(CATP) Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc, có những người đã lựa chọn con đường dấn thân, từ bỏ đời sống an nhiên nơi cửa Phật để hòa mình vào phong trào Cách mạng. Trong số đó, tấm gương của sư cô Thích Đàm Hiền - thế danh Nguyễn Thị Vân, quê Nghĩa Hưng, Vĩnh Tường, Phú Thọ - vẫn là ánh sáng rực rỡ giữa lòng người dân xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Vượt lên số phận riêng tư, sư không chỉ là bậc chân tu, mà còn là đảng viên Cộng sản, một nữ du kích kiên trung, một liệt sĩ đã hiến trọn đời mình cho đạo pháp và dân tộc.
Gieo duyên Phật pháp giữa khói lửa chiến tranh
Năm 1939, khi mới tròn 20 tuổi, Nguyễn Thị Vân rời quê nhà sau những mất mát riêng, tìm đến chùa Khánh Tân thuộc quần thể chùa Thầy xin được nương nhờ cửa Phật. Nét đoan trang, hiền hậu của cô gái ấy đã tạo được ấn tượng trong lòng các nhà sư và dân làng Khánh Tân. Cảm động trước hoàn cảnh éo le và tâm nguyện tu hành của cô, vị trụ trì đã cho phép xuất gia và ban cho pháp danh Thích Đàm Hiền.
Chỉ trong thời gian ngắn, sư cô đã thấu suốt kinh kệ, sống đời giới hạnh, nghiêm trang. Dưới mái chùa tĩnh lặng, sư âm thầm tu học, giữ lòng thanh khiết, mang nội tâm sâu lắng. Nhưng với tâm hồn yêu nước sẵn có, sư không thể nhắm mắt trước cảnh dân tộc lầm than dưới ách thực dân, đế quốc. Tấm áo cà sa không che lấp được lòng trắc ẩn với đồng bào và quê hương.
Những năm sau Cách mạng Tháng Tám, đất nước bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp. Sư cô Thích Đàm Hiền dần tiếp cận với các tổ chức yêu nước, tìm hiểu đường lối Cách mạng, tham gia các hoạt động tuyên truyền, che giấu cán bộ, nuôi dưỡng cơ sở kháng chiến. Với lòng nhiệt thành và trí tuệ mẫn tiệp, sư nhanh chóng được kết nạp Đảng năm 1947 - mốc son quan trọng trong đời tu hành: dấn thân!

Sư cô, đảng viên, nữ du kích, Liệt sĩ Thích Đàm Hiền
Năm 1948, sư giữ trọng trách Chi ủy viên Chi bộ Cộng sản Sài Sơn, trực tiếp phụ trách thôn Khánh Tân, vừa tham gia đội du kích xã. Khi nhắc đến sư, cụ Lê Xuân Chỉnh - Hội trưởng Hội Người cao tuổi của làng - không giấu nổi xúc động: "Sư cô vừa đẹp người vừa đẹp nết. Đoan trang, cẩn trọng mà can trường".
Trong lớp áo nâu sồng, thân hình nhỏ nhắn của sư lại trở thành vỏ bọc hoàn hảo để thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm. Sư cùng các sư khác trong chùa - Thích Đàm Thuận, Thích Đàm Thìn, Thích Đàm Mùi - miệt mài đào hầm bí mật dưới bàn thờ Tam bảo, cất giấu vũ khí, tài liệu và che chở nhiều đồng chí, như: Nguyễn Văn Phiên (sau này là Chủ tịch huyện Quốc Oai), Nguyễn Văn Xuất (Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã)... Nhiều cuộc họp của Đảng được tổ chức ngay dưới mái chùa.
Dù giặc Pháp đóng đồn dày đặc, càn quét liên miên, sư vẫn vững vàng chỉ đạo lực lượng du kích thôn Khánh Tân tổ chức đấu tranh, bảo vệ thành quả Cách mạng, kiên quyết chống lại các âm mưu của bọn tề ngụy hòng cướp lại ruộng đất đã được chia cho dân.
Vị sư áo nâu - nữ chiến sĩ giữa đạn bom
Sự mảnh mai của sư cô Thích Đàm Hiền càng khiến giặc lầm tưởng, không chú ý. Chúng không thể ngờ sư cô từ bi lại là một hạt nhân hoạt động kháng chiến. Nhưng linh cảm của quân địch không sai, chúng bắt đầu theo dõi chùa Khánh Tân. Trung thu năm 1951, sau nhiều lần lục soát thất bại, chúng mở cuộc càn quét lớn vào làng.
Suốt 3 tiếng đồng hồ, giặc điên cuồng phá chùa, xả súng vào tượng Phật, lật tung nền đất, cuối cùng bắt được sư cô Thích Đàm Hiền và Xã đội trưởng Lê Xuân Nhĩ tại căn hầm bí mật trong nhà dân. Ngay trong sân chùa, trước dân làng, giặc tra tấn 2 người bằng những đòn thô bạo, bắt khai ra cơ sở Cách mạng. Khi đồng chí Nhĩ không khai, chúng bắn chết tại chỗ để thị uy. Trước thi thể đồng đội, sư cô bình thản chắp tay niệm kinh cầu siêu gửi đến linh hồn người đã ngã xuống.
