Bắc Tây Nguyên dân khát, cây trồng khô héo vì hạn

Thứ Bảy, 19/03/2016 08:32  | Chí Dũng

|

(CAO) Hạn hán, thiếu nước tưới, thiếu nước sinh hoạt đang là nỗi lo bao phủ khắp nhiều vùng ở Bắc Tây Nguyên. “Cơn khát” lịch sử đã và đang làm thiệt hại về kinh tế, đảo lộn cuộc sống của hàng nghìn người dân.

Người dân ở xã Ayun (huyện Chư Sê, Gia Lai) cho hay, trong vòng 20 năm nay chưa năm nào thời tiết khắc nghiệt và hạn hán diễn ra nghiêm trọng như năm nay.

24 cái bể chứa nước ở 14 thôn, làng trong xã hiện nay không còn tác dụng vì nguồn nước ở đầu nguồn đưa xuống đã cạn kiệt. Cả xã giờ chỉ còn duy nhất một cái giếng đào này còn nước nhưng cũng dần cạn kiệt.

Cà phê đang trong giai đoạn kết trái nhưng thiếu nước tưới

Dòng suối Pết chảy qua các làng H’vét 1 và H’vét 2 của xã quanh năm đưa nước về cho dân làng năm nay đã trơ đáy.

Dòng suối là chỗ tắm giặt cho các hộ dân, nhưng đến thời điểm này, nước chỉ còn đọng lại từng vũng.

Bằng mắt thường, có thể nhận ra dòng nước đục ngàu nhưng người dân chỉ biết mang chai lọ ra đong nước về nấu cơm, làm nước uống. 

Chị Ble, một hộ dân trong xã đã tranh thủ ra suối Pết lấy nước từ sáng sớm về nấu cơm. Vừa đong nước vào chai, chị Ble tâm sự: “Biết là nguồn nước tụ đọng sẽ không đảm bảo vệ sinh nhưng vẫn phải dùng. Nước giếng đã cạn kiệt, giờ chỉ còn ít nước suối, nếu tình trạng hạn còn dài thì không biết lấy nước đâu”.

Lúa mất trắng do hạn tại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đang tăng lên hàng ngày

Hơn nửa tháng nay, đa số giếng nước ở một số làng trên địa bàn xã Ia Phang (huyện Chư Pưh, Gia Lai) cạn khô.

Chị Kpuih Hring cũng như nhiều hộ khác trong xã phải bỏ tiền mua nước, mỗi lần 50 nghìn đồng, dùng được 3 ngày. Trước đây, chị đi làm thuê ngày cũng được gần 200 nghìn đồng, nay do hạn cây cối cũng khô héo ngày có việc, ngày không. Việc bỏ ra 1 số tiền không hề nhỏ so với thu nhập để mua nước chị Kpuih Hring cũng phải tiết kiệm từng bữa cơm dành tiền mua nước.

Không chỉ thiếu nước sinh hoạt, hàng nghìn hộ dân đang phải căng mình cứu sự sống của cây trồng, giảm thấp nhất thiệt hại nhằm duy trì sự ổn định cuộc sống thường ngày.

Gia đình anh Lê Văn Phương, thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh bỏ ra 50 triệu đồng đào giếng sâu đến 35 mét để lấy nước Ở thôn Thiên An nhiều hộ dân đào 2-3 giếng, sâu hơn 100 mét để lấy nước.

Nhiều hộ dân huyện Đak Đoa bỏ tiền thuê thợ đào giếng rộng ở đáy để chứa nước; rồi khoan ngang dưới đáy giếng để tìm nguồn nước ít ỏi giải cơn khát cho cây trồng dài ngày với hy vọng trời sẽ sớm đổ mưa.

Con suối lớn Ia Châm lớn nhất huyện Ia Gra (Gia Lai) hơn 1 tháng nay đã không còn dòng chảy

Ông Lữ Phúc Phong, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Pa cho biết: "Trước nguy cơ khoảng 110 ha lúa bị cháy do không đủ nước tưới, huyện đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh đề nghị các Công ty Thủy điện phía thượng nguồn sông Ba và suối Đăk Pi Hao chia sẻ nguồn nước cho các trạm bơm trên địa bàn huyện đảm bảo nước phục vụ yêu cầu sản xuất trên địa bàn".

Ngay sau khi Gia Lai công bố thiên tai do hạn hán ở cấp độ 1, ngày 16-3, UBND tỉnh Kon Tum cũng bố thiên tai. Hiện Kon Tum hạn hán đã gây thiệt hại cho diện tích sản xuất vụ Đông Xuân bị hạn là 1.192,69 ha (trong đó, diện tích lúa là 756,49ha; cà phê 427 ha;….).

Về nước sinh hoạt, có 04 công trình nước tự chảy bị khô hạn, thiếu nước; hơn 4.000 giếng nước bị khô cạn, thiếu nước, kéo theo hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Mới đây, tỉnh Kon Tum đã tổ chức buổi họp báo thông tin về hạn hán trên địa bàn. Trong buổi họp báo, lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum cũng công bố các biện pháp chống hạn, đặc biệt là vụ đông xuân 2015-2016.

Cụ thể, về sản xuất nông nghiệp, Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum đã ban hành văn bản hướng dẫn các huyện, thị về bố trí cơ cấu cây trồng, đặc biệt ưu tiên cho các vùng thường xuyên khô hạn. Đối với nước sinh hoạt, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị và các đơn vị quản lý tốt các công trình nước tự chảy, nước sinh hoạt; có biện pháp chống thiếu nước cho từng khu vực riêng biệt.

Bình luận (0)

Lên đầu trang