(CAO) Ở tỉnh Đắk Lắk những ngày này, tình trạng hạn hán diễn ra gay gắt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phần lớn diện tích đất sản xuất trên địa bàn. Không chỉ vậy, nguồn nước sinh hoạt của người dân cũng trở nên khan hiếm.
Người ra đi gần chục km ra suối lấy nước về dùng
Về các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea Kar..., chúng tôi cảm nhận được sự khắc nghiệt của thời tiết hanh khô. Những vườn cà phê, tiêu... đang độ ra hoa như muốn lả đi, cây lá bắt đầu rũ rượi.
Gặp chúng tôi khi đang ra suối lấy nước về, chị H’Qulơ (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) lo lắng: “Nước của các giếng trong thôn đã cạn, trong khi nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt vào mùa khô lại cao. Người dân có đào giếng nhưng chủ yếu lấy nước phục vụ chăn nuôi, trồng trọt chứ không dám dùng sinh hoạt. Các hộ dân ở đây hiện đang sử dụng nước suối. Tuy nhiên, do hạn, các thủy điện ngăn dòng và biến đổi khí hậu nên nguồn nước tự nhiên cũng dần cạn kiệt.
Chi phí để khoan một giếng có nước rất đắt đỏ, có giếng khoan tốn đến 100 triệu đồng mới đến mạch nước ngầm, cũng có gia đình đào đến giếng thứ 5 mới có nước sử dụng. Người dân ở đây chủ yếu là lao động nghèo nên chúng tôi lấy đâu ra tiền đào giếng. Ngày nào, người dân cũng phải bỏ ra vài chục ngàn đồng ra mua nước về uống, trong khi đó đi làm thuê một ngày chỉ có trên 100.00 đồng, mà còn phải lo cơm gạo, nuôi con cái ăn học nữa chứ”.
Hồ nước sạch trong buôn đã hết nguồn nước, người dân bỏ không
Theo chị H’Qulơ, từ đầu mùa khô đến nay, mỗi ngày chị phải ra suối lấy thêm 10 can nước (mỗi can 20 lít) mang về dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Hầu hết các hộ trong thôn đều phải chịu cảnh tương tự.
Đang kéo nước tưới cho 4ha cà phê của gia đình, ông Nguyễn Thành Tính (xã Ea Tar, huyện Ea Kar) chia sẻ: “Gia đình có 4ha cà phê, trồng lại xa nguồn nước nên để có nước tưới, đầu mùa khô, tôi mua một máy bơm và hơn 500m dây ống nước để tưới. Càng về giữa và cuối mùa khô thì nước ở các suối nhỏ trơ đáy, cây càng vàng, héo lá nên phải đầu tư hơn chục triệu đồng để mua đường ống dẫn nước, máy bơm nước loại 3 ngựa mới đủ sức bơm nước từ dưới suối lên đám rẫy cà phê nhưng vẫn không đủ nước tưới”.
Hiện các đập thủy điện xuống mực nước chết
Mang câu chuyện nhà nông tất bật lo chống hạn hỏi thăm lãnh đạo các địa phương ở tỉnh Đắk Lắk, đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những ánh mắt lo âu. Ông Trần Xuân Quyền, Phó chủ tịch xã Ea Tar, huyện Ea Kar, cho biết: “Toàn xã có 11 thôn, buôn trong đó 6 buôn người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng trên 50% số hộ của xã.
Là một trong những vùng trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, nguồn nước phụ thuộc hoàn toàn vào các sông, suối nhưng hầu hết các diện tích đều ở xa nguồn nước, chỉ đảm bảo tưới cho một phần nhỏ diện tích cây trồng ven sông.
Theo ông Quyền, năm 2015, do hạn hán mà hàng trăm hécta cây ăn quả và cây công nghiệp của địa phương bị giảm năng suất, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Năm nay, mùa khô lại đến sớm, hiện các suối nhỏ trên địa bàn xã đã cạn khô, chắc chắn hầu hết diện tích cà phê, tiêu của xã sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Không có nước để sinh hoạt và tắm rửa, các em nhỏ buộc tắm ở nguồn nước dơ bẩn, đầy bùn đất
Ngoài thiếu nước sản xuất, trong mùa khô này, nhiều hộ dân đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Xã đã báo cáo tình hình với huyện. Đồng thời ra sức tuyên truyền người dân trên địa bàn hiểu mức độ nghiêm trọng của việc thiếu nước, qua đó hạn chế thấp nhất việc sử dụng nước lãng phí ở những nơi còn nước hiện tại.
Hiện các đập thủy điện xuống mực nước chết, hàng ngàn hécta đất sản xuất các loại cây lương thực của người dân không còn nước tưới, không tổ chức sản xuất được. Điều khiến chính quyền địa phương hết sức lo lắng là việc đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô năm nay. Hiện nay, các con sông, suối khô cạn, tình trạng này tiếp tục kéo dài thì nguy cơ thiếu nước sinh hoạt là điều được thấy trước".
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ban, ngành, địa phương phải thực hiện đồng thời nhiều biện pháp để đối phó với tình hình hạn hán dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, mọi người dân phải thực hành tiết kiệm nước, chấp hành đúng lịch điều tiết, đúng thứ tự ưu tiên: cho sinh hoạt, cho chăn nuôi gia súc, tưới tiêu cho cây trồng, sản xuất công nghiệp…