Dấu ấn Phật giáo đồng hành cùng dân tộc:

Bài 14: Thượng tọa Thích Thông Thiết - người gìn giữ ngọn đèn chánh pháp và nhóm lên ngọn lửa Cách mạng

Thứ Tư, 21/05/2025 15:00

|

(CATP) Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam có biết bao tấm gương anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống mà muôn đời sau không thể nào quên, và cố Thượng tọa Thích Thông Thiết là một trong số đó. Người là biểu tượng sáng ngời của tinh thần phụng đạo yêu nước - một nhà sư không chỉ gìn giữ ngọn đèn chánh pháp mà còn góp phần nhóm lên ngọn lửa Cách mạng trên mảnh đất Gia Lâm khói lửa năm xưa.

Từ cậu bé làng Nông Vụ Trung đến người Cộng sản khoác áo nâu sồng

Thượng tọa Thích Thông Thiết, thế danh Lê Văn Hải, SN1905 tại làng Nông Vụ Trung thuộc tổng Đặng Xá, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh xưa (nay là P. Phúc Lợi, quận Long Biên, TP. Hà Nội). Lớn lên trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, Lê Văn Hải sớm giác ngộ lý tưởng Cách mạng và vào những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, khi đất nước đang rên xiết dưới ách đô hộ của thực dân, Lê Văn Hải đã được thầy giáo Ngô Văn Đàm - một cán bộ Cộng sản hoạt động bí mật - giác ngộ và dìu dắt tham gia tổ chức Việt minh.

Với sự mưu trí và lòng dũng cảm, Lê Văn Hải nhanh chóng trở thành mắt xích quan trọng trong hệ thống cơ sở Cách mạng ở vùng Gia Lâm, thực hiện các nhiệm vụ vận chuyển thư từ, rải truyền đơn, bảo vệ cán bộ. Nhằm che mắt mật thám, ông quyết định xuất gia, nương thân nơi cửa Phật tại Đào Xuyên tự - ngôi chùa linh thiêng giữa làng quê yên bình nhưng đầy tinh thần quật khởi.

Liệt sĩ - Thượng tọa Thích Thông Thiết

Từ đây, lịch sử kháng chiến cứu quốc ghi nhận hình ảnh một nhà sư trở thành người tiếp sức cho những đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo mỗi khi họ về vùng Đa Tốn hội họp, chỉ đạo kháng chiến. Chùa Đào Xuyên trở thành "trạm liên lạc" đặc biệt giữa lòng dân, với người đứng đầu là vị sư trụ trì kiên trung, sáng suốt.

Chùa Đào Xuyên - nơi thắp sáng tinh thần kháng chiến

Cuối năm 1944, một dấu mốc quan trọng được ghi lại trong sử sách: Với sự giúp đỡ của sư trụ trì Thích Thông Thiết, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh khi ấy là đồng chí Nguyễn Đăng Hành đã cho đặt bộ phận ấn loát ngay tại một phòng nhỏ trong nhà Điện của chùa Đào Xuyên. Tại đây, Báo Độc Lập của Đảng Dân chủ Việt Nam cùng nhiều tài liệu chiến tranh du kích đã được in ấn, lan tỏa tinh thần Cách mạng ra khắp các vùng lân cận.

Không chỉ là nơi in truyền đơn, chùa Đào Xuyên còn trở thành nơi nuôi giấu cán bộ Cách mạng, tiếp tế hậu cần, tiếp nhận thông tin. Một căn hầm bí mật rộng khoảng 2m², sâu hơn 1,5m đã được sư trụ trì Thích Thông Thiết cho xây dưới nền nhà Mẫu. Đây chính là nơi cất giấu máy in và tài liệu, được ngụy trang cẩn mật, vượt qua mọi đợt kiểm tra gắt gao của mật thám Pháp.

Lễ vinh danh Thượng tọa Thích Thông Thiết năm 2017

Càng đáng khâm phục hơn khi vào năm 1945 sư Thích Thông Thiết chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam - điều hiếm thấy ở một nhà sư đương thời. Sự kết hợp giữa ánh sáng Phật pháp và lý tưởng Cách mạng đã tạo nên một tu sĩ đặc biệt - vừa độ thế vừa độ nhân gian, sẵn sàng xả thân vì nước.

Gông cùm không khuất phục được ý chí sắt đá

Năm 1946, sư Thích Thông Thiết được tín nhiệm giao giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã Đại Hưng - một xã anh hùng của vùng Gia Lâm thời bấy giờ. Ông vừa lãnh đạo phong trào kháng chiến địa phương vừa giữ vai trò trụ cột trong bảo vệ các cán bộ Cách mạng vùng địch hậu.

