Lấy da bụng tái tạo bàn chân cho bé trai 4 tuổi bị phỏng nặng

Thứ Năm, 17/03/2016 08:11  | Ngô Đồng

|

(CAO) Bé Vũ Tấn Bình (4 tuổi, Gia Lai), trong lúc chạy chơi tung tăng cùng bạn bè vô tình giẫm vào bãi đốt rác bị phỏng nặng bàn chân trái.

Người nhà cho biết, ngay sau khi bị phỏng, gia đình đưa bé đi điều trị tại một bệnh viện tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, sau ngày xuất viện, do không biết cách giữ gìn cho bé sau điều trị phỏng dẫn đến sẹo lồi. Không những vậy, gân chân còn co rút khiến chân bé đi đứng rất là mất tự nhiên, bé chỉ đi được một cách khập khiễng bằng gót chân.

Chân bé 4 tuổi bị phỏng và để lại sẹo co rút, giảm chức năng vận động của chân

Tình trạn ngày càng nặng, bé cần phải được phẫu thuật. Tuy nhiên, do gia đình rất khó khăn, vẫn không có điều kiện phẫu thuật cho bé.

Ngày 9-3, bé Vũ Tấn Bình được Hệ thống bệnh viện SAIGON-ITO nhận phẫu thuật tái tạo lại bàn chân phỏng cho bé hoàn toàn miễn phí. Ngay sau đó, bé được các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ sẹo lồi xấu và được tiến hành ghép da lấy từ bụng.

Sau 2 tiếng phẫu thuật, vết mổ ghép da gọn đẹp, bàn chân bé gần như được trả lại hình dáng bình thường.

Bé được các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ sẹo lồi xấu và được tiến hành ghép da lấy từ bụng

Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, Trưởng Khoa Vi phẫu, tạo hình Bệnh viện SAIGON-ITO Phú Nhuận TP.HCM cho biết, bé sẽ đi lại được sớm trong bột sau phẫu thuật 1 tuần.

Sau 1 tuần phẫu thuật tái tạo, đôi chân của bé đã dẩn phục hồi trở lại.

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, các vết bỏng nặng thường để lại sẹo, nếu không được điều trị và xử trí đúng cách ngay lần đầu tiên sẽ gây nên sẹo xấu, lâu dài sẽ có thể dẫn vết thương nhiễm trùng, lâu lành và các di chứng về sau rất dễ gặp là sẹo xấu co rút các ngón tay... thành thương tật vĩnh viễn cho các bé ảnh hưởng đến tương lai của con trẻ.

Bác sĩ khuyến cáo, trẻ em nhỏ tuổi rất hiếu động, non nớt, chưa tự biết cách bảo vệ mình nên những tai nạn đáng tiếc xảy ra là không thể tránh khỏi, nhẹ là những vết trầy xướt, vết đốt của côn trùng, nặng là những vết thương gây chảy máu, vết bỏng… Do vậy, các bậc phụ huynh hãy chú ý và tích lũy nhiều kinh nghiệm để có hướng xử trí kịp thời giúp đứa con thân yêu của mình luôn khoẻ mạnh.

Xử trí sơ cứu vết phỏng như thế nào là hiệu quả?

Nguy cơ bị phỏng cho bé có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau như nước sôi, nước canh nóng, nước trong vòi nóng lạnh, nghịch lửa... Trong khi da của trẻ còn non nớt thì chỉ cần tiếp xúc với nước ở nhiệt độ cao vài giây là có thể bị rộp da và nổi bóng nước (phỏng độ 2).

Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, Trưởng Khoa Vi phẫu, tạo hình Bệnh viện SAIGON-ITO Phú Nhuận khuyến cáo: Bộ đôi nên có sẵn trong tủ thuốc gia đình có trẻ nhỏ phòng khi trẻ bị phỏng là nước muối sinh lý NaCl 0,9% loại 500ml, một tube kem Biafine hay Silvirin, bông gòn, gạc vô trùng, băng keo cuộn vải urgo hoặc băng thun.

Ngay sau khi bé bị tai nạn phỏng, bố mẹ hãy bình tĩnh và nhanh chóng đưa bé đến ngay chậu nhiều nước hoặc vòi nước chảy nhẹ xối rửa nhiều lần (không xối nước đá hoặc nước lạnh) trong khoảng 15 phút. Mục đích để làm cho da bớt nóng, bớt bị mất nước và sẽ bớt đau, giảm diện tích da bị thương và giảm độ nặng của tổn thương bỏng. Sau đó, cần bôi kem Biafine hoặc Silvirin một lượng dày lên vùng da bỏng. Dùng gạc vô khuẩn hoặc miếng vải sạch đắp lên toàn bộ vết thương phỏng, băng lại.

Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị phỏng nhỏ, thì sau một thời gian chăm sóc tại nhà da vùng bỏng có thể tự liền lại nhưng nếu vết bỏng ở diện tích rộng, nặng hơn thì sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

Nếu bố mẹ chăm sóc bé tại nhà thì mỗi ngày cần thay băng, rửa vết thương với NaCl và bôi kem chữa bỏng. Vết thương cần được đắp gạc để giữ độ ẩm cho da. Sau 2 tuần, đa số vết bỏng độ 2 sẽ lành đẹp và ít để lại sẹo.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang