(CAO) Mỗi ngày, Thiền viện Đông Lai tọa lạc tại khóm Xuân Phú (thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang) phục vụ hàng ngàn chiếc bánh xèo chay cho Phật tử, người nghèo, công nhân…
Thiền viện Đông Lai có tên gọi khác là Chùa Phật nằm hay là Chùa bánh xèo. Mang danh như thế bởi chùa thường đãi miễn phí bánh xèo chay cho phật tử đến cúng viếng. Chùa hiện sở hữu một “đội quân” hơn chục người, trong đó phải kể đến là đầu bếp Ngô Văn Vũ, Bùi Văn Tâm…
Mặc dù còn rất trẻ, Vũ đã có hơn 10 năm tình nguyện làm công quả trong chùa. Anh cũng chính là một trong những người tiên phong đổ bánh phục vụ khách. Anh Vũ cho biết: “Làm nghề sửa xe rồi vô chùa đổ bánh xèo. Lúc đầu nữ đổ mình thấy vậy học theo rồi đổ 2 – 3 chảo và hiện đã tăng lên 12 chảo. Nếu khách đông thì thay phiên với anh em còn khách ít thì đổ trong thời gian dài. Cứ 1 tiếng là 300 cái nên hôm nào nhiều tôi chế biến khoảng 2.000 cái. Việc đổ bánh không sống mà thỉnh thoảng có khét. Đổ bánh mỏng để ăn không ngán, giòn…”.
Các chảo đổ bánh xèo chay hoạt động liên tục trong khuôn viên chùa. - Ảnh: Nguyễn Nhân
Thông thường một đầu bếp chỉ đổ khoảng 2 – 3 chảo nhưng Vũ thì cùng lúc đổ 12 chảo. Tay thoăn thoắt di chuyển xung quanh chảo, cái này vừa ráo mặt, giòn lớp vỏ thì cái kia đã chín. Vũ vừa khuấy bột, đổ bột, thêm nhân và xoay chảo liên tục. Khách đến càng đông, anh làm càng hăng say như quên đi cái nóng của bếp lò. Theo Vũ, muốn chiếc bánh xèo ngon giòn thì phải khuấy bột cho thật đều, trong quá trình chiên đảo chảo nhanh tay.
Trước đây thì chạy xe honda ôm nhưng gặp cảnh không khách nên đến chùa đổ bánh xèo từ thiện, ông Bùi Văn Tâm (56 tuổi, ngụ khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên) cho biết: “Tham gia làm bánh xèo tại đây đã 16 năm nay. Sáng 6 giờ là bắt đầu nổi lửa làm. Một người đổ liên tục 1 – 2 tiếng là đổi cho người khác. Ở đây có 4 giàn chảo, mỗi giàn từ 10 – 12 cái, việc giàn chảo không bằng nhau do người làm chậm làm lẹ. Nhân bánh làm bằng đậu xanh, tàu hủ, nấm mèo, còn vỏ bánh là bột gạo pha với bột giòn. Ai đổ chậm thì chụm lửa ít còn nhanh thì cho lửa lớn. Làm riết rồi quen với sức nóng của lò và không ai bị nám gì hết. Việc đổ bánh làm từ thiện nhằn tạo phước cho con cháu”.
Được biết, ở Tịnh Biên có rất nhiều nơi bán bánh xèo chay lẫn mặn với giá từ 10.000 – 20.000 đồng/cái còn ở Thiền viện Đông Lai thì hoàn miễn phí. Với việc ăn kèm với các loại rau rừng trên núi Cấm đã tạo nên mùi vị rất độc đáo, ít nơi nào có được.
Công đoạn đổ bánh xèo tỉ mỉ. - Ảnh: Nguyễn Nhân
Ngồi ăn bánh trong nhà ăn rộng rãi, sạch sẽ, được đặt nhiều bàn ghế để phục vụ khách gần xa, chị Nguyễn Thị Kim Ngân (21 tuổi, ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) cho biết: “Trước giờ nghe đồn về Chùa bánh xèo nên hôm nay cùng 9 đứa bạn đến đây vừa cúng viếng, vừa thưởng thức bánh. Nghe đãi bánh nghĩ là cúng xong rồi mới ăn chứ đâu nghĩ được phục vụ đông vui như thế này. Ăn ở đây thấy nhân, nước chấm, rau vừa ăn và ngon hơn so với ở ngoài”.
Cũng theo lời chị Ngân, sau khi về nhà chị sẽ giới thiệu cho người thân, bạn bè đến đây để thưởng thức. Ngoài ra, bản thân chị cũng lấy làm hâm mộ người đầu bếp nơi đây vì đổ cùng lúc từ 10 – 12 chảo thay vì chỉ 1 – 2 chảo so với những nơi khác.
Được biết, ngày thường thì chùa chỉ đổ 2 giàn chảo tốn vài cây bột, mỗi cây đổ được 300 cái, còn các ngày thứ bảy, chủ nhật thì mới sử dụng 3 – 4 giàn đổ 7 – 10 cây bột. Kinh phí đổ bánh do phật tử đóng góp. Việc ăn bánh xèo đây không chỉ có những người đi viếng chùa mà còn nhưng người lao động, công nhân, người buôn bán…và tất cả dù có hay không đóng góp cũng được đãi ăn miễn phí. Ai có lòng thì đóng góp vào thùng từ thiện.
Những cặp bánh xèo chay nóng hổi mới ra lò. - Ảnh: Nguyễn Nhân
Đại đức Thích Thiện Chí- Trụ trì Thiền viên Đông Lai, cho biết: “Mỗi ngày chùa có trên 1.000 Phật tử đến cúng viếng. Lực lượng đổ bánh xèo phục vụ là hơn 10 người. Năm 1999, đi về chùa thì thấy phật tử không biết làm đồ chay đãi khách nên mới nghĩ ra việc làm món bánh xèo phục vụ vừa tiết kiệm, gọn nên tồn tại cho đến tận bây giờ. Từ vài cái chảo đổ bánh phục vụ vào thứ bảy, chủ nhật thì đến nay đã lên hơn 40 cái và phục vụ các ngày trong tuần. Vì thế tên Chùa bánh xèo cũng ra đời cách nay khoảng 4 năm”.
Thực khách thưởng thức những miếng bánh xèo chay nóng giòn. - Ảnh: Nguyễn Nhân