Đã đến lúc sống chung với hạn mặn

Thứ Bảy, 19/03/2016 13:42

|

(CAO) Nguồn tài nguyên nước đang bị lãng phí. Nhiều công trình ngọt hóa ít tác dụng khi không ngăn được mặn và không giữ ngọt. Đã đến lúc phải sống chung với hạn mặn.

Từ lãng phí tài nguyên nước

Trước thực trạng hạn mặn chưa từng có xảy ra, vừa qua Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL (NCBĐKH ĐBSCL, Đại học Cần Thơ) phối hợp với tổ chức Hanns Seidel Foundation (CHLB Đức) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm nước trong nông nghiệp cho các vùng nhiễm mặn ở ĐBSCL”. Theo đánh giá chung của đại biểu, tình hình biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đã, đang và sẽ còn tác động tiêu cực đến các tỉnh ĐBSCL. Hiện nông nghiệp chiếm 70% lượng nước ở ĐBSCL, tước khó khăn nguồn nước, các địa phương buộc phải tự lực được nguồn nước.

Báo cáo của các địa phương khu vực ĐBSCL, thời gian dài, người dân vùng sông nước lãng phí tài nguyên nước ngọt; chính quyền địa phương bất cập trong sử dụng nguồn nước, chất lượng nguồn nước ai đảm bảo...

Các địa phương cần sống chung với hạn mặn tránh thiệt hại

Đại diện tỉnh Vĩnh Long, Kiên Giang đặt vấn đề, ngoài giữ được nguồn nước, chất lượng nguồn nước cần phải tính tới. Ngành thủy lợi Kiên Giang đưa ra dẫn chứng, tỉnh đóng đồng loạt 21 cống ngăn nước về từ thượng nguồn Tứ giác Long Xuyên thì cả khu vực không thể chịu đựng được do ô nhiễm nghiêm trọng. Các đại biểu phản ánh, trong khi các địa phương ở vùng hạ nguồn nước bị nhiễm mặn, rất cần dự trữ nước ngọt thì các tỉnh thượng nguồn lại tích cực xây các công trình ngăn lũ để làm lúa 3 vụ. Chính các công trình này đạp nguồn nước từ thượng nguồn Mê Kông xuống hạ nguồn chảy ra biển. Lượng nước thất thoát này rất lớn.

Tại Cà Mau, người dân lạm dụng nguồn nước ngầm để bù cho tình trạng khang hiếm nước ngọt dẫn đến tình trạng sụt, lún, nguồn nước ngầm dần cạn kiệt. Hội thảo kết luận, ngoài việc khuyến cáo tìm giống cây trồng phù hợp với diễn biến tiêu cực của nguồn nước, các biện pháp hiệu quả nhất để trữ nước và tưới tiêu tiết kiệm đã được bàn tại hội thảo.

Đến lãng phí ngân sách

Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đến lúc phải thay đổi tư duy kinh tế về nông nghiệp. Giáo sư phân vân: “Tại sao ngăn nước mặn cấy lúa phải coi nước mặn là bạn giúp nông dân ven biển làm giàu từ con tôm”. Thời gian dài, ngân sách đầu tư số tiền lớn để ngọt hóa bán đảo Cà Mau nhưng hạn mặn năm nay, nước ngọt vẫn không đủ để giữ ngọt.

Giáo sư đề nghị: “Đã đến lúc, các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương phải đổi mới tư duy làm kinh tế, chọn hướng sản xuất và tìm đầu ra để có giá trị cao hơn mà không tiêu xài quá nhiều nước ngọt, tài nguyên thiên nhiên không tái tạo. Chúng ta hãy thay đổi tư duy, không buộc nông dân trồng lúa quá nhiều để nuôi dân các nước khác có ăn, để họ làm giàu nhờ sản xuất các sản phẩm giá trị hơn lúa”.

Đắp đặp ngăn mặn giữ ngọt nhưng nguồn tài nguyên nước ngọt không đủ sử dụng

Hiện nay, người dân Quản Lộ - Phụng Hiệp vùng giáp ranh 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu năm nào cũng “tranh chấp” mặn - ngọt. Nông dân Bạc Liêu cần nước mặn nuôi tôm nhưng cống mở ra thì người trồng lúa Ngã Năm, Sóc Trăng bị thiệt hại. Đối phó thiên tai hạn mặn năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh cà Mau có kế hoạch điều chỉnh sản xuất “sống chung” với hạn mặn. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông nghiệp tỉnh Cà Mau, địa phương có 254 km bờ biển, là một trong những tỉnh có bờ biển dài nhất khu vực ĐBSCL. Nhiều cửa biển, cửa sông lớn thông ra biển. Trong khi đó, Cà Mau không có nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Tiền, sông Hậu.

Song nguồn vốn để đầu tư các công trình thủy lợi lớn nhưng chưa đáp ứng nhu cầu. Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cà Mau cho biết, trước mắt, sở đề nghị điều chỉnh lại lịch thời vụ, bố trí lại sản xuất và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp với dự báo tình hình thời tiết. “Tích cực chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất phù hợp với khả năng đảm bảo nguồn nước. Tìm giống cây trồng mới có sức chống chịu hạn mặn cao hơn nữa” - ông Tranh nói.

Hiện UBND tỉnh đã có kiến nghị Chính phủ xin chủ trương rà soát điều chỉnh quy hoạch sản xuất nhằm sát với tình hình thực tế của địa phương và thời tiết.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề xuất ba kịch bản đối phó hạn mặn

Tại Hội nghị bàn giải pháp ứng phó với hạn mặn tại các tỉnh ĐBSCL vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, lãnh đạo địa phương bằng mọi giải pháp phải cố gắng ngăn mặn để bảo vệ cho được số lúa hiện có, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho dân. Ngoài ra, địa phương cũng phải chuẩn bị ba kịch bản: vùng nước ngọt hoàn toàn thì xuống giống hè thu cho kịp, vùng nửa ngọt nửa mặn thì làm công trình ngăn mặn giữ ngọt xuống giống hè thu cho kịp, còn vùng thấy rằng không giữ ngọt được thì dứt khoát không xuống giống hè thu.

Về giải pháp lâu dài, Thủ tướng đề nghị: “Bộ Tài nguyên - môi trường cập nhật liên tục tình hình biến đổi khí hậu, có kịch bản cho chính xác. Tiếp đến là phải rà soát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế ở ĐBSCL, Chính phủ phê duyệt rồi nhưng cũng phải căn cứ tình hình biến đổi khí hậu để cập nhật, điều chỉnh quy hoạch.

Trước mắt, Bộ NN&PTNT kết hợp chặt chẽ với một số bộ ngành liên quan rà soát quy hoạch hệ thống thủy lợi của ĐBSCL (cho nông nghiệp, thủy sản, cho ứng phó biến đổi khí hậu). Quy hoạch này phải nhìn tổng thể cả vùng chứ không thể cắt khúc từng vùng, bao gồm cả biển Đông, biển Tây. Từ quy hoạch đó mới xếp thứ tự ưu tiên công trình và tính toán làm công trình đồng bộ hiệu quả...”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang