Tại số nhà 79/9/1 đường Nguyễn Tri Phương, phường Lộc Tiến, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, hình ảnh hai vợ chồng ông Hoàng Văn Nam ( 56 tuổi) và bà Bùi Thị Kim ( 52 tuổi) đang cần mẫn chăm sóc cho những mảnh đời bất hạnh là người già neo đơn, bị bệnh hiểm nghèo... khiến ai biết đến đều xúc động.
“ Bén duyên” với những mảnh đời bất hạnh
Năm 2005, trong một lần đi thăm người thân bị bệnh tại bệnh viện Bảo Lộc, ông Hoàng Văn Nam tình cờ được nghe mọi người kể về hoàn cảnh của một người đàn ông bị nhiễm AIDS đang nằm điều trị tại bệnh viện, không người thân chăm sóc.
Ông Nam cho biết : “Khi nghe mọi người nhắc đến người đàn ông bị nhiễm AIDS giai đoạn cuối đang nằm điều trị, không ai chăm sóc tôi cảm thấy rất thương anh nên tìm đến hỏi thăm.
Lúc này, anh đau đớn, hơi thở yếu ớt, không có mền đắp, thỉnh thoảng lại co giật vì cơn đau bệnh. Thấy thương anh, tôi đã lại gần mặc áo, quần rồi đắp chăn cho anh”.
Cũng từ đó, hàng ngày ông Nam và vợ lại tranh thủ thời gian sau những giờ làm việc, đều đặn đến chăm sóc, hỏi thăm và động viên người đàn ông bất hạnh.
Đến khi bệnh viện trả về, người đàn ông bị nhiễm AIDS được bác sĩ hỏi về người thân, lúc này anh nhắc đến ông Nam và xin về ở với ông. “ Được vị bác sĩ kể lại, tôi xúc động khi biết, người đàn ông kêu mình là bố.
Ông Nam chăm sóc cho một bệnh nhân AIDS tại nhà
Dẫu biết, gia đình khó khăn nếu đem anh về nhà chăm sóc nuôi dưỡng thì sẽ là gánh nặng, nhưng khi nghĩ đến một con người sắp chết, không ai chăm lo tôi tự nhủ bản thân phải làm một điều gì đó nên đã đem anh về nhà”.- ông Nam chia sẻ.
Khi biết hai vợ chồng ông Nam và bà Kim đem một người bị nhiễm AIDS về nhà chăm sóc, nhiều người đã vô cảm nói hai ông bà…bị điên và xa lánh.
Mặc dù bị hàng xóm dị nghị nhưng ông Nam và vợ vẫn âm thầm chăm sóc, từ việc bón từng chén cơm, thìa cháo cho đến tắm rửa... mà chưa một lần than vãn. Đến khi người đàn ông xấu số chết đi, hai vợ chồng ông Nam đã chôn cất đàng hoàng.
Giàu lòng nhân ái
Từ một người đàn ông xấu số, đến nay ông Hoàng Văn Nam và bà Bùi Thị Kim đã cưu mang 11 người kém may mắn.
Điều đặc biệt, họ là cụ già neo đơn, bị tật không nơi nương tựa, người tâm thần và bị bệnh hiểm nghèo.
Hiện nay, trong căn nhà ông Nam chỉ còn lại năm người còn sống. Hàng ngày, hai vợ chồng ông Nam vẫn đều đặn chăm lo từ cái ăn đến cái mặc cho họ.
Dẫn chúng tôi đến thăm cụ Nguyễn Thị Thìn ( 91 tuổi), ông Nam lòng nặng trĩu, đôi mắt đỏ hoe: “tôi thương cụ lắm! bây giờ cụ không còn minh mẫn như trước. Tuổi già sức đã yếu lại thêm đau ốm bệnh tật, mỗi lần trái gió trở trời bà lại đau nhức khắp người”.
