Nghị lực của anh chàng dị tật, 36 năm…đi bằng tay

Thứ Năm, 19/11/2015 05:20  | Nguyên Thi

|

(CAO) Sau một trận sốt, đôi chân đang lành lặn của Hùng bỗng teo tóp lại, không thể cử động được nữa. Tương lại phía trước tưởng như đóng sập lại với bản thân, nhưng bằng nghị lực phi thường của mình, anh chàng dị tật chân ấy đã làm nên điều kì diệu ở cuộc sống với ngôi nhà nhỏ có tiếng trẻ thơ và một công việc ổn định do chính tay anh làm.

Đó là anh Cao Cự Hùng (SN 1979) trú ở xóm 9 thôn Đông Thọ, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu (Nghệ An).

Vượt lên số phận

Anh Hùng có dáng người nhỏ, đôi chân co quắp, nhưng đôi tay rắn chắc, với thao tác nhanh nhẹn trong công việc cũng như di chuyển.Khuôn mặt anh luôn nở nụ cười hiền hậu.

Rót chén trà đã pha sẵn mời khách, hít hơi thuốc thật dài, anh kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện của cuộc đời mình với những khó khăn, thử thách vô vàn nhưng ngược lại đời anh cũng gặp được nhiều người tốt  sẵn sàng giúp đỡ để anh có được công việc hôm nay.

Anh Hùng sinh ra trong một gia đình có 5 chị em, anh là con thứ 4 và là con trai độc nhất trong nhà, vì vậy mà tình thương của cha mẹ giành cho anh nhiều hơn bao giờ hết.

Lên 3 tuổi, anh bị sốt biến chứng dẫn tới bại liệt đôi chân, gia đình hốt hoảng đưa anh đi chạy chữa khắp nơi, nhưng không mang lại kết quả gì, đôi chân anh không còn bình thường như trước nữa mà giờ co cứng lại không thể cử động được.

Đến tuổi cắp sách tới trường, thấy bạn bè cùng trang lứa tíu tít tới lớp, Hùng cũng nằng nặc đòi bố mẹ cho đi học. Không đành lòng để con mù chữ, mẹ Hùng năm này qua năm khác đưa anh tới trường. Thấy mẹ vất vả và không cam chịu số phận, lên 8 tuổi Hùng bắt đầu tập đi bằng hai tay. 

Dù đôi chân không lành lặn nhưng anh Hùng vẫn vươn lên, không đầu hàng số phận - Ảnh: Nguyên Thi

“ Lúc tập đi anh bắt đầu tập cho đôi chân duỗi ra co lại dễ dàng, anh tập bằng cách lấy hai hòn đá nặng cột vào hai chân, tay di chuyển người để kéo lên đôi chân đi theo. Những ngày đầu, việc tập luyện rất khó khăn, người đau nhức, anh thường xuyên bị ngã, mặt mày nhợt nhạt, hai bàn tay sưng phù, chảy máu nhưng anh không bỏ cuộc. Cứ vậy kiên trì tập từ 3g sáng tới 10g anh mới nghỉ. Phải mất hơn hai năm khổ luyện mới có thể đi lại thành thạo với tư thế ngồi xổm như bây giờ” – anh Hùng nhớ lại

Học xong lớp 9, anh ý thức được bản thân mình không lành lặn nên không thể làm được việc nặng như người bình thường khác, phải kiếm cái nghề để nuôi sống bản thân mình sau này. Nhất là sau khi bố anh qua đời, khiến anh phải suy nghĩ trăn trở nhiều hơn. Thế rồi tỉnh cờ xem chương trình trên ti vi, anh biết được ở Sài Gòn có trung tâm dạy nghề sửa chữa xe máy cho người khuyết tật, ý tưởng học nghề sửa xe nảy ra từ đó.

Thấy Hùng tàn tật, lại chưa đi ra khỏi làng bao giờ nên gia đình, anh em họ hàng ai cũng ngăn cản nhưng anh vẫn quyết tâm lên đường. Hành trang Hùng mang theo lúc ấy chỉ là 85 nghìn đồng, 2 quả trứng gà luộc và 2 chiếc bánh chưng.

Nơi Hùng tìm đến học nghề là Trung tâm dạy nghề cho người tàn tật ở số 215, đường Võ Thị Sáu (TP. Hồ Chí Minh). Vào đến nơi, Hùng mới vỡ lẽ vì trung tâm chỉ nhận học nghề, chứ không nuôi ăn ở. Tiền mang theo trong người đã cạn và trong ngày đó, Hùng lê đôi chân của mình đi khắp các phố phường để tìm việc. 

