(CAO) Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn huyện Tuy An (Phú Yên) đã phát hiện 10 người bị có dại cắn khiến người dân nơi đây lo lắng.
Cách đây vài ngày, người dân ở thôn Trung Lương 1, xã An Nghiệp, huyện Tuy An phát hiện có một con chó cái ở thôn này có trọng lượng khoảng 15kg (chưa xác định được chủ), có các triệu chứng đỏ mắt, chảy nước dãi, hung hăn, khi thấy người là nhào ra cắn và rượt cắn 5 người ở thôn này và một số người ở địa phương khác.
Nhận được tin báo của người dân, trạm Thú y huyện Tuy An phối hợp với UBND xã An Nghiệp, cùng người dân địa phương vây bắt giữ con chó lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi rút bệnh dại. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy con chó bị bệnh đúng quy định; đồng thời hướng dẫn cho những người bị con chó này cắn đi tiêm phòng vắc xin dại.
Anh N.T.H., người bị chó dại cắn bàng hoàng cho biết: “mấy hôm trước, khi đang đi ngoài đường liên thôn, thì anh đã bị con chó dại trên cắn một phát vào chân rất sâu, máu chảy nhiều. Sau đó, biết con chó này dương tính với vi rút bệnh dại, anh H., ngày đêm mất ngủ, lúc nào cũng sợ bị dại. Vì vậy, anh đã quyết định đến bác sĩ để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại.
Người dân cần tiêm phòng dại ngay khi bị chó cắn - Ảnh:Tường Vân
Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên, cho biết đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành tiêu độc sát trùng môi trường tại ổ dịch và khu vực xung quanh có bệnh dại; đồng thời triển khai tiêu độc khử trùng toàn xã. Đối với các trường hợp bị chó cắn phải nhanh chóng tiêm phòng bệnh dại theo quy định.
Được biết, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút dại thuộc họ Rhabdoviridae gây nên. Đây là bệnh của các động vật máu nóng, xảy ra thường nhất ở loài chó. Virút dại xâm nhập vào hệ thần kinh của động vật có vú. Virút dại chủ yếu được lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người qua vết cắn hoặc qua vết trầy xước trên cơ thể con người.
Bệnh dại cũng có thể lây truyền sang người khi động vật bị dại liếm vào vết thương hoặc tiếp xúc vào những chỗ da bị trầy xước, hoặc lớp niêm mạc miệng, mũi của người.
Bệnh dại tuy nguy hiểm chết người nhưng có thể hạn chế được nguy cơ từ bệnh này nếu chúng ta dự phòng tốt, bằng cách tiêm phòng vắc xin dại, tiêm phòng trước khi bị phơi nhiễm. Đối với chó, có thể ngăn chặn nguồn lây bằng cách tiêm phòng dại cho chó. Nếu chó không bị bệnh dại thì người sẽ không bị lây bệnh dại khi chó cắn.