Được biết, cụ Thìn sống neo đơn không nơi nương tựa, trước đây do tai nạn lao động cụ bị gãy cánh tay và gãy xương đùi phải vì bị té trong lúc đi dạo.
Thấy cụ một mình không ai chăm sóc, ông Nam đã đưa về nhà mình nuôi dưỡng và xem như mẹ ruột của mình.
Hai vợ chồng ông Nam chăm sóc cho bà Thìn
Còn ông Nguyễn Đình Nhân ( khoảng 55 tuổi), đi lang thang từ nhỏ, được một người tốt bụng nhận về nuôi trong suốt 20 năm. Thế nhưng, trong lúc đi làm vườn thì ông Nhân đột nhiên ngã bất tỉnh, khi lên bệnh viện các bác sỹ báo ông bị tai biến.
Cũng từ đó, ông Nhân không thể tự chăm sóc cho bản thân. Khi người phụ nữ cưu mang ông qua đời, ông phải sống nhờ gia đình con gái của ân nhân. Ông Nam cho biết : “ Có một người con gái đến xin tôi giúp đỡ. Cô nói, nhà đang nuôi một người đàn ông bị bại não, do gia đình khó khăn, chồng cô bắt cô phải tìm cách đưa ông ra khỏi nhà.
Vì thương ông, cũng không muốn làm khó chồng sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình cô đã xin tôi chăm sóc cho ông Nhân”.
Hai vợ chồng ông Nam chăm sóc cho ông Nhân
Thấy thương ông và đồng cảm với cô gái, ông Nam đã đồng ý và đưa ông về nuôi dưỡng coi như thành viên gia đình. Ngoài cụ Thìn, ông Nhân, ông Lã Tất Côn ( 82 tuổi) và hai người khác cũng có số phận bất hạnh đang được ông Nam cưu mang.
Mặc dù có tám người con, cuộc sống khó khăn phải lo cho con từ cái ăn, cái mặc đến tiền ăn học là một điều khó khăn. Thế nhưng, suốt 11 năm trôi qua ông Nam và bà Kim vẫn không ngần ngại cưu mang những người kém may mắn.
Để có số tiền trang trải cuộc sống, hai ông bà đã làm đủ mọi công việc. Bà Kim chia sẻ : “ Để có tiền chăm lo các con cùng những người bất hạnh hai vợ chồng tôi đã làm việc không mệt mỏi, từ làm thuê, làm mướn đến trồng trọt, chăn nuôi miễn sao có tiền lo cho gia đình là được.
Dù vất vả nhưng đổi lấy là niềm vui khi nhìn thấy các con từng ngày trưởng thành, thấy được nụ cười của những số phận kém may mắn được mình chăm sóc”.
Giờ đây, khi đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy lẽ ra ông Nam và bà Kim phải sống an nhàn hưởng thụ, nhận sự chăm sóc từ các con. Thế nhưng, hàng ngày hai vợ chồng ông vẫn chịu khó trồng cây khổ qua rừng, lấy quả đem sấy khô bán kiếm tiền trang trải.
Điều đặc biệt, hàng ngày họ vẫn tận tâm chăm lo cho những mảnh đời ấy từng miếng ăn, giấc ngủ.
Không lấy làm bất ngờ khi chúng tôi hỏi về vợ chồng ông Nam, Bà Nguyễn Thị Mỵ( 57 tuổi) ở phường 8, Thành phố Bảo Lộc trần tình: “Vợ chồng ông bà Nam làm công việc này hơn 10 năm rồi, tiếng lành đồn xa nên những người ở tận đâu đâu cũng đến để nhờ ông bà ấy nuôi. Toàn những người già neo đơn, bệnh tật nên bà con chúng tôi hết sức trân quý, biết là thương đấy nhưng có mấy ai làm được như vợ chồng ông bà Nam,...”.
Với tấm lòng cao thượng và trái tim nhân hậu của vợ chồng ông Nam bà Kim, nhiều người rất kính trọng và coi đó là một tấm gương sáng để noi theo.