(CAO) Nữ sinh lớp 10 khóc kêu đau suốt 4 ngày, bác sĩ vẫn bảo "không sao, cứ yên tâm" khiến chân của bệnh nhân bị hoại tử và kết quả là buộc phải cưa cụt một chân.
Chị Nguyễn Thị Lan (39 tuổi, ngụ thôn 3, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) bức xúc cho biết về vụ việc con gái bị hoại tử chân do cách xử lý kém chuyên môn và thiếu trách nhiệm của bệnh viện huyện.
Chị Lan kể, ngày 6-3, trên đường về nhà bằng xe gắn máy, con gái chị là bé Lê Thị Hà Vi (16 tuổi, nữ sinh lớp 10 trường THCS Y Jút ) gặp tai nạn gian thông. Người thân đã lập tức đưa cô gái đến Bệnh viện huyện Cư Kuin cấp cứu.
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin, bệnh nhân được chẩn đoán gãy xương mâm chày (ở gối) nên được bác sĩ cho bó bột.
Tuy nhiên, sau khi được bó bột, chân phải bé Vi ngày càng sưng lên, tím ngắt vùng đùi.
Nữ sinh Lê Thị Hà Vi cụt mất 1 chân vì bác sĩ kém chuyên môn
Đến sáng thứ hai, ngày 7-3, gia đình có báo với bác sĩ về lo ngại bó bột chặt quá bệnh nhân không chịu được. Nhưng bác sĩ bảo cứ yên tâm, bó như thế mới giữ được xương.
Đến đêm, bé Vi kêu khóc cả đêm vì cảm thấy bỏng rát ở chân phải. Qua sáng hôm sau, 8-3, năm ngón chân bé bắt đầu nổi bóng nước. Gia đình tiếp tục kêu lên.
Lúc này, các bác sĩ của bệnh viện hội chẩn và đồng ý cho cắt bột. Khi bột được mở ra, toàn bộ chân phải của bệnh nhân sưng to, nổi nhiều vết bóng nước. Sau khi chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ cho gia đình biết cần phải phẫu thuật, tuy nhiên việc phẫu thuật không thể tiến hành do chân của bệnh nhân sưng quá to.
Cháu Vi còn phải chịu đựng thêm 3 ngày “chờ” trong đau đớn nữa thì mới được cho chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Tại bệnh viện tỉnh, các bác sĩ đánh giá tình trạng chân của bệnh nhân đã bị hoại tử qúa nặng. Kết quả chụp phim cho thấy mạch máu tắc hoàn toàn nên quyết định tiếp tục chuyển vào TP.HCM ngay trong ngày.
Trao đổi với báo chí, bác sĩ Đỗ Lê Hoàng Sơn, Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, bé Vi nhập viện lúc 20 giờ đêm 11-3 trong tình trạng chân phải nổi đầy bóng nước, được nẹp vải, mất cảm giác, không thể vận động. Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy tắc hoàn toàn động mạch chân phải. Sau khi hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình và mạch máu, khoa cấp cứu quyết định chuyển bệnh nhân lên khoa chấn thương chỉnh hình để chăm sóc điều trị, theo dõi hoại tử chân.
"Chúng tôi vẫn mang hy vọng có thể giữa lại chân cho người bệnh nhưng trong quá trình mổ, nhận thấy toàn bộ cơ chân của bệnh nhân hỏng nên giải pháp cuối cùng là phải cắt cụt chân để bảo toàn tính mạng người bệnh", bác sĩ Sơn nói.
Hiện bé vẫn còn rất đau đớn do mỏm cụt mới cắt, dù vết cắt đã khô.
Theo bác sĩ Sơn, với các trường hợp chấn thương mâm chày, thông thường bác sĩ phải nghĩ ngay đến khả năng dẫn đến tổn thương mạch máu bên trong rất cao. Do đó, bệnh nhân cần phải được điều trị sớm, khám hết sức cẩn thận, theo dõi đánh giá liên tục để tránh hoại tử. Nếu có dấu hiệu hoại tử, phải xử lý phục hồi lưu thông mạch máu kịp thời, thì bệnh nhân sẽ không bị tháo khớp, cắt cụt.
Chị Lan mếu máo: “Đau xót nhất là gia đình đã quá tin vào bệnh viện. Con gái tôi xinh đẹp, học giỏi, mà giờ phải chịu cảnh tật nguyền suốt đời thế này sao”.
Chị cho biết thêm, Vi vừa mới đi thi học sinh giỏi môn Địa lý cấp tỉnh về ngày trước, thì ngày sau gặp tai nạn và sau đó xảy ra cớ sự bị cắt cụt chân phải.
Cũng theo gia đình, đại diện bệnh viện huyện - nơi điều trị ban đầu cho Vi đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy để hỗ trợ 20 triệu đồng tiền mặt và hứa sẽ chịu trách nhiệm về vụ việc.