Dấu ấn Phật giáo đồng hành cùng dân tộc:

Bài 11: Ni trưởng Thích Diệu Niệm - trái tim Bồ Tát giữa lòng dân tộc

Thứ Hai, 19/05/2025 06:18

|

"Dù xây chín tháp phù đồ

Không bằng làm phúc cứu cho một người".

Tấm lòng từ bi, tinh thần yêu nước và hạnh nguyện cứu đời của Ni trưởng Thích Diệu Niệm - bậc chân tu tài hoa, nhà sư áo nâu mà lòng son sắt với dân tộc - là minh chứng sống động cho một thời kỳ lịch sử đầy thử thách nhưng cũng tràn đầy ánh sáng từ bi và tinh thần dân tộc bất khuất.

Hành trình tu tập và phục vụ nhân sinh

Sinh ngày 16/10/1925 tại tỉnh Quảng Ngãi, Ni trưởng Thích Diệu Niệm - thế danh Võ Thị Mỹ Hiên, pháp húy Tâm Nhật, tự Diệu Niệm, hiệu Chánh Chí - xuất thân trong một gia đình trí thức hiếu học, thân phụ là cụ Võ Ngọc Lan - người quê xã Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh, từng đỗ Đốc-tờ thời Pháp thuộc; thân mẫu là cụ Nguyễn Khoa Diệu Hồ - con cháu dòng Nguyễn Khoa quý tộc triều Nguyễn, xuất thân từ làng Vĩ Dạ, đất thần kinh Huế.

Tuổi thơ của Ni trưởng trôi qua trong sự dạy dỗ nghiêm khắc nhưng đầy tình thương của hai bậc thân sinh. Dưới bóng chùa Ba La Mật và không khí trang nghiêm của dòng tộc kính Phật, cô gái Mỹ Hiên sớm hình thành nội tâm sâu sắc và đạo tâm thuần hậu. Là nữ sinh Đồng Khánh - ngôi trường danh giá thời bấy giờ, Mỹ Hiên không chỉ sở hữu nét đẹp đoan trang mà còn nổi bật bởi sự thông tuệ và đức hạnh.

Nhưng khác với những tiểu thư quyền quý thường chọn con đường danh vọng, thiếu nữ Mỹ Hiên đã chọn lối đi ngược dòng đời: xuất trần cầu đạo. Trở về Nghệ An sau thời gian học ở Huế, bà quyết chí xin thân mẫu đưa đến chùa Cần Linh - nơi Cố Tổ Diệu Viên trụ trì, phát nguyện xuất gia, dấn thân trên hành trình tu tập và phục vụ nhân sinh.

Bảo tháp thờ cố Ni trưởng Thích Diệu Niệm trong khuôn viên chùa Cần Linh

Dưới mái chùa Cần Linh, Ni trưởng Thích Diệu Niệm không chỉ là một đệ tử cần mẫn tụng kinh niệm Phật, mà còn là người thấu suốt bổn phận nhập thế. Vào những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và nạn đói năm 1945, khi hơn 2 triệu đồng bào Việt Nam ngã xuống vì đói, chính Ni trưởng đã biến chùa Cần Linh thành "trạm cứu sinh" giữa lòng thành Vinh. Bà dựng lán, nhóm bếp, phát cơm cháo cứu sống biết bao sinh mạng đang hấp hối giữa thành phố tang thương.

Giữa đêm đông đói rét, Ni trưởng tay bưng từng bát cháo, tay đỡ người đói lả bón từng chút, không nề hà. Đó không còn là một ni sư hành trì Phật pháp, mà là một vị Bồ Tát giữa trần gian, sống đúng với tinh thần "vị tha bất thủ”, phụng sự không màng danh lợi.

Năm 1947, khi Chính phủ phát động phong trào "Mua công trái - Mua đấu giá” để gây quỹ kháng chiến, Ni trưởng đã không ngần ngại ủng hộ hơn 1 vạn đồng - con số không hề nhỏ vào thời điểm đó, thể hiện tinh thần dấn thân vì đất nước của một vị tu sĩ chân chính.

Dưới làn bom lửa, tâm Bồ Tát vẫn bừng sáng

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt sau năm 1964 khi Không quân Mỹ liên tục oanh kích miền Bắc, thành phố Vinh trở thành mục tiêu trọng điểm. Trong khói lửa chiến tranh, Ni trưởng một lần nữa khẳng định tinh thần nhập thế vô úy. Chùa Cần Linh trở thành trận địa pháo 57mm của Trung đoàn 280 - nơi đã góp phần bắn rơi chiếc máy bay thứ 300 ở miền Bắc. Mái chùa xưa - nơi tụng niệm, giờ là chỗ đặt pháo, giấu đạn, nuôi quân.

Không sơ tán, chẳng rời bỏ dân, sư bà vẫn ở lại giữa bom đạn, như một cội tùng bám đất, như ánh đèn bền bỉ giữa đêm giông. Khi được chính quyền vận động đi lánh nạn, cụ trả lời dứt khoát: "Chiến sĩ pháo binh chịu được thì sư cũng chịu được!".

Đó là câu nói đi vào lịch sử, thể hiện rõ cốt cách của một bậc chân tu yêu nước, một người con của Phật thực hành tinh thần "Phật pháp bất ly thế gian pháp".

Gieo mầm từ bi - Truyền đăng tục diệm

Không chỉ gắn bó máu thịt với Nhân dân trong kháng chiến, Ni trưởng còn là người góp phần chấn hưng Phật giáo và phát triển công tác xã hội tại địa phương. Bà từng giữ các chức vụ quan trọng như: Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP. Vinh, Phó Hội trưởng Hội Thơ Hồng Lam...

Tổ đình Cần Linh (Nghệ An), nơi cố Ni trưởng Thích Diệu Niệm từng trụ trì

Đặc biệt, Ni trưởng còn là người đặt nền móng cho Hội Từ thiện Phật giáo đầu tiên tại Nghệ An, lấy chùa Cần Linh làm trụ sở. Bà nuôi dạy hàng chục trẻ mồ côi, chăm sóc các cụ già neo đơn, mở lớp học xóa mù chữ, góp phần lan tỏa tinh thần Bồ Tát hạnh đến từng góc phố, từng nếp nhà ở thành phố Vinh.

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, bà lại tiếp tục hành Bồ Tát đạo trong thời bình: mua công trái quốc gia, gửi quà đến hải đảo biên giới, giúp đỡ người dân bị thiên tai, trồng thuốc Nam cho Hội Chữ thập đỏ, hỗ trợ phong trào xây dựng công viên tuổi trẻ...

Ni trưởng còn là một nhà thơ, nhà văn với tâm hồn sâu sắc. Thơ của bà được truyền tụng trong giới mộ đạo và thơ ca Hồng Lam. Bà làm thơ tặng Bác Hồ và cũng từng được Người làm thơ tặng lại - một vinh dự hiếm có mà không nhiều tu sĩ hay trí thức thời đó có được.

Cội tùng ngã bóng - Di huấn còn vang

Ngày 05/11/1998, Ni trưởng Thích Diệu Niệm thu thần thị tịch, để lại bao tiếc thương cho hàng vạn phật tử, Nhân dân và chính quyền địa phương. Hành trạng của bà - người Ni trưởng tài đức vẹn toàn - đã trở thành biểu tượng của tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX.

Ni trưởng mất đi, nhưng ánh đuốc bà thắp lên từ hơn nửa thế kỷ trước vẫn cháy mãi trong lòng người dân xứ Nghệ. Những bữa cơm cháo cứu đói năm 1945, những ngày đạn bom khói lửa năm 1966, những mùa xuân bà cầm quà lặng lẽ gõ cửa nhà dân và cả những lần tiếp đãi các đoàn chư tôn đức đến nghỉ ngơi trong bước đường vận động thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam... đều in đậm dấu chân thầm lặng nhưng kiên cường của Ni trưởng.

Hôm nay, ngôi bảo tháp của Ni trưởng tọa lạc trong lòng Tổ đình Cần Linh - ngôi chùa đã gắn bó trọn đời bà - như một biểu tượng của lòng từ, của khí phách, của hạnh nguyện. Người Ni trưởng ấy không chỉ là bậc chân tu mà còn là một công dân ưu tú của đất nước, một nhà yêu nước đúng nghĩa bằng hành động, bằng từ bi và bằng cả cuộc đời hy sinh lặng lẽ.

Trong ký ức của những người từng gặp bà, Ni trưởng Thích Diệu Niệm hiện lên như một cội bồ đề rợp bóng mát giữa sa mạc khô cằn, là nguồn suối ngọt ngào cho bao mảnh đời khốn khó, là ánh đèn soi lối cho thế hệ ni chúng và phật tử hôm nay bước tiếp trên con đường đạo pháp gắn với dân tộc.

Và cũng như ánh trăng Rằm tháng Mười không bao giờ vơi tròn, tên tuổi và đạo hạnh của Ni trưởng sẽ mãi mãi là niềm tự hào của Phật giáo Nghệ An, là đóa sen tinh khiết giữa đời - nở rộ và tỏa hương cho muôn thế hệ sau này.

Bài 10: Sư cô Thích Đàm Hiền - bậc chân tu nguyện hóa thân thành chiến sĩ cứu nước
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang