Đây là nông hộ nuôi hươu sao lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại của tỉnh Lâm Đồng.
Anh Lê Xuân Sinh cạnh trang trại nuôi hươu sao lấy nhung của mình
Vươn lên từ nghèo khó
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hà Tây, năm 1984 anh Lê Xuân Sinh cùng gia đình rời quê đến vùng đất mới xã Tân Hà, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) lập nghiệp.
Hồi tưởng lại những ngày đầu đến vùng đất Lâm Hà, anh Sinh cho biết: “Cách đây hàng chục năm, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, bố mẹ lạm lụng vất vả cả ngày cũng không dư giả. Từ việc cơm ăn, áo mặc đến chuyện học hành cho tôi khiến họ phải trằn trọc suốt đêm để tìm hướng thoát nghèo.
Nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng bố mẹ cũng tìm đến cây cà phê, các loại cây hoa màu ngắn ngày và chăn nuôi heo, gà… để làm kinh tế tăng thu nhập. Nhờ đó, sau vài năm sinh sống ở vùng đất khách, gia đình tôi tích lũy được một số vốn liếng, mở rộng từng phần diện tích đất trồng trọt, chuồng trại chăn nuôi để ổn định cuộc sống lâu dài”.
Đàn hươu của anh Sinh
Trải qua cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn, từ nhỏ đã phải chứng kiến cảnh bố mẹ vất vả kiếm tiền nuôi con ăn học, anh Lê Xuân Sinh tự nhủ phải nổ lực học thật giỏi để mai này có một công việc ổn định có thể giúp đỡ gia đình.
Năm 2000, anh Lê Xuân Sinh thi đổ vào trường đại học Đà Lạt. Anh Sinh chia sẻ: “Ngày đó khi thi đỗ vào trường đại học Đà Lạt ngành sư phạm, tôi nhập học mà trong lòng vừa mừng vừa lo. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ chỉ có thể cố gắng chu cấp cho tôi năm học đầu tiên. Nghĩ đến tiền ăn, tiền học phí năm hai, năm ba… tôi định bỏ học giữa chừng. Thế nhưng, khi nghĩ bố mẹ đã vất vả nuôi cho ăn học từ nhỏ, nay phải từ bỏ tôi cảm thấy rất xấu hổ nên quyết tâm kiếm việc làm thêm, vừa học vừa làm”.
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp ra trường, nhận tấm bằng trong tay, anh Lê Xuân Sinh vào dạy học ở Trường Phổ thông cơ sở xã Tân Hà, huyện Lâm Hà.
Từ thầy giáo chuyển sang... nghề chăn nuôi
Anh Sinh vui vẻ cho biết: “Là thầy giáo, mặc dù có thu nhập tương đối ổn định, nhưng cuộc sống gia đình tôi vẫn không khá giả lên được. Tôi nghĩ mình cần tìm hướng đi mới, đầu tư làm một việc gì đó để hỗ trợ và phát triển kinh tế gia đình.
Sau nhiều năm suy nghĩ, tôi nhận thấy mô hình nuôi hươu sao lấy nhung đem lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư không nhiều, việc chăn nuôi hươu có thể tận dụng được nguồn thức ăn từ nông sản của gia đình vừa dễ chăm sóc, ít dịch bệnh so với các loại vật nuôi khác.
Bên cạnh đó, nhung hươu bán rất chạy trên thị trường và có giá trị kinh tế cao nên quyết định học nghề rồi mua con giống về nuôi thử nghiệm.
Sau 30 ngày học nghề, tôi đã tự trang bị đủ vốn kiến thức về cách làm chuồng trại, chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho hươu sao”.
Mô hình nuôi hươu sao lấy nhung đem lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư không nhiều
Ban đầu anh Sinh tính mua một cặp hươu về nuôi thử nghiệm trước. Nhưng qua tìm hiểu, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư nuôi hàng chục con và đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhanh chóng.
Nghĩ là làm, anh Lê Xuân Sinh thế chấp toàn bộ đất đai mà gia đình đã tạo dựng hơn chục năm qua cho ngân hàng, đồng thời vay mượn thêm của họ hàng, bà con hàng xóm với số tiền hơn 360 triệu đồng.
“Có tiền trong tay, tôi lập trang trại và chọn mua 11 con hươu đực và 9 con hươu cái từ miền Trung làm giống nuôi. Thế nhưng trong quá trình vận chuyển trên xe, đàn hươu của tôi đã giẫm đạp lên nhau khiến 1 con chết buộc tôi phải xẻ thịt bán để lấy lại một phần tiền vốn”, anh Sinh cho biết thêm.
Thu tiền tỷ mỗi năm
Lúc đầu, khi nuôi hươu sao, anh gặp rất nhiều khó khăn, nhiều con bị bệnh, xuống cân do không phù hợp với chuồng trại mới, khí hậu. Cũng may, sẵn có kinh nghiệm học được, anh Sinh liền thay đổi thức ăn bằng hỗn hợp những loại lá cây như lá xoong, lá cúc quỳ, lá ổi, lá mít… cho chúng ăn. Chỉ trong 3 ngày, đàn hươu sao của anh trở lại bình thường.
Sau hơn một năm chăm sóc, những con hươu đực đã cho lộc nhung với số lượng đủ thanh toán hết khoản tiền vay mượn.
Nhung hươu có giá trị kinh tế cao
Thấy rõ được lợi nhuận nên anh tiếp tục nhân rộng đàn hươu sao lên 30 con rồi 40 con. Và bước đột phá chỉ bắt đầu khi vào năm 2012, anh chính thức mở trang trại đầu tiên ở Thị Trấn Nam Ban huyện Lâm Hà. Cũng từ đó, thương hiệu lộc nhung “Trường Sinh Gia Bảo” đã được nhiều khách hàng từ Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, thành phố Đà Lạt… tìm đến và đặt mua nhung hươu trước từ 2 - 3 tháng.
Ngoài việc nuôi hươu sao đực, anh Sinh còn nuôi thêm hươu cái để sinh sản, nhân đàn. Mỗi năm, hươu sinh sản một lần, hươu cái giống chừng từ 4-6 tháng tuổi có giá khoảng 7 triệu đồng/con, hươu đực 12 triệu đồng/con.
Anh Sinh cho biết: “Từ số tiền bán nhung hươu và con giống, năm 2013 lãi suất tôi thu được khoảng 500 triệu đồng, năm 2014 là 800 triệu đồng và dự tính trong năm nay con số đặt trên một tỷ đồng. Cũng nhờ nuôi hươu sao mà gia đình tôi đã nhanh chống thoát nghèo, vươn lên làm giàu một cách nhanh chóng”.
Hiện nay anh Lê Xuân Sinh đang là ông chủ có trong tay 19 trang trại nuôi hươu sao lấy nhung và con giống ở các huyện Lâm Hà, Đơn Dương, Đà Lạt (Trại Mát). Với việc chăm nuôi thành công hươu sao lấy nhung từ anh Sinh, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh cũng đang phát triển trang trại nuôi hươu sao để làm kinh tế.