(CAO) Giữa những ngày hè rực nắng đầu tháng 7, các 'phóng viên nhí' của Câu lạc bộ Báo chí - Truyền thông ASKademy đã có một chuyến đi không thể nào quên: từ nhà máy công nghệ hiện đại Tesla Việt Nam đến Bảo tàng Lịch sử TPHCM cổ kính và trang nghiêm... Và đây là cảm nhận về chuyến đi của phóng viên nhí trong CLB.
Trong một ngày, các bạn nhỏ đã được chạm tay vào nhịp sống công nghệ tương lai và bước chân vào miền ký ức dân tộc, học được biết bao điều thú vị từ quá khứ đến hiện tại. Hành trình ấy đã để lại trong lòng các bạn nhỏ nhiều ấn tượng sâu sắc.
Chạm tay vào tương lai tại Nhà máy Tesla Việt Nam
Chúng em bắt đầu hành trình tại Công ty Tesla Việt Nam, nơi sản xuất các thiết bị công nghệ gia dụng, phụ kiện điện thoại và thiết bị làm thơm không gian. Ngay khi bước vào khu vực sản xuất, không gian nhà máy với gam màu tối giản và dây chuyền sản xuất tỉ mỉ đã khiến tất cả chúng em hết sức thích thú.

Các
phóng viên nhí tìm hiểu quy trình sản xuất, các sản phẩm tại Công ty Tesla Việt Nam. Ảnh: Minh Khôi
Cả đoàn toả ra quan sát những dây chuyền chuyển động nhịp nhàng, các cô chú kỹ sư và công nhân mặc đồng phục làm việc nghiêm túc... Các kỹ sư tại đây đã tận tình giới thiệu quy trình sản xuất – từ nguyên vật liệu đến những sản phẩm quen thuộc như cáp sạc, cục sạc, pin thay thế...
Điều thích thú nhất là chúng em không chỉ được quan sát, mà còn được thử chạm tay vào linh kiện, quay phim, chụp ảnh, và phỏng vấn các cô chú kỹ sư như những phóng viên thật sự. Những bức ảnh rạng rỡ, ánh mắt đầy tò mò của các bạn chính là minh chứng cho một trải nghiệm học tập sống động.

Các em tặng hoa cảm ơn lãnh đạo Công ty Tesla Việt Nam đã tạo điều kiện để các em có buổi tham quan thú vị. Ảnh: Minh Khôi
Chúng em còn được trò chuyện với các cô chú nhân viên – những người rất đỗi thân thiện và tràn đầy đam mê với nghề. Từ họ, chúng em hiểu rằng công nghệ không chỉ là máy móc, mà còn là tâm huyết, trí tuệ và ước mơ được cụ thể hóa từng ngày.
Trở về quá khứ tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM
Tạm biệt không gian hiện đại, chúng em tiếp tục hành trình đến với Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa và lịch sử quý báu của dân tộc. Trái ngược với vẻ lung linh của công nghệ, bảo tàng mang đến cảm giác trầm lắng, thiêng liêng, như thể thời gian đang trôi ngược.

Các phóng viên nhí tham quan khu trưng bày Trống Đồng tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Ảnh: Minh Khôi
Tại đây, từng hiện vật đều mang một câu chuyện. Trống đồng Đông Sơn, tượng Phật cổ, và những bộ trang phục cung đình rực rỡ như đưa chúng em trở lại với thời cha ông. Chúng em chăm chú lắng nghe chú thuyết minh kể về từng món đồ, từ đời sống của vua chúa đến phong tục dân gian, mỗi lời kể là một bài học sâu sắc về cội nguồn.

Những hiện vật văn hóa, lịch sử của dân tộc được trưng bày khiến các em thích thú. Ảnh: Minh Khôi
Chúng em đặc biệt ấn tượng với các bộ y phục thời Nguyễn, từ long bào của vua, áo nhật bình của hoàng hậu, đến triều phục của quan lại. Các họa tiết thêu tay sắc sảo, màu sắc mang ý nghĩa riêng biệt, thể hiện rõ vị thế và văn hóa mỗi thời kỳ. Một số bạn hào hứng chụp ảnh bên cạnh hiện vật, còn em đứng lặng lẽ ngắm nhìn – như muốn ghi nhớ từng đường kim mũi chỉ vào tim mình.
Không chỉ tham quan, các bạn phóng viên nhí còn tích cực ghi chép, chụp hình, quay video và phỏng vấn để lưu lại những câu chuyện lịch sử qua góc nhìn của người trẻ.
Chuyến đi khép lại, nhưng trong em là biết bao cảm xúc và bài học đáng nhớ. Nếu như công nghệ dạy chúng em về sự chính xác, đổi mới và ước mơ, thì lịch sử lại nhắc chúng em về cội nguồn, truyền thống và lòng tự hào.

Các phóng viên nhí của Câu lạc bộ Báo chí - Truyền thông ASKademy đã có một chuyến đi nhiều cảm xúc, không thể nào quên. Ảnh: Minh Khôi
"Lịch sử là gốc, công nghệ là cành, chúng em học cách sống như cây xanh: Vững gốc rễ – mà vươn lên ánh sáng; Học từ ngày xưa – để dẫn bước ngày mai!"
Một ngày – hai thế giới: một chuyến đi, nhưng mang lại hai cách nhìn về cuộc sống. Làm phóng viên nhí, chúng em học cách quan sát, ghi nhận, và kể lại bằng ngôn từ và hình ảnh. Và biết đâu, chính từ chuyến đi này, trong số chúng em sẽ có những nhà báo, kỹ sư, hay nhà nghiên cứu tương lai – luôn gìn giữ truyền thống và tạo nên điều mới mẻ cho đất nước.