Không chịu nổi sự thách thức từ ánh mắt kiên cường và khí phách của sư cô, quân Pháp đã bắn sư ngay bên thi thể đồng đội. Năm ấy, sư cô mới 32 tuổi - một tuổi đời còn nhiều hy vọng, một tuổi đạo đã đầy viên mãn.
Sống giữa lòng dân, hy sinh vì nước
Phải mất nhiều ngày sau, dân làng mới đưa được thi thể sư ra khỏi chùa trong niềm thương tiếc khôn nguôi. Người nữ tu ấy đã ngã xuống vì nghĩa lớn, hiến dâng trọn vẹn tuổi xuân cho Tổ quốc. Sư cô Thích Đàm Hiền được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ, được Tổ quốc ghi công.
Hàng năm, vào mỗi dịp lễ Vu lan, ngày Thương binh - Liệt sĩ, người dân xã Sài Sơn lại thắp hương tưởng niệm sư. Mộ phần sư nằm giữa Nghĩa trang Liệt sĩ Sài Sơn, giản dị nhưng trang nghiêm. Quản trang Nguyễn Phùng Thao vẫn hay nói với khách đến thăm viếng: "Ở đây có một liệt sĩ rất đặc biệt, không phải chiến sĩ mang súng, mà là một nhà sư. Một người mang trong mình lý tưởng cao cả, lấy từ bi làm nền, lấy hành động làm đạo".
Trụ trì hiện nay của chùa Khánh Tân - sư Thích Đàm Thanh - vẫn giữ gìn tôn nghiêm di ảnh sư trong nhà Tổ. Nơi bàn thờ Tam bảo năm xưa, căn hầm bí mật từng che chở cán bộ vẫn còn đó, như một nhân chứng của thời đại.

Gian nhà Tổ chùa Khánh Tân, nơi thờ Liệt sĩ Thích Đàm Hiền
Câu chuyện của sư cô Thích Đàm Hiền không chỉ là mốc son trong lịch sử kháng chiến Sài Sơn, mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần "Phật pháp bất ly thế gian giác" - đạo pháp và dân tộc luôn hòa quyện. Sư là một biểu tượng hiếm hoi của người phụ nữ Việt Nam kết hợp cả ba phẩm chất: đạo hạnh - trí tuệ - kiên cường.
Trong một lần tưởng niệm, cựu chiến binh Nguyễn Minh Lộng - người từng chiến đấu ở Hà Nội - đã kể lại câu chuyện của sư cô Thích Đàm Hiền cho học sinh tiểu học nghe: "Một nhà sư nhỏ bé mà sẵn sàng hiến thân, chẳng vì đạo danh, không vì quyền lợi. Sư mất đi, nhưng không ai quên được. Tấm gương của sư xứng đáng soi đường cho thế hệ hôm nay".
Ông Lộng cùng nhiều cựu chiến binh khác đang ấp ủ mong muốn thành lập kho tư liệu ghi chép tiểu sử, câu chuyện của các liệt sĩ, đặc biệt là những người như sư Thích Đàm Hiền. "Tôi tin nếu chúng ta kể lại những câu chuyện này cho thế hệ trẻ sẽ không có ai vô cảm trước Tổ quốc. Họ sẽ hiểu để có hòa bình đã có nhiều người phải đánh đổi cả cuộc đời", ông chia sẻ.
Đã hơn 7 thập kỷ trôi qua, người nữ tu ấy vẫn sống trong lòng người dân làng Khánh Tân. Dáng hình mảnh mai trong chiếc áo nâu sồng năm xưa, ánh mắt từ bi nhưng kiên định vẫn như phảng phất trên sân chùa những ngày giặc càn. Câu chuyện về sư cô Thích Đàm Hiền - một người tu hành dám hy sinh để bảo vệ Tổ quốc - không chỉ khiến chúng ta kính phục, mà còn khiến chúng ta suy ngẫm về nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam hôm nay.
Không phải ai cũng chọn được con đường trọn vẹn giữa đạo và đời, nhưng sư cô Thích Đàm Hiền đã làm được. Sư không để lại lời kinh tiếng kệ, không có tác phẩm văn chương, chỉ để lại một đời sống trọn vẹn với hai chữ "hiến dâng".
Và có lẽ, ở chốn an tịnh nơi cõi Phật, linh hồn sư cô Thích Đàm Hiền vẫn đang mỉm cười an lạc vì sư đã sống một cuộc đời đúng như hạnh nguyện của một vị Bồ Tát nhập thế: "Vào sinh tử không sợ hiểm nguy, cứu độ muôn dân nguyện không thối chuyển".
(CATP) Trong hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, hình ảnh những vị tu sĩ Phật giáo không chỉ tỏa sáng ở chốn thiền môn mà còn hiển lộ nơi chiến trường - khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Phật giáo Việt Nam không chỉ là đạo lý, là giáo lý, mà còn là hành động yêu nước nhập thế. Và giữa biết bao gương mặt đã viết nên huyền thoại “cởi áo cà sa, khoác chiến bào” có Đại đức Thích Pháp Lữ, thế danh Đinh Thế Hinh.
Tiến sĩ - Thượng tọa Thích Thanh Phương - Tiến sĩ Bùi Hữu Dược - Đại đức Thích Minh Hải - Trần Ngọc Thoan