Quán phở Trường Sa của cựu binh trở về từ đảo Gạc Ma

Thứ Năm, 18/02/2016 10:21  | Kiều Nhi

|

(CAO) Chiều 13-2, giữa sắc xuân tràn ngập, chúng tôi tìm đến quán phở mang tên đặc biệt: Trường Sa, để gặp anh Lê Minh Thoa tại số nhà 5D đường Tăng Bạt Hổ, phường Lê Lợi, TP.Quy Nhơn, Bình Định.

Sau cái bắt tay thật chặt, nở nụ cười nhân hậu, anh Thoa từ tốn trở về miền kí ức kinh hoàng. Anh Thoa năm nay đã 48 tuổi, sinh trưởng ở huyện Tây Sơn (Bình Định) rồi nhập ngũ.

Anh nguyên là hạ sĩ quan thuộc Hải đội 1 - Lữ đoàn 125 Hải quân. Năm 1988, anh và một số đồng đội được tăng cường cho tàu HQ-604. Mùng 9 Tết năm đó, tàu từ cảng Sài Gòn đi Cam Ranh bốc hàng và đưa lực lượng xây dựng ra đảo chìm Gạc Ma (Trường Sa).

Huân chương do Chủ tịch nước trao tặng

Chiều 13-3-1988, tàu HQ-604 neo cách đảo Gạc Ma khoảng 1km. Đến 17 giờ cùng ngày, một số tàu hải quân nước ngoài áp sát tàu của anh Thoa, dùng loa dọa buộc phải rút khỏi Gạc Ma. Thế nhưng hải quân Việt Nam vẫn quyết tâm thực hiện lệnh tiếp cận đảo, chuyển vật liệu xây dựng từ tàu lên và đặt mốc chủ quyền đúng vào lúc 12 giờ.

Lúc này, phía tàu lạ mặt nổ súng, bắn lên đảo và tàu của hải quân Việt Nam. Anh Thoa bị thương và trôi lềnh bềnh trên biển nhờ ôm… hai quả bí đao. Sau đó, anh bị địch bắt và nhốt trong nhà tù ở bán đảo Lôi Châu (Quảng Đông). Bị nhốt biệt lập 3 năm 7 tháng, đến tháng 11-1991, anh cùng 21 đồng đội được trao trả tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn).

Ông Lê Thừa, cha của anh Thoa cho biết, khi nghe tin 64 chiến sĩ của chúng ta anh dũng hi sinh tại đảo Gạc Ma, gia đình ông đã lập bàn thờ cho người con trai yêu dấu. Mãi đến mấy năm sau, khi nghe tin con trai còn sống, ông và vợ như không tin ở mắt mình.

Anh Thoa trước tiệm phở

Chúng tôi đã đặt chân đến đảo chìm Gạc Ma. Đó là vùng biển rộng lớn gồm ba đảo: Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Hiện hai đảo còn lại thì do chúng ta nắm giữ trên biển Đông.

Sau khi về đến quê nhà, anh Thoa lập gia đình với chị Trần Thị Thu Hà và sinh sống cùng cha mẹ bằng quán phở. Cuộc sống mưu sinh khó khăn nhọc nhằn. Vợ anh phải làm thêm nghề giữ trẻ.

Cứ vài năm, đơn vị cũ họp mặt lại gọi cho anh. Nhiều đồng đội cũ đã không còn sống nữa. Thế rồi phong trào ủng hộ cho Trường Sa được nhân rộng, những người lính sống sót hiếm hoi như anh được tri ân.

Quán phở Trường Sa

Mới đây, nhiều Mạnh Thường Quân đã giúp đỡ gia đình anh tấm bảng quán phở Trường Sa cùng họ tên của người cựu binh năm nào. Nhờ đó mà thu nhập của gia đình anh cũng được cải thiện đáng kể.

Vừa kể lại câu chuyện trầm hùng ngày nào, anh vừa luôn tay đem phở tới cho khách. Khi quán đã vắng người, anh lại phụ rửa tô, chuẩn bị cho một ngày bán mới. Duy nụ cười của người cựu binh vẫn ấm áp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang