Vừa bước chân vô phòng, chị Vân đã hớn hở gọi:
-Hòa ơi, có một gia đình muốn nhận gia sư dạy cho con gái, em nhận nhé? Phụ huynh của chị là hàng xóm của bên ấy cho biết là cha mẹ, chị em gia đình rất được, chỉ có cô bé ấy hơi đặc biệt thôi. Đặc biệt cụ thể như nào thì chị không rõ. Em nhận thì tối mai chị dắt đi giới thiệu.
Đang cần thêm việc làm để bảo đảm cuộc sống mà theo đuổi bốn năm đại học dài đằng đẵng nên tôi hồ hởi: - Dạ chị, em nhận ạ.
... Sau tiếng bấm chuông, một người đàn ông hơn 50 tuổi với dáng vẻ chững chạc, công chức bước ra. Dường như đã biết trước câu chuyện nên khi vừa nhìn thấy tôi với chị Vân là ông ta nở nụ cười thân thiện, cất lời ngay: - Hân hạnh chào hai cô giáo. Mời hai cô vào nhà.
Chị Vân vội vàng: - Dạ, đây là cô Hòa. Cháu đến giờ dạy rồi nên xin không vào nhà ạ. Hy vọng bác và cô Hòa cùng trò nhỏ sẽ có duyên dài lâu. Cháu xin đi đây ạ.
Chị Vân đi khuất vào căn hộ gần đó thì tôi bước vào phòng khách nhà phụ huynh. Khách vừa ngồi xuống bàn thì một phụ nữ đậm người, gương mặt phúc hậu, đon đả cầm ly nước mát bước ra mời và giới thiệu:
-Tôi tên Thanh là mẹ bé Loan. Vợ chồng tôi sẽ trao đổi cùng cô một số việc thực tế, trước khi cô có quyết định nhé. Dừng lời, bà đưa tay chỉ vào phòng trong thông qua lớp kính trong suốt và giới thiệu:
-Bé Loan đó cô, gọi là học trò nhưng có lẽ cháu cũng chỉ thua cô 3, 4 tuổi là cùng. Cháu có chút vấn đề về trí não nên chưa tới trường lớp. Chúng tôi muốn tìm một người vừa có thể làm bạn và làm cô giáo chỉ dạy cho cháu biết những chữ cơ bản là mừng rồi. Cô có thể từ chối ngay hay thử việc một, hai tuần rồi trả lời chính thức cũng được.
Qua lớp kính, tôi nhìn thấy một người bạn gái thua mình chừng vài tuổi nhưng cơ thể có lẽ nặng nề gấp rưỡi. Khi thấy tôi đưa mắt nhìn, em nở nụ cười rất hồn nhiên. Vì chút thiện cảm này và vì gói học phí cần đóng cho môn học thêm tiếng Anh đã đến gần nên tôi không lưỡng lự mà dứt khoát:
-Cháu xin dạy thử 2 tuần ạ. Nếu hợp với em thì cháu sẽ đi tiếp.
Ánh mắt hai vợ chồng chủ nhà ánh lên niềm vui, gật đầu đồng ý. Sau khi tìm hiểu sơ qua về bản thân và gia đình. Biết cha mẹ làm nghề giáo, tôi mặc dù đang là sinh viên nhưng nhận đi dạy kèm để trang trải thêm cho việc học thì vợ chồng cô Thanh mừng ra mặt, niềm nở chốt hạ:
-Chúng tôi tin cô sẽ làm bạn được với Loan, chuyện học hành cô cần gì hỗ trợ cứ báo nhé.
Sau tiếng gọi và phần giới thiệu của cha mẹ, Loan cùng tôi tiến đến khu vực bàn học. Lần đầu tiên có học trò, tôi thật sự không biết bắt đầu từ đâu. Chả hiểu thế nào, tôi không hề mở đến cuốn sách tập đánh vần mà gợi hỏi chuyện Loan nhiêu tuổi, thích ăn gì, mê gì. Cũng sàn sàn tuổi nhau nên hai đứa nhanh hòa đồng, lúc ríu rít to nhỏ, khi lại cười rộn rã. Trong câu chuyện không đầu không cuối của chúng tôi, thời gian trôi qua thật nhanh và tôi nhận ra một điều là Loan cần người tương tác chuyện trò. Khi chúng tôi còn đang rỉ rả thì cô Thanh bước vào gọi: “Cô Hòa ơi, cô Vân rủ về vì quá 15 phút rồi”. Khi tôi chào ra gia đình, Loan hớn hở: “Mai cô tới nữa nhé!”.
Tối khuya, tôi suy nghĩ mãi về cách dạy làm sao để cho một học sinh cá biệt có thể tiếp thu được? Chợt nhớ đến đứa em trai mê chơi của tôi, mỗi lần muốn nó tập trung cho việc học thì trước đó tôi phải làm một việc gì đó để thu hút, sau đó dụ nó học và sẽ chỉ cho cách chơi ở phần tiếp theo. Qua buổi chuyện trò, tôi biết Loan suốt ngày ở trong nhà, ít giao tiếp với ai ngoài cha mẹ và hai chị gái. Ngặt nỗi, ba mẹ thì phải đi làm, hai chị đều là sinh viên nên không có thời gian chuyện trò nhiều với Loan. Thế giới bên ngoài đối với cô bạn lại càng xa lạ, vì thế mỗi lần nghe tôi kể gì Loan cứ như bị hút đắm đuối vào đó.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, nơi trưng bày nhiều hình ảnh về thảm họa chất độc da cam
Cả tuổi thơ của tôi không có gì giải trí ngoài sách, truyện. Sách, truyện, phim ảnh thời chúng tôi (những năm 80, đầu 90 của thế kỷ trước) cũng cực kỳ hiếm, tôi phải đọc ké của anh, chị, bạn bè. Được cái mê sách nên tôi đọc ngấu nghiến nhưng cũng nhớ khá tốt các truyện: Truyện cổ Vân Kiều, Trạng Quỳnh, Thời xa vắng của Lê Lựu, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, Gió không thổi từ biển, Nỗi buồn chiến tranh, Ăn mày dĩ vãng của nhà văn Chu Lai...
Về thơ ca, hò vè, cả tuổi thơ đi bộ đến trường cách nhà hai, ba cây số nên lũ trẻ chúng tôi toàn đối đáp, thi thố cùng nhau để quãng đường xa, gió rét như gần lại nên cũng tự trang bị cho mình một số vốn kha khá. Chưa kể, khi tôi theo chị gái đến công ty ở nhờ để đi học trung học phổ thông đã được xem ké rất nhiều bộ phim lịch sử như Chị Tư Hậu, Đất rừng phương Nam, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm... Các vở cải lương do nghệ sĩ Tài Linh, Vũ Linh, Linh Tâm, Phượng Hằng, Phương Hồng Thủy, Thanh Kim Huệ, Lệ Thủy... đóng rất mùi mẫn, cùng vô số phim kiếm hiệp của Hồng Kông. Vì đam mê các diễn viên, tôi còn sưu tầm ảnh của Lý Gia Hân, Lê Tư, Thiệu Mỹ Kỳ, Châu Huệ Mẫn, Trà Giang, Lâm Tới, Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh... thành tập.
Thế là vào trước mỗi giờ học, tôi thường kể cho Loan nghe một đoạn truyện hoặc lấy ảnh một diễn viên ra khoe cho biết họ từng đóng vai gì, phim có nội dung ra sao. Khoảng thời gian dành cho giải trí trước giờ học thường là 10 phút, điều kiện đưa ra là Loan muốn nghe phần truyện, phần phim tiếp theo thì phải học tốt, dư thời gian cô sẽ kể hoặc đầu giờ sau sẽ được nghe tiếp. Loan rất hào hứng với những thứ mới mẻ về phim, ảnh, truyện, thơ do tôi cung cấp nên thường chú ý lắng nghe cô dạy và tập trung làm theo.
