nông dân nuôi tôm dưới tán rừng buồn xo trò chuyện với các chuyên gia của IUCN

“Nhưng năm nay, cả Tổ hợp tác chẳng hộ nào có lời, nuôi cá biển cũng thua luôn”, ông Hướng nói. Ông còn mướn 4ha đất bên ngoài rừng, nuôi quảng canh vẫn không có lời. Anh cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, Đoàn Trung Kiên cũng nói, năm nay nuôi tôm dưới tán rừng kể như thất bại hoàn toàn. Các hình thức nuôi tôm khác cũng ít thắng lợi vì thời tiết bất thường, nuôi công nghiệp cũng chỉ khoảng dưới 10% diện tích có lời.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Dương Thành Trung cũng cho hay: “Tôm chết do sốc môi trường ở nuôi quảng canh cải tiến kết hợp chiếm tới 83% tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại đầu năm nay ở tỉnh Bạc Liêu. Đây là hiện tượng trước kia chưa từng xảy ra”.

Trong khi tôm chết thì biến đổi khí hậu, nước biển dâng lại làm xói lở rừng ven biển khá nghiêm trọng. Ông Trần Mạnh Tính cho biết, so với chục năm trước, nước biển bây giờ cao hơn khoảng 0,4m. Triều cường là sóng dữ dội và đánh dải rừng xung yếu rộng trăm mét trước biển xói lở mất khoảng 20%. Vợ chồng ông Tính từ tỉnh Nam Định vô đây lập nghiệp, mấy chục năm dựa vào rừng và biển mà gầy dựng nên một gia đình hạnh phúc, yên ấm. Ông thấp đậm, vâm vạc dáng đương đầu sóng gió, còn bà xinh đẹp nét đảm đang quán xuyến. Khuôn mặt phúc hậu của ông chợt buồn thăm thẳm: “Nếu rừng mất nữa thì chúng tôi chẳng còn biết đi đâu?”.

(Còn tiếp)

Bình luận (0)

Lên đầu trang