Anh Hùng đang sửa xe cho khách - Ảnh: Nguyên Thi

Sau khi hỏi nhiều nơi chỉ nhận được cái lắc đầu vì cơ thể anh không lành lặn, cuối cùng Hùng được nhận vào làm ở một xưởng mộc cách nơi học nghề 6 km với mức lương 450 nghìn đồng/tháng. Tuy vậy, Hùng cho biết phải làm việc một năm anh mới được nhận lương một lần. Không một đồng dính túi, không chỗ ăn ở, Hùng đành tạm gác việc học nghề để mưu sinh, bám trụ trên mảnh đất này.

Dù trải qua làm nhiều việc khác nhau như sửa đồng hồ, thêu vi tính, làm xưởng mộc…có lần anh đã mang nghề sửa đồng hồ về quê mở tiệm nhưng rồi công việc bấp bệnh khách thưa dần khiến anh không trụ nổi. Người đàn ông ấy lại tất tả quay lại Sài Gòn với quyết tâm học bằng được nghề sửa xe máy.

Tình yêu như chuyện cổ tích

Năm 2007, trong lúc đi tìm phòng trọ để ở tiện cho việc học thì anh gặp người con gái Lê Thị Ngát, nhỏ hơn anh 3 tuổi quê Hà Nam vào Sài Gòn chơi ở nhà người thân. Từ phút ban đầu gặp gỡ tình cờ ấy, rồi như duyên trời đã định sẵn, nơi anh Hùng thuê trọ cũng nằm sát nhà nơi chị Ngát vào ở. Thế là cơ hội gặp gỡ trò chuyện được nhiều hơn. Hai người trao đổi số điện thoại cho nhau để liên lạc.

Tuy Hùng không lành lặn nhưng những lúc ở bên anh, Ngát cảm nhận được ở anh sự chân thành, biết chăm lo cho gia đình nên sau mấy tháng qua lại, chị đã nhận lời yêu của chàng trai tật nguyền.

Khi biết con gái mình yêu và muốn lấy một người con trai tật nguyền làm chồng, gia đình chị Ngát phản đối kịch liệt. Ngày về ra mắt nhà người yêu, dù đã cố gắng thuyết phục nhưng Hùng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Thậm chí, bố mẹ Ngát còn nói dứt khoát sẽ từ con nếu như cô cưới Hùng. 

Hai vợ chồng anh Hùng - Ảnh: Nguyên Thi

Từ giã người yêu, Hùng lại lên đường vào Nam và trước lúc rời xa, anh động viên Ngát hãy cố gắng chờ đợi mình. Sống cảnh "kẻ Nam, người Bắc", Hùng và Ngát vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại.

Rồi lần 2 trở ra nhà người yêu để thuyết phục gia đình chị Ngát, thấy được sự chân thành của chàng rể cũng như không thể cấm đoán được con gái đã phải lòng người yêu, gia đình chị Ngát đã đồng ý.

“Lần đầu tiên khi về nhà Ngát để thưa chuyện, dù biết gia đình cô ấy chắc chắn sẽ phản đối nhưng tôi không nản lòng bỏ cuộc, vì tôi đã yêu cô ấy mất rồi. Không hiểu sao lúc đó mình mạnh bạo đến vậy” – Anh Hùng nhớ lại

Tháng 3-2009, đám cưới của "đôi đũa lệch" Hùng Ngát được tổ chức trong niềm vui của hai gia đình và làng xóm, ai ai cũng chúc phúc cho đôi vợ chồng.

Cưới nhau xong, hai vợ chồng lại dắt nhau vào Sài Gòn mưu sinh, vợ làm công nhân, chồng bán vé số, và học thêm nghề sửa xe máy cho cứng tay nghề. Hơn một năm bám trụ ở thành phố này, Hùng đưa vợ về quê sinh đứa con đầu lòng.

Khi đã thành thục tay nghề và có ít vốn, Hùng về quê thuê ki ốt mở tiệm sửa chữa xe máy. Tháng 12-2013, tiệm sửa chữa xe máy Hùng Ngát chính thức được khai trương. Dù mới được gần 2 năm và dần đi vào ổn định, nhưng tiệm sửa xe của anh luôn có uy tín với khách hàng mà giá cả lại rẻ hơn. Ở tiệm của anh còn nhận đào tạo nghề cho 4 người là con em ở địa phương.

Niềm hạnh phúc của vợ chồng anh là con trai Cao Cự Hiệp, SN 2010 sinh ra khỏ mạnh bình thường giờ đang học lớp mẫu giáo lớn. Đối với anh có được người vợ hiền hậu, thật thà và đứa con ngoan đang lớn lên từng ngày đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến mà anh có được.

Bình luận (0)

Lên đầu trang