Hai tuần trôi qua cái vèo, trong sự háo hức chờ đợi được gặp tôi của Loan vào mỗi buổi tối khiến vợ chồng cô Thanh khá ngạc nhiên. Quyết định của tôi là đi tiếp cùng Loan. Cũng phải nói ngay rằng từ ngày tôi làm gia sư cho Loan thì cơ thể cũng khỏe hẳn lên bởi mỗi buổi tối vào tiết học, cô Thanh thường pha cho 2 cô trò mỗi người một ly nước mát như cam, chanh, bơ... hoặc tùy theo mùa trái cây. Chưa kể, mỗi khi hết tiết học, gia đình có nấu món gì ngon, cô Thanh hay gói cho tôi một hộp mang về ký túc xá ăn.
Sau hơn nưả năm lam gia sư thì tôi biêt đươc chu Trung chồng cô Thanh hiện làm giám đốc một công ty, trước kia tham gia chiến trường nên nhiễm chất độc da cam. Hai người con đầu được sinh ra trước khi chú xung phong ra chiến trường nên rất ổn, chỉ có Loan là kết tinh tình yêu sau một lần chú về phép từ chiến trường miền Đông Nam bộ là có sức khỏe không tốt, ốm dặt dẹo thường xuyên lúc bé, lớn lên thì có chút ngô nghê, nhớ trước quên sau.
Việc tôi dạy chữ cho Loan bắt đầu khá lắt léo. Thấy cô bạn mê diễn viên, phim ảnh, tiểu thuyết (năm ấy Loan 16 tuổi), tôi hỏi Loan muốn viết tên họ không? Muốn đọc thông tin về họ không? Loan muốn viết tên mình, tên cô Hòa không? Nếu vậy phải học chữ cái và ghép vần. Cứ như thế chúng tôi vừa ngắm hình diễn viên, vừa ghép vần, ghép chữ với nhau. Sau mấy tháng ròng, Loan viết được tên mình, tên tôi, Việt Trinh, Diễm Hương... và làm những phép tính cộng trừ cơ bản nhất. Nói thật, không phải buổi học nào cũng vui vẻ, êm ả cả đâu, bởi Loan hay lên cơn đau đầu, co giật bất tử, có khi lại ngồi đơ, vô tri đến tội. Những lúc đó tôi phải giảm liều lượng truyền đạt, phải xoa bóp, rủ Loan tám xàm.
Cô trò đi với nhau một chặng đường hơn năm rưỡi thì vợ chồng cô Thanh nghỉ hưu, chuyển chỗ ở từ nhà tập thể trong trung tâm Quận 1 về Bình Chánh. Vì quãng đường quá xa xôi không tiện cho việc học của tôi ở trung tâm thành phố nên cô trò chia tay trong tiếng khóc bịn rịn của Loan. Vợ chồng cô Thanh ghi cho tôi địa chỉ cùng lời nhắn nhủ: Nhờ cô Hòa, Loan đã tiến bộ rất nhiều. Nếu sau này rảnh thì cô ghé nhà chơi, gia đình luôn xem cô như người thân.
Hai năm sau tôi ra trường, dọn khỏi ký túc xá nên cũng làm mất luôn địa chỉ của gia đình Loan ở Bình Chánh nhưng ấn tượng về cô học trò đặc biệt đầu đời vẫn theo mãi cùng tôi, dù sau đó tôi còn dạy kèm thêm nhiều em học sinh khác. Bởi chính trong thời gian làm bạn và dạy Loan, tôi đã học được tính kiên nhẫn, sự bền bỉ vượt lên nghịch cảnh và cả cách đánh thức, khơi dậy tiềm năng của người khác, cũng như thấu cảm được sự thiệt thòi của con cái của những người từng bước qua chiến tranh giành độc lập hòa bình cho đất nước.