Có lẽ khi nói đến những giáo viên “cắm bản” dạy học, người ta sẽ nghĩ đó là những giáo viên trẻ mới ra trường. Cũng có thể đó là những giáo viên đến bản nghèo theo dạng biệt phái trong một khoảng thời gian nhất định.
Sau thời gian “biệt phái”, với thâm niên "cắm bản", người trẻ sẽ dễ dàng được điều chuyển về miền xuôi hoặc điểm trường trung tâm, nơi mà mọi điều kiện giảng dạy và sinh hoạt tốt hơn điểm lẻ ở bản xa rất nhiều.
Bà giáo già Lê Thị Hằng cắm bản dạy học bằng bầu nhiệt huyết của tuổi đôi mươi
Hành trình 30 năm khai trí
Tôi gặp cô Hằng (hiện đang công tác tại Trường tiểu học Đồng Lương, huyện miền núi Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) vào buổi chiều muộn khi cô đang chuẩn bị nấu bữa cơm chiều trong lần ghé thăm bản Thung, cái bản nằm trong diện đặc biệt khó khăn của xã Đồng Lương.
Căn phòng của cô Hằng rộng chừng 20 mét vuông, nếu gọi đúng nghĩa thì phải gọi là cái lều tranh, có thể nhìn xuyên vách do tường đất đã thủng lỗ chỗ vì mưa rừng, gió núi hùa nhau cào cấu. Đây vừa là phòng ngủ, phòng làm việc, bếp nấu… kiêm nhà tắm.
Góc bếp là chiếc xô nhựa đựng mấy cân gạo, hơn chục gói mì tôm nằm ngay ngắn trên chiếc gác làm bằng tre, mấy lạng cá gô bọc kỹ trong túi ni lông treo trên cây cột gỗ, dăm quả trứng vịt nằm đè lên nhau trên chiếc giỏ tre xinh xinh đan bằng thân cây mây rừng. Tất cả tạo nên một sự ngăn nắp trong túp lều tranh sạch sẽ. Cô Hằng cười hiền dịu, bảo “đây là thực phẩm cho một tuần công tác”.
Bản Thung nghèo lắm, không chỉ là bản đặc biệt khó khăn của xã Đồng Lương mà thuộc diện khó khăn nhất của toàn huyện Lang Chánh. Năm nào huyện cũng tổ chức những đợt tiếp xúc “chia khó” của các ban nghành đoàn thể với đồng bào nơi đây.
Hành trình vượt núi vào bản Thung dạy học của cô giáo Hằng
Không khó sao được bởi Thung hầu như nằm tách biệt hẳn với thế giới nhộn nhịp bên ngoài. Nằm lọt thỏm trong thung lũng, bao quanh là những dãy núi đá cao chót vót, 15km đường giao thông nối bản với trung tâm xã Đồng Lương đã xuống cấp nặng nề sau nhiều năm oằn mình chịu mưa lũ.
Trời nắng chỉ có trai bản với sức khỏe vạm vỡ mới đủ sức cầm lái xe máy đi trên con đường ấy. Trời mưa thì đến công nông, máy ủi… cũng phải chào thua con đường đầy rẫy vết thương, cạm bẫy: lầy lội trơn trượt, dốc cao vực sâu…
Cũng như đa số người dân trong bản, hành trình vào bản, rời bản của cô Hằng chỉ có một phương thức duy nhất là đi bộ vượt núi trong khoảng thời gian hơn ba giờ đồng hồ.
Thung chưa có điện lưới quốc gia, chưa có sóng điện thoại di động, vô vàn khó khăn khách quan cứ quấn lấy đời sống của đồng bào, cái nghèo bám riết lấy đời sống của bà con.
Bản có 57 hộ thì có tới 29 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo, 13 hộ còn lại cũng chẳng khấm khá hơn các hộ cận nghèo là mấy, nguy cơ cả bản tái nghèo luôn hiện hữu nếu thời tiết năm nay cây trồng, vật nuôi của bà con chết rét.
Điểm trường lẻ tại bản Thung nơi cô Hằng công tác có 16 học sinh cấp tiểu học. Sự thiếu thốn về cơ sở vật chất khiến các học sinh dù ở hai trình độ nhưng vẫn phải học chung trong một phòng học.
Cô Hằng đảm nhận giảng dạy cả 2 lớp. Trong sự nghiệp của mình cô giáo Hằng có 12 năm liên tục gắn bó với bà con bản Thung, 18 năm trước cô cũng luôn tình nguyện đến những bản nghèo.
Giờ đây, cô Hằng như người con của bản Thung, như người mẹ của lũ trò nghèo kham khổ.
Giữ trọn bầu nhiệt huyết tuổi đôi mươi
Thường thì một tuần cô giáo Hằng được ở nhà 2 đêm với gia đình. Sau buổi dạy của chiều thứ sáu cô Hằng đi bộ vượt núi ra trung tâm xã rồi gọi điện cho người thân đến đón.
