Những vụ án mạo danh:

Kỳ cuối: Suýt bỏ mạng vì bị cho là mạo danh

Thứ Sáu, 16/05/2025 12:42

|

(CATP) Joe bị giữ lại Úc với chiếc nhẫn đặc biệt: cái vòng nhỏ bằng nhựa khắc chìm những ký hiệu màu xanh dẫn tới một cái tên khá nổi tiếng ở Mỹ đã mất tích vài tháng trước. Nếu đây thực sự là Joe của nước Mỹ đã vượt đại dương bỏ trốn sang Úc thì dù có liên quan hay không tới vụ mất tích kia, Joe vẫn phải chết (!).

Một án tử đang chờ sau khi Joe được Kevin Celli-Bird, cư dân của TP. Melbourne, Úc - phát hiện khi nhìn thấy Joe có vẻ “yếu ớt, gầy gò” tại sân sau nhà mình ngày 26/12/2020 và trong khi cho Joe ăn để hồi phục sức khỏe, nhìn thấy chiếc nhẫn định mệnh kia, Kevin đã lần theo dấu vết của nó và biết rằng trước khi mất tích, chủ của chiếc nhẫn được nhìn thấy lần cuối vào tháng 10/2020 ở bang Oregon, bờ Tây nước Mỹ. Mặc dù vậy, qua nhận dạng bằng hình ảnh và các tư liệu khác, chủ của chiếc nhẫn hoàn toàn không giống Joe đang có mặt ở Melbourne. Vậy lẽ nào đây là Joe giả danh? Bằng cách nào Joe giả mạo có mặt ở Úc nếu không đi bằng tàu biển, vì khoảng cách từ Oregon tới Melbourne lên tới 13.000km, trong khi loài chim bay tối đa chỉ được 12.000km.

Khi tin này tới tai nhà chức trách Úc, Kevin được mời đến làm việc. Cảnh sát tuyên bố Joe sẽ bị bắt và chịu biện pháp an tử vì đã đến theo cách “không đáp ứng biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt” của nước này. Các quan chức Úc không đùa: Joe sẽ phải bay về Mỹ bằng đôi cánh của mình vì Joe là... chim bồ câu!

Thế rồi bước ngoặt bất ngờ xảy ra: Người quản lý Hiệp hội bồ câu đua của Mỹ tuyên bố Joe là kẻ mạo danh, dù những con số trên thẻ trùng khớp với con đã biến mất ở Oregon, Mỹ vào mùa thu năm 2020 trong cuộc đua dài 560km, nhưng chim bồ câu Melbourne này lại không giống chút nào với con mất tích ở Mỹ. Hơn nữa, Joe ở Melbourne thậm chí không phải là chim bồ câu đua, mà là bồ câu nhào lộn, còn cái nhẫn trên chân Joe là “hàng giả và không thể truy xuất nguồn gốc”.

Mô hình của G.I.Joe tại bảo tàng

Các cơ quan y tế Úc đã xem xét dữ liệu mới và đồng ý lý thuyết ban đầu cho rằng Joe đến từ Mỹ là không chính xác. Họ tin chú chim bồ câu Melbourne bất ngờ “bị” nổi tiếng này có nguồn gốc từ Úc. Điều đó có nghĩa là nó không gây ra mối đe dọa cho các loài chim địa phương và sẽ thoát án tử.

Cuối cùng người ta cũng chẳng biết ai là người làm giả dấu chim bồ câu. Có giả thuyết cho rằng một “người thích đùa” nào đó mượn câu chuyện có thực về chú chim bồ câu đưa thư tên G.I.Joe đã phục vụ trong Dịch vụ Bồ câu của Quân đội Mỹ - lực lượng có nhiệm vụ đưa thư liên lạc và trinh sát trong Thế chiến II. G.I. Joe có thẻ tên Pigeon USA43SC6390, nở vào tháng 3/1943 tại Algiers, Bắc Phi và trải qua quá trình huấn luyện chim bồ câu đưa thư 2 chiều hoàn thiện tại Fort Monmouth, New Jersey, Mỹ.

Trong Chiến dịch Ý (tháng 7/1943 - tháng 5/1945), G.I. Joe đã cứu mạng hơn 1.000 cư dân làng Calvi Vecchia (Ý) và 100 binh lính Anh bằng cách bay quãng đường 32km trong 20 phút để tới căn cứ không quân của phe Đồng minh, đưa lá thư yêu cầu họ dừng các máy bay ném bom chuẩn bị cất cánh tấn công ngôi làng đã được quân Anh (phe Đồng minh) giải phóng khỏi quân Ý. Sau Thế chiến II, G.I.Joe được nuôi dưỡng tại Churchill Loft của Quân đội Mỹ ở Fort Monmouth, New Jersey cùng 24 chú chim bồ câu anh hùng khác.

Quyết định của nhà chức trách khiến Kevin Celli-Bird hài lòng. Anh nói: “Miễn là Joe vui vẻ ở lại đó, tôi cũng đồng ý; còn nếu Joe chọn bay đi thì cũng đành”. Sau 4 năm, hiện chưa ai biết Joe đang ở đâu.

Kỳ 4:
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang