Bán cà phê vợt 50 năm nuôi 5 con học Đại học

Thứ Năm, 17/03/2016 11:30

|

(CAO) Có một quán cà phê mà gần 50 năm nay bán loại cà phê với tên gọi rất riêng và rất lạ. Đó là cà phê vợt, một thức uống bình dân gắn bó với đời sống của người lao động.

Dù chỉ là một quán cà phê cóc nhưng quán lúc nào cũng đông đúc khách. Đến khu vực chợ Biên Hòa hỏi “cà phê vợt bà bảy Đức” thì ai cũng biết.

Quán cà phê mở bán từ lúc... 2 giờ sáng

Nằm trên con đường Nguyễn Văn Trị (P. Hòa Bình, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), quán cà phê vợt này với tuổi đời gần 50 năm của cô Bảy Đức (tên thật là Võ Thị Đức, 72 tuổi) được xem là quán cà phê vợt cuối cùng còn sót lại của Biên Hòa.

Cô bảy Đức đang pha chế cà phê bằng cái vợt

Quán chẳng có bảng hiệu gì, đơn giản chỉ hơn 10 cái bàn nhựa, vài chục chiếc ghế nhựa nho nhỏ, được bày biện trong quán hay ngoài vỉa hè.

Mặt tiền của quán là hướng nhìn ra con sông Đồng Nai, bên hông quán là trong hẻm dẫn vô chợ Biên Hòa. Không gian quán thì khá chật hẹp, do giữa quán có một cây bàng khó to, chiếm khá nhiều diện tích mặt bằng. Âm thanh của quán chỉ là sự ồn ào từ động cơ xe cộ của người đi qua lại. Thế nhưng những người làm quán thì hầu như không có phút giây nào được ngơi tay. Có khách thì ghé kêu cà phê uống tại chỗ, người thì mua mang về. Cứ thế tấp nập, rộn ràng cả một góc chợ Biên Hòa.

Giá mỗi ly cà phê ở đây chỉ từ 8.000- 13.000 đồng. Gia đình cô Bảy Đức nhập cà phê hạt về từ các mối quen, sau đó tự rang, tự xay với bí quyết riêng và không cho thêm bất kỳ tạp chất nào.

Quán cà phê vợt mở bán từ lúc 2 giờ sáng

Đầu tiên phải nhúng vợt lọc cà phê vào nước đun sôi để vệ sinh vợt. Sau đó múc cà phê đã xay vào vợt, đặt vợt vào ca nhôm, múc nước đun sôi đổ từ từ vào, dùng muỗng khuấy đều tay cho bột cà phê chín dần, sủi bọt lên.

Đợi một lúc, nhúng ba lần sau đó nhấc vợt bỏ sang ca nhôm khác. Lấy cà phê của đợt một châm ngược trở lại vợt và cho thêm một ít nước sôi. Cứ làm như vậy cho tới lần thứ 4 là cà phê đã đủ độ thơm, đúng vị và rót ra từng ly. Muốn thêm đường, sữa và đá thì tùy vào yêu cầu ít hay nhiều của khách để phục vụ.

Từ sáng đến chiều, quán cà phê vợt lúc nào cũng đông khách

Quán bắt đầu sáng đèn mở bán từ lúc 2 giờ sáng, vì khi ấy chợ Biên Hòa bắt đầu rục rịch, nhộn nhịp mua bán của các bạn hàng rồi bán liên tục tới tầm 4 giờ chiều thì mới dọn dẹp, nghỉ ngơi.

Khách ghé quán gồm nhiều đối tượng, đa số là dân lao động nghèo trong chợ Biên Hòa hay sống gần đó. Nhưng đông nhất vẫn là những người lớn tuổi, những người đã từng một thời gắn bó với cà phê cóc.

Phần lớn khách quen của quán là dân lao động

Ông Tám Hiền (76 tuổi), cho biết bắt đầu “ghiền” uống cà phê vợt từ năm 17 tuổi. Dù đã đi nhiều nơi, ghé nhiều quán, thưởng thức nhiều loại cà phê nội, ngoại khác nhau nhưng theo ông Tám Hiền vẫn chẳng thể nguôi ngoai cái “dư vị” độc đáo của ly cà phê vợt.

Dân mà “sành” cà phê vợt chỉ thưởng thức duy nhất cà phê đen nóng, để hưởng trọn vẹn độ ngon của cà phê, không cho thêm đá hay sữa, có chăng chỉ là một chút ít đường cho thanh vị.

Gìn giữ thương hiệu “cà phê vợt bà bảy Đức”

Năm 1968, cô gái Võ Thị Đức vừa tròn 23 tuổi (quê xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) theo chồng lên lồng chợ Biên Hòa thuê địa điểm mở quán bán cà phê “bưng và chạy”. Vốn lanh lẹ, tháo vát, khi bạn hàng trong chợ kêu cà phê, dù bất cứ hẻm nào, sạp nào cô Đức đều nhanh chóng “bưng” ly cà phê pha sẵn và... “chạy” đến tận nơi phục vụ cho các mối quen “thượng đế”.

Dù cuộc sống hiện đại đến đâu nhưng thói quen uống cà phê vợt của người dân vẫn còn

Mãi sau đến năm 1975, vợ chồng cô bảy Đức mới tích cóp mua nhà và mở quán và cà phê tại nhà, nhưng phong cách phục vụ “bưng” và “chạy” cho các tiểu thương chợ Biên Hòa vẫn còn. Dù 50 năm trôi qua, nhưng “kỹ thuật" pha chế cà phê bằng những cái cái vợt vải “truyền thống” của cô Bảy Đức không hề thay đổi.

“Sở dĩ quán cà phê vợt này luôn đông khách vì đã đáp ứng “gu” uống cà phê của đại đa số dân lao động, tiểu thương, bạn hàng chợ Biên Hòa bởi: nhanh, nóng, đậm đà và ngon. Nhờ đó, mà tôi đã nuôi 5 người con học ăn học tới nơi tới chốn: Dương Thị Kiều Oanh (ĐH Tài Chính), Dương Thị Tuyết Hồng (ĐH Kinh Tế), Dương Chí Minh (ĐH Quản trị Kinh doanh), Dương Chí Thông (ĐH Kinh Tế) và Dương Hồng Thái (ĐH ngành Điện tử- Viễn Thông)", cô Bảy ngưng tay pha chế cà phê tâm sự.

Bình luận (0)

Lên đầu trang