Những buổi tối ở nhà, có mặt chồng, con, cháu ngoại tiếng cười nói râm ran, rạng ngời trong hạnh phúc lại như thổi thêm niềm tin, sức mạnh cho cô Hằng trong những ngày xa nhà công tác.
Chiều chủ nhật, cô Hằng quay lại bản Thung. Cùng cô vào bản trên đôi vai gầy, đôi chân trần lội suối băng rừng là gạo, muối, cá khô, trứng, mì tôm… tất cả đủ dùng cho một tuần cắm bản.
Dù nghèo, lũ trẻ bản Thung vẫn ham học lạ thường
Thấy chúng tôi tỏ vẻ ái ngại khi chứng kiến cảnh bà giáo già băng rừng lội suối, cắm bản dạy chữ bằng câu hỏi “sao nhà trường đồng ý cho cô ra điểm trường chính mà cô không ra?”, cô Hằng chia sẻ: “Ngày vào đây nhìn lũ trẻ ăn cơm nắm đến trường học chữ thấy thương chúng nó vô ngần. Chúng nghèo đói mà ham học vậy mình không nỡ lòng rời xa, còn 3 năm nữa là nghỉ hưu tôi sẽ ở lại đây với các cháu, với bà con cho trọn nghĩa vẹn tình".
Có lẽ cái tình của lũ trò nghèo ham học cộng với sự chất phát của đồng bào vùng cao khiến cô Hằng không nỡ xa bản Thung dù nhiều lần lãnh đạo nhà trường cho phép cô được chuyển ra điểm trường chính.
Có nhà cao của rộng ở xã Quang Hiến (huyện Lang Chánh), không chọn về dạy ở gần nhà mà quyết tâm ngủ nhà tranh vách đất, tắm suối, sống thiếu thốn về vật chất để dạy học, cô Hằng vẫn giữ cho mình bầu nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp bằng tinh thần của tuổi đôi mươi.
Sự cống hiến ấy đang ngày ngày đơm hoa kết trái. Lứa học trò đầu tiên ở Thung do cô giảng dạy giờ đây đã có em đang học đại học. Trái ngọt ấy càng tiếp thêm sức mạnh cho cô Hằng, xua tan mệt mỏi trong những lần băng rừng lội suối.
Sự cống hiến của cô Hằng còn như tiếp thêm sức mạnh cho lớp đồng nghiệp kế cận. Một lớp học mầm non với 16 học sinh cũng được thành lập tại bản Thung.
Cô giáo Tuyền, tuổi đôi mươi, bằng đúng cái tuổi ngày cô Hằng đang đảm nhiệm dạy học lớp mầm non tại bản Thung. Hành trình băng rừng khai trí của cô Hằng không còn đơn độc. Hai cô giáo, một già một trẻ lại hăm hở cùng nhau băng rừng đến với bản Thung vào mỗi chiều chủ nhật, để kịp lên lớp cho tuần mới vào sáng thứ hai. Họ âm thầm cùng nhau xua tan lớp mây mù thất học trung thung lũng bản Thung mà không màng đến giấy khen, huy chương, danh hiệu.
Mỗi lần thấy ai đó “hết hồn” chia sẻ trên Facebook, kiểu “Trời ơi kinh khủng quá, mặt mình mọc cái mụn cá rõ to” hay “hôm nay đi siêu thị mua hết mấy triệu tiền quần áo, giày dép mà về đến nhà thử lại dùng được có vài cái, còn lại vứt hết”… tôi lại nhớ đến những giáo viên cắm bản như cô Hằng, những người chịu cảnh sống thiệt thòi mà chẳng hề kêu ca. Những người chưa có cơ hội mỗi đêm được “ôm” máy tính bảng, điện thoại thông minh để “lướt web”, đọc báo điện tử…
Các cô, những người chưa từng nghĩ đến chuyện được xem phim ở rạp hay đơn giản chỉ là uống một cốc nước chanh mà có viên đá lạnh vào những lúc trời oi bức. Các cô, những giáo viên chẳng biết và cũng chẳng hề quan tâm đến “công nghệ” làm đẹp: Lột da mặt, tắm trắng toàn thân, đánh tan mỡ bụng… Các cô chẳng nghĩ gì lớn lao cho bản thân mình, chỉ chăm chăm nỗi lo thường trực “mong sao học sinh đừng bỏ học giữa chừng”.
Sự dấn thân cống hiến, hy sinh âm thầm của những giáo viên cắm bản đã góp phần lớn xua đi sự lạc hậu, cởi trói cái nghèo đói đang quấn chặt lấy đồng bào ở những vùng đặc biệt khó khăn.
Xin gửi tới các cô, những giáo viên cắm bản lời chúc chân thành dù hôm nay không phải là ngày 20-11. Mong các cô luôn giữ vững niềm tin, sự nhiệt huyết, dồi dào sức khỏe để tiếp tục cho sự nghiệp trồng người.