(CATP) Trước bức tranh phức tạp và những hệ lụy nghiêm trọng từ thực trạng mua bán, làm giả, cho thuê CCHN y, dược như đã được phơi bày, các cơ quan quản lý Nhà nước đã và đang không ngừng triển khai những biện pháp mạnh mẽ để phòng, chống. Ngành Y tế với vai trò chủ đạo và sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an đã có những hành động cụ thể nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, cuộc chiến nhằm làm trong sạch môi trường hành nghề y dược, bảo vệ sức khỏe nhân dân là một cuộc chiến không khoan nhượng, đòi hỏi sự kiên trì, các giải pháp căn cơ, sự phối hợp liên ngành chặt chẽ và một ý thức trách nhiệm sâu sắc từ toàn xã hội.
Chủ động phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm
Ngành Y tế, với trọng trách quản lý Nhà nước trực tiếp, luôn xác định việc siết chặt quy trình cấp và quản lý CCHN là nhiệm vụ ưu tiên. Tại TPHCM, Sở Y tế (SYT) đã thể hiện vai trò tiên phong trong công tác này, không chỉ cảnh báo sớm mà còn kiên quyết xử lý các sai phạm.
Một minh chứng cho sự chủ động này là vụ việc được SYT TPHCM làm rõ vào ngày 18/4. Giám đốc SYT TPHCM Tăng Chí Thượng công bố thông tin về việc Tổ công tác đặc biệt của Sở xác minh một CCHN được quảng cáo trên mạng mang số 000050/HCM-CCHN, cấp ngày 12/10/2024 với chuyên môn cử nhân kỹ thuật y học ngành xét nghiệm. Qua đối chiếu, SYT khẳng định thông tin này hoàn toàn giả mạo, vì CCHN số hiệu này thực tế đã cấp từ ngày 06/4/2012 cho một cá nhân khác với phạm vi chuyên môn khác.
Giám đốc SYT Tăng Chí Thượng nhấn mạnh: "Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy hành vi giả mạo có tổ chức, lợi dụng uy tín của cơ quan quản lý để lừa đảo và trục lợi", đồng thời chỉ rõ nguy cơ nếu CCHN giả này được người không chuyên môn sử dụng hành nghề. Ngay sau đó, SYT TPHCM đã chuyển toàn bộ thông tin sang Công an TPHCM để điều tra, xử lý. Lãnh đạo Sở cũng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm, bảo vệ an toàn người dân và uy tín của ngành. SYT TPHCM cũng liên tục khuyến cáo người dân không sử dụng các dịch vụ làm giả CCHN, nhấn mạnh việc cấp CCHN phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt.

Sở Y tế TPHCM đã nhiều lần khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các dịch vụ làm giả CCHN
Không chỉ dừng lại ở việc xác minh CCHN giả, SYT TPHCM còn đặc biệt quyết liệt trong việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở y tế tư nhân có hành vi vi phạm quy định về hành nghề và quảng cáo. Lãnh đạo SYT TPHCM nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp chủ động, giám sát thường xuyên và phối hợp liên ngành để ngăn chặn hiệu quả các vi phạm. Ngành y tế TPHCM đang không ngừng tăng cường phối hợp với Công an TPHCM và các cơ quan liên quan để chủ động rà soát quảng cáo y tế sai phạm trên không gian mạng và đẩy mạnh thanh tra đột xuất.
Các đợt kiểm tra gần đây đã phơi bày nhiều sai phạm nghiêm trọng tại các cơ sở y tế, thẩm mỹ, cho thấy mức độ phức tạp của tình hình. Vào ngày 10/4, Thanh tra SYT TPHCM đã tiến hành kiểm tra đột xuất hai cơ sở là Thẩm mỹ viện Athena (Q1) và Công ty TNHH MTV B.Viên Mỹ (Q3). Tại Thẩm mỹ viện Athena, dù chỉ đăng ký kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ thông thường, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở này có phòng phẫu thuật, trang thiết bị và đang thực hiện hút mỡ bụng cho một khách hàng - một kỹ thuật xâm lấn đòi hỏi giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.
Tương tự, tại cơ sở B.Viên Mỹ, đoàn kiểm tra cũng phát hiện các phòng được trang bị như phòng phẫu thuật, phòng hậu phẫu và các dụng cụ, thiết bị y tế phục vụ cho việc hút mỡ. Cơ sở này không xuất trình được giấy phép hoạt động KBCB cũng như CCHN của những người thực hiện kỹ thuật. Với những dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, có khả năng liên quan đến việc sử dụng nhân sự không đủ điều kiện hành nghề, hồ sơ cả hai vụ việc này đã được SYT TPHCM củng cố và chuyển sang cơ quan Công an để điều tra, xử lý hình sự theo quy định. Điều này thể hiện sự kiên quyết không dung túng cho các hoạt động y tế trái phép, coi thường sức khỏe cộng đồng.
Trước đó, phòng khám quốc tế Changwon (Changwon International Clinic, Q10) cũng bị Thanh tra SYT xử lý. Cơ sở này bị phát hiện vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo dịch vụ y tế khi đăng tải các nội dung chưa được SYT xác nhận, đồng thời không niêm yết giá dịch vụ KBCB một cách công khai, rõ ràng theo quy định. Điều đáng lưu ý là phòng khám này được xác định thuộc hộ kinh doanh phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ Thái Sơn.
Hộ kinh doanh Thái Sơn trước đó đã từng nằm trong "danh sách đen" của Thanh tra SYT do có liên quan đến hoạt động thẩm mỹ không phép, gây ra tai biến nghiêm trọng cho khách hàng vào năm 2024. Sự việc này đặt ra dấu hỏi về việc các đối tượng vi phạm có thể tìm cách "thay tên đổi họ” hoặc hoạt động dưới các hình thức pháp lý khác nhau để tiếp tục hành nghề trái phép, qua mặt cơ quan quản lý.
Một trường hợp vi phạm điển hình khác là Phòng khám chuyên khoa ngoại thuộc Công ty TNHH Phòng khám đa khoa (PKĐK) An Đông (Q5). Vào ngày 29/4, Thanh tra SYT TPHCM đã công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở này. PKĐK An Đông bị xử phạt với số tiền lớn do hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng trong quá trình hoạt động. Cụ thể, phòng khám này đã không đảm bảo đầy đủ các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị y tế, thuốc thiết yếu để thực hiện cấp cứu người bệnh; không thực hiện đúng quy chế chuyên môn trong việc lập hồ sơ bệnh án; quảng cáo dịch vụ KBCB không đúng sự thật, gây hiểu lầm cho người dân. Với các lỗi vi phạm này, PKĐK An Đông không chỉ bị phạt tiền mà còn bị đình chỉ hoạt động nhiều bộ phận chuyên môn trong một thời gian nhất định để khắc phục. Nghiêm trọng hơn, nhiều nhân viên y tế (bao gồm cả bác sĩ và điều dưỡng) làm việc tại PKĐK An Đông cũng bị xử phạt tiền và tước quyền sử dụng CCHN trong các khoảng thời gian khác nhau. Lý do là các cá nhân này đã trực tiếp tham gia vào các hành vi vi phạm quy chế chuyên môn và các hoạt động quảng cáo dịch vụ y tế sai sự thật, không đúng với phạm vi hành nghề được cấp phép.
Những vụ việc xử lý cụ thể trên cho thấy quyết tâm của SYT TPHCM trong việc siết chặt quản lý, chấn chỉnh các hoạt động y tế tư nhân, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người dân. Các hành động này cũng gián tiếp góp phần thu hẹp "đất sống" của các CCHN giả, CCHN cho thuê, bởi khi các cơ sở bị kiểm tra gắt gao, việc sử dụng nhân sự không đủ điều kiện hoặc CCHN không hợp pháp sẽ dễ dàng bị phát hiện.
Song song với nỗ lực của ngành Y tế, lực lượng Công an đóng vai trò then chốt trong đấu tranh với tội phạm làm giả giấy tờ. Công an các địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng... đã liên tục triệt phá nhiều đường dây quy mô lớn, thu giữ hàng loạt máy móc, phôi bằng giả, góp phần ngăn chặn nguồn cung CCHN giả ra thị trường.
Còn nhiều thách thức
Dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực, cuộc chiến chống CCHN giả và các vi phạm trong lĩnh vực y tế vẫn đối mặt nhiều thách thức. Sự tinh vi của các đối tượng làm giả, nhất là việc lợi dụng không gian mạng để hoạt động ẩn danh, quảng cáo, giao dịch xuyên biên giới, đang gây khó khăn cho công tác phát hiện và xử lý. Việc quản lý tài khoản mạng xã hội, truy vết giao dịch trực tuyến đòi hỏi nguồn lực và công nghệ cao.
Bên cạnh đó, những "lỗ hổng" trong quy trình quản lý, như việc thẩm định hồ sơ cấp CCHN, đặc biệt là xác minh thời gian thực hành, cần tiếp tục được chuẩn hóa và siết chặt hơn nữa để bảo đảm tính thực chất.
Trước những thách thức đó, việc nghiên cứu và triển khai cấp CCHN điện tử có tích hợp các yếu tố bảo mật cao như mã QR, chữ ký số được xem là định hướng quan trọng. Theo lãnh đạo SYT TPHCM, giải pháp này đang được nghiên cứu, kỳ vọng sẽ giải quyết căn cơ vấn đề làm giả CCHN vật lý và tạo thuận lợi cho công tác quản lý.
Việc SYT TPHCM thử nghiệm thành công Cổng tra cứu thông tin hành nghề Y, dược từ tháng 10/2024 là một bước tiến quan trọng, giúp người dân và cơ quan quản lý chủ động tra cứu, xác minh thông tin. Với quyết tâm chuyển đổi số, SYT TPHCM kỳ vọng sẽ chuyển từ thế bị động sang chủ động trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Gần đây nhất, vào ngày 20/4, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 2350/BYT-KCB. Công văn yêu cầu các bệnh viện, SYT các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về kê đơn thuốc, thực phẩm chức năng trong KBCB. Bộ Y tế đặc biệt yêu cầu xử lý nghiêm hành vi quảng cáo gian dối, vượt quá phạm vi hành nghề.
Cuộc chiến với CCHN giả và các vi phạm trong lĩnh vực y tế đòi hỏi sự kiên trì, các giải pháp tổng thể, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và sự chung tay của cả cộng đồng để bảo vệ sức khỏe người dân.
(CATP) Sau khi ghi nhận thực trạng mua bán, cho thuê CCHN y, dược diễn ra công khai trên mạng, PV tiếp tục thâm nhập sâu hơn vào các “sàn giao dịch” ngầm và tìm hiểu quy mô, thủ đoạn của các đường dây làm giả giấy tờ, bằng cấp nói chung, trong đó có CCHN. Đồng thời, nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến sử dụng CCHN giả hoặc thuê mượn đã bị phanh phui trong thời gian qua, cho thấy tính chất phức tạp và dai dẳng của vấn đề này.