Đầu năm 1947, khi thực dân Pháp tăng cường càn quét, lập đồn bốt khắp vùng Gia Lâm để bảo vệ sân bay và các tuyến vận tải chiến lược, nhà sư Thích Thông Thiết rơi vào tầm ngắm của mật thám. Ông bị bắt và tra tấn dã man suốt nhiều ngày nhưng vẫn giữ vững khí tiết, không hé nửa lời về tổ chức và đồng đội. Không có bằng chứng, giặc Pháp buộc phải thả ông.

Về lại chùa, ông tiếp tục việc in truyền đơn, nuôi giấu cán bộ, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc. Nhưng số phận nghiệt ngã không buông tha ông, ngày 12/7/1952 ông bị mật báo, giặc Pháp lại bất ngờ ập vào chùa bắt giữ, lôi ông vào nhà Mẫu - nơi cất giữ tài liệu in ấn. Tại đây, chúng phát hiện truyền đơn và lập tức đưa ông đến bốt chợ Bún ở Đa Tốn để thẩm vấn, tra tấn.

Lần này, chúng không còn nương tay, dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, tra khảo hòng moi thông tin về mạng lưới Cách mạng. Nhưng nhà sư áo nâu Thích Thông Thiết vẫn một mực giữ vững lời thề sắt đá, không phản bội đồng đội, không bán rẻ lý tưởng. Cuối cùng, bọn chúng đã đưa ông ra bốt cầu Đuống và xử bắn ngày 05/9/1952.

Chùa Đào Xuyên

Trọn đời hiến dâng - sống mãi trong lòng dân tộc

Di thể Thượng tọa Thích Thông Thiết được các phật tử và người dân xã Đa Tốn đưa về an táng tại chùa Đào Xuyên - nơi ông đã sống, chiến đấu và hiến dâng trọn đời cho lý tưởng Cách mạng. Ngày nay, dấu tích căn hầm bí mật vẫn được nhắc đến như một chứng tích sống động của tinh thần bất khuất giữa đạo và đời.

Người con gái duy nhất của liệt sĩ - bà Lê Thị Thái khi nhắc về cha đã không giấu nổi nước mắt. Ba lần đi thăm nuôi trong thời gian cha bị bắt giam, lần thứ ba bà đến thì chỉ còn nhận lại tin dữ: Người cha yêu dấu đã vĩnh viễn nằm xuống vì Tổ quốc.

Buổi lễ vinh danh Thượng tọa Thích Thông Thiết được tổ chức năm 2017 tại chùa Đào Xuyên đã khẳng định: Lịch sử không bao giờ quên những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Chủ tịch UBND xã Đa Tốn - Đỗ Văn Kiên xúc động phát biểu: "65 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh Liệt sĩ Lê Văn Hải - nhà sư Thích Thông Thiết vẫn mãi là ngọn đèn soi sáng thế hệ trẻ hôm nay trong công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc".

Nhà sư - Liệt sĩ Thích Thông Thiết không chỉ là một nhà Cách mạng kiên trung, mà còn là hiện thân sống động của triết lý "Phật pháp bất ly thế gian pháp" - đạo không rời đời, tu không lìa thế sự. Trong hoàn cảnh đất nước bị áp bức, người tu sĩ đã không chọn ẩn dật, mà dấn thân nhập thế, lấy tâm từ bi làm động lực đấu tranh, lấy trí tuệ Phật pháp để giác ngộ quần chúng. Ông là biểu tượng tiêu biểu cho thế hệ các tu sĩ yêu nước thời kỳ kháng chiến - những người âm thầm dùng mái chùa làm căn cứ Cách mạng, lấy nén hương làm khẩu hiệu và biến từng trang kinh Phật thành biểu ngữ Cách mạng.

Hôm nay, trong không gian yên tĩnh của chùa Đào Xuyên - nơi có pho tượng Phật vẫn an nhiên tỏa sáng, vị Thượng tọa kiên cường Thích Thông Thiết vẫn được nhắc đến bằng tất cả niềm kính phục và tự hào. Ông không chỉ là liệt sĩ, mà còn là biểu tượng và tấm gương sống động cho lý tưởng nhập thế của Phật giáo Việt Nam.

Cuộc đời Thượng tọa Thích Thông Thiết từ một cậu bé ở làng quê Gia Lâm đến vị sư trụ trì kiên cường là bản anh hùng ca giữa thời đại đầy biến động. Câu chuyện về ông đã trở thành một phần của ký ức dân tộc, để mỗi thế hệ mai sau có thể nhận thức được rằng: Có những vị sư từng ngồi thiền trong bóng đêm nhưng tâm trí vẫn hướng về ánh sáng độc lập, tự do cho dân tộc.

Bài 13: Ni trưởng Thích Đàm Duyên - nữ tu gánh gạo ra chiến trường, thắp sáng tinh thần
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang