Cô giáo bất đắc dĩ
Dù đã ở cái tuổi 65, sức khỏe ngày một yếu dần và hàng tháng phải đến bệnh viện chữa trị nhưng ít ngày sau là cô lại về nhà để dạy học cho các em nhỏ trong xóm.
Cô giáo 40 năm dạy học miễn phí cho hàng trăm trẻ em nghèo
Được sự giới thiệu của chính quyền địa phương, chúng tôi tìm về ấp Ba Ngàn A, hỏi thăm cô Lê Thị Lệ Huyền thì từ trẻ nhỏ đến già ai cũng biết. Có lẽ rằng, mọi người biết đến cô không phải sự giàu có, sở trường gì đặc biệt mà trong lòng họ cô như một “bà tiên” với tấm lòng nhân hậu, thương người, nhất là trẻ em nghèo, mồ côi, cơ nhỡ.
Nói về cuộc đời mình, cô Huyền kể: “Học xong tú tài, tôi lên Cần Thơ học lớp điều dưỡng và năm 25 tuổi thì trở về địa phương (nay thuộc ấp Ba Ngàn A) tiếp nhận công tác dân số. Cuộc sống khó khăn nên mở thêm quán nước để buôn bán. Vì thế mà nhiều em nhỏ trong xóm đến hỏi bài toán, chính tả nên trong đầu tôi lé lên ý tưởng dạy học”.
Hiện đây là nơi cô Huyền dạy học cho gần 50 trẻ em trong CLB
Từ việc nhận thấy sự thiếu thốn của vùng quê nghèo, trẻ em thất học còn nhiều nên người phụ nữ này quyết tâm nâng cao nhận thức, xóa mù chữ dưới bóng cây, hành lang… dù không được hưởng một khoản tiền nào. Thế là, số lượng trẻ đến học ngày một nhiều nên cô Huyền quyết định mở lớp học tại nhà vào những năm 1975 để xóa mù chữ cho những đứa trẻ nghèo, không được đến trường hay học sinh ngồi nhầm lớp tại địa phương.
Đến lúc trường học được mở rộng, nhiều gia đình có điều kiện cho con ăn học nên cô Huyền lại một lần nữa đi trước bằng việc dạy những kiến thức thực tế thông qua tranh vẽ, kịch, thơ, bài hát, báo đài… để truyền đạt công việc cũng như giúp các em biết hơn về những gì đang diễn ra xung quanh.
40 năm dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo và lấy đó làm niềm vui và lẽ sống cho cuộc đời
Chia sẻ về cách truyền đạt này, cô Huyền nói: “Trường học được mở, điều kiện học tập của các em nhỏ cũng bớt khó khăn hơn. Chính vì thế tôi đã lồng ghép kiến thức từ công tác dân số, các sự kiện, tin tức trên tivi, báo đài, những sự kiện đặc biệt, các ngày lễ để tuyên truyền cho các em hiểu, rèn luyện chính tả cũng như tạo điều kiện để các em vui chơi sau những ngày học tập mệt mỏi”.
Dù các em có độ tuổi khác nhau, thế nhưng vẫn được cô Huyền xây dựng kế hoạch hợp lý để quá trình học tập của các em không bị gián đoạn. Bài học đầu tiên của các em sẽ là học chữ, rèn luyện chữ viết, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống sốt xuất huyết, rèn luyện lỗi chính tả thông qua việc vẽ những hình ảnh về con muỗi, lu, cá lia thia, cán bộ phun diệt muỗi, kết hợp với diễn kịch, đọc thơ, viết báo gắn với các nhân vật, sự kiện như ngày thương binh liệt sỹ, nhà giáo Việt Nam, Tết Trung thu, biển đảo…
Sẽ mãi gieo hạt giống tình thương
Lặng lẽ “đưa đò” chỉ vì niềm yêu trẻ nhỏ, muốn thay đổi cuộc sống của người dân nghèo. Nào ngờ phía sau cuộc đời cô lại là một chuỗi ngày đau thương khi chồng bội ước, đứa con trai út mắc phải di chứng chất độc màu da cam.
Khóc hết nước mắt vì con và tưởng chừng cô dừng bước khi cuộc đời lắm đắng cay. Thế nhưng, từ tình thương con và các trẻ vô bờ đã giúp cô lấy lại niềm tin thực hiện những điều có ích, ý nghĩa hơn là đứng ra thành lập Câu lạc bộ (CLB) Thiếu nhi Ba Ngàn A.
Nhằm giúp các em học sinh tiến bộ cô Huyền lồng ghép thơ, kịch, tranh vẽ…vào việc chỉ dạy, nhằm tạo nên môi trường sống động
Trước tấm lòng cao cả của cô Huyền, năm 2007, nhiều bạn sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM tặng 30 triệu đồng xây dựng một ngôi nhà mới để CLB hoạt động có điều kiện hơn trong hoạt động và học tập.
Được biết, đến nay, dù số tiền được chính quyền địa phương hỗ trợ chỉ 250.000 đồng/tháng cho việc tham gia công tác dân số nhưng cô Huyền vẫn duy trì hoạt động dạy học, sinh hoạt cho các em trong CLB. Ngoài ra, để động viên các em thì cô còn lấy số tiền tích góp trong lao động, sản xuất để mua tập, viết, quần áo, bánh kẹo tặng cho các em khó khăn, học giỏi.
Lấy hết tiền có được cô Huyền giúp đỡ cho những em học sinh nghèo, khó khăn, cơ nhỡ
Hình ảnh người phụ nữ có gương mặt phúc hậu, ánh mắt trìu mến, với nụ cười thân thương, đi đến từng gia đình nghèo hỏi thăm, chia sẻ những kinh nghiệm sống, dìu dắt những đứa trẻ khó khăn đã trở nên quen thuộc đối với người dân tại ấp Ba Ngàn A.
Bà Huỳnh Thị Minh, một người dân trong ấp tự hào nói: “Cháu Mai nhà tôi học giỏi lắm, năm nào cũng có giấy khen, nhưng đến lớp 3 do gia đình túng thiếu quá đành cho cháu nghỉ học. Trong lúc đó, cô Huyền đứng ra cứu vớt, giúp đỡ mà con bé được đến lớp như bây giờ”.
Thu thập thông tin từ báo đài, sự kiện quan trọng để tuyên truyền cho các thành viên trong CLB
Dẫu biết rằng công việc cũng lắm nhọc nhằn, cuộc sống đầy khó khăn, nhưng người mẹ, người cô này vẫn ngày ngày dành cái tâm của mình để giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh: “Cái quý giá nhất mà con người có được là tình thương. Vì thế, hãy gieo hạt giống tình thương đó lên vai các đứa trẻ, các em sẽ làm cho những hạt giống ấy nảy mầm và phát triển”, cô Huyền nói.
Tuổi đã cao, mắc nhiều chứng bệnh, thế nhưng người phụ nữ vẫn đến CLB truyền đạt kiến thức
Để đáp lại cho những hành động đẹp, đáng trân trọng trong công tác tại địa phương cũng như chăm lo, hướng dẫn cho hàng trăm trẻ em nghèo, địa phương và các cấp đã dành tặng cô Lê Thị Lệ Huyền 39 bằng khen, giấy khen, huy chương.
Hiện thành viên CLB Thiếu nhi do cô Huyền làm chủ hiệm có gần 50 em học sinh
Ông Lê Hoàng Nam, Bí thư Xã đoàn Đại Thành nhận xét: “CLB được thành lập, hàng chục em học sinh nghèo, khó khăn, mồ côi, cơ nhỡ ở ấp Ba Ngàn và Ba Ngàn A được hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn học tập.
Tất cả kinh phí hoạt động của CLB đều do cô Huyền tự bỏ tiền túi ra duy trì hoạt động cũng như mua tập sách, giấy vẽ, bút, bánh kẹo để làm quà cho các em học giỏi, học tốt. CLB là điểm tựa để các em vươn lên, từ khi CLB hình thành trẻ em trong ấp ngoan hơn, không có trường hợp bỏ học nửa chừng. Cô đúng là một tấm gương sáng ngời để mọi người noi theo”.